Suy nghĩ lại về ly hôn
Ai cũng thích nói về những đám cưới – đặc biệt là chỗ ngồi bàn tiệc và những bài phát biểu. Nhưng hiếm ai dám đề cập đến ly hôn.
Ai cũng thích nói về những đám cưới – đặc biệt là chỗ ngồi bàn tiệc và những bài phát biểu. Nhưng hiếm ai dám đề cập đến ly hôn. Giống như cái chết, ly hôn là thứ diễn ra ở một góc xa xôi, khuất khỏi sân khấu chính của cuộc đời, một sự kiện mà ta chẳng mấy muốn nhắc đến vì nó gợi lên nỗi sợ và là lời nhắc nhở không mấy dễ chịu về những gì ta luôn cố gắng né tránh: sự đổ vỡ, sự bất toàn của chính mình.
Những người trải qua ly hôn thường phải mang một gánh nặng kép: không chỉ là nỗi đau của sự kiện ấy, mà còn là cảm giác xấu hổ mà xã hội vô tình áp đặt lên ý nghĩa của nó. Khi ai đó thông báo về việc ly hôn, điều họ nhận lại thường là một khoảng lặng đầy gượng gạo, những lời chia buồn lầm bầm như thể họ vừa báo tin tang sự: “Tôi rất tiếc…” Bởi vì trong thế giới hiện đại, tình yêu là lẽ sống tối thượng, vậy thì còn gì để nói với những người, có khi là với hai đứa con nhỏ và một khoản thế chấp chung, đã không còn con đường nào khác ngoài việc phá vỡ lời thề của mình?
Thế nhưng, với những ai từng chứng kiến ly hôn từ góc nhìn gần gũi nhất, họ sẽ nhận ra rằng ly hôn không chỉ là một sự kiện khủng khiếp, mà còn – ở một vài khoảnh khắc – là sự sáng tạo, là lý tưởng, là sự tái sinh, là cơn chấn động đầy suy tư, và có khi, là điều cuốn hút đến mê hoặc. So với nó, hầu như bất kỳ kịch tính nào khác trong đời cũng đều trở nên nhạt nhòa. Nhiều năm sau, ly hôn vẫn sẽ là vết hằn sâu nhất, là điểm ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của bất kỳ ai đã từng trải qua.
Không có câu chuyện ly hôn nào, nếu được kể một cách đúng mực, lại có thể trở nên nhàm chán hay vô vị. Chính trong những khoảnh khắc ấy, ta có cơ hội nhìn thấy con người trọn vẹn nhất – trong tất cả sự phức tạp, giằng xé, lầm lỡ và cũng đầy vẻ đẹp của họ.
Nguồn: RETHINKING DIVORCE - The School Of Life
Photo by Etienne Boulanger on Unsplash