Ta có thể trở nên khôn ngoan hơn trong việc chọn người gửi gắm tình yêu

Tình yêu không hoàn toàn là điều phi lý — có một mặt nào đó, nó cũng được dựng nên từ lý trí. Điều đó có nghĩa là, ta có thể học để yêu tốt hơn.
Mỗi người đều sống một lịch sử tình yêu rất riêng. Lịch sử ấy có thể là những rung động đầu đời ở tuổi học trò, những mối tình thời trung học, vài lần say nắng trong ký túc xá, những khoảnh khắc ngọt ngào, những cuộc chia tay cay đắng, những buổi hẹn hò không thể nào quên — hoặc ước gì có thể quên, những người yêu đáng tin cậy, kẻ tệ bạc không đáng tin, những lần liều mình trao trọn niềm tin, cuộc hôn nhân nhạt nhòa, nỗi đau bị phản bội, và cả những mối tình kéo dài đến tuổi xế chiều... Không có hai hành trình nào giống nhau, nhưng ta vẫn có thể hy vọng rằng: qua năm tháng, mỗi người sẽ dần hiểu mình cần gì trong tình yêu, và điều gì không còn phù hợp nữa. Lý tưởng nhất là khi ta bắt đầu suy ngẫm vì sao ta từng yêu người này mà không phải người khác — chính sự chiêm nghiệm ấy sẽ dẫn ta đến một tình yêu sâu sắc và đáng giá hơn. Một tình yêu có trí tuệ.
Nghe có vẻ lạ khi nói rằng tình yêu cần “lý do”. Bởi điều đó ngụ ý rằng yêu là một sự lựa chọn chủ động. Nhưng tình yêu đâu phải công tắc, muốn bật là bật, muốn tắt là tắt. Nó là một cảm xúc mãnh liệt, có thể cuốn phăng ta đi, khiến ta đánh mất kiểm soát. Thế nên khi ai đó nói rằng “có lý do để yêu một người”, điều ấy thoạt nghe thật vô lý. Vì tình yêu đến và đi như thể chẳng màng gì đến kế hoạch hay mong muốn của ta.
Tuy nhiên, dù cảm xúc trong tình yêu có mạnh mẽ đến đâu, ta vẫn nên xem nó như một hiện tượng có lý trí. Để hiểu vì sao, hãy thử nghĩ về cảm giác bị thu hút. Khi tình yêu chớm nở, nó không đến một cách ngẫu nhiên. Nó luôn nhắm vào một người cụ thể, với những phẩm chất cụ thể. Đôi khi, những phẩm chất ấy dễ diễn đạt: sự tử tế, thông minh, vẻ quyến rũ riêng, óc hài hước hay chỉ đơn giản là ngoại hình ưa nhìn. Có lúc, ta không thể gọi tên. Nhưng nhìn chung, ta vẫn có thể nói lên điều gì ở một người khiến ta rung động.
Vậy điều gì ẩn sau sự “hấp dẫn” đó? Trong cuốn On Love xuất bản năm 1822, tiểu thuyết gia kiêm triết gia người Pháp Stendhal từng mô tả cái mà ta gọi là “sức hút” hay “vẻ đẹp” chính là “lời hứa về hạnh phúc”. Theo Stendhal, khi ta yêu một ai đó, là khi ta cảm thấy nơi họ có ẩn chứa viễn cảnh về một hạnh phúc vô định, chưa rõ ràng nhưng có thật. Ta tưởng tượng ra một tương lai hạnh phúc bên người ấy, vì những phẩm chất đặc biệt của họ như đang thì thầm về điều đó. Câu hỏi đặt ra là: việc tưởng tượng và theo đuổi viễn cảnh ấy — liệu có phải là một hành động mang tính lý trí?
Amsterdam, 1958. Photo by Leonard Freed/Magnum
Tình yêu được tạo ra khi ta đặt niềm tin vào người sẽ giữ gìn hạnh phúc của chính mình
Điều khiến mô tả của Stendhal trở nên sâu sắc, là vì ông không chỉ xem tình yêu như một cảm giác bị thu hút. Ông gọi đó là một lời hứa. Để thấy hết ý nghĩa của điều này, ta hãy nghĩ về bản chất của một lời hứa. Hãy tưởng tượng ai đó hứa với bạn rằng họ sẽ trả lại cuốn sách bạn đã cho mượn. Khi họ thốt ra lời hứa ấy, họ tự tạo cho mình một nghĩa vụ. Nhưng bạn không hoàn toàn bị động trong mối quan hệ đó. Khi người bạn nói: “Tớ hứa sẽ trả sách”, thì điều khiến câu nói ấy trở thành lời hứa – là bởi bạn đã chọn tin vào lời họ nói. Bạn hoàn toàn có thể bảo: “Cứ giữ luôn cũng được”, nếu bạn muốn. Lời hứa chỉ thực sự tồn tại khi bạn đón nhận nó. Nghĩa vụ ấy chỉ được thiết lập khi bạn chấp nhận. Điều đó có nghĩa: bạn không chỉ là người nhận, mà là người làm chủ việc nhận hay không.
Tương tự như thế, tình yêu là khi ta đặt hạnh phúc tương lai của mình vào tay một người khác. Sự hấp dẫn đơn thuần thì không đến mức ấy – bạn có thể thấy ai đó hài hước, dễ mến, tốt bụng, nhưng vẫn chưa gọi là yêu. Chỉ khi những phẩm chất đó khiến bạn nghĩ rằng: “Mình muốn tin vào một tương lai hạnh phúc bên người này”, thì lúc đó, bạn mới đang trao một phần tương lai của mình cho họ — như thể bạn chấp nhận một lời hứa.
Vì lời hứa chỉ hình thành khi ta đặt niềm tin vào người kia, và nếu tình yêu là lời hứa về hạnh phúc, thì tình yêu chính là sự lựa chọn tin tưởng: ta tin rằng người ấy sẽ nâng niu và gìn giữ hạnh phúc của chính mình.
Tất nhiên, khi Stendhal ví tình yêu như một lời hứa, ông không có ý nói rằng người bạn yêu phải thực sự nói ra câu: "Tôi hứa sẽ làm bạn hạnh phúc mãi mãi." Trên thực tế, dù những lời thề nguyền trong lễ cưới có thể vang vọng khắp thế gian, ta vẫn nên hoài nghi việc tình yêu có thể được “hứa” theo cách đó. Triết gia Friedrich Nietzsche từng nói rất rõ ràng: “Kẻ nào hứa sẽ yêu mãi mãi, hận mãi mãi hay trung thành mãi mãi với một ai đó – đều đang hứa những điều vượt ngoài khả năng của mình.” Ý của Nietzsche là: tuy ta có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng tình yêu sẽ kéo dài, nhưng ta không thể hứa điều đó, bởi vì ta chỉ có thể hứa những hành động nằm trong tầm kiểm soát, còn tình yêu thì không phải như vậy.
Nietzsche nói thêm:
“Chừng nào ta còn yêu em, ta sẽ trao cho em những hành động xuất phát từ tình yêu. Khi tình yêu ấy không còn nữa, em vẫn sẽ nhận được những hành động giống như vậy từ ta – chỉ là vì những lý do khác. Thế nên, trong tâm trí người nhận, ảo tưởng về tình yêu vẫn còn, như thể tình yêu chưa từng thay đổi.”
Ta có thể hứa về hành động, ta có thể sống đúng với bổn phận. Nhưng ta không thể hứa sẽ luôn làm những điều ấy với trái tim tràn đầy yêu thương. Với điều này trong tâm trí, hãy để tôi làm rõ lại: Stendhal không nói rằng yêu là hành động đưa ra một lời hứa. Mà là một trải nghiệm – trải nghiệm được ai đó hứa hẹn, theo nghĩa rằng người yêu kỳ vọng người mình yêu sẽ là nguồn hạnh phúc trong tương lai.
Khi ta gửi gắm hạnh phúc mai sau của mình vào một người, cảm giác ấy giống như ta đang “giữ” họ theo một lời hứa – dù họ chẳng hề nói ra. Đây không còn là sự bị động của hấp dẫn, mà là một hành vi chủ động: ta trao niềm tin, gửi hy vọng, dựng lên một tương lai bên người ấy.
Từ đây, ta chạm vào một trong những điều khó khăn nhất trong tình yêu: Điều gì sẽ xảy ra khi một người nhận ra rằng người họ yêu không còn là điều họ cần – rằng họ không còn nhìn thấy nơi người kia hình bóng của một tương lai hạnh phúc nữa? Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách. Có thể, người yêu từng phải lòng hình ảnh lý tưởng hóa của ai đó, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Hoặc, một trong hai người đã thay đổi – theo những cách chẳng ai ngờ tới. Cũng có thể, ai đó nhìn thấy “lời hứa hạnh phúc” nơi một người khác, nhưng tình yêu ấy lại không được đáp lại. Quan trọng là: Stendhal không hề nói rằng tình yêu là sự hoàn thành của một lời hứa hạnh phúc. Nó chỉ là cảm giác về một lời hứa – và lời hứa ấy, đôi khi không được thực hiện.
Nếu tình yêu có lý trí, thì lý trí ấy nằm ở khả năng chọn đúng người có thể thực sự thực hiện được lời hứa ấy. Tiếc thay, không phải lúc nào ta cũng đủ tỉnh táo để làm được điều này. Nhất là khi yêu lần đầu – đặc biệt là tình yêu tuổi trẻ – ta thường không biết cách kiểm soát kỳ vọng của mình. Bởi vì đó là lần đầu tiên ta hình dung về một tương lai với ai đó. Trong tình yêu đầu đời, những mong chờ thường lớn nhanh hơn sự khôn ngoan khuyên ta nên có. Và thế là, kỳ vọng dâng cao ngất, còn bản thân thì chưa đủ trải nghiệm để điều tiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu luôn mù quáng hay điên rồ. Ta hoàn toàn có thể sai khi tin rằng ai đó sẽ làm ta hạnh phúc. Bởi vì việc đoán trước hạnh phúc của chính mình chưa bao giờ là điều chắc chắn cả. Tuy nhiên, ta có thể “tốt hơn” theo thời gian – và “tốt hơn” ở đây nghĩa là: ta biết khôn ngoan hơn trong việc chọn ai xứng đáng để ta gửi gắm tương lai, và hiểu rõ hơn rằng không phải sức hút nào cũng là một lời hứa về hạnh phúc. Chính sự chiêm nghiệm và phản tỉnh ấy sẽ giúp ta yêu một cách đúng đắn hơn.
Có thể sẽ có người cho rằng cách nhìn này khiến tình yêu trở nên ích kỷ – như thể ta chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Tôi xin chia sẻ hai điều cuối cùng để giải tỏa lo lắng đó: Thứ nhất, trong tình yêu, niềm vui ta nhận được từ người kia thường đi kèm với cả những gánh nặng và sự hy sinh – vì niềm vui của chính họ. Hạnh phúc mà người yêu cảm nhận như một “lời hứa” sẽ gắn liền với hạnh phúc của người mình yêu. Khi bạn yêu ai đó, niềm vui – hay nỗi buồn – của họ lập tức ảnh hưởng đến bạn. Bạn vui theo từng thành công của họ, và bạn đau cùng những khổ tâm của họ.
Thứ hai, khi ta tin rằng ai đó có thể là nguồn hạnh phúc dài lâu, ta cũng đang trao lại cho họ một món quà. Hãy nghĩ lại về khái niệm lời hứa. Người ta thường cho rằng lời hứa là điều có lợi cho người được hứa. Ví dụ, nếu bạn hứa đón bạn thân ở sân bay, đó là bạn đang giúp người ấy. Nhưng việc chấp nhận lời hứa cũng có thể mang lại lợi ích cho người đưa ra lời hứa. Nếu một sinh viên hứa với tôi rằng sẽ nộp bài đúng hạn, thì việc tôi tin lời họ cũng là một cách để họ có cơ hội chứng minh bản thân và cảm thấy tự hào vì đã giữ lời. Tương tự, nếu bạn đặt niềm tin vào ai đó như một tương lai hạnh phúc, bạn đang cho họ một cơ hội để trở thành người đó. Nếu họ cũng yêu bạn, thì việc bạn tin tưởng họ – chắc chắn – là một món quà vô giá.
Dẫu vậy, như mọi món quà, tình yêu cũng có thể trở thành gánh nặng. Bạn có thể trao nó cho một người không muốn nhận. Hoặc lãng phí nó cho một người tuy muốn, nhưng lại không biết trân trọng. Yêu ai đó là dốc lòng, dốc sức. Là cho đi thời gian, sự chú ý, cảm xúc, cả tâm trí. Những điều ấy đều là tài nguyên quý giá. Nếu người bạn yêu thực sự xứng đáng, tình yêu đó sẽ là điều ngọt ngào nhất – là niềm hạnh phúc được đền đáp, là niềm tin được đặt đúng chỗ. Còn nếu không, bạn sẽ thấy mình như vừa đánh mất một phần chính mình. Không phải ai cũng phù hợp với tình yêu bạn mang trong tim. Và chính sự suy xét kiên nhẫn, đôi khi đầy đau đớn của lý trí – sẽ giúp bạn nhận ra điều ấy. Và một tình yêu khôn ngoan, là tình yêu biết tìm đúng người xứng đáng để nhận món quà ấy.
Nguồn: It’s possible to become wiser in who you entrust with your love | Psyche.co