Tại sao nhiều người dường như “không thất tình” dù họ có chia tay người yêu hay tan vỡ bao nhiêu lần trong tình yêu - bí ẩn mối liên kết tránh né (avoidant attachment)

tai-sao-nhieu-nguoi-duong-nhu-khong-that-tinh-du-ho-co-chia-tay-nguoi-yeu-hay-tan-vo-bao-nhieu-lan-trong-tinh-yeu-bi-an-moi-lien-ket-tranh-ne-avoidant-attachment

Những người luôn cố nhắc nhở bản thân rằng họ luôn yên ổn, hạnh phúc khi ở một mình hơn là coi trọng một người nào khác - vì bên trong họ dù khao khát có được tình yêu và sự quan tâm nhưng lại sợ mất đi sự tự do, hay hơn nữa là sợ bản thân lặp lại sai lầm

Những người luôn cố nhắc nhở bản thân rằng họ luôn yên ổn, hạnh phúc khi ở một mình hơn là coi trọng một người nào khác - vì bên trong họ dù khao khát có được tình yêu và sự quan tâm nhưng lại sợ mất đi sự tự do, hay hơn nữa là sợ bản thân lặp lại sai lầm cũ khi còn nhỏ: mong cầu có được sự quan tâm từ người lớn nhưng bị khước từ.

Với những người mang mối gắn kết né tránh, họ dường như luôn sử dụng một vài hoặc hàng loạt các hành vi hòng kìm nén hệ thống gắn bó - một cơ chế sinh học trong não chịu trách nhiệm cho mong muốn gần gũi giữa ta và người khác. Dù cho tận sâu bên trong, họ mong muốn được gần gũi, được yêu thương, nhưng lạ cố gắng “bơ” hoặc cố tình tránh xa nhu cầu ấy để tránh việc bản thân bị tổn thương..

Theo đó, những người trẻ mang phải dạng tính cách này sẽ gặp trở ngại trong việc phát triển một mối quan hệ lành mạnh với những ranh giới trong tình cảm, vì việc phải tin tưởng hay thổ lộ những tâm sự sâu sắc nhất trong lòng cho người khác đối với họ quá khó khăn. Cũng như ở bài viết về nỗi sợ bị bỏ rơi, chủ đề này sẽ xoáy vào những người tỏ ra né tránh hoặc không thể cảm nhận sự thân mật ở một mối quan hệ. Vì sâu thẳm bên trong họ, đối diện với những mối ràng buộc tình cảm sâu sắc có nghĩa là một lần nữa cho thế giới này một cơ hội làm tổn thương họ. Họ hình thành một thói quen “đóng cửa trái tim” quá lâu, đến mức nó trở thành một phần tính cách bên trong họ từ khi nào không hay biết.

TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI VƯỢT QUA NỖI ĐAU CHIA TAY HAY DƯỜNG NHƯ “KHÔNG BAO GIỜ THẤT TÌNH” ?

Có những người dường như chấp nhận việc chia tay với người yêu dù gắn bó dài ngày, họ thậm chí còn thực sự vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều sau khi chia tay dù tình yêu của họ đã từng rất đẹp. Với những người mang gắn kết tránh né, họ thường sẽ có xu hướng chọn lựa bước vào những mối quan hệ mà không suy màng nhiều đến tương lai. Họ có thể sẽ chọn người yêu theo một cách đầy phòng vệ, đó có thể đó là một người ở xa và họ không có nhu cầu chuyển đến nơi đó, một người đã có gia đình, một người mà họ thấy từ đầu rằng đó không phải là người mà họ muốn sống cùng cả đời,..

Những đứa trẻ từ nhỏ lớn lên trong gia đình không gần gũi với bố mẹ, hoặc khi chúng cần - bố mẹ không xuất hiện bên cạnh vì lý do cuộc sống. Khi lớn lên, chúng học được cách giấu che đi cảm xúc và có xu hướng tránh né sự thân mật hoặc tình yêu sâu sắc vì tận bên trong chúng không hiểu được thế nào là tình yêu và quan tâm thực sự. Hoặc như, chúng không tin vào điều đó. Họ yêu đương nhiệt tình nhưng lại hời hợt, dường như chính bản thân họ cũng tưởng rằng mình đang yêu rất sâu đậm, nhưng thực ra họ luôn chừa một khoảng trống bên trong tâm hồn - như một cánh cửa để bản thân sẵn sàng trong tâm thế rút lui nếu cảm thấy trái tim họ có khả năng bị thương tổn cận kề.

HỌ THẬM CHÍ RẤT DỄ DÀNG RƠI VÀO MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI MỚI RẤT NHANH như một cách để vượt qua cảm giác bối rối và trống rỗng sau khi chia tay, và dường như, họ rất dễ mắc thêm các sai lầm tương tự trong tình yêu hết lần này đến lần khác.

NỖI SỢ ĐÁNH MẤT ĐI SỰ TỰ DO

Với những người mang trong mình mối gắn kết tránh né, họ khao khát được kết nối tâm hồn với người khác nhưng sâu bên trong họ sợ mất đi sự tự do được làm chính mình. Họ sợ phải chia sẻ cảm xúc thực sự, họ sợ phải bày tỏ nhu cầu được yêu thương nhiều hơn người khác, họ sợ rằng bản thân khao khát quá nhiều, họ sợ rằng bản thân không thể làm theo nhu cầu và mong muốn của người khác - vì họ luôn trong trạng thái phòng vệ cho chính mình. Thậm chí nhiều người mang liên kết tránh né còn mong rằng bản thân sẽ “được” người yêu chia tay trước để bản thân có thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi và sự cách ngăn khó phá vỡ của bản thân mình.

TỪ CHỐI TÌNH YÊU ĐỂ NÉ TRÁNH TỔN THƯƠNG

Sâu bên trong, vì những sang chấn tâm lý thời thơ ấu, dù bên ngoài có tỏ ra độc lập mạnh mẽ như thế nào = họ vẫn mang một vài suy nghĩ rằng bản thân mình không hiểu tình yêu, hoặc cực đoan hơn, mình không đáng có được tình yêu. Họ né tránh tình yêu để chính mình không phải chịu dày vò - thứ mà họ luôn phải chịu đựng khi còn nhỏ vì mong cầu sự quan tâm từ người lớn. Hoặc thậm chí cả khi họ được quan tâm, săn sóc từ người khác - họ vẫn tự dặn lòng mình rằng tình yêu đó không có thật, sự quan tâm ấy là hời hợt vô tình, họ cố tìm lấy lý do nào đó để khiến mình không phải chú ý đến người kia quá nhiều.

Mỗi khi cơ chế phòng vệ tâm lý xuất hiện, họ sẽ nghĩ về cơ số những điểm không tốt của đối phương, họ tập trung vào những điều họ không thích ở người kia, họ nghĩ về những thứ không thích hợp - để họ có thể tự “an ủi” bản thân khỏi sự mong chờ tình yêu từ người đó. Họ tự lừa dối chính mình, nhờ vậy mà họ luôn có khả năng vượt qua các mối tình sâu đậm một cách thần kỳ.

Với những người mang gắn kết tránh né, cho dù xung quanh họ có bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu mối quan hệ gần gũi - họ dường như luôn có một khoảng cách nhất định với tất cả mọi người.

Họ là những người sẵn sàng chọn các mối quan hệ không rõ ràng, những mối quan hệ “friends with benefits” hay one-night-stands. Họ luôn không tin rằng người khác sẽ ở cạnh họ và chăm sóc yêu thương họ mãi mãi, nghĩ rằng có lẽ mối quan hệ nào cũng sẽ kết thúc, rằng không có tình yêu nào kéo dài mãi mãi. Giống như cách mà họ cảm nhận được từ bố mẹ trong quá khứ - một sự thiếu thốn tình thương và quan tâm cần thiết từ người mình tin tưởng và thương yêu nhất.

Liệu điều gì sẽ xảy ra khi người mang nét tính cách này bị buộc phải đối diện và nhìn nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân họ hay người khác?

Câu trả lời là họ sẽ muốn tự cô lập bản thân và bắt đầu hành xử một loạt các kiểu hành vi xa cách tránh né thân mật cơ thể như: nắm tay, ôm ấp và gần gũi cơ thể.

Họ cũng bắt đầu tránh xa các cuộc trò chuyện sâu sắc về vấn đề đó; họ từ chối trả lời những câu hỏi về tương lai của mối quan hệ; họ ngừng đề cập và sử dụng những từ ngữ thân mật như các câu nói “Anh yêu em”; hoặc sẽ hoàn toàn không lắng nghe và từ chối phản hồi lại cảm xúc của người kia.

 

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương,

Facebook page: Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam 

menu
menu