Làm người cực kỳ nhạy cảm trong thế gian vội vã
Dường như những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh và có lẽ đã có đặc điểm này từ khi mới sinh ra. Vấn đề là liệu tính khí này có ở lại với chúng suốt đời không?
Dường như những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh và có lẽ đã có đặc điểm này từ khi mới sinh ra. Vấn đề là liệu tính khí này có ở lại với chúng suốt đời không? Ngày nay câu hỏi này đã có lời giải đáp.
Ảnh: Shutterstock
Trong quyển sách viết về những người cực kỳ nhạy cảm (Highly Sensitive People, hay HSP) xuất bản hồi đầu năm, hai tác giả Jenn Granneman và Andre Sólo mở đầu bằng cuộc thử nghiệm trên 500 trẻ sơ sinh do nhà tâm lý học Jerome Kagan và nhóm của ông thực hiện năm 1989.
Kagan và các đồng nghiệp cho 500 em bé 4 tháng tuổi tiếp xúc với các trải nghiệm mới mẻ, như nghe tiếng bong bóng vỡ, ngửi mùi cồn trên tăm bông và nhìn đồ trang trí rực rỡ. Kết quả: khoảng 20% trẻ phản ứng mạnh mẽ (khóc và vùng vẫy) với các kích thích nói trên, 40% giữ im lặng và 40% phản ứng rơi vào khoảng giữa. Kagan đặt giả thuyết: những đứa trẻ nhóm đầu (phản ứng mạnh) sẽ có tính cách hướng nội khi bước vào tuổi trưởng thành, và những đứa trẻ ít phản ứng sẽ hướng ngoại hơn.
Thời gian đã trả lời: những đứa trẻ "phản ứng mạnh" trong thí nghiệm năm xưa khi bước vào tuổi 30 vẫn có những phản ứng mạnh mẽ, thú nhận thấy căng thẳng khi ở nơi đông người, suy nghĩ quá nhiều và lo lắng về tương lai. Nói cách khác, một người sinh ra "mong manh" thì sẽ có khả năng tiếp tục "dễ vỡ" khi trưởng thành.
Những "đóa hoa lan"
Đặc điểm mà Kagan nhận thấy ở các em bé giờ đã có nhiều tên gọi khác nhau như "những người cực kỳ nhạy cảm", "nhạy cảm sinh học với bối cảnh" hay "sự nhạy cảm khác biệt".
Những người này được cho là "mong manh như bồ công anh" hoặc so với hoa lan - loài hoa rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi ở môi trường xung quanh như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… Gần đây, các lý thuyết này được kết hợp lại dưới một thuật ngữ duy nhất, gọi là nhạy cảm với môi trường, như tiếng ồn, ánh sáng, xúc giác.
Độ nhạy cảm (sensitivity) được định nghĩa là khả năng một người nhận thức, xử lý và phản ứng sâu sắc với môi trường. Khả năng này bao gồm hai cấp độ: (1) tiếp nhận thông tin từ các giác quan và (2) suy nghĩ thấu đáo về thông tin này, hoặc tìm ra nhiều mối liên hệ giữa nó với những ký ức, kiến thức hoặc ý tưởng khác.
Với người "cực kỳ nhạy cảm", cả hai cấp độ này đều hơn người thường - họ thu thập nhiều thông tin hơn từ môi trường xung quanh, xử lý chúng sâu sắc hơn và cuối cùng được định hình nhiều hơn bởi các yếu tố này. Phần lớn quá trình xử lý thông tin diễn ra trong vô thức. Nhiều người cực kỳ nhạy cảm thậm chí không nhận thức được rằng họ đang làm điều đó.
Trong bài viết trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 3, nhà xã hội học Elizabeth Bernstein cho biết những người cực kỳ nhạy cảm xử lý thông tin sâu sắc hơn những người khác, rất nhạy cảm với cảm xúc của chính mình và của mọi người. Những người này cũng thường hòa hợp hơn với các cảm giác, chẳng hạn vị giác, xúc giác, âm thanh hoặc khứu giác.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu người cực kỳ nhạy cảm trong nhiều thập niên và tin rằng có không ít người thuộc tuýp này. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 20-30% số người là người cực kỳ nhạy cảm, bao gồm cả nam và nữ.
Irene là mẫu nhân viên mà mọi nhà quản lý đều mơ ước. Nhờ làm việc chăm chỉ và tận tâm, cô đã hoàn thành xuất sắc vai trò quản lý dự án chính. Irene hoàn thành các nhiệm vụ đúng thời hạn và mọi chi tiết đều được tính toán kỹ lưỡng. Trong môi trường đầy phức tạp của tổ chức, khả năng phát hiện và điều hướng những sắc thái cảm xúc của cô ấy là vô giá. Nhiều người thậm chí còn nói đùa rằng Irene chính là "trái tim" của cả nhóm - người mà mọi người hướng tới nhờ lòng nhân ái, sự quan tâm và hỗ trợ về mặt tinh thần.
Nhưng đôi khi suy nghĩ sâu sắc và cảm nhận một cách tự nhiên của Irene lại đánh bại cô. Những thay đổi phút chót khiến Irene rơi vào tình trạng khó khăn và ảnh hưởng đến năng suất của cô. Irene tránh đối đầu và đôi khi tránh đưa ra những phản hồi cần thiết cho các đồng nghiệp khác, từ đó cản trở kết quả của nhóm. Cô chính là một người cực kỳ nhạy cảm.
(Harvard Business Review)
Nhạy cảm là một lợi thế
Trong khi Kagan liên kết tính khí này với sự sợ hãi, nhiều nghiên cứu ngày nay cho rằng đó là một đặc điểm lành mạnh. Hai tác giả Jenn Granneman và Andre Sólo đều là người cực kỳ nhạy cảm và họ viết sách nhằm thay đổi cái nhìn tiêu cực của xã hội về vấn đề này.
Thông điệp này thể hiện ngay từ tên sách: Sensitive: The Hidden Power of the Highly Sensitive Person in a Loud, Fast, Too-Much World (tạm dịch: Nhạy cảm - Sức mạnh tiềm ẩn của người cực kỳ nhạy cảm trong một thế giới ồn ào, vội vã và choáng ngợp).
"Trước đây, người ta kỳ thị tính nhạy cảm và coi đó là điểm yếu. Nhưng những người nhạy cảm rất mạnh mẽ, họ có thể là nguồn thấu cảm và thông tuệ đối với người khác" - Sólo nói. Theo ông, những người cực kỳ nhạy cảm thường làm việc chăm chỉ và xuất sắc về nhiều mặt. Hầu hết đều đạt điểm cao ở trường, xây dựng sự nghiệp tốt và kết bạn dễ dàng như bất kỳ ai khác. Nhiều người trong số họ cũng rất thành đạt.
Trên Psychology Today, tiến sĩ Melody Wilding - giáo sư về hành vi con người tại Đại học Hunter (Mỹ) - phân tích những đặc điểm nổi bật giúp người cực kỳ nhạy cảm nổi bật ở môi trường làm việc.
Trong những tình huống quan trọng, những người này bộc lộ khả năng giao tiếp khéo léo, suy nghĩ lâu hơn và thận trọng trước khi nói. Điều này trái ngược với quan niệm người nhạy cảm sẽ thu mình khi bị đặt vào các bối cảnh giao tiếp.
Người cực kỳ nhạy cảm cũng có khả năng phản biện và phân tích tốt, bởi não bộ của họ vốn quen với việc tiếp nhận và xử lý thông tin một cách phức tạp, đồng thời có mức độ tự nhận thức rất cao và trực giác mạnh mẽ.
Nhóm này cũng gây ấn tượng bằng sự kỹ lưỡng, chỉn chu của mình, xuất phát từ việc họ suy nghĩ thấu đáo, xem xét nhiều góc độ và thường thấy trước các vấn đề hoặc kết quả tiềm ẩn. Khả năng tự nhận thức tinh tế của họ được chuyển thành sự tỉ mỉ trong thực hiện các nhiệm vụ, khiến sản phẩm của họ thường nổi bật về chất lượng. Tuy vậy nếu không cẩn thận, người cực kỳ nhạy cảm dễ sa đà vào chủ nghĩa cầu toàn.
Luke Goss, nam diễn viên từng vào những vai đòi hỏi cá tính lạnh lùng như một vị vua, tay xã hội đen, sát thủ hay thậm chí là một quái vật, từng tự miêu tả mình là người "quá nhạy cảm". Anh thừa nhận mình thường xuyên rơi nước mắt trước những tình huống xung quanh. Vậy nhưng tính cách này cũng giúp Goss tăng thêm chiều sâu trong tính cách của các nhân vật do anh đóng. "Sự nhạy cảm là một vũ khí bí mật. Nó có thể gắn kết mọi người lại với nhau" - anh nói.
Người cực kỳ nhạy cảm cũng xuất sắc ở nhiều thứ. Họ sâu sắc, suy ngẫm, quan tâm và giàu trí tưởng tượng. Họ là những nhà trị liệu, giáo viên, huấn luyện viên, nhạc sĩ và nghệ sĩ xuất sắc. Tuy nhiên, không thể chối bỏ việc những người cực kỳ nhạy cảm gặp không ít khó khăn khi thường xuyên rơi vào trạng thái buồn bã, dễ khóc và dễ bị choáng ngợp.
Học từ người siêu nhạy cảm
Độ nhạy cảm cao là một đặc điểm bẩm sinh, ổn định, đòi hỏi một số người phải có kỹ năng nhất định để đối phó trong cuộc sống thường nhật, ví dụ như thiết lập ranh giới, lên lịch cho thời gian rảnh rỗi hay lên kế hoạch cho những trải nghiệm tích cực.
Những chiến thuật này giúp họ bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương do tính cách quá nhạy cảm, có sự cân bằng và từ đó phát triển mạnh mẽ hơn. Sólo khuyên những người cực kỳ nhạy cảm nên có cho mình một "thánh địa" riêng để nghỉ ngơi - một chiếc ghế bành yêu thích, công viên, thậm chí bồn tắm. Đó sẽ là nơi báo hiệu cho não bộ rằng "đã đến lúc thư giãn".
Tạp chí Harvard Business Review cho rằng trong một thế giới kinh doanh bị thống trị bởi tự động hóa, số hóa và sự thiếu lịch sự ngày càng gia tăng, chúng ta đang cần người có độ nhạy cảm cao hơn bao giờ hết.
Trong một cuộc khảo sát, những người có độ nhạy cảm cao nhất đúng là những người căng thẳng nhất, song họ cũng được các nhà quản lý đánh giá cao nhất. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng những người có độ nhạy cảm cao - khi được quản lý đúng cách - có thể là một trong những tài sản lớn nhất tại nơi làm việc.
Trở lại với quyển sách của Granneman và Sólo, họ tin rằng người cực kỳ nhạy cảm có thể cho "người thường" chúng ta một bài học: biết chậm lại trong thế giới ồn ào, vội vã này. "Họ cho chúng ta thấy giá trị của việc sống chậm lại. Kết nối sâu sắc. Tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống đời thường. Hơn thế nữa, những người nhạy cảm cũng là những nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái mà thế giới đang cần" - bộ đôi tác giả viết.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ nhạy cao có liên quan đến sự khác biệt di truyền trong cách não xử lý các chất hóa học thần kinh như serotonin, dopamine, norepinephrine. Các nhà nghiên cứu tin rằng đặc điểm này phát triển như một cách để tránh bị tổn hại, vì việc tạm dừng và quan sát sẽ dẫn đến việc phát hiện ra các mối đe dọa và cơ hội mà người khác đã bỏ lỡ.
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần