Tại sao trẻ ngoan ở trường nhưng hư ở nhà?

tai-sao-tre-ngoan-o-truong-nhung-hu-o-nha

Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao con họ cư xử ở trường tốt hơn nhiều so với ở nhà. Rất có thể, lý do không phải là con bạn thích người khác hơn là thích bạn - mà thực ra là hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, kiểu hành vi này có thể là một dấu hiệu tốt ch

Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao con họ cư xử ở trường tốt hơn nhiều so với ở nhà. Rất có thể, lý do không phải là con bạn thích người khác hơn là thích bạn - mà thực ra là hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, kiểu hành vi này có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy con bạn gắn bó chặt chẽ với bạn.

Vanessa LoBue, một giáo sư tâm lý học của trường Đại học Rutgers-Newark chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em. Tháng 12/2022, bà đã gửi một bài viết của mình có tên là “Why Does My Kid Behave Better for Other People?" lên trang web Psychology Today. Dưới đây là phần dịch và lược dịch bài viết của bà. Xin được trân trọng giới thiệu.

"Vào đêm tựu trường đầu tiên đi học lớp mầm non của con trai tôi, tôi không biết phải mong đợi điều gì. Tất cả các bậc cha mẹ ngồi lúng túng quanh những chiếc bàn cỡ trẻ em trên những chiếc ghế dành cho trẻ em và trò chuyện nhỏ trong khi cố gắng không tỏ ra khó chịu.

Sau một vài phút, các giáo viên tự giới thiệu, cung cấp thông tin tổng quan về một ngày điển hình của con em chúng tôi ở trường, và sau đó mời các bậc phụ huynh đưa ra các câu hỏi. Tôi là một phụ huynh mới nên không biết phải hỏi gì, đành im lặng tập trung để chờ đợi. Mặc dù vậy, trong sự im lặng của mình, các bậc phụ huynh khác đều giơ tay phát biểu. Các câu hỏi định hướng chi tiết về thời gian ăn nhẹ của bọn trẻ, liệu trường học có cho trẻ ăn vặt hay không và phòng tắm nằm ở đâu… Nhưng điều mà phụ huynh quan tâm nhất chính là về hành vi của con mình khi ở trong lớp. Những câu hỏi có tính chất tương tự như: Làm thế nào mà các giáo viên cho con ngủ trưa? Làm thế nào mà họ cho con sử dụng bô một cách nhất quán? Làm thế nào mà cho con ngồi và tô màu mà gây ồn ào? Và thậm chí là: Có phải là các giáo viên đang nói về con họ hay không? Tất cả họ đều ngạc nhiên trước cách các giáo viên có thể sắp xếp một lớp trong suốt thời gian một ngày đối với một lớp gồm 12 trẻ mới biết đi. Đáng ngạc nhiên là tất cả mọi người (bao gồm cả tôi) dường như có những đứa trẻ biết đi cư xử ở trường tốt hơn nhiều khi so với khi ở nhà. Vậy, nói theo cách nghiêm trọng là: Tại sao con cái chúng ta có thể cư xử như thiên thần với người lạ nhưng lại biến thành "ác quỷ" khi về nhà?

Nếu bạn đã từng tự hỏi mình câu hỏi này thì điều đó có nghĩa là bạn không phải là người duy nhất và bạn không đơn độc. Có rất nhiều bậc cha mẹ đã có con có những hành vi ăn vạ (lăn lộn dưới đất hoặc la hét chỉ vì những điều rất nhỏ nhặt), nhưng lại tỏ ra rất lịch sự nói lời cảm ơn với cha mẹ của những đứa trẻ khác hoặc dọn dẹp đồ chơi của chúng mà không một chút cáu giận hoặc phàn nàn.

Hóa ra lý do không phải là con bạn thích người khác hơn là thích bạn - mà thực ra là hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, kiểu hành vi này có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy con bạn gắn bó chặt chẽ với bạn.

Nghiên cứu về sự gắn bó của trẻ em

Một nhà tâm lý học tên là Mary Ainsworth từ Đại học Johns Hopkins và Đại học Virginia đã trở nên nổi tiếng nhờ nghiên cứu sự gắn bó của trẻ sơ sinh với mẹ của chúng trong một thí nghiệm mà bà gọi là “tình huống kỳ lạ”. Trong nghiên cứu, các bà mẹ đưa con đến một không gian trong phòng thực nghiệm để chơi, và sau vài phút, một người lạ bước vào phòng và ngồi xuống gần đứa bé. Một lúc sau, người mẹ rời khỏi phòng, để đứa bé một mình với người lạ. Cuối cùng người mẹ quay trở lại.

Một số câu hỏi lớn đặt ra là: Các bé đã làm gì khi có người lạ bước vào? Chúng đã làm gì khi mẹ ra khỏi phòng? Và quan trọng nhất là Chúng phản ứng thế nào khi mẹ quay lại? Ainsworth đã phát hiện ra rằng hầu hết các bé đều có “gắn bó an toàn” và trong tình huống này, chúng vui vẻ chơi ở một nơi mới khi có mẹ ở bên, chúng buồn bã một chút khi mẹ rời đi và cảm thấy dễ chịu hơn khi mẹ quay lại.

Nhưng không phải tất cả các bé đều thể hiện sự gắn bó an toàn. Những đứa trẻ có “gắn bó không an toàn/tránh né” thường thờ ơ với sự hiện diện của mẹ chúng. Chúng không để ý khi mẹ rời đi và dường như cũng không quan tâm khi mẹ quay trở lại. Trẻ có “gắn bó lo lắng/chống đối” bám mẹ suốt thời gian mẹ ở trong phòng. Chúng rất buồn khi mẹ rời đi nhưng lại không dễ chịu khi mẹ quay lại, thậm chí có thể giận mẹ vì đã bỏ đi ngay từ đầu. Nhóm trẻ cuối cùng, được gọi là “gắn bó vô tổ chức/mất phương hướng”, thể hiện nhiều phản ứng khác nhau và không có xu hướng cư xử nhất quán trong suốt quá trình nghiên cứu (Ainsworth, 1979; Karen, 1990).

Nguồn gốc của gắn bó an toàn

Làm thế nào để một đứa trẻ trở nên gắn bó an toàn? Trẻ sơ sinh có mẹ luôn đáp ứng nhu cầu của chúng - người an ủi khi trẻ khóc, cười khi trẻ cười - có nhiều khả năng được gắn bó an toàn nhất. Những đứa trẻ này nhận biết được rằng khi chúng buồn sẽ có mẹ ở bên an ủi. Điều này khiến bé đủ “an toàn” để khám phá những môi trường mới khi có mẹ ở đó, vì chúng biết rằng mình có một người chăm sóc đáng tin cậy ở bên cạnh để giúp đỡ nếu có sự cố xảy ra. Những đứa trẻ này cảm thấy tự tin trước sự hiện diện của mẹ để khám phá những tình huống mới; chúng cũng cảm thấy kém tự tin hơn khi mẹ không ở bên cạnh, nhưng cũng ngay lập tức lấy lại được sự tự tin khi mẹ quay trở lại.

Tại sao trẻ cư xử tốt với người lạ?

Vậy tại sao những đứa trẻ của chúng ta cư xử tệ với chúng ta mà không phải với người khác? Câu trả lời dường như là trẻ cảm thấy thoải mái với chúng ta. Chúng biết rằng kể cả khi chúng bị suy sụp hoàn toàn thì vẫn có mẹ ở bên an ủi và hỗ trợ, chúng vẫn được yêu thương ngay cả khi đồ chơi bị vương vãi khắp phòng và không được thu dọn. Chúng cũng biết rằng, mẹ sẽ biết tất cả những màu sắc chân thực của chúng nhưng vẫn luôn nghĩ rằng đó là những màu sắc tươi sáng. Mẹ khiến chúng cảm thấy an toàn theo cách mà người lạ không thể làm được.

Vì vậy, trong khi mẹ có được tình yêu và tình cảm thực sự của trẻ thì cũng đồng nghĩa với việc mẹ sẽ có những cảm xúc chân thực khác của tr ẻ- ngay cả những cảm xúc không mấy dễ chịu. Với người lạ, trẻ cảm thấy kém an toàn hơn, đặc biệt khi không có mẹ ở bên. Vì vậy, chúng sẽ kiềm chế hơn và kết quả là thường có những hành vi tốt nhất dành cho người lạ.

Nhìn nhận điều này với người lớn, chúng ta cũng nhận thấy những hành vi tương tự đối với người lạ. Chúng ta thường cư xử tốt nhất khi gặp người lạ hoặc khi làm việc với đồng nghiệp. Ví như bạn có thể gửi cho người bạn thân nhất của mình những lời phàn nàn khó nghe về một cuộc họp nhàm chán, hoặc bạn sẽ không dễ dàng và thoải mái khi nổi giận trước mặt bất kỳ ai. Với những người lạ hoặc những người mà chúng ta không biết rõ, chúng ta cũng cư xử tốt nhất vì chúng ta cũng cảm thấy an toàn nhất với những người gần gũi nhất với mình. Kết quả là, những người thân thiết có hể nhìn thấy những cảm xúc thô nhưng thật nhất của chúng ta, và những người lạ có thể nhìn thấy một phiên bản kiềm chế hơn -  có thể là phiên bản cư xử tốt nhất của chúng ta.

Vì vậy, không có gì sai và lạ lùng nếu bạn có một đứa con là "ác quỷ" trong gia đình và một thiên thần ở bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là bạn đang làm sai điều gì đó; trên thực tế, điều đó có thể có nghĩa là bạn có thể đang làm điều gì đó đúng đắn. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ của chúng ta đủ an toàn để lớn lên và phát triển."

Theo Minh Thu/Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tài liệu tham khảo của bài viết:

  1. Ainsworth, M. S. (1979). Infant–mother attachment. American psychologist, 34, 932-937
  2. Karen, R. (1990). Becoming attached. The Atlantic Monthly, 265, 35-70.
menu
menu