Tại sao nhiều người trẻ tự làm đau, thậm chí gây ra vết thương lên cơ thể mình?

tai-sao-nhieu-nguoi-tre-tu-lam-dau-tham-chi-gay-ra-vet-thuong-len-co-the-minh

Liệu bạn có bao giờ nhìn thấy hay biết đến những thanh thiếu niên liên tục thực hiện các hành vi làm tổn thương lên cơ thể mình một cách có mục đích, với mong muốn rằng làm đau chính mình sẽ giúp họ làm giảm đi những cảm giác đau đớn khó hiểu dâng tràn lê

Liệu bạn có bao giờ nhìn thấy hay biết đến những thanh thiếu niên liên tục thực hiện các hành vi làm tổn thương lên cơ thể mình một cách có mục đích, với mong muốn rằng làm đau chính mình sẽ giúp họ làm giảm đi những cảm giác đau đớn khó hiểu dâng tràn lên bên trong?

Mình nghĩ là có, và rất nhiều là đằng khác. Một nghiên cứu thậm chí còn tìm ra rằng đến 25% người trẻ từng thực hiện hành vi huỷ hoại bản thân, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng bao gồm lặp đi lặp lại việc làm đau chính mình, gây ra các bệnh tâm thần, không muốn tiếp tục sống hay giảm đi chất lượng học tập và phát triển. (Clark và cộng sự, 2013; Mars và cộng sự, 2014; Robinson, 2016)

Self-harm, hay hành động tự làm đau bản thân bằng việc gây tổn thương lên chính cơ thể mình từ những việc đơn giản như bứt tóc, gỡ da hay nặng hơn là dùng các loại thuốc gây hại cho cơ thể, tự cào cấu, bấu véo và đánh đập bản thân, tự làm rát, làm sôi da hay thậm chí là làm cơ thể chảy máu hay các hành vi đầy tính nguy hiểm lên mình.

Và có những người trẻ, dường như tự huỷ hoại bản thân là cách duy nhất và tức thời để chống chọi với những cảm xúc mà họ không thể lý giải.

GỬI CÁC BẠN TRẺ, THAY VÌ LÀM TỔN THƯƠNG MÌNH, HÃY THỬ TÌM HIỂU NGUYÊN DO VÌ SAO BẠN LẠI MUỐN LÀM VẬY

Nhiều người nói về nguyên nhân họ gây nên những hành vi huỷ hoại bản thân theo các cách và qua nhiều câu chuyện khác nhau. Và trong số đó, có rất nhiều câu chuyện nguy hiểm đến đáng sợ.

“Hãy nghĩ về tất cả những điều đẹp xinh trên thế giới này mà bạn có thể đã không được chiêm ngưỡng nếu bạn lỡ cho phép mình ngừng chiến đấu; nếu bạn lỡ cho phép mình từ bỏ.”

- Bianca Sparacino

- Một số người nói rằng họ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực về một số vấn đề nào đó xảy ra trong cuộc sống, và không biết nên tìm kiếm ai, và tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu để được xoa dịu. Họ cảm thấy bản thân như đang bị mắc kẹt ở một góc tối chật hẹp và vô vọng, vì thế thực hiện các hành vi kích thích sự đau đớn lên cơ thể khiến họ lấy lại được khả năng kiểm soát chính mình..

- Một số người lại nói rằng, họ có những cuộc hội thoại đầy sự chỉ trích, một cuộc chiến đầy sự căm ghét bên trong mình đến mức họ thấy căng thẳng, hỗn loạn. Những cảm xúc ức chế bên trong dường như bị dồn nén đến mức bùng nổ. Ở khoảnh khắc đó, họ nghĩ rằng làm tổn thương cơ thể sẽ khiến họ giảm bớt đi những cảm xúc đau đớn và căng thẳng từ cuộc chiến ác liệt trong đầu mình.

- Cảm giác tủi nhục và tội lỗi dường như trở nên khó nắm bắt và không thể chịu đựng nổi. Từ những lời chỉ trích mà người khác nhắm vào họ, từ những câu nói sỉ nhục họ khiến họ cảm thấy mình vô dụng và không có giá trị. Từ những hành động độc hại từ môi trường xung quanh tạo cho họ cảm giác rằng vì sự yếu kém của họ khiến người khác không thể tự hào, thậm chí làm nhục lây người khác. Và họ đã tìm đến một cách tiêu cực để trừng phạt bản thân: tự mình làm đau chính mình!

- Thậm chí một số người còn nói rằng họ phải chiến đấu và đối phó với những kí ức đau khổ, những sang chấn tâm lý, những chấn thương tâm hồn và nỗi đau đớn thể xác lẫn tinh thần từ việc bị quấy rố.i , lạ.m dụng. Một số người dường như sử dụng cơ chế phòng vệ mà họ học được - một cơ chế xem những nỗi đau ấy như chưa từng tồn tại; họ tự dặn bản thân rằng hãy xem như nó chưa từng xảy ra đi. Vậy nhưng, đôi lúc những nỗi đau bị chối bỏ ấy dâng lên trong tiềm thức, khiến cơ thể họ như “tê liệt” hay “ngừng hoạt động sống”.

Họ bày tỏ rằng bản thân và ý nghĩ như đang tách rời khỏi hiện thực, như đang trải nghiệm một cảm nhận sống không hề “thật”. Và cách để họ trở lại với hiện thực chính là làm tổn thương mình, họ nói rằng nó khiến họ thấy kết nối với cuộc sống và thấy mình như “đang sống” hơn…

- Và một vấn đề khác không thể tệ hơn là, họ cảm thấy dừng lại tất cả sự sống là một lối thoát duy nhất…

NHỮNG AI CÓ KHẢ NĂNG SẼ THỰC HIỆN NHỮNG HÀNH VI NÀY?

Các hành vi này dường như thường được kích hoạt bởi những mâu thuẫn hay tranh cãi giữa một người với bạn bè, bố mẹ và người yêu họ. Khi một gia đình xảy ra quá nhiều những tình huống tranh cãi, chối bỏ hay bỏ mặc cảm xúc của nhau, người ta sẽ dễ dàng làm đau mình. Những người trẻ mang trong mình những dấu hiệu của trầm cảm, của rối loạn ăn uống và nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần khác cũng như những người sử dụng chất kích thích cũng dễ dàng thực hiện các hành vi tự hoại bản thân.

SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN ĐỂ DANG TAY GIÚP ĐỠ NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG LÀNH LẶN

- Để ý những người mà bạn nghĩ rằng có dấu hiệu như bên trên, những người trẻ hay thu mình lại hoặc dễ bực bội, cáu kỉnh. Việc tự gây thương tích lên mình thường được họ giấu đi dưới những lớp quần áo dài giữa trời nắng nóng, hay từ chối cho người khác nhìn thấy những phần da thịt nơi có thể họ đã tự làm đau.

- Tâm sự, chia sẻ và khuyến khích họ kể với bạn về những vấn đề , những nỗi lo., những áp lực nghiêm trọng trong cuộc sống. Hãy cho họ biết rằng bạn quan tâm, bạn yêu thương và bạn muốn đồng cảm với họ, cũng như muốn dang tay giúp đỡ cùng họ vượt qua nỗi đau ấy. Hãy cho người ấy biết rằng, những người càng nhạy cảm, càng mang nhiều tình yêu tha thiết thì sẽ càng biết đớn đau.

- Nếu là một người thân trong nhà, hãy chú ý đến số lượng thuốc viên mà bạn mua. Để khi người đó muốn dùng thuốc, họ sẽ phải tách từng viên thuốc trong vỉ, thay vì lấy số nhiều từ lọ thuốc. Và trong thời gian lấy từng viên, họ cũng có chút khoảng trống để nghĩ về quyết định của mình.

- Nếu một người liên tục làm đau bản thân, hãy quan tâm họ bằng cách xem thử những vết thương của họ và thậm chí khuyên họ đến bệnh viện nếu có thể, nếu không hãy giúp họ bôi thuốc và băng bó nó.

Nếu bạn là phụ huynh, sẽ rất khó để đối diện khi đứa trẻ mà bạn sinh ra đang phải vượt qua những cơn đau trong cảm xúc và tự làm đau chính mình. Hãy biết rằng, là con người, ai cũng có những cảm xúc tiêu cực như giận giữ, sợ hãi và tội lỗi, và đó là điều tự nhiên.

Thay vì khiển trách và chỉ trích con trẻ, hãy cố gắng bình tĩnh và khoan dung. Hãy cố thở sâu và nghĩ rằng chính nỗi đau chưa được chữa lành bên trong bạn khiến bạn mất bình tĩnh và cản trở bạn thể hiện tình yêu với con cái. Hãy quan tâm đến đứa trẻ ngay cả khi bạn không hiểu, bạn lo lắng và sợ hãi. Hãy cho chúng biết rằng bạn sẽ luôn ở đó như một chỗ dựa, sẽ quan tâm và sẽ luôn hỗ trợ đứa trẻ trong mọi tình huống của cuộc sống. Hãy cho đứa trẻ biết rằng sau lưng nó luôn có một ai đó đỡ lấy nếu nó gục ngã.

Nếu bạn là giáo viên hay làm trong các tổ chức xã hội, hãy học về những dấu hiệu nhận biết những đứa trẻ có nguy cơ cao xảy ra các hành vi này. Thông qua việc quan sát cách chúng né tránh chơi đùa cùng bạn bè, cách chúng im lặng giữa đám đông như tê liệt cảm xúc, cách chúng không-giống-một-đứa-trẻ, và quan sát nếu chúng đang che giấu những vết thương dưới cánh tay,.. và cố gắng an ủi, động viên đứa trẻ để chúng tin tưởng và bày tỏ vấn đề với bạn, để bạn có thể giúp chúng tiếp cận trị liệu.

Nếu có điều kiện, hãy giúp những đứa trẻ ấy được tiếp cận với các phương pháp trị liệu từ những người có chuyên môn.

MỘT TRƯỜNG HỢP CÓ THẬT: CÂU CHUYỆN CỦA MICHELLE – 16 TUỔI

Michelle là một cô bé 16 tuổi có chiều cao nổi bật nhất lớp, cô liên tục bị bạn bè nói xấu sau lưng cũng như bắt nạt trong trường học. Cô bé ghét hình thể nổi bật của mình, cô bé căm hận sự khác biệt của bản thân mình - điều cô nghĩ rằng khiến cô bị người khác chối bỏ. Bố mẹ cô bé ly hôn từ khi cô còn nhỏ và cô sống với mẹ - một người mẹ luôn bận rộn với công việc, phải đi xa nhà, bận giao lưu bạn bè và tình yêu riêng của bà. Cô bé cảm thấy rằng, người mẹ ấy chưa bao giờ thực sự ở bên cạnh cô. Bố cô bé tái hôn với người phụ nữ khác - một người phụ nữ trẻ với mối quan hệ không hề tốt đẹp gì với cô cả.

Để rồi khi vào môi trường học mới, cô gặp một người bạn khác - một cô bạn luôn mặc quần áo dài che kín cả người kể cả vào những ngày nắng nóng. Cô tiếp cận và biết rằng cô bạn ấy đã liên tục làm đau thân thể mình - dù cô ấy là một đứa trẻ từ gia đình giàu có thượng lưu và thường xuyên được đi du lịch vòng quanh thế giới.

Cô bạn thổ lộ rằng: mình có rất nhiều thứ, nhưng dường như mình đều phải tự trải qua tất cả mọi điều trong cuộc sống một mình và không có ai bên cạnh. Vì thế cô tự tạo những vết thương lên chính mình, để bản thân được bớt đi những nỗi đau trong tâm hồn và thoát khỏi cảm giác cô đơn.

Và tôi dường như cũng bắt đầu làm những hành động giống cô ấy, cho đến khi mẹ tôi phát hiện và dắt tôi đến trị liệu tâm lý. Tôi đã từng giấu đi những viên thuốc chống trầm cảm. Giờ tôi đã bắt đầu cảm thấy tốt hơn, nhưng tôi vẫn phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn nào đó bất chợt trong cuộc sống và lại thực hiện nó. Nhưng tôi biết rằng mọi điều đã hình thành trong tôi quá lâu đều cần thời gian để được giải quyết.

GỬI BẠN, NHỮNG NGƯỜI CHỌN NỖI ĐAU ĐỂ VƯỢT QUA NỖI ĐAU

“Khi gánh nặng cuộc sống trút lên đôi vai và tâm hồn bạn, hãy thì thầm giữa bão giông: nỗi đau này, đã từng có người cảm thấy; nỗi đau này, bạn không hề đơn độc.

– Bianca Sparacino

Hãy tìm kiếm xung quanh, mình tin rằng sẽ luôn có những người với trái tim ấm áp xung quanh bạn. Những người sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn cũng như chìa tay ra giúp bạn lau đi những vết thương.

Hãy thử viết những nỗi đau mà bạn không thể hiểu ra, viết vào giấy, vào note điện thoại, hoặc ghi âm. Để có thể giải phóng những ấm ức bên trong ra ngoài. Nếu bạn không thích viết lách, hãy thử vẽ, tô màu, hay thậm chí là nghịch với màu sắc và các loại bút màu. Để bạn biết rằng thế giới không phải chỉ có một màu đen tối.

Nếu bạn gặp khó khăn khi kể về bản thân với những người khác hay các nhà trị liệu, hãy cứ đưa những điều mà bạn viết, bạn vẽ lên cho họ. Họ sẽ tự nhìn nó và cố gắng diễn giải những điều đang xảy ra.

Có lẽ bạn nghĩ rằng không ai hiểu bạn, không ai biết rằng bạn đau đớn như thế nào. Có lẽ là thế thật, không ai khác ngoài bạn có thể thấu hiểu từng nỗi đau thắt da thịt như bạn cảm nhận. Vì bạn là duy nhất, và cũng là người có khả năng chống trả lại với nỗi đau ấy và ôm lấy chính mình. Có rất nhiều người khác cũng từng đau nỗi đau đó, dù họ không biết bạn, nhưng hãy tin rằng họ cũng đã từng như thế - đau đớn đến mức muốn huỷ hoại mình. Nhưng bạn không hề đơn độc.

“Thế giới này luôn có những điều luôn xảy ra cùng nhau: sự sống và sự kết thúc; nỗi đau và hạnh phúc; muối và đường; tôi và bạn. Và đây là sự cân bằng của vạn vật trên hành tinh này.” - Rupi Kaur

Tất cả mọi thứ đều không kéo dài mãi mãi, những khoảnh khoắc, những cảm giác, con người, cả những bông hoa. Thật sự thì tổn thương cũng không phải là một lựa chọn quá tồi, vì quá dễ dàng để trở thành một con người lạnh lẽo vô tâm và vô cảm. Nhưng bạn chọn cách mà không phải ai cũng dám - đó là sống và cảm nhận những nỗi đau như một con người đích thực.

Bạn chọn cách trở nên thật mềm dịu trong một thế gian đầy những con người cố tỏ ra sắt đá.

Cũng như, hãy thử thay đổi những thói quen trong cuộc sống: hãy xem xét giảm tải thời gian sử dụng mạng xã hội; cũng như dừng follow những người mang lại cho bạn cảm giác đố kị, cảm giác tủi nhục và so sánh bản thân, hãy để bản thân bạn trở thành ngôi sao và động lực duy nhất trong cuộc đời mình chứ không phải là người khác; Hãy cố gắng ngủ đủ giấc và uống nước đầy đủ; Mỗi ngày hãy thử nghĩ về 3 điều mà bạn đã thực hiện có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ; hãy ra ngoài nếu căn phòng hay căn nhà đó quá bức bối, hãy để thiên nhiên và bầu trời giải phóng năng lượng tiêu cực bên trong bạn. Ngoài ra, hãy nghĩ xem bạn sẽ nói thế nào với bạn thân của mình khi người ấy gặp tình trạng tương tự? Sau đó, hãy dùng những lời ấy nói với chính mình.

Như Bianca Sparacino đã viết: “Bạn vẫn còn thời gian. Tôi không để tâm bạn đã trải qua những gì; tôi không để tâm đến những vết sẹo hay đớn đau và tổn thương mà bạn mang trong mình. Tất cả những điều trên không hề biến bạn trở thành một thứ đồ bỏ đi; tất cả những nỗi đau ấy không thể làm lu mờ sự thật rằng cuộc sống của bạn có mục đích, có ý nghĩa. Xin đừng bao giờ quên - ngay cả khi những nỗi đau này khiến bạn run rẩy, ngay cả khi thế giới này tàn khốc vô ùng - nơi đây vẫn cần bạn. Thế giới này luôn cần bạn.”

 

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychology facts - Tâm lý học Việt Nam

menu
menu