Tại sao phụ nữ nhiều khả năng muốn ly hôn   

tai-sao-phu-nu-nhieu-kha-nang-muon-ly-hon   

Về mặt văn hóa, phụ nữ độc thân có xu hướng muốn kết hôn hơn đàn ông độc thân, nhưng sau khi lập gia đình, phụ nữ lại có xu hướng ít thỏa mãn hơn trong mối quan hệ so với cánh đàn ông. Họ chính là những người muốn thoát khỏi hôn nhân.

Nghiên cứu mới về một mẫu hình đang ngày càng phổ biến.

Nội dung chính

  • Phụ nữ khởi xướng khoảng ⅔ số vụ ly hôn.
  • Mặc dù tổ tiên phụ nữ chúng ta được hưởng lợi theo những cách cụ thể từ các mối quan hệ dài hạn, thì phụ nữ ngày nay lại nhận được nhiều cơ hội hơn.
  • Một quan điểm về sự không tương xứng–về mặt tiến hóa có thể giúp lý giải tại sao phụ nữ muốn ly hôn nhiều hơn nam giới.
  • Định nghĩa lại "bổn phận của từng người" trong gia đình, hỗ trợ chăm sóc con cái tốt hơn và chuyển đổi vai trò giới có thể giúp tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau trong hôn nhân.  

Người ta thường biết rằng tỷ lệ ly hôn ở Mỹ khá cao, dao động khoảng 43-46% đối với những cuộc hôn nhân đầu tiên.

Điều còn ít được biết đến đó là phụ nữ có xu hướng muốn và chủ động ly hôn. Khoảng ⅔ các cuộc hôn nhân khác giới kết thúc theo mong muốn của người vợ, một phát hiện đã xuất hiện ở Hoa Kỳ và đa văn hóa (Rosenfeld và cộng sự, 2018; Charvoz và cộng sự, 2009). Các học giả đã nhận ra điều này có chút nghịch lý: Về mặt văn hóa, phụ nữ độc thân có xu hướng muốn kết hôn hơn đàn ông độc thân, nhưng sau khi lập gia đình, phụ nữ lại có xu hướng ít thỏa mãn hơn trong mối quan hệ so với cánh đàn ông. Họ chính là những người muốn thoát khỏi hôn nhân.

Mặc dù phụ nữ chủ động ly hôn nhiều hơn, nhưng họ lại ít có khả năng kết thúc các mối quan hệ ngoài–hôn nhân như nam giới. Quả thực, nghiên cứu trước đây về các cuộc chia tay ngoài–hôn nhân cho thấy không có sự khác biệt về giới tính trong sự thỏa mãn và cũng không có khác biệt giới tính trong mong muốn chấm dứt những mối quan hệ đó (Rosenfeld và cộng sự, 2018). Chỉ đối với các mối quan hệ hôn nhân, chứ không phải mối quan hệ trước hôn nhân, phụ nữ mới đóng vai trò tối quan trọng trong việc quyết định quỹ đạo của nó.

Đáng lẽ chuyện ly hôn có hại cho phụ nữ, nhưng thực tế thì không  

Ly hôn là một thủ tục pháp lý kèm theo tổn thất đáng kể về tài chính, xã hội và cá nhân. Đối với phụ nữ, ảnh hưởng tài chính của việc ly hôn có xu hướng cao hơn đàn ông, và nếu có liên quan tới con cái thì trách nhiệm chăm sóc có xu hướng đổ lên vai những bà mẹ mới đơn thân này một cách không tương xứng (Leopold, 2018). Chúng là những thách thức lớn. Trên bình diện thực tế, chẳng có gì bất ngờ nếu sau khi ly hôn, phụ nữ nghèo hơn đàn ông.   

Nhưng không phải vậy. Phụ nữ có xu hướng cảm thấy tốt hơn ngay sau đó và không khác gì nam giới về mức độ hài lòng trong cuộc sống theo thời gian (van Scheppingen, & Leopold, 2020). Bất chấp những phí tổn tài chính đáng kể liên quan đến ly hôn và gánh nặng của việc nuôi dạy con một mình, phụ nữ (nhìn chung) vẫn sống tốt sau khi ly hôn.

Phụ nữ ngày nay ít cần đến hôn nhân hơn đàn ông  

Một góc nhìn mới về lý do tại sao phụ nữ có khuynh hướng chủ động ly hôn theo cách tiếp cận về mặt tiến hóa và nhấn mạnh sự không tương xứng–về mặt tiến hóa giữa những lợi lạc mà tổ tiên phụ nữ của chúng ta nhận được từ hôn nhân và những cơ hội mà xã hội hiện đại ngày nay mang lại (Parker và cộng sự, 2022). Ý tưởng của họ như sau:

  1. Vì những nguyên nhân sinh học mà tổ tiên phụ nữ có khoản đầu tư tối thiểu vào bất cứ đứa con nào lớn hơn tổ tiên đàn ông của chúng ta (hãy nghĩ đến việc mang thai, sinh đẻ đẩy rủi ro và cho con bú). Với những khoản đầu tư ban đầu cao như thế, phụ nữ hình thành sự gắn bó với con cái và có xu hướng duy trì vai trò là người chăm sóc. Nên việc chỉ loanh quanh trong nhà và dựa vào người bạn đời để có thức ăn và sự bảo vệ thì có lợi hơn.
  2. Do đó, ông cha tổ tiên của chúng ta là người cung cấp nguồn lực (thức ăn, sự bảo vệ), trong khi đó các bà mẹ tổ tiên của chúng ta dựa vào họ để nhận được những nguồn lực đó.
  3. Những thay đổi xã hội với nhịp độ nhanh (ví dụ, kiểm soát sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình, tiếp cận giáo dục) đã tạo ra một kịch bản mới, nơi mà việc phụ thuộc vào người bạn đời để có được các nguồn lực (như tiền bạc) không còn cần thiết như trước kia.
  4. Phụ nữ không cần đến một người bạn đời chu cấp nguồn lực như trong quá khứ. Những lợi ích mà họ thu được từ hôn nhân có thể ít hơn so với đàn ông, vì thế mà, nếu không thấy thỏa mãn thì phụ nữ có nhiều khả năng chủ động ly hôn.

Sự không tương xứng giữa những gì thế giới hiện đại mang đến cho phụ nữ và những đòi hỏi của phụ nữ đối với một mối quan hệ trong quá khứ có thể gây ra sự bất ổn trong mối quan hệ. Parker và đồng nghiệp (2022) chỉ ra vấn đề tiềm ẩn của sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa hai vợ chồng bị suy yếu, càng trở nên khó khăn hơn khi phụ nữ vẫn phải gánh phần lớn gánh nặng chăm con mặc dù thu nhập bằng hoặc cao hơn chồng. Stress, bực bội, oán giận—không điều nào là lành mạnh cho mối quan hệ.

Cần có những phương pháp hỗ trợ mới để tận dụng được những thay đổi xã hội tích cực  

Phụ nữ có thể là người đòi ly hôn nhiều hơn nam giới vì sự bất tương xứng về mặt tiến hóa nói trên. Trong hôn nhân khác giới tính, có thể cần phải tạo ra những thay đổi để hỗ trợ sự phụ thuộc lẫn nhau lành mạnh dựa trên những cơ hội mà phụ nữ có được. Parker và các đồng nghiệp (2022) gợi ý những điều sau:

  1. Phân công lao động trong gia đình rõ ràng hơn. Vợ chồng có thể được hưởng lợi từ những cuộc đối thoại về việc phân chia việc nhà theo cách phù hợp với thời gian và sức lực của cả hai.
  2. Hỗ trợ chăm con. Những gia đình mà trong đó cả hai vợ chồng đều đang làm việc ngoài xã hội sẽ gặp rủi ro nếu một bên phải đảm đương nhiều trách nhiệm chăm con (ví dụ, gánh nặng tinh thần của việc nuôi dạy con). Liệu những cách sắp xếp mới, như thuê người giúp việc hay gia đình nội/ngoại hỗ trợ, giúp nhận ra áp lực đè nặng lên cả hai vợ chồng chăng?
  3. Nhận ra những niềm tin theo mặc định của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn giữ những kỳ vọng như tổ tiên mình thì, Parker và các đồng nghiệp (2022) cho rằng việc thừa nhận chúng có thể mang lại lợi lạc cho đôi vợ chồng.

Cuối cùng, Parker và các đồng nghiệp (2022) mang đến một cách nhìn nhận mới về chuyện ly hôn ở các cuộc hôn nhân thời hiện đại. Họ cho rằng một số điều bất mãn và căng thẳng mà chúng ta trải qua là phản ứng trước một hệ thống mối quan hệ được thiết lập dành cho một thời đại khác. Mặc dù việc thay đổi các chuẩn mực giới tính có thể là một quá trình dài lâu và chậm chạp, nhưng cuối cùng, một cách tư duy mới về giới tính trong các mối quan hệ có thể giúp ích rất nhiều để hỗ trợ cho các cuộc hôn nhân lành mạnh.

Tài liệu tham khảo

Rosenfeld, M. J. (2018). Who wants the breakup? Gender and breakup in heterosexual couples. In Social networks and the life course (pp. 221-243). Springer, Cham.

Leopold, T. (2018). Gender differences in the consequences of divorce: A study of multiple outcomes. Demography, 55(3), 769-797.

Charvoz, L., Bodenmann, G., Bertoni, A., Iafrate, R., & Giuliani, C. (2008). Is the partner who decides to divorce more attractive? A comparison between initiators and noninitiators. Journal of Divorce & Remarriage, 50(1), 22-37.

van Scheppingen, M. A., & Leopold, T. (2020). Trajectories of life satisfaction before, upon, and after divorce: Evidence from a new matching approach. Journal of Personality and Social Psychology, 119(6), 1444–1458. https://doi.org/10.1037/pspp0000270

 

Nguồn

Psychology Today   

menu
menu