Tầm quan trọng của sách 

tam-quan-trong-cua-sach 

Có khoảng 130 triệu đầu sách đã được xuất bản trong lịch sử nhân loại, một độc giả nhiệt thành thường đọc qua 6000 cuốn trong suốt cuộc đời. Hầu hết những cuốn sách ấy thường chẳng mấy thú vị hay đáng nhớ.

Có khoảng 130 triệu đầu sách đã được xuất bản trong lịch sử nhân loại, một độc giả nhiệt thành thường đọc qua 6000 cuốn trong suốt cuộc đời. Hầu hết những cuốn sách ấy thường chẳng mấy thú vị hay đáng nhớ. Sách cũng như người, chúng ta gặp gỡ nhiều, nhưng chẳng yêu được mấy ai. Có lẽ chỉ khoảng ba mươi cuốn sách là thực sự biểu thị được chúng ta. 

Danh sách ấy mỗi người mỗi khác, nhưng cách thức những cuốn sách ấy ảnh hưởng đến chúng ta thì chẳng khác gì nhau.

Điều cốt lõi, và có lẽ ngoài dự kiến, mà sách mang đến cho ta là sự đơn giản hóa. Nghe hơi kỳ quặc, bởi chúng ta quen nghĩ văn chương thì hư cấu phức tạp. Nhưng bằng những cách thức mạnh mẽ, sách tổ chức và gạn lọc những vấn đề của chúng ta, biểu hiện bằng việc đơn giản hóa.Sách kể lại một câu chuyện, nên nó căn bản đơn giản hơn so với trải nghiệm thực tế. Tác giả giấu đi phần lớn tình tiết đời thật xen ngang. Theo diễn biến truyện, ta chuyển thẳng từ khoảnh khắc quan trọng này sang khoảnh khắc đáng chú ý khác, còn trong cuộc đời, có muôn vàn những tình tiết phụ, tuyến truyện phụ làm ta xao lãng rối bời. Trong một câu chuyện, những sự kiện quan trọng của cuộc hôn nhân sẽ được mô tả trong khoảng vài chục trang, còn trong đời, nó trải ra nhiều năm và xen lẫn giữa vô vàn những cuộc hội họp làm ăn, những kỳ nghỉ, những giờ ngồi xem TV, chuyện phiếm với mẹ cha, những lần đi mua sắm và cả những cuộc hẹn khám nha sĩ. 

Logic nén lại của cốt truyện đã làm sáng tỏ những hỗn loạn hiện tồn: những mối liên hệ giữa các sự kiện hiện ra rõ ràng hiển nhiên hơn rất nhiều. Chúng ta cuối cùng cũng hiểu được điều gì đang diễn ra.

Tác giả thường giải thích cho ta rất nhiều thứ khi kể chuyện. Họ rất thường lý giải tại sao nhân vật này lại hành động như thế, họ cũng tiết lộ những suy nghĩ và đổi thay thầm kín của người khác. Các nhân vật trong truyện định hình rõ ràng hơn nhiều so với những người ta bắt gặp trong đời. 

Trên những trang sách, những kẻ ác thì ác một cách thuần túy hơn, những người anh hùng thì dũng cảm hơn, thao lược hơn, những đau đớn trở nên rõ ràng hơn, và đạo đức phẩm tiết thì hiện lên nổi bật hơn so với những gì thường diễn ra ngoài đời. 

Họ, cùng những hành động của mình, đã mang đến những cái đích đơn giản hóa cho cuộc đời đầy cảm xúc của chúng ta. Ta yêu thương họ, khinh ghét họ, thương cảm họ hay chi trích họ nhiều hơn và rõ ràng hơn là ta từng làm đối với những người bạn bè thân thuộc ngoài đời.

Chúng ta cần sự đơn giản hóa ấy bởi tâm trí ta đã thảm bại trước cuộc đời phức tạp này. Tác giả, trong một duyên cớ hiếm hoi nhưng vô cùng trọng đại, đã mang vào từng con chữ những cảm xúc từ lâu lẩn tránh ta, họ hiểu ta hơn cả ta hiểu chính mình. Họ dường như đang kể câu chuyện của chính chúng ta, nhưng với một cái nhìn sáng rõ mà ta chẳng thể có.

Văn chương sửa sang lại tính cạn lời bẩm sinh trong chúng ta. 

Nhiều lần ta chẳng còn lời nào để nói, ta bị ấn tượng bởi hình ảnh của một cánh chim lướt bay trên bầu trời hoàng hôn, ta nhận thức được bầu khí quyển đặc trưng vào lúc sớm mai, ta yêu kiểu cách thân ái và có chút phóng túng của một ai đó. Ta gắng nói lên xúc cảm của mình, nhưng rồi chỉ thốt lên được rằng: “thật đẹp làm sao.” 

Xúc cảm của chúng ta dường như quá phức tạp, quá tinh tế, quá mơ hồ, nó tuột khỏi tay khiến ta chẳng thể nắm bắt và gọi tên. Nhà văn lý tưởng nắm chắc vài điều nổi bật: góc độ sải cánh chim, chuyển động chậm rãi của cành lá lớn nhất trên tán cây, góc độ khuôn miệng của một nụ cười. 

Sự đơn giản hóa không phản bội sắc thái của đời sống, mà nó tái hiện lại cuộc sống cho dễ thấy hơn.

Các nhà văn vĩ đại dựng lên cầu nối cho mọi người mà ta đã vô tình chia cách. Họ băng qua cốt lõi chung của trải nghiệm. Bằng sự chọn lọc và nhấn mạnh, họ biểu lộ những điều quan trọng mà chúng ta cùng chia sẻ. Họ chỉ cho ta điểm cần nhìn.

Họ giúp chúng ta cảm nhận. Ta muốn mình tốt, ta muốn quan tâm, ta muốn cảm nhận một cách ấm áp và nhạy cảm, nhưng ta không thể. 

Dường như trong đời sống thường nhật, không có khoảng không phù hợp nào để những cảm xúc của chúng ta được bộc lộ. Những mối quan hệ của chúng ta quá dễ bị tổn hại. Ta thấy quá liều lĩnh khi đối xử thật tốt với ai không đáp lại mình. Thế nên chúng ta không cảm nhận mấy, không có cảm xúc mấy, chúng ta đóng băng. Nhưng sau đó, giữa những trang sách và mạch truyện, ta bắt gặp ai đó, có lẽ nàng thật đẹp đẽ dịu mềm, thật nhạy cảm và trẻ trung, rồi nàng chết, ta sẽ khóc cho nàng và cho toàn bộ những độc ác bất công trên toàn thế giới. 

Rồi chúng ta rời khỏi câu chuyện, không phải với con tim tan vỡ, mà với tâm hồn được làm mới. Những cơ bắp cảm xúc trong chúng ta được khởi động, và sức mạnh của chúng biểu hiện mới mẻ vào đời sống chúng ta.

Không cần thiết tất cả các sách phải mang sự đơn giản hóa mà ta cần. Chúng ta thường chẳng ở đúng nơi đúng chỗ để sử dụng tri thức mà quyển sách mang đến. 

Nhiệm vụ kết nối một quyển sách đến với một con người thích đáng trong thời gian và hoàn cảnh thích hợp đến nay vẫn chưa nhận được sự chú ý đúng mức: báo chí và bạn bè giới thiệu một quyển sách cho ta vì quyển ấy có hiệu quả với họ, họ không mảy may suy nghĩ xem tại sao nó lại hợp với mình. Nhưng khi tình cờ lướt qua cuốn sách lý tưởng cho mình, ta sẽ nhận được lời giải thích cho những trải nghiệm và vấn đề của mình một cách tỉnh táo rõ ràng nhất quán và hệ thống đến kỳ lạ: trong một lúc tâm trí ta như một bầu trời quang mây không vẩn đục, và trái tim ta hoàn toàn tinh nhạy. 

Qua sự đơn giản hóa tốt lành từ những cuốn sách, chúng ta dần biết rõ hơn chút ít về con người thực sự của chúng ta bấy lâu nay.

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-importance-of-books/
Dịch bởi Minh Hùng
Bài đã đăng trên Ipick.vn

menu
menu