Tình bạn thay đổi theo tuổi tác thế nào

tinh-ban-thay-doi-theo-tuoi-tac-the-nao

Tình bạn, một mối quan hệ cơ bản của sự sống, đã tiến hóa cùng tuổi tác của chúng ta thế nào?

Trong cuốn sách Friendship: The Evolution, Biology, and Extraordinary Power of Life's Fundamental Bond, nhà báo khoa học Lydia Denworth gọi độ tuổi 30 là "thập kỷ cáo chung của tình bạn". Tình bạn, một mối quan hệ cơ bản của sự sống, đã tiến hóa cùng tuổi tác của chúng ta thế nào?

Tình bạn là những quan hệ độc đáo, vì không giống quan hệ gia đình, chúng ta chọn việc làm bạn với nhau. Nhưng lại cũng không giống các quan hệ tự nguyện khác - như hôn nhân hay yêu đương - tình bạn không có một cấu trúc chính thức. 

Rõ ràng bạn không thể không nói chuyện hay gặp mặt người thân trong nhiều tháng liên tục, nhưng lại có thể không có bất cứ liên hệ gì với một người bạn trong chừng ấy thời gian.

Khi người ta trẻ

Dù tình bạn có xu hướng thay đổi theo tuổi tác, nhưng có những "hằng số", hay các kỳ vọng về bạn bè mà mọi người luôn mong muốn dù thuộc bất cứ độ tuổi nào.

"Tôi đã nghe một thiếu niên 14 tuổi và một cụ già 100 tuổi nói về những người bạn thân của họ, và có 3 điều kỳ vọng về một người bạn thân mà tôi thấy mọi người đều mô tả và coi trọng trong suốt cuộc đời" - William Rawlins, giáo sư chuyên về giao tiếp giữa các cá nhân tại ĐH Ohio (Mỹ), nói với The Atlantic. 

"Đó là một người để trò chuyện, một người để nương tựa, và một người để được vui vẻ khi ở bên. Những kỳ vọng này luôn không đổi, nhưng hoàn cảnh để đạt được chúng thì thay đổi" - vị chuyên gia nói tiếp.

Bản chất tự nguyện của tình bạn khiến nó chịu sự chi phối, tác động của các biến động bất ngờ trong đời theo những cách mà các mối quan hệ chính thức khác không bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, ở tuổi trưởng thành, khi lớn lên và thoát ly, tình bạn là mối quan hệ dễ bị tác động nhất. 

Bạn sẽ "mắc kẹt" với gia đình mình và phải ưu tiên cho bạn đời của mình hơn. Nếu ngày xưa muốn rủ đứa bạn đi cà phê chém gió, bạn chỉ cần xẹt qua nhà xem họ có đi được không, thì nay bạn sẽ phải hỏi trước xem họ có rảnh không.

Sự tự nguyện là điều đẹp đẽ, đặc biệt về tình bạn, nhưng theo Emily Langan, phó giáo sư chuyên về giao tiếp tại Trường Wheaton College, nó cũng là "nhân tố hai mặt", bởi khi ta có thể lựa chọn để bắt đầu một mối quan hệ bằng hữu thì ta cũng có thể chọn kết thúc nó.

Trong suốt cuộc đời, từ thời tiểu học cho tới khi vào nhà dưỡng lão, tình bạn vẫn tiếp tục mang lại những lợi ích sức khỏe, gồm cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng khi cuộc sống tăng tốc, các ưu tiên và trách nhiệm của con người thay đổi, theo đó tình bạn cũng bị tác động, hoặc tốt hơn hay xấu đi, và đáng buồn là thường sẽ theo chiều hướng tệ hơn.

"Tôi nghĩ tuổi thanh thiếu niên (từ 18 đến 22 hoặc 25) là giai đoạn vàng cho việc hình thành những tình bạn; nhất là với những người có cơ hội và may mắn được học đại học" - Rawlins nói. 

Trong giai đoạn này, tình bạn trở nên phức tạp và ý nghĩa hơn. Lúc nhỏ, bạn bè hầu hết là những đứa trẻ có thể vui chơi với nhau. Tới giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, con người thường có một chút tự tin về bản thân mình hơn và thường muốn tìm những người bạn chia sẻ với họ các giá trị về những điều quan trọng, bỏ qua những điều vụn vặt.

Chưa kể là thanh thiếu niên cũng có nhiều thời gian dành cho bạn bè hơn. Theo quyển Encyclopedia of Human Relationships (tạm dịch: Bách khoa thư về các mối quan hệ của con người), người trẻ dành từ 10 đến 25 giờ mỗi tuần cho bạn bè, còn theo một khảo sát về việc sử dụng thời gian của người Mỹ năm 2014, những người từ 20-24 tuổi dành hầu hết thời gian trong ngày để gặp gỡ, giao lưu với bạn.

Trường học (ví như đại học) là môi trường thúc đẩy thêm cho điều đó. Khi còn trẻ, mạng lưới bạn bè cũng "dày đặc" một cách tự nhiên vì lúc này hầu hết những người bạn gặp là ở trường hay sống cùng khu phố, thị trấn. Khi bạn rời nhà đi học, đi làm, mạng lưới bạn bè sẽ mở ra. Việc tới một thành phố khác học đại học sẽ đem lại trải nghiệm đầu tiên cho bạn về điều đó.

Chúng ta không có sự ràng buộc với bạn bè theo cách giống như với người yêu, công việc hay gia đình. Chúng ta rất buồn khi phải ra đi, nhưng chúng ta sẽ đi. Đây là một trong những sự căng thẳng của tình bạn, cái mà ông Rawlin gọi là "sự tự do để bị lệ thuộc và sự tự do được độc lập".

Một mai ta già đi

Khi bước vào tuổi trung niên, con người có xu hướng có nhiều nhu cầu hơn với thời gian của họ, rất nhiều nhu cầu trong đó tạo áp lực lớn hơn tình bạn. Chẳng hạn, người ta thà trì hoãn một cuộc hàn huyên với bạn cũ hơn là phải bỏ buổi xem vở kịch của con hay chuyến công tác quan trọng.

Phần lớn thời gian của người trẻ trưởng thành sẽ đổ vào công việc và gia đình. "Sự giảm sút bạn bè lớn nhất trong đời xảy ra khi người ta kết hôn - Rawlin nói - Và điều này thật trớ trêu, vì tại lễ cưới, người ta mời bạn bè của cả hai bên, vậy nên đó như thể là dịp tụ tập sôi nổi và tuyệt vời nhất với bạn bè của hai người, rồi từ đó trở đi sẽ giảm bớt".

Tranh: Shirley Sykes

Trong các phỏng vấn giáo sư Rawlin thực hiện năm 1994 với những người Mỹ tuổi trung niên về bạn bè họ, những người trả lời cho biết họ hiếm khi có thời gian dành cho những người bạn họ quý trọng nhất vì nhiều lý do như hoàn cảnh, tuổi tác, bởi thế những dịp hẹn hò của họ thường chỉ "diễn ra" ở giai đoạn bàn bạc chứ ít khi thành hiện thực.

Trong suốt hành trình sống, con người sẽ kết bạn và giữ bạn theo những cách khác nhau. Một số khá độc lập, có thể kết bạn ở bất cứ đâu và có nhiều người quen hơn là những tình bạn sâu sắc. Có người kỹ tính, chỉ có vài người bạn thân gắn bó nhiều năm trời, lại cũng có những người "tham lam", bên cạnh việc duy trì tình bạn cũ, họ vẫn có thêm những người bạn mới.

Dù vậy, theo Rawlin, những quan hệ bạn bè mới ở tuổi trung niên thường sẽ gắn theo những quan hệ khác, kiểu như với các đồng nghiệp hay với cha mẹ các bạn của con. Theo đó kỹ năng "kết bạn" của người trung niên cũng có thể bị suy giảm như kết luận rút ra trong nghiên cứu của chuyên gia Langan.

Để có những "tình bạn tuổi hoa râm"

Nói gì thì nói, theo nhiều cách, tìm một người bạn khi còn là một đứa trẻ, một thiếu niên, một thanh niên thì cơ hội dường như vô tận. Còn với rất nhiều người trung niên, sau nhiều năm ngụp lặn ngược dòng để cố làm tròn các trách nhiệm công việc và gia đình, một ngày nào đó họ sẽ chợt nhận ra bản thân đã không ưu tiên những quan hệ mới mà cũng chẳng chăm sóc những quan hệ cũ.

"Khi bước vào tuổi trung niên, chúng ta luôn thấy mình bận rộn" - TS Marc Schulz, đồng tác giả cuốn sách The Good Life và là phó giám đốc nghiên cứu dài hơi về sự phát triển của người trưởng thành của Đại học Harvard, nói. "Một số người bừng tỉnh nhận ra họ thực sự cần xây dựng lại các mối quan hệ của mình… rất nhiều trong các kết nối xã hội của họ có thể chỉ xoay quanh công việc và những loại hoạt động con cái họ tham gia" - ông nói thêm.

Cùng chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Nina Vasan, nhà tâm lý học và là giám đốc y khoa tại ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tâm thần Real, cho rằng những người lớn tuổi hơn có thể vì sợ tổn thương hơn nếu mất bạn nên cũng lo sợ và khép mình hơn trước các cơ hội kết bạn mới. Theo đó, họ thậm chí sẽ tự hỏi bản thân việc kết bạn "ở giai đoạn này" liệu có còn quan trọng. Nhưng thực tế tình bạn luôn đem lại những lợi ích cả về thể chất và tinh thần với mỗi người, bất kể họ đang ở độ tuổi nào.

Nếu độ tuổi 30 của chúng ta là "thập kỷ mà tình bạn cáo chung", thì cũng không có gì ngạc nhiên khi việc kết bạn ở tuổi 40 sẽ khá giống với chuyện hẹn hò: Nó không chỉ tùy thuộc vào tính cách và những quan tâm chung, mà còn về một tầm nhìn chung về mối quan hệ mới có thể mang lại. Chuyện khó nhất là tìm được ai đó muốn làm những điều giống bạn và ở cùng thời điểm.

Lời khuyên chung của các chuyên gia là tìm cách làm phong phú thêm các mối quan hệ quanh bạn một cách phù hợp: làm cố vấn hay tình nguyện viên cho một hoạt động nào đó có thể giúp những người lớn tuổi có thêm những kết nối mới và bạn bè vong niên luôn mang lại những điều mới mẻ. Thử một điều mới mẻ như học ngoại ngữ, chơi đàn… cũng có thể là giải pháp. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một điều mới. Việc cùng chia sẻ một đam mê và lợi ích sẽ là điều kiện tuyệt vời để nuôi dưỡng một tình bạn.

Còn chuyện duy trì tình bạn với người trung niên thì sao? Theo Schulz, lời khuyên là hãy dám chấp nhận rủi ro và mạnh mẽ hơn. "Thường có một tiếng nói trong đầu bảo chúng ta rằng mọi người không quan tâm đến ta như ta quan tâm tới họ, hay họ sẽ không có thời gian cho mình đâu, hoặc có thể họ sẽ chẳng nhớ mình là ai nữa" - ông nói về những rảo cản tâm lý thông thường mà ta cần vượt qua.

Nếu muốn làm ấm lại một tình bạn cũ, Schulz đưa ra các gợi ý: cứ liên lạc và chủ động đề xuất một kế hoạch (thay vì nói bạn hy vọng hai người có thể sớm gặp lại nhau); bắt đầu bằng một việc nhỏ như cùng nhau uống ly cà phê trước khi làm việc, rồi tăng dần các cuộc gặp thường xuyên hơn một cách tự nhiên.

Đừng quên là ai cũng cần thời gian để được thoải mái, vậy nên nếu các mối quan hệ bạn cũ chưa thể ấm ngay lại thì bạn vẫn nên coi là điều bình thường.

Tạp chí Fortune dẫn lại nghiên cứu về hạnh phúc dài hạn đã được thực hiện tại ĐH Harvard từ năm 1938 cho thấy có một nhân tố quan trọng và không thể tranh cãi mang lại hạnh phúc dài hạn, đó chính là tình bạn. Theo nghiên cứu này, khi mọi người ưu tiên các quan hệ trong đời, họ có cảm giác thoải mái hơn, nhất là khi họ có thể gọi được cho ai đó khi khẩn cấp lúc nửa đêm. Các mối quan hệ cũng khiến họ hạnh phúc và tránh khỏi cảm giác cô đơn.

Cô đơn là trạng thái rất tồi tệ cho sức khỏe. Báo cáo của Viện Hàn lâm quốc gia về khoa học, kỹ thuật và y học của Mỹ cho biết khoảng 1/4 những người ở độ tuổi từ 65 trở lên sống tách biệt với mọi người, điều này làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và chết sớm. Cô đơn cũng liên quan tới mức tăng 50% nguy cơ bị mất trí nhớ. Một nghiên cứu gần đây hơn (công bố tháng 2-2022) cho thấy những mối quan hệ tốt lành giúp giảm các nguy cơ mắc nhiều loại bệnh kinh niên ở nữ giới và khi càng có nhiều mối quan hệ tốt, nguy cơ này càng giảm.

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu