Tình yêu là một đống hoá chất? Và vì sao người thứ ba có thể chen vào?

tinh-yeu-la-mot-dong-hoa-chat-va-vi-sao-nguoi-thu-ba-co-the-chen-vao

tăng Dopamine + tăng NOREPINEPHRINE + giảm SEROTONIN = PHÁT ĐIÊN VÌ TÌNH

Tôi vô cùng xin lỗi nếu bài viết này làm mọi thứ màu hồng lãng mạn bay bổng linh thiêng của bạn về tình yêu vỡ tan tành. Nhưng, ngụp lặn trong các cuộc tình, hẳn bạn nhận ra tình yêu luôn trải qua các giai đoạn khác nhau. Vì sao lúc đầu luôn rất tuyệt vời nhưng càng về sau ta càng vất vả để giữ được ngọn lửa tình? Vì sao có những người luôn thay bồ như thay áo chỉ sau vài tháng? Vì sao sau 15 năm hôn nhân chúng ta nhìn nhau và không hề thấy một chút xúc động nào trong tâm nhưng ta vẫn cảm giác không thể sống thiếu người ấy?

Đó là vì các loại hóa chất khác nhau hoạt động trong 3 giai đoạn chính của tình yêu: Cuồng Say, Giưa Giữa và Gắn Kết.

[KHỞI ĐỘNG]

Ở giai đoạn này, ta chú ý đến người này, người kia và thấy họ thật hấp dẫn. Bên trong ta có cảm giác muốn tìm hiểu họ nhiều hơn và muốn họ chú ý đến ta. Bên trong ta có nhu cầu gần gũi với một ai đó. Khi đã chốt một đối tượng và bắt đầu qua lại với người đó, đèn xanh bật lên, ta bắt đầu cho chiếc xe của mình chạy trên con đường tình yêu. Giai đoạn này có một tầm quan trọng không hề nhỏ với hạnh phúc lâu dài của các cặp đôi. Đến cuối bài, tôi sẽ giải thích vì sao.

  1. GIAI ĐOẠN CUỒNG SAY (kéo dài khoảng 18 tháng)

Hẳn ta vẫn nhớ tim mình đập thình thịch thế nào khi gặp người ấy, tay chân run rẩy khi lần đầu chạm vào nhau, check điện thoại 5 phút một lần để xem tin nhắn đã được đọc chưa, suốt ngày nghĩ đến người ấy không sao tập trung được, và chỉ muốn gặp người ấy mà thôi. Trong giai đoạn này, con người dành tới 85% thời gian khi thức để nghĩ về tình yêu mới của mình và sẵn sàng làm mọi thứ cho tình yêu, chạy 20 cây số mua cho nàng một ly trà sữa? Quỳ 3 tiếng đồng hồ trước cổng trường để xin lỗi nàng? Chuyện nhỏ. “Thủ phạm” chính tạo ra tất cả những điều này là 3 cái tên: DOPAMINE, NOREPINEPHRINE và SEROTONIN (cả trăm cái tên phụ khác, chúng ta tạm thời bỏ qua nha).

DOPAMINE là hormone mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng ngay lập tức, khiến cho người ta muốn có nó nhiều hơn. Khi con người hấp thụ những chất gây nghiện, não tiết ra rất nhiều dopamine, ví dụ như cocaine, nicotine. Tập thể dục cũng tăng dopamine (đó là lý do sau khi tập chúng ta thường thấy rất sảng khoái). Làm một cái gì đó mới, hay chơi trò cảm giác mạnh, cũng làm tăng loại hormone này (vì thế các cuộc tình mới luôn là nguồn cung cấp dopamine dào dạt). Người ta rất dễ nghiện cảm giác do dopamine mang đến và cứ muốn có nó hoài.

NOREPINEPHRINE là thủ phạm gây ra chuyện đổ mồ hôi tay, thở gấp và dạ dày cứ quặn lên. Chuyện này xảy ra ở nhiều cường độ khác nhau, nó làm cho bạn gặp người ta thì rất vui nhưng đồng thời người cứ hộp như thế nào ấy, lần đầu nắm tay mà tay ướt nhẹp, bụng thì quặn lên.

SEROTONIN được mệnh danh là “nhạc trưởng của xúc cảm”. Lượng serotonin cao đồng nghĩa với việc mình sẽ thấy bình an hơn, ngược lại, thiếu serotonin con người dễ bị ám ảnh, lo âu. Chính trong giai đoạn này, serotonin tụt xuống thấp tủn. Vì sao ta cứ thấp thỏm chờ đợi một tin nhắn? Vì sao ta cứ suốt ngày nghĩ đến người đó đang làm gì và rất muốn gặp một cái thôi? Tất cả là tại hormone này. Sao mà nhè lúc này mà nó tiết ra ít dữ vậy chứ.

Tóm lại, chúng ta có công thức như sau:

tăng Dopamine + tăng NOREPINEPHRINE + giảm SEROTONIN = PHÁT ĐIÊN VÌ TÌNH

Chuyện này xảy ra với tất cả mọi người, không trừ một ai. Ta cảm thấy chàng và nàng chính là định mệnh của đời ta. Ta cảm thấy đây là “người con trai thông minh, vui tính, chu đáo nhất mà tớ từng gặp” hoặc “Nàng là người con gái tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất trên thế gian này”. Tình dục trong giai đoạn này rất tuyệt diệu. Tình yêu trong giai đoạn này là một cơn SÓNG THẦN, nó cuốn phăng tất cả, và chúng ta dính chưởng.

Đây là lý do tình yêu hay bị người ta gán cho cái mác “mù quáng”. Nhưng giai đoạn này không phải là ẢO. Tất cả đều là THẬT. Mọi thứ đều diễn ra trong người bạn đấy chứ, đâu phải là các loại hóa chất này không có thật đâu. Có điều, sau 12 đến 18 tháng, các hóa chất này bắt đầu yếu dần đi. Với một số người, thời gian có thể ngắn hơn, chỉ kéo dài vài tháng. Nên nếu họ nghiện cái hợp chất phía trên, thì thường họ sẽ có xu hướng đi tìm các mối quan hệ mới để lại có các hóa chất này. Với số đông, đa phần giai đoạn đẹp nhất là 1 năm đầu khi yêu nhau. Sau đó, mối quan hệ sẽ chuyển sang một giai đoạn khác.

  1. GIAI ĐOẠN GIƯA GIỮA (18 tháng đến 3 năm)

Đây là giai đoạn của sự say mê pha lẫn băn khoăn. Sóng thần chuyển sang những đợt sóng vừa phải, lúc  mạnh lúc nhẹ để những kẻ yêu nhau vừa chơi nhảy sóng, vừa có thể thỉnh thoảng lướt ván. Nhưng nếu giai đoạn trước tình yêu bịt hết cả hai con mắt của bạn lại, vào giai đoạn này, một con mắt đầu mở ra.

Vì thế, lúc này, bạn bắt đầu nhận ra “người này không ổn lắm thì phải”, hoặc “có một vài điểm chúng mình không hợp nhau”, nhưng bạn vẫn còn đang say mê nên các băn khoăn đó chưa đủ để khuấy động bạn. Bạn có thể bắt đầu chuẩn bị tiến tới hôn nhân, nhưng thỉnh thoảng bạn nghĩ về một người yêu cũ nào đó, hoặc một mẫu hình nào đó mình có thể hẹn hò trong tương lai. Tóm lại, đại loại, vài thứ bắt đầu xuất hiện.

Đây là giai đoạn rất quan trọng, nó sẽ quyết định mối quan hệ của bạn có trở thành một mối quan hệ lâu dài hay không. Lý do tớ sẽ giải thích sau, sau khi đã đi qua giai đoạn thứ ba.

  1. GIAI ĐOẠN GẮN KẾT

Khi vào tới giai đoạn này, dopamine gần như hết sạch. Vì thế, hormone quyết định sự gắn kết của cặp đôi chính là OXYTOCIN và VASOPRESSIN.

Các mẹ đã sinh con chắc hẳn không lạ gì với Oxytocin. Đây là hormone sản xuất ra nhiều nhất trong quá trình chuyển dạ, và là thứ gắn chặt người mẹ với đứa bé. OXYTOCIN khiến người ta cảm thấy gắn kết với con một cách tận tụy, sâu sắc, và muốn ở bên cạnh nó cả đời. Vì thế khi người mẹ mất đi đứa con (hoặc cảm thấy như con mình bị cướp), không một từ nào có thể diễn tả được sự đau khổ của họ. Và vì thế, không lạ gì khi có những bà mẹ yêu con đến nỗi ghen với cả con dâu con rể.

OXYTOCIN và VASOPRESSIN tạo cho cặp đôi cảm giác cực kỳ an toàn, thoải mái, gắn kết, muốn ở bên nhau suốt đời. Và trong quá trình đồng hành lâu dài, nếu duy trì được lượng Oxytocin, cặp đôi sẽ có một gắn kết đủ chắc để cùng nhau vượt qua song gió trong cuộc đời. Nếu đủ Oxytocin, sóng thần tình yêu sẽ chuyển hóa thành một đại dương sâu thẳm.

Chính vì lý do này, trong rất nhiều tài liệu, OXYTOCIN được mệnh danh là HORMONE TÌNH YÊU. Và cũng chính vì thế ở giai đoạn 2, nếu các cặp đôi cùng nhau thực hiện các hoạt động giúp tăng OXYTOCIN thì khả năng đi cùng nhau lâu dài là rất cao.

Vậy là sao để tăng OXYTOCIN cho cặp đôi (họ ko thể… đẻ ra nhau như mẹ với con [cười nham nhở])? Đây là một số cách:

  • Tiếp xúc với cơ thể người khác, điều này không có nghĩa là nhất thiết phải có sex. Nằm ôm nhau xem phim, đọc sách, vuốt ve, đụng chạm sẽ giúp các cặp đôi thân thiết lâu dài. Đây được xem là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tăng oxytocin tự nhiên (vì thế, rất chia buồn với các cặp đôi yêu xa, nhưng đừng lo, các bạn có thể thử các cách bên dưới)
  • Được nghe những lời ngọt ngào, khích lệ, yêu thương, nhận được cử chỉ tốt đẹp từ người bạn đời của mình. Vì thế, hãy ngọt ngào, khen ngợi, hãy nói lời yêu thương, hãy cư xử ân cần dù đôi khi nó rất… sến, nhưng nó tốt cho sức khỏe 
  • Được chú ý lắng nghe khi giao tiếp. Khi được người đối diện lắng nghe một cách chú tâm, oxytocin sản sinh trong cơ thể, tạo ra sự gắn kết, điều này đúng không chỉ với bạn đời mà với các mối quan hệ bình thường, nên nếu bạn muốn thắt chặt quan hệ với ai đó, chỉ cần dành thời gian chất lượng cho họ, chỉ cần nghe, không phán xét, không phone, không laptop.
  • Cười cùng nhau và khóc cùng nhau
  • Cùng nhau tham gia tập luyện thể thao hay làm một cái gì đó mới (trồng cây, nuôi thú cưng, vẽ tranh…)

VÌ SAO NGƯỜI THỨ BA CÓ THỂ CHEN VÀO? LÀM SAO ĐỂ BẢO VỆ TÌNH YÊU?

Với góc nhìn hóa chất thì đến đây hẳn bạn đã hiểu: người thứ ba là một nhân tố kích thích mới, tức là sẽ đem lại cho người kia cảm giác ở giai đoạn một. Người mới luôn là một cơn sóng thần dễ dàng cuốn phăng đi các mối quan hệ mà Oxytocin chưa đủ mạnh để tạo gắn kết lớn. Người kia của bạn sẽ thấy như hết yêu bạn rồi, và người mới xuất hiện này mới là tình yêu đích thực, nhưng thực ra cái họ đang có là giai đoạn 1 với người mới, và giai đoạn 3 dở dang thiếu hụt Oxytocin với người đương thời.

Vì thế, một lời khuyên để hạn chế việc ta bị cuốn theo bởi dopamine của người mới đó là:

  • Giữ mình ngay từ giai đoạn [KHỞI ĐỘNG], không bật đèn xanh và không tạo điều kiện cho mình và người thứ ba nảy sinh dopamine, không châm dầu vào lửa, không để cho chiếc xe chạy trên một con đường khác.
  • Tìm dopamine từ các nguồn khác có thể cho ta cảm giác mới mẻ, chinh phục, khám phá như: leo núi, chơi thể thao, trồng xương rồng… đại loại là: CÓ MỘT ĐAM MÊ NÀO ĐÓ.
  • Liên tục xây dựng mối quan hệ với người đương thời, hâm nóng tình cảm, đi “hấp hôn” để thêm dopamine và oxytocin.

GIỮ CÁI NHÌN THỰC TẾ

Đến đây thì mong rằng bức tranh tình yêu của bạn đã có những nét chấm phá mới, thực tế hơn, hữu ích hơn. Ở giai đoạn nào, mất đi tình yêu cũng đều rất đau đớn. Nếu như ở giai đoạn (1), cảm giác mất đi tình yêu giống như một đứa trẻ cực kỳ đói khát bị giật mất miếng bánh đang ăn dở trên tay (rất không cam lòng), thì ở giai đoạn (3), mất đi người bạn đời cảm giác sẽ như bị mất đi một phần cơ thể. Hiểu được những điều này không phải để chúng ta sợ hãi tình yêu, hay đánh giá thấp tình yêu, mà là để chúng ta hiểu được những cảm xúc của chính mình để cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn. Nếu bạn đang ở giai đoạn (1), hãy cứ tận hưởng, đồng thời vẫn hiểu rằng chặn đường phía trước sẽ như thế nào để không bị thất vọng khi thấy cảm xúc của mình và người kia thay đổi.

Vì tâm lý học tích cực chính là là luôn giữ cái nhìn thực tế.

Vậy… mối quan hệ của bạn đang ở giai đoạn nào rồi? 

 

***

Người viết: Cat Phuong Np

Bản quyền: Cánh Diều Project

Tài liệu tham khảo

Marazziti, D., Akiskal, H. S., Rossi, A., & Cassano, G. B. (1999). Alteration of the platelet serotonin transporter in romantic love. Psychological Medicine29(3), 741-745.

Tennov, D. (1998). Love and limerence: The experience of being in love. Scarborough House.

Zeki, S. (2007). The neurobiology of love. FEBS letters581(14), 2575-2579.

menu
menu