Tôi đang trở thành chính mẹ của mình! 4 bước giúp bạn không lặp lại sai lầm của cha mẹ độc hại trong quá khứ

toi-dang-tro-thanh-chinh-me-cua-minh-4-buoc-giup-ban-khong-lap-lai-sai-lam-cua-cha-me-doc-hai-trong-qua-khu

Cha mẹ thường vô tình tái hiện và làm sống lại quá khứ đau khổ từ thời thơ ấu của chính họ khi nuôi dạy con cái.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

- Cha mẹ thường vô tình tái hiện và làm sống lại quá khứ đau khổ từ thời thơ ấu của chính họ khi nuôi dạy con cái. 

- Để tránh lặp lại những sai lầm của cha mẹ, chúng ta cần cố gắng để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.

- Các chiến lược để bỏ lại quá khứ sau lưng bao gồm nhận ra những khuôn mẫu của chúng ta, đối chiếu chúng với khuôn mẫu của cha mẹ ta và cởi mở suy ngẫm về nó cùng với những khuôn mẫu khác. 

Tôi sẽ không đời nào giống cha/mẹ mình!”

Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe bạn bè, anh chị em và chính chúng ta nói như vậy? Liệu chúng ta có bị ám ảnh bởi những bóng ma nuôi dạy con cái trong quá khứ- hay chúng ta có thể thoát ra, ngừng lặp lại những sai lầm của cha mẹ và làm tốt hơn công việc nuôi dạy con cái của mình?

Vâng, chúng ta có thể làm được. Nhưng ta cần phải nỗ lực để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này.

Nhà phân tâm học Selma Fraiberg đưa ra khái niệm về "bóng ma trong nhà trẻ" để miêu tả cái cách mà các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con, có thể vô tình tái hiện và làm sống lại những tổn thương trong quá khứ từ thời thơ ấu của họ. Các bậc cha mẹ có thể hy vọng là tránh được những phần khó khăn của chính cha mẹ họ, chỉ để rồi cuối cùng lại thấy mình đang nghĩ thầm, “Nghe tôi nói giống hệt như mẹ tôi!”

Vậy làm thế nào chúng ta nhận ra khi nào những bóng ma không được chào đón đó đang xuất hiện và quan trọng nhất là, làm thế nào chúng ta có thể ngăn những bóng ma này xâm nhập vào kế hoạch nuôi dạy con cái của chúng ta? 

Có 4 chiến lược đáng tin cậy để ứng phó với bóng ma, nhưng trước tiên, tôi muốn giới thiệu về một bà mẹ trẻ đang cố hết sức để dẹp yên một bóng ma làm cha mẹ đang lơ lửng trên đầu cô ấy…

Một người mẹ trẻ bị ám ảnh với nỗi sầu muộn của mẹ cô 

Khi Jenny còn bé, mẹ cô bị trầm cảm và phải chật vật để nuôi Jenny. Cô thường xuyên bị bỏ đói và không được bú mớm. Suốt thời thơ ấu và những năm tuổi niên thiếu, Jenny luôn có cảm giác bị bỏ rơi. Và thực tế là vậy.

Cảm giác bị bỏ rơi và lo lắng theo cô đến khi trưởng thành. Dù có một người bạn đời yêu thương và biết quan tâm, nhưng Jenny vẫn sợ mình sẽ bị bỏ mặc. Trong công việc, Jenny liên tục lo sợ về việc mình bị sa thải, dù cô luôn hoàn thành tốt công việc và được đồng nghiệp và cấp trên khen ngợi.

Sau này khi đã là một người vợ hạnh phúc, biết tin có thai, cô thề sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời. Một bà mẹ mà cô cảm thấy mình chưa từng có được. Cô sẽ là bà mẹ biết yêu thương, chăm sóc con và luôn hiện diện.

Tuy nhiên, sau khi sinh con, viễn cảnh về việc làm một bà mẹ tuyệt vời của cô đã mất hút. Bé gái con cô không dễ nuôi và thỉnh thoảng còn hay nhăn nhó và xa lánh Jenny. Jenny trở nên lo lắng trước những khuôn mẫu này và bắt đầu cảm thấy trầm uất, tự hỏi “Có phải số phận đã an bài cho tôi trở thành người giống như mẹ mình?”

Hoàn cảnh của bạn có thể khác với Jenny, nhưng ở đây có 4 bài học mà một nhà phân tâm học có thể chia sẻ với bạn …

1. Tìm hiểu thêm về quá khứ của bạn.

Chúng ta không biết gì cả về trải nghiệm của chúng ta khi còn sơ sinh và lúc chập chững biết đi. Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống thì hãy gợi chuyện và nghe họ kể về những năm thời thơ ấu của bạn, và tìm hiểu càng nhiều càng tốt từ họ hàng và những người bạn của gia đình.

Trong trường hợp của Jenny, cô ấy biết mẹ mình bị trầm cảm nhưng chưa hiểu hết được tác động của nó đối với sự phát triển thời thơ ấu của cô. Jenny đã sắp xếp thời gian để trò chuyện với mẹ cô cũng như người dì đã giúp chăm sóc Jenny. Những câu chuyện mới này đã giúp Jenny hiểu rõ hơn về câu chuyện cá nhân của cô.

2. Nhận biết các khuôn mẫu.

Hãy giữ một bản ghi chép về thời gian và sự việc có vẻ mang lại niềm vui—và những điều gây khó chịu. Những khoảnh khắc này có gắn kết với chủ đề nào đó không, và những chủ đề đó có thể là gì? Thường thì chúng ta có thể nhớ lại những phản ứng tương tự từ chính cha mẹ của ta.

Jenny nhận ra sự quan tâm quá mức của cô ấy với việc cho con bú. Bất kể trong hoàn cảnh nào, cô ấy cũng có xu hướng quan tâm quá nhiều đến chuyện ăn uống của đứa bé. Khi nhận ra khuôn mẫu này, cô bắt đầu nghĩ, “tại sao mình lại cảm thấy lo lắng?”

3. Nhận ra ý nghĩa từ những khuôn mẫu đó.

Khi chúng ta nghĩ về mối quan hệ giữa những khuôn mẫu của chúng ta và những điều ta biết về quá khứ của mình thì chúng ta có thể rút ra ý nghĩa gì từ chúng? Những khuôn mẫu này có ý nghĩa gì trong mối quan hệ với bậc cha mẹ bên trong của chúng ta? Jenny nhận ra căng thẳng ngày càng tăng của cô xung quanh chuyện cho con ăn đã lặp lại những thách thức của chính mẹ cô đối với việc cho con ăn của bà. Nhận ra ý nghĩa này nên cô sẵn sàng thay đổi hành vi của mình trong hiện tại.

4. Tạo không gian cho sự thay đổi.

Khi bạn hiểu được quá khứ và thừa nhận các khuôn mẫu trong hiện tại của bạn thì các nhà phân tâm học xem đó như một cơ hội cho sự thay đổi đầy ý nghĩa. Nếu bạn chấm dứt được khuôn mẫu nuôi dạy con do cha mẹ-truyền lại thì hãy tưởng tượng cơ hội mà nó mang lại xem!

Thông qua việc suy ngẫm và trò chuyện cởi mở với gia đình và bạn bè, Jenny cảm thấy được trao quyền để chấm dứt những căng thẳng lặp đi lặp lại của cô xoay quanh chuyện cho con ăn. Biết rằng mình có thể thay đổi nên cô bắt đầu cho phép đứa con gái nhỏ của cô được tự do là chính nó hơn, mà không mang cảm giác mình đã thất bại. Jenny dần chấp nhận khả năng làm mẹ của cô hơn, và thật ấn tượng làm sao, nhờ sự thoải mái này mà con cô bắt đầu cảm thấy chuyện ăn uống mang nhiều niềm vui hơn.  

Trong câu chuyện của Jenny, chúng ta có thể thấy những trải nghiệm khó khăn hay sang chấn tâm lý có thể truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào. Trong câu chuyện của Jenny, khả năng chăm lo của hai bà mẹ đối lập nhau cũng không phải là điều quan trọng; cả hai đều bị đánh dấu bởi sự cực đoan, và cả hai đều gắn chặt với chứng trầm cảm. 

Sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể vừa đẹp đẽ và xấu xí. Khi chúng ta có thể hiểu được sự trao truyền đó thì ta có thể tạo ra thay đổi để chấm dứt những trao truyền độc hại và trân quý sự trao truyền tốt đẹp cho tương lai. Cũng như việc chúng ta có thể làm cho bản thân trở nên sẵn sàng đối mặt với “bóng ma” và khiến chúng không còn thường xuyên lui tới nữa, chúng ta có thể dựa vào biện pháp nuôi dạy con đầy an ủi và khả thi của cha mẹ chúng ta. Các phương pháp nuôi dạy con mới đang chờ bạn.

 

Dịch bởi chó béo cute

Nguồn: Psychology Today

Mời bạn tìm đọc cuốn sách Cha mẹ độc hại để hiểu rõ hơn về các kiểu nuôi dạy con độc hại và vượt qua di chứng tổn thương tâm lý thời thơ ấu

menu
menu