Trầm cảm lan tràn như tiếng chuông cảnh tỉnh với nhân loại
Sống hòa nhập trong một xã hội bệnh hoạn sâu sắc không phải là dấu hiệu của tâm trí khỏe mạnh.
Neil Maves
Sống hòa nhập trong một xã hội bệnh hoạn sâu sắc không phải là dấu hiệu của tâm trí khỏe mạnh ~ Jiddu Krishnamurti
Trầm cảm hiện đang được mô tả như một đại dịch thời hiện đại. Cả một đội quân các chuyên gia được đào tạo cao siêu đã đưa ra đủ loại giải pháp và tạo ra một thị trường dược phẩm khổng lồ với những cố gắng chữa trị căn bệnh của xã hội hiện đại, "văn minh" này của chúng ta. Bài viết này không phải là một thảo luận về tâm lý hay về những tài liệu tự trợ giúp sáo rỗng của những người không biết gì rao giảng từ trong tháp ngà của họ.
Hôm nay, chúng ta sẽ đi xuống chiến hào, vứt ra ngoài mọi thứ rác rưởi, xem xét vấn đề và vai trò của trầm cảm từ cách nhìn phi duy vật. Thông qua đó, biết đâu chúng ta lại chẳng khám phá ra "ý nghĩa của cuộc sống".
Một số loại trầm cảm có quan hệ nhân quả rõ ràng: hôn nhân, gia đình, thất nghiệp, v.v... Loại trầm cảm này buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Nó cũng tương đối đơn giản để giải quyết nếu chúng ta có thể đứng tách ra ngoài và xem xét những giải pháp hợp lý cho các yếu tố gây căng thẳng. Do đó, nó không tồn tại dai dẳng và thường sẽ qua đi ngay sau khi vấn đề trước mắt được giải quyết. Tuy nhiên, đấy không phải là loại trầm cảm mà chúng ta quan tâm đến ở đây.
Loại trầm cảm mà tôi quan tâm đến là loại tồn tại dai dẳng, loại khiến nạn nhân phải bỏ rất nhiều thời gian trong phòng các bác sĩ tâm lý và khiến họ phải dùng thuốc triền miên, đôi khi cả đời. Loại trầm cảm mà tôi đang nói đến là loại khiến nhiều người tìm cách tự vẫn, đôi khi nhiều lần trong cuộc đời họ. Nó vắt kiệt linh hồn ra khỏi bạn vì nó khiến bạn tin rằng thế giới này là một nơi hoàn toàn hư vô, trống rỗng. Không có mục đích, không có hy vọng, không có tương lai và không có ai hiểu. Chỉ có một thế giới lạnh lùng vô cảm, nơi mà nền văn hóa trong trường hợp tốt thì hời hợt, trong trường hợp xấu thì hoàn toàn thái nhân cách. Có cái hố đen bên trong bạn cứ lớn dần, lớn dần và lớn dần.
Làm thế nào và tại sao những người khá ổn định về tâm lý với một cuộc sống bình thường lại mang con quái vật này bên trong họ, cái cảm giác về một linh hồn bị tan vỡ mà không thể chữa lành bằng thuốc men hay những lý thuyết tâm lý mới nhất? Tôi nghĩ câu trả lời cho câu hỏi đó là ở sâu thẳm bên trong, ở một mức độ nhận thức nào đó, họ buộc phải nhận ra rằng cái thế giới "ngoài kia" là không ổn một cách cơ bản; rằng trên thực tế nó đã trở thành sân chơi cho những cá nhân thái nhân cách, những kẻ không có mục đích nào khác hơn là thỏa mãn sự thèm khát hủy diệt đen tối của chúng.
Những kẻ thái nhân cách cai trị thế giới chúng ta
6% dân số thế giới là những kẻ thái nhân cách di truyền bẩm sinh. Bạn có biết điều đó nghĩa là gì không?
Trên thực tế, không có hy vọng gì cho một thế giới hoạt động theo cách như vậy, bởi vì kết quả logic cho một thế giới điều khiển bởi đội ngũ những kẻ cầm quyền với nỗi thèm khát bóng tối thống trị bên trong chúng là sự hỗn loạn hoàn toàn. Kết quả này đi ngược lại mọi lý do tại sao con người sinh ra trên đời và mọi ý nghĩa có thể của cuộc sống. Phải là một đầu óc thực sự quái đản mới nghĩ rằng mục đích cuối cùng của thế giới này với tất cả sự sáng tạo đa dạng của nó xung quanh bạn chỉ là hư vô; rằng lý do để tất cả mọi thứ tồn tại là hư vô. Những người bình thường không có đầu óc thiết kế theo cách như vậy, và khi đối mặt với hiện thực mà những kẻ tự xưng là "tạo ra hiện thực" đang tạo ra, những người bình thường phản ứng với sự kinh hoàng cùng cực. Tuy nhiên, những người có thể thực sự trừng mắt nhìn vào con quái vật ấy và làm điều gì đó về tình trạng này là tương đối hiếm hoi. Hầu hết mọi người chỉ cố gắng nhét lại sự thật đau đớn xuống gầm giường và tiếp tục sống cuộc sống của họ.
Hầu hết mọi người rất dễ thay đổi, và sẽ đi theo chương trình được định sẵn chừng nào họ còn có thể tiếp tục nhận được một mảnh của miếng bánh và tìm được ai đó khác để giải quyết các vấn đề của họ cũng như ai đó khác để đổ lỗi. Những người với bản chất giàu tình cảm có cảm giác đặc biệt rằng như vậy là sai, bởi vì chẳng có ai khác quan tâm đến ai cả, còn đài báo thì cứ tiếp tục lặp đi lặp lại về những điểm đáng thèm muốn của hạnh phúc có được từ những thứ hời hợt và nhạt nhẽo nhất, đánh đồng "hạnh phúc" với thành quả thực sự. Do cảm xúc là "sai", họ trở nên vỡ mộng và thu mình lại bởi vì họ không nhìn thấy bất cứ mục đích nào trong một thế giới quá trái ngược với bản chất bên trong của họ. Tôi nghĩ vỡ mộng là từ thích hợp hơn cho trạng thái trầm cảm sâu sắc này.
Vậy cần làm gì? Tại sao quá nhiều người phải trải qua trạng thái tình cảm kinh khủng này? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy cùng đi đường vòng một chút và tìm hiểu một số nguyên lý khoa học. Chúng sẽ cung cấp cho chúng ta bối cảnh và sự hiểu biết cần thiết.
Mối liên hệ Con người - Vũ trụ
Những người theo chủ nghĩa duy vật cho rằng mọi thứ đều tuân theo định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Đó là năng lượng sẽ thoái hóa và mọi cấu trúc phức tạp sẽ tan rã cho đến khi hệ thống đạt đến trạng thái hỗn loạn hoàn toàn. Họ tuyên bố rằng vũ trụ đến một ngày nào đó sẽ chìm vào bóng tối bởi vì năng lượng từ vụ nổ Big Bang là hữu hạn và do nó cứ lan tỏa mãi vào hư vô, đến một ngày nào đó nó sẽ tiêu tan hoàn toàn. Trong thế giới tự nhiên, chúng ta thấy rằng mọi thứ có vẻ như chuyển từ trạng thái trật tự sang trạng thái hỗn loạn. Liên kết hóa học trong nhiên liệu cho chiếc xe của bạn bị phá vỡ, giải phóng năng lượng và chuyển hóa nhiên liệu đó thành một dạng khí tương đối trơ. Bức tường dần dần vỡ vụn thành bột. Sắt gỉ và phân rã.
Nhưng có một ngoại lệ lớn đối với định luật này: Sự sống. Sự sống lấy những vật liệu sẵn có ở trạng thái hỗn loạn trong môi trường và kết hợp chúng thành những hình thái có tổ chức. Ngoài ra, sự sống có xu hướng tiến hóa thành những hình thái phức tạp hơn và tạo ra những hệ sinh thái phức tạp có xu hướng chống lại các tác động của Định luật Thứ hai. Tiến xa hơn nữa, sự sống nhận được tri giác và khả năng lựa chọn cách nó sắp đặt mọi thứ. Tất cả những cái đó đều vi phạm Định luật Thứ hai, trong đó nói rằng mọi thứ luôn luôn tiến đến trạng thái hỗn loạn hơn. Những người theo chủ nghĩa duy vật tuyên bố rằng sự sống là một may mắn ngẫu nhiên, một thứ phát sinh từ cơ hội ngẫu nhiên cực nhỏ, và rằng cuối cùng sự hỗn loạn cũng sẽ chiến thắng. Họ chưa bao giờ đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để hỗ trợ cho tuyên bố này ngoài những phỏng đoán về việc nó đã có thể xảy ra thế nào. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng những bằng chứng có sẵn hỗ trợ cho kết luận ngược lại.
Người ta đã biết đến từ lâu trong vật lý lượng tử rằng hành động quan sát một hệ thống có thể làm thay đổi trạng thái của hệ thống ấy. Thí nghiệm tưởng tượng con mèo của Schrodinger được sử dụng như một ví dụ về sự sụp đổ hàm sóng của một hệ thống tồn tại trong sự chồng chập của những trạng thái khả dĩ xuống một trạng thái xác định duy nhất. Thực tiễn có thể tiếp tục diễn ra với giả định con mèo còn sống hoặc đã chết, nhưng sẽ không đạt được đến một trạng thái khách quan thực sự cho đến khi ai đó quyết định mở cái hộp. Tất cả những cái đó hàm ý rằng suy nghĩ, hay ý thức, có thể ảnh hưởng đến biểu hiện của thực tiễn. Nhiều thí nghiệm tâm linh đã được tiến hành để phát triển ý tưởng này hơn nữa. Dean Radin trong cuốn sách Tâm trí Vương vấn (Entangled Minds) của ông đã mô tả chi tiết một số thí nghiệm như vậy. Cái được trích dẫn nhiều nhất là ảnh hưởng của ý định lên những máy tạo số ngẫu nhiên, nhưng cũng có cả những thí nghiệm về tung xúc xắc hay cố gắng truyền tải hình ảnh qua thần giao cách cảm và nhiều thứ khác. Sau hàng triệu thử nghiệm, những thí nghiệm này đã chứng tỏ được rằng ý định có ảnh hưởng nhất quán đến kết quả thí nghiệm, nhưng hiệu ứng này là rất nhỏ. Lấy thí nghiệm tung xúc xắc làm ví dụ, thông thường chúng ta sẽ chờ đợi là con xúc xắc ngửa các số nhỏ (1 đến 3) trong 50% số lần tung. Khi những người tham gia nỗ lực tạo ảnh hưởng lên mặt xúc xắc được ngửa lên, con xúc xắc ngửa theo hướng họ muốn với tỷ lệ 51,2%. Thoạt nhìn, đây có vẻ là sai số không đáng kể. Nhưng khi chúng ta biết rằng đây là kết quả tổng hợp thu được sau 2,6 triệu lần tung xúc xắc từ 148 thí nghiệm khác nhau bởi 52 nhà nghiên cứu khác nhau, nó trở nên đáng chú ý. Những thí nghiệm bổ sung chỉ ra rằng hiệu ứng này gia tăng khi có nhiều người cùng nỗ lực tạo ảnh hưởng, đặc biệt khi họ quen biết lẫn nhau.
Laura Knight-Jadczyk và Pierre Lescaudron áp dụng nghiên cứu này vào quy mô vĩ mô khi họ đề xuất lý thuyết về Mối Liên quan Con người - Vũ trụ. Bằng cách phân tích các ghi chép lịch sử, họ nhận ra rằng thời kỳ của các thảm họa tự nhiên trùng khớp với sự tồn tại của những đế chế thái nhân cách đồi bại, khi mà có sự bất bình đẳng và sự kìm hãm tính sáng tạo của con người đến mức khó tưởng tượng (trầm cảm trên diện rộng). Mặc dù thảm họa tự nhiên sẽ khiến xã hội sụp đổ là điều có vẻ hiển nhiên, nghiên cứu cho thấy các thể chế áp bức tồn tại trước khi thảm họa bắt đầu tàn phá đất nước. Trong cuốn sách của họ, Biến đổi Trái Đất và Mối Liên hệ Con người Vũ trụ (Earth Changes and the Human Cosmic Connection), đây là một hình mẫu lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử. Một chế độ áp bức lên nắm quyền với ý định nô lệ hóa nhân loại, có sự đau khổ và trầm cảm trong quần chúng trên diện rộng, môi trường tự nhiên bắt đầu trở nên không ổn định khiến chế độ cai trị càng áp bức nhiều hơn nữa. Quá trình này tiếp tục trong một vòng lặp phản hồi khẳng định cho đến khi cả hệ thống sụp đổ. Điều này chỉ ra rằng không phải chỉ có bất ổn trong môi trường gây ra áp bức / trầm cảm trong xã hội mà đây là một quá trình linh động trong đó mỗi cá nhân đau khổ, trầm cảm trong xã hội gửi ra 1,2% ảnh hưởng của họ lên con xúc xắc. Khi rất nhiều tín hiệu nhỏ đó cùng được gửi ra, chúng vô tình mang lại những thay đổi trong môi trường tự nhiên khiến cả xã hội sụp đổ.
Quá trình linh động này thể hiện rõ nhất trong nền văn minh cổ đại Trung Quốc, nơi có niềm tin vào "Thiên Mệnh". Họ tin rằng một vị hoàng đế chỉ có thể cai trị chừng nào ông ta đối xử với thần dân của mình như một người cha tận tụy, luôn luôn chăm sóc cho hạnh phúc của họ. Nếu ông ta không làm vậy, trời đất sẽ mang lại đủ loại sự kiện rủi ro, thảm họa tự nhiên khiến triều đại cai trị của ông ta bị suy yếu và cuối cùng dẫn đến bạo loạn xã hội và triều đại bị lật đổ.
Về cơ chế khiến điều này có thể xảy ra, có vẻ như đơn vị cơ bản của thực tiễn là thông tin - được tổ chức bởi ý thức - và đơn vị cơ bản này hướng dẫn vật chất để tạo thành các cấu trúc. Rupert Sheldrake trong cuốn sách Ảo tưởng Khoa học (The Science Delusion) của ông nói về những "trường tạo hình thái" (morphogenic field) có tác dụng định hình ra thế giới vật chất và truyền tải ý tưởng. Hiệu ứng này có thể được tóm tắt tốt nhất thông qua "hiệu ứng con khỉ thứ 100" nổi tiếng. Đó là hiện tượng trong đó một khi một số lượng nhất định cá thể trong một loài học được kỹ năng nào đó, việc học kỹ năng đó đối với những con khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, và nó có thể được truyền tải, có vẻ như thông qua "thần giao cách cảm", đến cộng đồng không liên quan của loài đó ở một nơi xa xôi khác. Sheldrake cũng giới thiệu các ví dụ khác như sự tổng hợp của tinh thể, trong đó một khi tinh thể đã được tổng hợp ở một địa điểm, nó trở nên ngày càng dễ dàng hơn để tổng hợp tinh thể đó trong cùng một điều kiện ở những nơi khác trên thế giới. Ông gọi hiện tượng này là sự "cộng hưởng hình thái" (morphic resonance), khi mà một cấu trúc nhất định được đưa vào "trường thông tin" và nếu càng nhiều năng lượng và tần số được sử dụng để truy cập hình thái đó thì trường thông tin sẽ trở nên càng mạnh hơn và hiển thị thành hiện thực vật chất ở mọi nơi. Lập luận của tôi ở đây là sự vỡ mộng tồn tại như một "trường tạo hình thái", xuất hiện liên quan với các trường khác như vậy, và có một mục đích nhất định.
Bây giờ tôi muốn đi theo một hướng tâm linh hơn để đưa chúng ta trở lại câu hỏi tại sao nhiều người bị trầm cảm và chúng ta có thể làm gì với nó.
Cái Hữu đối lại Cái Vô (Being vs Non-Being)
Giáo lý bí truyền cổ đại mà Georges Gurdjieff và Boris Mouravieff phổ biến trong thế kỷ vừa qua nói về việc nhân loại được đặt trên Trái Đất trong khoảng thời gian nhất định để đạt đến mức độ tiến hóa nhất định để chuyển sang một mức độ ý thức cao hơn, gần hơn với "Đấng Tuyệt Đối" (Đấng Tạo Hóa hay Đức Chúa Trời). Ý tưởng này được tóm tắt trong cái gọi là "Tia Sáng Tạo Hóa" và các thực thể ở nhiều mức độ "Hữu Tâm" tồn tại tại những điểm khác nhau trên những "Tia Sáng" khác nhau như một phần của vũ trụ vô cùng vô tận. Giáo lý này nói rằng những thực thể này hoặc là đi theo cầu thang đi lên và tiến hóa hướng về "Đấng Tuyệt Đối" hoặc là đi theo cầu thang đi xuống, thoái hóa thành vật chất. Đôi khi, hai hình mẫu này được biết đến như Cái Hữu và Cái Vô. Khi xem xét chi tiết về các hiện tượng UFO và những cuộc gặp gỡ huyền bí đã được ghi lại trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng có những thực thể đã đi xa hơn trên các bậc thang này hơn chúng ta, một số có vẻ đi về phía Cái Hữu và một số khác đi về phía Cái Vô. Trạng thái nhị nguyên này cũng có thể được mô tả theo nhiều dạng khác, cụ thể hơn hoặc ít cụ thể hơn, như cái thiện đối lại cái ác, Thiên Chúa đối lại Quỷ Satan, ánh sáng đối lại bóng tối.
Theo giáo lý này, xu hướng mặc định của các thực thể trong vũ trụ là cố gắng vươn lên về phía ánh sáng, vươn lên và hòa đồng với trung tâm tư tưởng của Cái Hữu. Tuy nhiên, cũng có những thực thể chống lại quá trình tiến hóa này, đôi khi thậm chí đạt được những thành công tạm thời. Trong thực tiễn hàng ngày của chúng ta, tính nhị nguyên này có thể được mô tả như việc liên kết với Định luật Thứ Hai của Nhiệt Động lực học như được tuyên truyền bởi những người theo chủ nghĩa duy vật, hay liên kết với Định luật của Sự sống như được mô tả bởi những người như Rupert Sheldrake. Rõ ràng là xã hội chúng ta đã lấy Định luật Thứ Hai của Nhiệt Động lực học - một nguyên lý áp dụng cho quá trình vật chất phát ra nhiệt cho đến khi đạt đến trạng thái cân bằng - và nâng nó lên mức độ tâm linh của kinh phúc âm. Bằng cách làm vậy, xã hội chúng ta đã chọn trung tâm tư tưởng của Cái Vô, và đang thoái hóa thành vật chất. Tư tưởng phổ biến bây giờ là kiểu như: Vì mọi thứ cuối cùng cũng sẽ phân rã trong sự hỗn loạn và không có gì có ý nghĩa cả, mọi thứ chỉ xuất hiện ngẫu nhiên như một trò đùa bệnh hoạn, tốt hơn hết là nên hưởng thụ nó trong khi bạn còn có thể, bởi vì khi bạn chết đi thì thế là hết. Các biểu hiện của hội chứng này có mặt ở khắp nơi từ sự vật chất hóa tình dục của con người cho đến hệ thống ngân hàng cắt cổ, cho đến những tôn giáo chuyên cắt xén bộ phận sinh dục trẻ em, cho đến sự ô nhiễm ghê tởm của không khí, nước, đất đai và thậm chí cả DNA. Nói chung, chẳng ai còn quan tâm đến ai khác nữa ngoại trừ chính họ. Đây không phải là trạng thái tự nhiên cho một thực thể muốn tiến hóa về phía ánh sáng, và nó thực sự là cực kỳ tồi tệ.
Vậy có thể làm gì về sự vỡ mộng / trầm cảm? Tại sao có quá nhiều người phải chịu trạng thái cảm xúc kinh khủng này? Tôi tin rằng loại trầm cảm này là tiếng nói của linh hồn gào thét chống lại sự hỗn loạn đang ngự trị trên hành tinh chúng ta, và ước mong được sống theo một cách phù hợp hơn với các nguyên tắc của Sự Sống. Trường tạo hình thái của Cái Vô đã bao phủ hành tinh này và bằng cách cố gắng bỏ qua nó hay nhắm mắt để không nhìn thấy nó, trên thực tế chúng ta đang đi theo cái trường đó, đi ngược lại bản chất tiến hóa, phát triển hướng đến ánh sáng của chúng ta. Sự vỡ mộng sâu sắc, đau đớn đối với mọi thứ đang diễn ra "ngoài kia" là tiếng chuông cảnh tỉnh nói với chúng ta rằng có cái gì đó rất, rất không ổn và chúng ta cần phải tỉnh dậy và tái khẳng định lựa chọn của chúng ta thay vì bị cuốn trôi theo mọi thứ. Chúng ta không bắt buộc phải chấp nhận sự tan rã này, chúng ta có thể lựa chọn cách khác. Chúng ta có thể lựa chọn đầu tư năng lực của mình theo cách để củng cố cho trường tạo hình thái của Cái Hữu.
Tất cả đều là lựa chọn
Hãy xem xét một số cách thiết thực để có thể thực hiện điều này. Giả sử bạn bị một vụ tai nạn giao thông khi bạn không nhìn thấy đèn đỏ và đâm ngang vào một chiếc xe khác với tốc độ 100 km/h, đâm xuyên qua cửa bên lái xe và giết chết người lái xe ngay lập tức. Vào khoảnh khắc bạn nhìn thấy chiếc xe, nó đã ở ngay trước mặt và bạn không còn thời gian để phản ứng. Trong khoảnh khắc cực nhỏ ấy, bạn trải qua một loại lựa chọn. Bạn có thể đánh tay lái và đạp phanh, hy vọng bằng một cách nào đó chiếc xe của bạn sẽ dừng lại mặc dù bạn biết nó đã quá muộn, hoặc là trong khoảnh khắc cuối cùng ấy, bạn có thể chọn cách nhắm mắt lại và giả vờ như chuyện này không phải đang xảy ra. Trong kịch bản thứ hai này, về cơ bản là bạn đóng chặt ý thức lại và mọi thứ diễn ra theo đúng cách của khoa học duy vật. Bạn đâm xuyên qua cửa xe, giết chết người lái xe ngay lập tức. Bạn có thể kéo dài kịch bản này ra thêm để bao gồm cả một số sự kiện trong tương lai xảy ra do kết quả của tai nạn này: người vợ bị trầm cảm nặng và quay ra nghiện rượu, bỏ bê những đứa trẻ nhỏ. Kết cục là chúng đi bụi đời và chết trong một vụ mua bán ma túy. Sự hỗn loạn của hệ thống tăng lên, và tất cả đều được định sẵn, phải không?
Tuy nhiên, giả sử thay vì cố gắng để tan biến vào một thế giới ảo tưởng chủ quan, bạn chủ động gửi ra ý định muốn dừng chiếc xe, mặc dù tình thế có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng? Bạn thực hành cái hiệu ứng bí ẩn được chứng minh trong các thí nghiệm tâm linh và cú va chạm xảy ra 0,03 giây muộn hơn so với thời điểm lẽ ra nó đã xảy ra, cho phép chiếc xe kia đi thêm khoảng nửa mét nữa. Khoảng thời gian này hầu như không ai có thể nhận thấy, và bề ngoài nó là cùng một vụ tai nạn giống hệt như kịch bản trước. Nhưng trong trường hợp này, phần lớn năng lượng của cú va chạm tập trung vào phía sau người lái xe và anh ta sống sót. Anh ta được chở tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và phải trải qua vài cuộc phẫu thuật, nhưng cuối cùng anh ta bình phục và một hiện thực khác được tạo ra trong đó anh ta vẫn có thể chăm sóc những đứa con của mình. Một trong số chúng trở thành họa sĩ địa phương, người truyền cảm hứng cho người xem thông qua những bức họa của mình và tạo công ăn việc làm cho một số người khác trong cộng đồng. Kết quả là vụ mua bán ma túy lẽ ra giết chết anh ta trong hiện thực A không xảy ra trong hiện thực B. Dĩ nhiên đây là một ví dụ được đơn giản hóa rất nhiều, số hiện thực khác nhau có thể được tạo ra từ cùng một sự kiện nhanh chóng tiến đến vô hạn sau một khoảng thời gian ngắn, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là những người bình thường xử lý các vấn đề bình thường có thể tạo ra những khác biệt rất lớn trong hiện thực riêng của họ nhờ vào những hiệu ứng cộng hưởng xuất phát từ một lựa chọn tưởng chừng không đáng kể.
Một Mạng Lưới và một Mục Đích
Quay lại bức tranh toàn cảnh, có thể làm gì với cái thực tiễn ác mộng lởn vởn quanh ta như một tấm áo chì đen tối dẫn đến trầm cảm? Trên thực tế, ảnh hưởng của mình bạn là quá nhỏ để có chút tác động đáng kể nào lên một hệ thống lớn cỡ như Trái Đất. Đây là nơi mà khái niệm về mục tiêu và mạng lưới có ý nghĩa. Nếu bạn muốn thay đổi thực tiễn của bạn, bạn cần xác định điều mà bạn muốn đạt được, và những ảnh hưởng hay tính chất nào của môi trường xung quanh sẽ đưa bạn đến gần mục tiêu đó hơn, và cái nào sẽ đưa bạn đi xa khỏi nó. Những ảnh hưởng đưa bạn đi xa khỏi mục tiêu cần phải được loại bỏ. Bước tiếp theo là tìm một nhóm người có cùng mục tiêu như bạn. Thêm người trong mối quan hệ cộng tuyến với bạn sẽ làm gia tăng sự cộng hưởng với những nỗ lực của bạn và làm tăng tác động của những nỗ lực đó. Họ cũng cho bạn những cách nhìn khác khi quyết định điều gì đó (những quyết định này luôn luôn cần được đưa ra dựa trên việc nó đưa bạn đến gần mục tiêu như thế nào). Khi tổng hợp lại, những cách nhìn này sẽ đưa đến một đánh giá tương đối khách quan về tính khả thi, lợi ích của ý tưởng của bạn.
Một mạng lưới hướng tới sự hiểu biết khách quan về thực tại có thể đưa ra những quyết định dựa trên tri thức. Điều này có nhiều khả năng đưa tất cả tới gần mục tiêu nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể được. Thông qua quá trình này, bạn đạt được khả năng lựa chọn một cách tỉnh táo dựa trên tri thức và có khả năng lựa chọn phần lớn cách bạn tương tác với thế giới xung quanh. Một mạng lưới giải quyết bốn vấn đề lớn của trầm cảm. Nó cho bạn hy vọng, mục đích, người để nói chuyện với, và có thể là một tương lai nữa nếu bạn có thể vượt qua thử thách ban đầu là tìm được đúng mạng lưới và tham gia vào đó.
Gurdjieff đã từng nói trong giáo lý của ông rằng 200 thực thể có ý thức, chia sẻ cùng một mục tiêu có thể thay đổi cả thế giới. Nó khiến ta tự hỏi phải chăng ảnh hưởng tỏa ra từ một mạng lưới như vậy là thứ mà những kẻ thái nhân cách nắm quyền trên hành tinh này thực sự sợ hãi và phải chăng đó cũng là lý do tại sao chúng cố gắng tạo ra một hiện thực đen tối đến mức làm chúng ta đánh mất ý chí, đánh mất quyền lựa chọn của chúng ta? Với tiếng chuông cảnh tỉnh của sự vỡ mộng rung lên lớn như vậy, cách duy nhất để chúng duy trì quyền lực là làm tê liệt chúng ta với chủ nghĩa hư vô của chúng. Khả năng lựa chọn là quyền lực lớn nhất trên đời này và không ai nên lãng quên điều đó. Ngay cả khi có vẻ như Trái Đất này đã bị "Chúa bỏ rơi", nghiên cứu về các giáo lý bí truyền cho thấy rằng một con đường để trở về vẫn tồn tại cho những ai chọn cách đi theo Cái Hữu và có niềm tin vào quá trình này. Nếu từng bao giờ có một nhiệm vụ, một sứ mệnh, một cuộc chiến lớn để tham gia, hay một mục đích cho nhân loại trong thời gian chuyển tiếp này, đây chính là nó. Nó thực sự là cơ hội duy nhất mà bạn có. Hãy nắm lấy nó.
Dịch từ bản tiếng Anh: https://www.sott.net/article/295289-Epidemic-depression-as-a-wake-up-call-to-humanity