Triết học Khắc kỷ trong thời kỳ đại dịch: Bài học từ Marcus Aurelius
Áp dụng nhuần nhuyễn những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa này vào việc đối mặt với sự sợ hãi, lo âu, đau thương và mất mát.
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius Antoninus là triết gia nổi tiếng cuối cùng của Chủ nghĩa Khắc kỷ thời cổ đại. Trong vòng 14 năm cuối đời, ông đã phải đối mặt với một trong những dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong lịch sử Châu Âu. Đại dịch Antonine, được đặt theo tên vị hoàng đế đương thời, khởi nguồn từ một chủng bệnh đậu mùa, sau đó bùng phát và cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người, trong đó rất có thể đã bao gồm chính Marcus Aurelius.
Từ năm 166 đến 180 TCN, thế giới cổ đại đã phải gánh chịu sự hoành hành của hàng loạt dịch bệnh liên tục bùng phát. Theo những ghi chép lịch sử về thời kỳ này, sức tàn phá của đại dịch đủ khiến cho những quân đoàn La Mã hùng mạnh rệu rã và những thành phố huy hoàng bỗng chốc diệt vong. Rome cũng không phải là ngoại lệ, khi mỗi ngày đều có những hàng dài xe kéo chồng chất những xác người qua đời vì dịch bệnh được di dời khỏi thành phố.
Danh tác “Suy tưởng” ra đời giữa tâm dịch, ghi lại những lời răn luân lý và nhắc nhở tinh thần của Marcus Aurelius dành cho chính mình trong thời kỳ khó khăn này. Cuốn sách là một trong những tác phẩm kinh điển thuộc trường phái Triết học Khắc kỷ, áp dụng nhuần nhuyễn những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa này vào việc đối mặt với sự sợ hãi, lo âu, đau thương và mất mát. Có thể nói rằng, “Suy Tưởng” đã vượt ra khỏi phạm vi những ghi chép cá nhân, để trở thành một cuốn cẩm nang giúp phát triển ý chí và sự kiên cường cần có để vượt qua đại dịch.
1. Phân định về tầm kiểm soát
Một trong những giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ là niềm tin vào bản thiện trong chính mỗi con người và trong mỗi hành động của chúng ta. Đó là lý do những triết gia khắc kỷ luôn tự nhắc nhở bản thân phải phân định rõ ràng giữa những gì trong và ngoài tầm kiểm soát - một lý thuyết được đặt tên “Dichotomy of Control” (sự lưỡng phân trong khả năng kiểm soát) trong triết học hiện đại.
Chính sự phân định này sẽ là chìa khóa giúp mỗi người cởi bỏ những gánh nặng và áp lực đeo đẳng khi nhận ra bản thân không thể kiểm soát được những biến cố đã, đang và sẽ xảy ra; suy nghĩ, hành động của mỗi người là do tự họ quyết định. Tương tự như vậy, đại dịch có thể không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng cách chúng ta phản ứng với biến cố này thì có.
Chúng ta nắm toàn quyền kiểm soát phần lớn những suy nghĩ của chính mình. Cũng vì vậy, điều khiến ta bận tâm, phiền muộn không phải những biến cố xảy ra, mà là suy nghĩ, thái độ của ta về chúng. Nói cách khác, khi ta nhận định một sự việc là tồi tệ (hay thậm chí là thảm khốc) cũng là lúc ta tự đẩy mình vào chiếc hố sâu của lo âu và tuyệt vọng.
Trong ngữ cảnh và tình cảnh hiện nay, triết lý khắc kỷ giúp con người hiểu rằng: chúng ta không thực sự sợ chủng virus này, mà run sợ trước những nhận định của ta về nó. Nguồn cơn của sự giận dữ trong ta không nằm ở hành vi vô ý thức của những kẻ phớt lờ yêu cầu cách ly xã hội, mà ở chính những phán quyết trong ta về họ.
2. Sức mạnh từ phẩm chất
Nhiều độc giả của “Suy tưởng” đặc biệt ấn tượng với chương mở đầu cuốn sách: một bản danh sách nơi Marcus Aurelius liệt kê những phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất ông tìm thấy ở những người xung quanh - những người bạn, người thân và người thầy. Đây cũng chính là một nguyên tắc cốt yếu khác của Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Marcus Aurelius thường tự chất vấn bản thân: “Tạo hoá đã cho ta đức tính gì để đối mặt với tình huống này?” Xuôi theo dòng chảy nhận thức, câu hỏi tiếp nối tự khắc sẽ là: “Vậy những người khác xử trí như thế nào trước những khó khăn tương tự?” Những triết gia khắc kỷ luôn trăn trở và chiêm nghiệm về những điểm mạnh trong tính cách như trí tuệ, sự kiên nhẫn hay kỷ luật tự giác - và cũng chính những điều này sẽ giúp họ trở nên kiên cường hơn trước mỗi thách thức. Họ không ngừng tìm hiểu và học hỏi từ những tấm gương vượt lên gian khó, bao gồm không chỉ những người xung quanh mà cả những danh nhân lịch sử hay nhân vật hư cấu trong thi ca. Trong nỗ lực hình tượng hoá và hiện thực hóa những đức tính tốt đẹp, họ được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày - đặc biệt là trước những cuộc khủng hoảng như đại dịch.
3. Sự nguy hiểm của nỗi sợ
Khi đã hiểu được những giá trị cốt lõi, ta sẽ không còn bỡ ngỡ trước câu châm ngôn kinh điển của Triết học Khắc kỷ: bản thân nỗi sợ còn tồi tệ hơn chính những gì làm ta sợ hãi. Không chỉ dừng lại ở nỗi sợ, triết lý này cũng có thể áp dụng cho những cảm xúc tiêu cực và độc hại nói chung. Chủ nghĩa Khắc kỷ gọi đó là “passion” (xúc cảm mạnh mẽ và nặng nề), bắt nguồn từ “pathos” (tính truyền cảm) - tình cờ cũng là nguồn gốc của “pathological” (bệnh lý). Thật vậy, trong tình hình đại dịch, những nỗi lo sợ rất có thể sẽ phá hỏng cuộc sống và khiến ta phát điên, kể cả khi ta có 99% khả năng sống sót (hoặc hơn). Thậm chí, trong những trường hợp cực đoan, nhiều người còn có thể đi đến lựa chọn tự kết liễu chính mình.
Như vậy, dễ dàng hiểu được tại sao bản thân nỗi sợ lại có hại hơn những thứ ta vẫn sợ - bởi nỗi sợ sẽ ăn mòn nuốt trọn không chỉ sức mạnh tinh thần mà cả thể chất và toàn bộ cuộc sống của ta nói chung. Tuy nhiên, với những triết gia khắc kỷ, câu châm ngôn này còn có một tầng nghĩa sâu hơn. Virus và dịch bệnh sẽ chỉ có thể thực sự làm hại đến thể xác và cướp đi mạng người. Nỗi sợ thì khác - nó len lỏi vào tận căn nguyên và làm nhiễu loạn bản lề đạo đức trong mỗi chúng ta. Hơn cả mạng người, thứ nỗi sợ cướp đi là nhân tính, và với những triết gia khắc kỷ, đó là số phận còn tồi tệ hơn cả cái chết.
4. Đối mặt với cái chết
Trong một cơn đại dịch, ta sẽ phải thực sự đối mặt với những nguy cơ của cái chết luôn rình rập. Điều này vốn không có gì mới mẻ, bởi kỳ thực, cái chết vốn là một điều tất yếu gắn với đời người - chỉ là trong cuộc sống thường ngày, ta thường chọn cách né tránh và tạm quên đi sự thật ấy.
Với những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ thì khác. Họ tin rằng việc đối diện với sự vô thường hữu hạn của đời người có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của ta về cuộc sống. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể chết bất cứ lúc nào, và sự sống thì chẳng bao giờ kéo dài mãi mãi.
Đây cũng chính là suy nghĩ của Marcus Aurelius trong những giờ phút cuối đời. Giữa những người thân đau buồn thương tiếc, ông chỉ điềm nhiên đặt câu hỏi: tại sao họ phải khóc than, trong khi tất cả chúng ta đều nên chấp nhận rằng vòng xoáy sinh - lão - bệnh - tử là điều không tránh khỏi, là phần tất yếu của cuộc sống vô thường đối với bất cứ ai trên cõi đời này. Đó cũng chính là những chiêm nghiệm được xuất hiện nhiều lần trong danh tác “Suy tưởng” của ông.
Đối mặt trước bệnh tật và cái chết, vị Hoàng đế ấy vẫn luôn nhắc nhở bản thân: “Hãy cứ chấp nhận mọi sự xảy ra - hiển nhiên như hoa nở vào mùa xuân và trái chín khi thu về.” Vậy là, trải qua hàng chục năm tôi luyện trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, Hoàng đế Marcus Aurelius đã hiên ngang đứng trước giờ phút sinh tử với sự bình tâm và vững chí của một con người đã quá quen với sự hiện diện của cái chết xuyên suốt cả cuộc đời.
Nguồn