Bí mật của một tình yêu đẹp: Mối quan hệ với chính mình

Khi một người có mối quan hệ lành mạnh với chính mình đứng trước một người tình tiềm năng, trong lòng họ luôn có một câu hỏi đơn giản mà sâu xa: Người này có thực sự quan tâm đến mình không?
Chúng ta thường cho rằng, một mối quan hệ hạnh phúc được xây dựng trên phẩm chất và giá trị của người mà ta yêu thương. Nhưng có lẽ, trước khi ai đó xuất hiện trong cuộc đời ta, thậm chí trước cả khi ta bước chân vào thế giới hẹn hò, điều thực sự quyết định tương lai tình cảm của ta lại nằm ở một nơi khác: mối quan hệ giữa ta và chính bản thân mình.
Vậy, "mối quan hệ với chính mình" là gì – nghe có vẻ xa lạ và trừu tượng? Thật ra, đó là cảm nhận sâu xa về những gì ta xứng đáng nhận được, dựa trên cách ta nhìn nhận chính con người mình.
Một số người trong chúng ta lớn lên với khả năng yêu thương và đối xử tử tế với bản thân một cách tự nhiên và sâu sắc. Không tự cao tự đại, nhưng họ hiểu rằng mình xứng đáng được đối đãi tử tế, rằng mình là người đàng hoàng, có giá trị, và không ai có quyền làm tổn thương hay hạ thấp họ. Họ đứng về phía chính mình. Họ nhìn bản thân bằng ánh mắt bao dung và trìu mến, như cách một người cha hay người mẹ tâm lý nhìn đứa con mà họ hết lòng yêu thương: họ tin rằng mình đủ tốt.
Ethel Leontine Gabain, At a Sunny Window, 1883–1950, Watford Museum
Nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy. Một số người, từ bao lâu chẳng rõ, đã mang theo cảm giác ghét bỏ chính mình. Họ không yêu cơ thể mình, cũng chẳng quý trọng tâm hồn mình. Họ mặc định rằng bất kỳ ai gặp mình cũng đều có lý do chính đáng để chê bai hay xa lánh. Nếu ai đó bắt họ tự chấm điểm cho tính cách mình trên thang điểm mười, họ sẽ thấy hợp lý khi cho mình điểm không, hoặc cùng lắm là một. Họ tự hỏi: "Tôi có đáng để ai đó tìm hiểu không?" – Câu trả lời là "Không hẳn". "Tôi có thu hút không?" – "Tất nhiên là không". "Tôi có đáng ghét không?" – "Có chứ, theo một cách nào đó rất mơ hồ nhưng rõ ràng".
Trong một thời gian dài, ta có thể không nhận ra mối liên hệ giữa cách ta đối xử với bản thân và những gì diễn ra trong đời sống tình cảm. Hai việc này dường như chẳng liên quan gì: một bên là lòng tự trọng, bên kia là chuyện yêu ai, hẹn hò với ai. Nhưng nếu ta chịu nhìn kỹ, mối quan hệ với chính mình lại là chìa khóa giải thích cho hầu hết mọi điều xảy ra trong tình yêu. Những gì ta trải qua với người yêu – từ tuổi mới lớn cho tới khi trưởng thành – từ việc ta chọn ai, yêu bao lâu, kết thúc ra sao – suy cho cùng, đều phản ánh và bắt nguồn từ cách ta nhìn nhận chính mình.
Khi một người có mối quan hệ lành mạnh với chính mình đứng trước một người tình tiềm năng, trong lòng họ luôn có một câu hỏi đơn giản mà sâu xa: Người này có thực sự quan tâm đến mình không? Họ sẽ đối xử dịu dàng chứ? Họ có biết cách ân cần, nâng niu không? Ở bên cạnh họ, mình có cảm thấy an toàn? Họ có thật lòng vui mừng khi được ở bên mình? Họ có, một cách tự nhiên và không chút kiêu căng, ý thức được rằng mình là người may mắn khi có được tình cảm này?
Chính những điều ấy – chứ không phải ngoại hình hay địa vị – mới là thứ tạo nên sức hút thực sự. Với một người biết yêu bản thân, “gợi cảm” chẳng qua chỉ là cái bóng của sự tử tế.
Khi mối quan hệ tiến xa hơn, những người biết quý trọng chính mình sẽ ngầm gửi đi một thông điệp rõ ràng: nếu muốn ở lại trong đời tôi, bạn phải đối xử với tôi tử tế – điều đó là điều kiện tiên quyết, không thể mặc cả. Và vì thế, sự tử tế thường là thứ họ nhận được, bởi lẽ, một cách đầy chua xót nhưng đúng đắn, người ta thường đối xử với ta theo cách ta vô thức cho phép họ đối xử với mình.
Với người tự tôn, người yêu của họ phải là người đáng tin, biết cư xử, biết chịu trách nhiệm. Không thể nhắn tin thì mất cả ngày. Không được nói dối, càng không được lả lơi với người khác. Và thường thì, những chuyện đó sẽ không xảy ra – bởi người kia hiểu rằng họ đang ở bên một người không cho phép mình bị xem thường.
Nếu có điều gì đó không ổn, người yêu bản thân sẽ lên tiếng. Họ không ngại nói ra vì họ không hổ thẹn về con người mình: Sao anh về trễ thế? Em thấy anh uống nhiều quá rồi đó. Lẽ ra anh nên nhắn cho em một tiếng chứ? Họ không ngần ngại nghiêm khắc khi ai đó vượt quá giới hạn. Nhưng họ cũng không nổi giận vô cớ – bởi cơn giận mù quáng thường chỉ xuất phát từ nỗi lo sợ bị bỏ rơi của người không tin rằng mình xứng đáng có một tình yêu khác.
Ngược lại, thật buồn cho những ai có một mối quan hệ mỏi mệt với chính mình. Họ chưa từng biết cảm giác được yêu thương đúng nghĩa, nên không có “bản đồ” để bảo vệ chính mình khi bị đối xử tệ bạc. Họ có thể tức giận, có thể gào khóc, nhưng họ hoàn toàn bất lực. Khi người yêu bắt đầu lạnh nhạt, họ không thấy ngạc nhiên – chỉ thấy quen thuộc. Khi bị đối phương biện minh, họ lại im lặng chịu đựng, hy vọng rằng nếu cố gắng thêm chút nữa, mọi chuyện sẽ khá hơn.
Họ đọc nhầm sự lạnh lùng thành cuốn hút. Họ càng bị đối xử tệ, càng tin rằng đó là yêu. Khi bị bỏ rơi, họ có thể dành cả năm trời day dứt, nhớ nhung, thậm chí cầu xin để quay về với người từng khiến trái tim họ tan nát.
Ai cũng có thể yêu nhầm một kẻ tồi. Nhưng điều khác biệt giữa người có lòng tự trọng cao và người tự ti là: họ chọn rời đi – hay chọn ở lại.
Thật trớ trêu, gốc rễ của mối quan hệ với chính mình thường chỉ là sự lặp lại của mối quan hệ đầu tiên trong đời – mối quan hệ với cha mẹ thuở bé. Cách ta được chăm sóc khi còn nhỏ tạo nên khuôn mẫu cho cách ta đối xử với chính mình khi lớn lên. Dấu hiệu rõ ràng nhất của một tuổi thơ thiếu vắng tình thương là sự bất lực trong việc bảo vệ chính mình. Người từng bị bỏ rơi trong quá khứ, lớn lên thường sẽ lại bị bỏ rơi lần nữa – thậm chí họ sẽ bị cuốn hút bởi những ai đối xử tệ với mình, bởi vì sự thờ ơ ấy giống... tình yêu, giống “nhà”.
Với những ai dần nhận ra rằng cách mình đối xử với bản thân chẳng mấy lành mạnh, có lẽ ta nên bắt đầu từ những câu hỏi tuy giản dị mà đầy sức nặng: Mình có đáng phải chịu tổn thương từ một ai đó không? Mình có nên cứ mãi mỏi mòn vì một người chẳng còn muốn gắn bó với mình? Và, liệu có đúng không khi mình luôn hoài nghi người tử tế, chỉ vì sự tử tế ấy quá xa lạ?
Rồi đến một lúc nào đó, điều lẽ ra phải rõ ràng từ đầu sẽ trở thành chân lý nằm lòng: Trong một mối quan hệ lành mạnh, không có lý do nào để người ta không tử tế với nhau.
Nguồn: THE SECRET TO A GOOD LOVE LIFE: THE RELATIONSHIP WE HAVE WITH OURSELVES | The School Of Life