Triết lý Mono no aware: niềm bi cảm trước vẻ đẹp của sự vô thường
Mono No Aware là một khái niệm quen thuộc trong văn hóa Nhật Bản. Cụm từ này dùng để gợi tả một nỗi buồn man mác, lặng thầm trước vẻ đẹp rực rỡ nhưng mong manh, chóng tàn của cuộc sống.
Lẽ vô thường hiện diện trong từng ngóc ngách của cuộc sống: trong tiết giao mùa, trong sự tàn phai tuổi trẻ, trong những đổi thay của tình yêu… Qua việc học cách trân quý, nâng niu quy luật thường hằng này, mỗi chúng ta sẽ khám phá ra vẻ đẹp sâu thẳm, bất biến của cuộc sống và vạn vật.
Mono No Aware là một khái niệm quen thuộc trong văn hóa Nhật Bản. Cụm từ này dùng để gợi tả một nỗi buồn man mác, lặng thầm trước vẻ đẹp rực rỡ nhưng mong manh, chóng tàn của cuộc sống. Giàu nội hàm và đầy tinh tế, “linh hồn” của Mono No Aware rất khó để gói gọn trong giới hạn ngôn từ, mà chỉ có thể thấm nhuần thông qua cảm quan của mỗi cá thể.
HIỂU VỀ MONO NO AWARE
Theo văn hóa Nhật Bản, “Mono” nghĩa là “sự vật”, “Aware” được hiểu đại khái là tình cảm, còn “No” thể hiện cho sự sở hữu. Do đó, Mono No Aware biểu thị những xúc cảm nhẹ nhàng, sâu lắng trong sự biến chuyển không ngừng của cuộc sống. Thuật ngữ này cũng có thể được dịch là sự nhạy cảm với những phù du, hay lòng đồng cảm với vạn vật. Đó là một nhận thức về sự vô thường và cảm giác đăm chiêu trước thực tại cuộc sống. Mono No Aware còn được định nghĩa là “the ahh – ness of things” – nỗi buồn phảng phất nhưng ngập tràn trong tâm hồn khi chúng ta nhận ra tính chóng tàn của mọi thứ xung quanh.
NGUỒN GỐC CỦA TRIẾT LÝ MONO NO AWARE
Thuật ngữ Mono No Aware bắt nguồn từ thời kỳ Heian (794-1185) tại Nhật Bản và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các triết lý Phật giáo. Cụm từ này biểu thị cho sự phù du của đời sống vật chất và là một phạm trù cơ bản trong văn học Nhật Bản thời kỳ đó.
Theo tờ The School of Life: “Mono No Aware lần đầu tiên được sử dụng vào thời Heian để diễn tả một cảm giác không tên bất ngờ dâng trào trong nội tâm, nó tương đương với các từ như “ah”, “oh” hoặc “wow”. Cảm giác này xuất hiện tức thời trong tâm tưởng trước khi chúng ta có thể diễn tả thành lời”. Mono No Aware không được sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ 18, khi Motoori Norinaga, một học giả văn hóa Nhật Bản thời Edo, sử dụng thuật ngữ này trong bài phê bình văn học về tác phẩm The Tale of Genji. Mono No Aware sau đó không còn là tên gọi của một loại cảm xúc, mà đã trở thành một dạng nhận thức, một triết lý quan trọng trong văn hóa và truyền thống xứ Phù Tang.
TÌNH YÊU DÀNH CHO HOA ANH ĐÀO
Có lẽ cách tốt nhất để nắm bắt khái niệm Mono No Aware đó là hiểu tình yêu của người Nhật dành cho hoa anh đào. Loài hoa này thường nở trong 2 tuần, sau đó sẽ rụng rơi và tạo nên những “tấm thảm” hồng mềm mại trên các nẻo đường. Giống như hoa anh đào, thực tại là món quà đẹp nhất trong những khoảnh khắc “giao thoa” giữa sự bắt đầu và kết thúc, giữa sự sống và cái chết.
Vẻ đẹp của hoa anh đào không chỉ nằm ở hương sắc mà còn nằm ở vòng đời ngắn ngủi. Quá trình nở rộ và tàn phai nhanh chóng của hoa càng khiến chúng ta thêm phần hoài niệm và tiếc nuối. Trong văn hóa Nhật Bản, hoa anh đào là loài hoa của mùa Xuân, của khởi đầu mới. Do vậy, mỗi năm, đến mùa anh đào nở, người Nhật lại tổ chức thưởng trà, ngắm hoa cùng người thân và bạn bè. Theo truyền thống, họ sẽ cùng nhau đi dã ngoại trong những khu vườn được bao phủ bởi những cánh hoa mềm mại.
Không rực rỡ như hoa mai, không ngào ngạt như hoa hồng, hoa anh đào giản dị, đơn sơ nhưng lại đặc biệt hấp dẫn khách thưởng cảnh với vẻ đẹp mong manh, chóng tàn. Đây chính là một hình ảnh ẩn dụ cho triết lý của Mono No Aware.
Khoảnh khắc cánh hoa rơi xuống là lúc chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất vẻ đẹp của hoa. Chất chứa trong cảm xúc này là nỗi buồn man mác, là sự luyến tiếc như khi chúng ta vừa kết thúc một chuyến hành trình, hoàn thành một chương sách, hay khi phải chia tay một điều thân thuộc.
MONO NO AWARE VÀ LẼ VÔ THƯỜNG TRONG PHẬT GIÁO
Vô thường là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo và là đặc tính chung của mọi sự. Lẽ vô thường lý giải cho quá trình tàn hoại của cơ thể con người, cho sự biến chuyển từ tuổi trẻ đầy sức sống sang tuổi già gầy yếu, cho sự xuất hiện và tan biến của vạn vật…Thấu hiểu được bản chất vô thường là một dấu mốc quan trọng trên hành trình giác ngộ tâm linh. Truyền thống Phật giáo Nhật Bản đã chỉ ra rằng, nhận thức về tính phôi phai của thực tại không phải là yếu đuối hay tuyệt vọng, mà là nguồn cảm hứng giúp chúng ta thêm chú tâm và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại.
Liên hệ chặt chẽ với triết lý vô thường của Phật giáo, Mono No Aware hướng đến việc chấp nhận buông bỏ sự bám víu đối với những thứ phù phiếm. Dù nỗi buồn vẫn hiện diện đâu đó khi chứng kiến những đổi thay, nhưng sâu trong tâm hồn là sự an lạc, bình yên trước vẻ mong manh của nhân thế.
VẺ ĐẸP CỦA VÔ THƯỜNG
Cuộc sống như những cánh hoa anh đào, chóng nở rộ mà cũng nhanh tàn phai. Dù ngắn ngủi nhưng mỗi khoảnh khắc đi qua đều để lại cho cuộc đời những “tuyệt tác” về tính hư vô của vạn vật.
Cảm xúc và tình yêu của chúng ta đối với cuộc sống, thiên nhiên hay thực tại được bồi đắp bởi sự nhận thức về tính vô thường, tương tự như cách mà chúng ta trân quý cánh hoa anh đào bởi vẻ đẹp mong manh của nó.
Vạn vật đến rồi lại ra đi. Thay vì thương tiếc, hãy học cách nâng niu những xúc cảm thuần khiết, hãy nhẹ nhàng, uyển chuyển để “xuôi” theo dòng chảy cuộc đời. Khi nhận chân được triết lý Mono No Aware, chúng ta sẽ hiểu rằng, một hành trình cũ khép lại cũng là lúc một hành trình mới mở ra. Hoa anh đào rơi rụng sau 2 tuần nở rộ là để chuẩn bị cho một mùa Xuân mới, một vòng đời mới. Cuộc sống vốn dĩ là những chu kỳ, là sự tiếp nối liên tục giữa điểm khởi đầu và kết thúc. Vì vậy, hãy chào đón mỗi khoảnh khắc cuộc đời trong niềm hân hoan, trong sự phúc lạc để cuộc sống thêm phần trọn vẹn và ý nghĩa, bạn nhé!
Bài: Bảo Tâm
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Minds Journal