Trở nên kiên cường - 4 Bước dẫn đến thành công khi cuộc sống trở nên khó khăn

tro-nen-kien-cuong-4-buoc-dan-den-thanh-cong-khi-cuoc-song-tro-nen-kho-khan

Như Michael Easter lý giải, gặp ít khó khăn hơn không làm người ta cảm thấy thỏa mãn hơn, mà chúng khiến ta hạ thấp ngưỡng của những gì được xem là một vấn đề.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết rằng những chàng trai Iceland là những người đàn ông sống thọ nhất hành tinh. Tuổi thọ của họ tới 81.2 tuổi, đánh bại mức trung bình của thế giới đến 13.2 năm. Nhưng đó chẳng phải do lối sống của họ. Tỷ lệ béo phì của họ dao động quanh mức trung bình toàn cầu và mức độ hoạt động của họ thì chẳng có gì đáng bàn. Vậy tại sao họ sống thọ đến vậy?

Tiến sĩ Kari Stefansson muốn biết câu trả lời. Ông điều hành khoa thần kinh ở trường Harvard trước khi quay lại Iceland để nghiên cứu về di truyền học của dân tộc ông. Điều thú vị về Iceland đó là có tỷ lệ nhập cư gần bằng 0—tất cả mọi người ở đó đều là hậu duệ của cùng một nhóm người đã đến hòn đảo này 1100 năm trước. Vậy nên đây là nơi mà mọi thứ trở nên kỳ lạ …

Vì gen của người Iceland ngày nay không giống với tổ tiên họ chút nào. Stefansson nói, “Chúng tôi phát hiện thấy DNA từ những người định cư của Iceland có điểm tương đồng với DNA của người Na Uy và Celt ngày nay hơn là với DNA của những người Iceland ngày nay.” Vậy cái gì đã biến đổi hoàn toàn những người đó? Stefansson tin rằng ông ấy có câu trả lời …

Iceland là một nơi kinh khủng để sống.  

Trong hàng ngàn năm qua, thực phẩm rất khan hiếm. Mùa đông kéo dài tới 9 tháng, đôi lúc một ngày chỉ có bốn giờ có nắng. Một năm có mưa tới 213 ngày. Cuộc sống trên hòn đảo đó khắc nghiệt tới nỗi trong nhiều thế kỷ không có sự tăng trưởng dân số.    

Và đó là bí mật của họ. Điều gì khiến đàn ông Iceland sống thọ nhất hành tinh. Thứ làm thay đổi DNA của họ mà chúng ta chưa nhận ra: là sự khó chịu, thiếu tiện nghi. Theo lời của Stefansson:

Hòn đảo ẩm ướt chết tiệt này ở Bắc Đại Tây Dương đã và đang hành hạ chúng ta không ngừng nghỉ trong suốt 1100 năm qua.

Điều kiện sống khó khăn đó đã khiến họ mạnh mẽ hơn, thay đổi DNA của họ.

Vâng, đây là phần mà tôi muốn nói rằng tất cả chúng ta đều cần sống thiếu tiện nghi hơn một chút trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần chủ động khiến cho cuộc sống của mình gặp nhiều khó khăn thách thức hơn. Và đây cũng có thể là điều mà bạn muốn nói, “Này Eric, đưa mặt anh lại gần nắm đấm của tôi nào. Tôi muốn làm cuộc đời anh trở nên khó khăn hơn.”

Tôi hiểu chứ. Sau hai năm dịch giã và phong tỏa, bạn không muốn chịu thêm bất kỳ thách thức nào nữa. Nhưng một phần nào đó trong bạn biết rằng điều này có phần đúng. Trưởng thành và tiến bộ xảy ra bên ngoài vùng thoải mái của chúng ta. Những khoảnh khắc trong cuộc sống khiến bạn trở nên tốt hơn, khiến bạn tràn đầy hãnh diện khi nghĩ về chúng, từ những thành tựu trong sự nghiệp đến học vấn, và nuôi dạy con cái, thật ra, chúng chẳng hề dễ dàng gì.

Cho nên, chúng ta sắp bàn về làm thế nào mà một chút bất tiện, không thoải mái—chủ động lựa chọn sự khó chịu—có thể là một cái gì đó chúng ta cần để sống tốt hơn. Và chúng ta sẽ nhận được sự hỗ trợ từ người đã tìm tòi vấn đề nhạy cảm về sự khó chịu và đã học được những bài học quý giá. Michael Easter là tác giả của cuốn sách mới rất hay, “The Comfort Crisis.”

Bạn đã sẵn sàng cho một thử thách chưa? Tôi hiểu nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng nếu bạn sẵn sàng để chịu đựng chút khổ sở cùng tôi thì tôi hứa rằng chúng ta đều sẽ trở nên mạnh mẽ hơn–và hạnh phúc hơn sau khi vượt qua được chuyện này.

Bắt tay vào việc nào …

Khoa học của “Những vấn đề của Thế giới Thứ nhất”

Thời xưa có rất nhiều thứ tồi tệ. Các ông hoàng bà chúa thời xưa cũng không có được 10% tiện nghi, thoải mái như chúng ta thời nay. Thời tiết chỉ là thứ mà bạn trải nghiệm trên đường từ ngôi nhà-đã được-lắp thiết bị-kiểm soát nhiệt độ đến chiếc xe hơi-đã được-lắp thiết bị-kiểm soát nhiệt độ đến văn phòng-đã được-lắp thiết bị-kiểm soát nhiệt độ. Thức ăn ngon thì luôn dồi dào đầy ắp và bạn chẳng cần đi săn bắt để có chúng. Mức độ khó chịu thời xưa cũng gần giống như mức độ khó chịu của bạn đối với rối lượng tử vậy.

Sẽ có một số người cự cãi rằng, “Nhưng đó chẳng phải là một điều tốt đẹp ư? Muốn thoát khỏi mọi điều khó chịu, không thoải mái là lẽ đương nhiên. Đó là mục tiêu của cuộc sống!”

BZZZZZZ. Câu trả lời sai. Và cũng chẳng phải vì thứ triết lý nam nhi đại trượng phu nào. Vấn đề là bộ não của chúng ta không hoạt động như thế. Nếu bạn nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt đến một ngưỡng mà đủ sự tiện nghi, dễ chịu sẽ là đủ đối với bạn, bạn có lẽ sẽ tin rằng “cúi xuống (dưới hào)” sẽ bảo vệ bạn khỏi cuộc tấn công hạt nhân.

Hãy nói về khoa học não bộ. Nhà tâm lý học Harvard David Levari đã cho mọi người xem hàng trăm bức ảnh về khuôn mặt. Họ phải đánh giá các gương mặt là có tính đe dọa hoặc không-đe dọa. Nhưng có một tình huống bất ngờ, vì đây là một nghiên cứu tâm lý và trong các nghiên cứu tâm lý lúc nào cũng có một tình huống bất ngờ. Khi mọi người xem ngày càng nhiều khuôn mặt hơn thì Levari đã thay đổi tỷ lệ giữa khuôn mặt đáng sợ-dễ thương. Ông càng lúc càng ít đưa vào khuôn mặt mang tính đe dọa hơn. Đoán xem chuyện gì xảy ra?

Não bộ của mọi người di chuyển cột mốc. Khi họ ít nhìn thấy những khuôn mặt mang tính đe dọa hơn thì tiêu chuẩn của họ về thứ được gọi là khuôn mặt đe dọa, đáng sợ bị hạ xuống. Bây giờ thì một vẻ mặt trung lập cũng bị coi là “đe dọa.” Và ông lặp lại hiệu ứng này ở các nghiên cứu tiếp theo.

Đó là bằng chứng khoa học của “vấn đề của thế giới thứ nhất.” Như Michael Easter lý giải, gặp ít khó khăn hơn không làm người ta cảm thấy thỏa mãn hơn, mà chúng khiến ta hạ thấp ngưỡng của những gì được xem là một vấn đề. Và đó là lý do tại sao khi tôi nói rằng bạn đang có điều kiện sống tốt hơn so với những ông hoàng bà chúa thời xưa, bạn lại không thèm quan tâm.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Khi một sự thoải mái, tiện nghi mới xuất hiện, chúng ta thích nghi với nó và những tiện nghi cũ của chúng ta trở nên khó mà chấp nhận nổi. Tiện nghi, thoải mái của ngày hôm nay sẽ là nỗi khó chịu của ngày mai. Điều này dẫn đến một cấp độ mới của cái được xem là sự thoải mái, tiện nghi.

Đòi hỏi phải né tránh được sự khó chịu và luôn nằm trên chiếc võng--đung đưa--sung sướng--mãi mãi sẽ không bao giờ kết thúc vì bộ não của bạn sẽ không để yên đâu. Đó là một cuộc chạy marathon bất tận mà vạch đích luôn cách xa 1 dặm. Như Randall Jarrell từng nói, “Những người sống trong thời kỳ hoàng kim mà vẫn cứ luôn miệng phàn nàn.”

Vâng, đây là một sự giác ngộ hậu hiện đại lạ lùng, vô cùng chán nản, nhưng chúng ta có một giải pháp. Vâng, đó là cái từ xấu xa “sự khó chịu.” Thay vì tránh mọi sự khó chịu, chúng ta cần chủ động thách thức bản thân và cố gắng hơn để nhắc nhở bộ não của ta rằng những khó khăn hiện tại của ta không tệ đến thế.

Ok, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Phải đóng thuế vào ngày 15 tháng Tư. Không có ông già Noel. Chúng ta cần cố gắng hơn. Đâu là cách tốt để bắt đầu?

Ảnh: Sicmanta

Buồn chán là điều tốt 

Trung bình chúng ta dành 2.5 tiếng một ngày cho cái điện thoại. Giả sử bạn sống được thêm 40 năm nữa, thì 4.2 năm sẽ dành cho điện thoại. Đúng vậy, bạn dành hơn 10% phần đời còn lại của mình cho điện thoại. Điều này mang những ngụ ý quan trọng về nỗi hối tiếc của con người trước khi chết.

Vậy tại sao chúng ta lại làm thế? Vì chúng ta không muốn buồn chán. Và cuộc sống ảm đạm trên các ứng dụng dường như vẫn tốt hơn là một khoảnh khắc buồn chán.

Nhưng buồn chán là cái quái gì vậy? James Danckert, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Waterloo, nói rằng nó là một trạng thái tạo động lực. Buồn chán, ấy là bộ não của bạn đang muốn nói, “HÃY LÀM CÁI GÌ ĐÓ ĐI! HÃY ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU CỦA MÀY!” Các nghiên cứu có từ những năm 1950 cho thấy thực tế thì buồn chán giúp bạn sáng tạo hơn. Bộ não của bạn đang nóng lòng muốn giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiều việc.

Buồn chán dẫn đến sáng tạo, và sáng tạo đưa đến thành công trong cuộc sống. Nó thậm chí còn đánh bại chỉ số IQ.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Những đứa trẻ nào nghĩ ra được nhiều ý tưởng hơn, ý tưởng hay hơn trong thử nghiệm ban đầu là những đứa trẻ trở thành người trưởng thành xuất sắc nhất. Họ là những nhà phát minh và kiến trúc sư thành công, là những CEO và hiệu trưởng trường đại học, là các tác giả và nhà ngoại giao thành công v.v... Một nghiên cứu gần đây về những đứa trẻ trong nghiên cứu của Torrance phát hiện thấy tính sáng tạo là một yếu tố dự đoán tốt hơn gấp ba lần về phần lớn thành tích học tập của học sinh so với chỉ số IQ của chúng.

Bộ não của chúng ta khao khát được sáng tạo và hoàn thành mọi việc, nhưng chúng ta đang kìm hãm nó 2.5 giờ một ngày bằng những chiếc núm vú giả dành cho người lớn được gọi là điện thoại thông minh.

Muốn trở thành người sáng tạo hơn, năng suất làm việc cao hơn và cao hơn? Hãy để bản thân thấy buồn chán một chút. Hãy để nó tích tụ cho đến khi bạn trở thành một con quỷ Tasmania quay mòng với động lực để hoàn thành việc gì đó.

Và kế đến, thay vì lãng phí nó cho cái điện thoại, hãy hướng nó đến một thứ gì đó quan trọng.

Nếu bài này không làm bạn nhàm chán thì tôi rất vui. Còn nếu nó làm bạn thấy chán thì tức là tôi đang biến bạn thành một cỗ máy sáng tạo đầy động lực. Cách nào thì tôi cũng thắng, và chúng ta đều biết rằng đó là điều quan trọng ở đây.   

Vì vậy bạn cần để cho mình trở nên buồn chán một chút. Không còn thứ gì có thể tệ hơn thế, đúng không?

Tất nhiên là có chứ! Hãy bàn về sự khó chịu cuối cùng …

Nghĩ về cái chết  

Cuộc sống là một cái lò nướng tự làm sạch. Yeah, bạn rồi cũng sẽ chết. Tôi biết bạn không thích điều đó nhưng đây là khoa học và khách hàng không phải lúc nào cũng đúng.

Chắc chắn rằng việc lờ đi cái chết có ý nghĩa về mặt trực giác. Không ai muốn đi nghỉ mát mà tâm trí cứ nghĩ hoài đến việc chuyến đi sẽ sớm kết thúc. Đó không phải là cách để bạn dành cả tuần ở Maui. Nhưng nếu tâm lý học dạy chúng ta điều gì đó, thì ấy là bộ não không phải luôn hoạt động theo cách mà chúng ta tưởng.  

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kentucky yêu cầu mọi người nghĩ về cái chết, và kết quả là…họ trở nên hạnh phúc hơn.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Các nhà khoa học kết luận, “Cái chết là một sự thật mang tính đe dọa về mặt tâm lý, nhưng khi con người chiêm nghiệm về nó thì rõ ràng hệ thống tự động bắt đầu tìm kiếm những suy nghĩ hạnh phúc, vui vẻ.”

Nghe điên nhỉ? Yeah, nếu bạn cứ mãi ám ảnh với việc chuyến nghỉ mát của bạn ở Maui sẽ kết thúc thì điều đó thật tệ. Nhưng nghĩ đến việc phải rời đi trong một tuần có thể khiến bạn quý trọng bãi biển hơn vì bạn không huyễn hoặc bản thân để tin rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi. Bạn không coi thường nó – mà bạn tận hưởng nó. Và bạn đưa ra những lựa chọn tốt hơn về những việc cần làm trong tuần vì bạn không muốn lãng phí thời gian. Bạn tập trung vào những điều quan trọng. Bạn biết rằng thời gian là hữu hạn, vậy nên bạn cố gắng tận dụng nó. Do đó, cuộc đời là Maui.

Và tương tự thế, nghĩ về cái chết khiến chúng ta trân trọng những con người xung quanh chúng ta hơn.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Một nghiên cứu trong Psychological Science phát hiện thấy khi con người nghĩ về cái chết của mình thì họ nhiều khả năng tỏ ra quan tâm đến những người xung quanh. Họ đã làm những việc như cống hiến thời gian, tiền bạc và máu cho ngân hàng máu…

Tại sao? Vì lòng biết ơn.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Các nhà khoa học viết rằng khi con người nghĩ đến cái chết, họ có xu hướng nhận ra ‘có gì mà không thể’ và cảm thấy biết ơn nhiều hơn đối với cuộc sống mà họ đang có.

Năm 2020, COVID nổ ra giống như Kool-Aid Man mang đến cho chúng ta một lời cảnh tỉnh rất đáng sợ về cái chết. Điều đó chả có gì vui. Nhưng mặt khác, tôi dám cá rằng bạn sẽ trân quý những thứ trong cuộc đời mình hiện tại, hậu-phong tỏa, mà trước đây bạn từng xem thường: Gặp gỡ bạn bè, được ra khỏi nhà …

Bạn không muốn cuộc đời bạn giống như khoảnh khắc đáng sợ đó vào tối Chủ nhật khi tuần làm việc mới đang cận kề và bạn tự nhủ, “Thời gian đã trôi đi đâu rồi? Mình đã không làm những việc mà mình muốn làm.”

Chúng ta dành rất nhiều thời gian chờ đợi để sống thay vì sống. Nỗi khó chịu đi cùng với ý nghĩ về cái chết có thể thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn. Tận dụng tối đa thời gian còn sống trên đời. Vì một ngày nào đó bạn sẽ chết …

Nhưng không phải hôm nay. Ngày hôm nay bạn cần phải sống.

Đã đến lúc chuyển sang chuyến du ngoạn khó chịu của chúng ta và hỏi, “Chúng ta có thể chủ động làm gì được bây giờ?” Vậy đâu là một giải pháp thần kỳ để thiết lập lại cái phần “vấn đề của Thế giới thứ nhất” của bộ não của bạn?

Vâng, câu trả lời là một chút khó chịu. Nhưng bạn có quyền lựa chọn kiểu khó chịu này. Và nó đòi hỏi bạn phải làm cho nó trở nên vui vẻ đôi chút …

“Misogi”

Đó là một từ tiếng Nhật, vì mục đích của chúng ta, nghĩa là “Làm việc khó vì nó khó.”

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Misogis là một thử thách về cảm xúc, tâm lý và tâm linh ngụy trang như một thử thách thể chất.

Một số người làm những việc có vẻ điên rồ như chạy marathon. (Những kẻ điên hơn thì dành vô số thời gian để viết sách và blog châm chọc.) Misogi tức là thử thách bản thân bạn để kiểm tra dũng khí của bạn và mở rộng giới hạn của những gì bạn nghĩ rằng mình có khả năng làm được.

Trong thế giới hiện đại, chúng ta tin rằng mình không bao giờ nên chịu đựng bất kỳ khó chịu, bất tiện nào. Cuộc đời trở thành trò chơi-đập chuột khó chịu. Nhưng như ta đã thấy, bộ não của chúng ta sẽ không đời nào để cho ta chiến thắng trò chơi đó. Ví dụ rõ ràng nhất à? Cha mẹ kiểu trực thăng. Trẻ em thời nay được sống an toàn hơn bao giờ hết … nhưng điều đó lại khiến cho các bậc cha mẹ trở nên quá lo lắng trước những mối đe dọa nhỏ nhặt hơn bao giờ hết. Kết quả? Lũ trẻ trở nên lo lắng và chán nản hơn bao giờ hết.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

Việc ngăn cản trẻ em khám phá những góc khuất của chúng được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở thanh niên ngày càng cao và bất thường. Một nghiên cứu phát hiện thấy tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở sinh viên đại học tăng khoảng 80 phần trăm ở thế hệ này ngay sau khi bắt đầu nuôi dạy con theo kiểu cha mẹ trực thăng

Chúng ta không cố gắng hết sức mình, làm tốt nhất có thể khi không hề có căng thẳng. Chúng ta ở đỉnh cao với mức độ căng thẳng vừa phải. Mark Seery, một nhà tâm lý học tại Đại học Buffalo, phát hiện thấy một chút áp lực giúp chúng ta trở nên tốt hơn.

Trích từ cuốn sách The Comfort Crisis:

So với những người được che chở cả đời, “những ai từng đối mặt với nghịch cảnh đã báo cáo về tình trạng sức khỏe tâm lý tốt hơn trong suốt nhiều năm nghiên cứu,” Seery cho biết. “Họ có mức độ hài lòng cao hơn với cuộc sống, và gặp ít triệu chứng về tâm lý và thể chất hơn. Họ ít có khả năng dùng thuốc giảm đau theo toa. Họ ít cần đi khám bác sĩ hơn. Họ ít có khả năng thông báo về tình trạng việc làm của họ bị vô hiệu hóa.” Bằng cách đối mặt với một số thách thức ở mức độ vừa phải, những người ấy đã xây dựng và phát triển được một khả năng nội tại giúp họ trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn.  

Ai cũng muốn tự tin hơn, nhưng họ muốn nó dưới dạng một câu thần chú. Bah. Bộ não của bạn không tin vào mấy câu chữ rẻ tiền đó đâu. Ngược lại, khi bạn hoàn thành những việc khó nhằn, vùng chất xám của bạn rất khó mà phủ nhận khả năng của bạn trong việc vượt qua những thử thách phía trước.

Sự tự tin không phải là một điều mầu nhiệm mà bạn cảm thấy phải kích hoạt. 99% số lần mà khi bạn tự tin, bạn sẽ không nhận ra nó – bạn chỉ biết làm mà thôi. Bạn có ăn mừng sự tự tin của bạn khi có thể đứng dậy và đi qua phòng bên kia không? “Không, việc đó dễ òm mà” Đó là sự tự tin. Và bạn có thể mở rộng sự tự tin đó đến những việc càng lúc càng khó hơn bằng cách làm những việc càng ngày càng khó.

Vậy làm sao chúng ta có thể tới đó? Có 2 nguyên tắc cơ bản để thực hiện một Misogi:

  1. Nó phải thực sự khó.
  2. Đừng chết.

Nghiêm túc mà nói, bạn cần chọn một thử thách mà bạn có khoảng 50% cơ hội thành công. Một sự cân bằng khéo léo, nơi mà bạn chắc chắn đang kéo căng bản thân nhưng bạn cũng không nản lòng và gục ngã trong vũng bùn thất bại của Sisyphean. [Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy.]

Và hãy làm cho Misogi của bạn trở nên kỳ quặc. Bạn muốn nó theo phong cách riêng. Mang tính cá nhân. Đó là thách thức của bạn. Quá trình này hướng vào bên trong. Nó không phải là để phô trương và bạn không muốn nó trở thành thứ mà bạn so sánh thành tích của mình với người khác. Nó là một bài kiểm tra của bạn và dành cho bạn.

Không còn né tránh những thách thức trong cuộc sống – nhưng bạn có thể chọn những thứ khiến mình hứng thú. Giống như việc rèn luyện thể lực ở phòng gym khiến cho việc nâng các hộp Amazon Prime trở nên dễ dàng hơn trước cửa nhà bạn, kéo căng bản thân bằng những thử thách mà bạn chủ ý lựa chọn có thể giúp cho những thử thách cảm xúc bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày trở nên dễ dàng hơn.

Hy vọng là, đọc điều này không có cảm giác như là misogi. Nhưng sự khó chịu đã đến hồi kết.  

Tóm tắt

Đây là cách để trở nên kiên cường:

  • “Vấn đề của thế giới thứ nhất”: Chơi trò Đập chuột khó chịu chỉ khiến bạn dịch chuyển các cột mốc và khiến bạn xem những thứ ít đáng sợ là đáng sợ. Chủ động chọn sự khó chịu khiến cho những vấn đề nhỏ chỉ là chuyện vặt.
  • Buồn chán là một trạng thái tạo động lực: Đừng cho nó ăn thức ăn rác là thời gian xem điện thoại, hãy để nó thúc đẩy bạn đạt được thành tựu sáng tạo.
  • Nghĩ về cái chết: Tưởng tượng Thần Chết đang đứng cạnh bạn, đang xem đồng hồ và ngâm nga “Thời gian ủng hộ ta”—quả thực chả vui chút nào. Nhưng một lời nhắc nhở nhỏ hơn là cái chết sẽ cho bạn biết rằng cuộc đời này không phải là một buổi tổng duyệt và khiến bạn càng thêm trân quý cuộc sống hơn.
  • “Misogi”: Chẳng có gì bằng niềm sung sướng tuyệt vời khi làm việc gì đó mà bạn nghĩ rằng mình không thể làm được. Chủ động lựa chọn những thử thách ở “mức độ khó” khiến cho cuộc sống hằng ngày trở nên “nhẹ nhàng hơn”.  

Sẽ có “chút vấn đề” khi người ta cược hết vào sự tiện nghi, dễ chịu, tương tự như Thái Bình Dương có “chút nước.” Có mùi khí lưu huỳnh trong không khí khi chúng ta ký vào bản hợp đồng đó. Chúng ta nhầm lẫn sự thoải mái, tiện nghi với hạnh phúc và điều này tước đi của ta niềm vui đến từ thành tựu. Nếu không có thành tựu, chúng ta đánh mất những cột trụ hỗ trợ cho sự tự tin và lòng tự trọng.

Khi chúng ta né tránh sự khó chịu, bộ não của ta đang chống lại ta và nỗi sợ hãi mở rộng trong các vòng tròn đồng tâm. Chúng ta không thể nhìn thấy các tiềm năng của cuộc sống và tiềm năng của chính ta – mà chỉ thấy mối đe dọa. Đây không phải là cách bạn giành chiến thắng; đây là cách mà bạn dần dần thua cuộc.

Như triết gia Khắc kỷ Seneca đã viết, “Ta đánh giá anh là bất hạnh vì anh chưa bao giờ sống qua khổ hạnh. Anh đã trải qua cuộc sống mà không có một đối thủ nào—không ai biết được anh có thể làm được gì, ngay cả anh cũng thế.”

Chủ động chọn sự khó chịu là cách mà chúng ta tiêm vaxin cho mình, giúp bộ não của ta cảm thấy thoải mái hơn trước những chuyện nhỏ nhặt. Một ít chất độc mỗi ngày giúp bạn miễn nhiễm với nó.

Đôi lúc khi bạn tự thử thách bản thân, bạn sẽ thất bại. Ờ. Nhưng khi bạn thất bại trước những việc khó nhằn thì chẳng ai trách bạn cả. Đó là lý do tại sao những ấy được gọi là “khó khăn”, phải không nào?

Nhưng đôi lúc bạn sẽ thành công. Và khi đó bạn sẽ gây ấn tượng với mọi người. Kể cả người quan trọng nhất ở đây…

Bạn.

 

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2021/07/resilient-3/

menu
menu