13 dấu hiệu cho thấy người ấy có tâm lý bất ổn

13-dau-hieu-cho-thay-nguoi-ay-co-tam-ly-bat-on

Nếu trong lòng bạn đang vang lên những hồi chuông cảnh báo về một ai đó, có thể những điều sau sẽ giúp bạn hiểu rõ lý do vì sao.

Khi bạn đang tìm kiếm một người bạn đời, hay thậm chí chỉ là những người bạn mới, việc nhận biết một vài dấu hiệu cho thấy ai đó có xu hướng gây rắc rối cảm xúc có thể rất hữu ích. Trong một số giai đoạn của cuộc đời, việc ở cạnh những người dễ tạo dựng mối quan hệ ổn định và nhẹ nhàng lại càng trở nên quan trọng.

Hãy thử tưởng tượng những tình huống sau:

Bạn vừa bước ra khỏi một mối quan hệ đầy căng thẳng với một người luôn cần được quan tâm, dễ xúc động và thiếu ổn định. Giờ đây, bạn đang trên hành trình chữa lành, tìm kiếm một tình bạn hay mối quan hệ mới không còn chất chứa áp lực như trước.

Có thể chính bạn cũng là người dễ xúc động, đôi chút nhạy cảm và thích tạo kịch tính. Bạn hiểu rằng mình cần những người thật vững vàng, biết giữ ranh giới rõ ràng và không bị cuốn vào những trò chơi cảm xúc mà bạn đôi khi vô thức tạo ra.

Hoặc bạn đang ở một giai đoạn mà cuộc sống đòi hỏi gần như toàn bộ thời gian và năng lượng của bạn (chẳng hạn bạn là một bác sĩ trẻ vừa bước vào kỳ thực tập). Cảm xúc của bạn thường xuyên ở trạng thái cạn kiệt, nhưng trong lòng vẫn khao khát một mối quan hệ thân mật, gần gũi.

Những người có xu hướng tâm lý bất ổn có thể sở hữu nhiều phẩm chất tốt đẹp. Thế nhưng, để duy trì mối quan hệ với họ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực, và việc bạn có đủ sức cho điều đó hay không còn tùy vào hoàn cảnh và sự cân bằng trong cuộc sống hiện tại. Vậy nên, tôi không hề khuyên bạn phải lập tức tránh xa những người mang những đặc điểm dưới đây, mà chỉ mong bạn sẽ suy xét thật kỹ trước mỗi quyết định.

1. Người ấy thường nói năng đầy giận dữ và thái độ “tôi đây xứng đáng được hơn thế”

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe ai đó buông một câu khiến mình phải thầm nghĩ: “Trời, sao mà nghe kiêu căng thế.” Ví dụ, khi họ phạm lỗi, họ lại cho rằng người khác phải sửa chữa cho họ mà họ thì không cần gánh chịu hậu quả gì.

Cũng nên để ý tới những người phản ứng quá mức trước những việc nhỏ không như ý — chẳng hạn, đến khách sạn đúng giờ nhận phòng mà phòng chưa sẵn sàng, liền tức giận nổi đóa. Hoặc có người đưa ra ý tưởng trong nhóm làm việc, khi bị hỏi thêm thông tin để cả nhóm cùng cân nhắc thì lại phẫn nộ: “Sao dám nghi ngờ tôi?”

2. Người ấy thường xuyên thất hứa hoặc không giữ đúng cam kết

Một dấu hiệu rõ ràng của sự ổn định cảm xúc là khả năng giữ lời: nộp công việc đúng hạn, đi đúng hẹn những buổi đã nói sẽ tham gia, hay đơn giản là đều đặn xuất hiện trong đội bóng cuối tuần.

3. Người ấy có gia đình đầy kịch tính

Dĩ nhiên không thể đánh giá một con người chỉ qua gia đình họ, nhưng nếu một người lớn lên trong môi trường thiếu tình yêu thương và sự ổn định, khả năng cao họ cũng chưa kịp học cách xây dựng những điều đó trong chính mình.

Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng có ảnh hưởng đến tính cách. Nếu cha mẹ có xu hướng bất ổn, con cái cũng dễ mang nét tương tự. Có khi ta thấy trong cùng một gia đình, tính cách ấy biểu hiện ở những mức độ khác nhau — người thì nghiện ngập và phạm pháp, người thì đam mê cảm giác mạnh, thích mạo hiểm trong kinh doanh. Nếu bạn là người ghét rủi ro, kể cả kiểu người thứ hai cũng có thể không hợp với bạn. Nhưng nếu bạn cởi mở với rủi ro, chuyện đó lại chẳng sao.

Hãy xem xét mức độ ổn định của gia đình người ấy song song với các dấu hiệu khác được nhắc đến.

4. Người ấy thiếu sự thấu cảm cần thiết

Chúng ta ai cũng từng trải qua khoảnh khắc nói ra điều gì đó và mong nhận lại một phản hồi — ví dụ, bạn chia sẻ niềm vui và mong nghe một lời chúc mừng, hay kể về một chuyện căng thẳng và mong được một tiếng cảm thông: “Thế thì tệ thật.”

Hãy để ý khi bạn nói ra những điều thường được mong chờ nhận lại sự chia sẻ hay động viên, mà người ấy lại chẳng mảy may quan tâm, chỉ quay sang nói về bản thân mình.

5. Người ấy luôn cố gắng “hơn thua” với bạn

Đây là một biểu hiện khác của việc thiếu thấu cảm đã nói ở phần trước. Mỗi khi bạn chia sẻ điều gì, người ấy lập tức muốn “vượt mặt” bạn. Chẳng hạn, bạn nói rằng dạo này bạn đang chịu nhiều áp lực, thì họ liền kể ra chuyện của mình – mà theo họ là còn căng thẳng hơn. Một người bạn của tôi từng gọi kiểu phản ứng này là: “Bạn đau đầu à? Tôi có... u não cơ!”

Những người thiếu kỹ năng cảm xúc thường ngỡ rằng họ đang chia sẻ, đang cảm thông, nhưng thật ra lại khiến người khác bị lu mờ và không được lắng nghe.

Biểu hiện khác của kiểu “hơn thua” này là khi bạn đang hào hứng kể về một mục tiêu mình đang theo đuổi, thì họ lại chen vào kể về một mục tiêu còn “to lớn hơn” của họ.

Andrej Lišakov | Unsplash

6. Người ấy dễ dàng “quỵt nợ” người khác

Hãy tưởng tượng một huấn luyện viên đã bỏ tiền túi ra mua đồng phục cho cả đội, và mỗi thành viên đều cần hoàn trả phần chi phí của mình. Một người thiếu ổn định và hay cho mình là trung tâm có thể sẽ “vô tình” quên mất chuyện đó. Nếu họ nghĩ có thể tránh né việc trả nợ hay thanh toán hóa đơn, họ sẽ làm thế—dù khoản đó rõ ràng là trách nhiệm của họ.

7. Người ấy không bao giờ chịu thừa nhận mình sai

Thay vì nhận lỗi, họ sẽ tìm cách nói dối, viện cớ, giảm nhẹ vấn đề hoặc đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh.

8. Người ấy cực kỳ sợ bị phê bình hay từ chối, dù chỉ là nhẹ nhàng

Những người thiếu khả năng tự điều tiết cảm xúc và dễ rơi vào trạng thái trầm tư, dao động tâm lý thường rất sợ phải trải qua những cảm xúc tiêu cực, như bị phê bình hay bị từ chối — dù rằng đây vốn là một phần bình thường của cuộc sống.

9. Người ấy trốn tránh vấn đề thay vì đối diện và giải quyết một cách chín chắn

Ví dụ, người bạn đang tìm hiểu đột nhiên đổi số điện thoại, và bạn phát hiện ra đó là để tránh những cuộc gọi đòi nợ. Hoặc họ đang chậm thanh toán tiền nhà, nhưng thay vì liên hệ với ngân hàng để tìm giải pháp, họ cứ né tránh và lờ đi.

Bạn gặp ai đó mà ba mối quan hệ gần nhất của họ đều kết thúc bằng việc có lệnh cấm tiếp xúc hoặc ai đó bị bắt. Đây là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bất ổn. Có thể họ từng trải qua những tổn thương mà chưa học cách chữa lành, nên cứ mãi lặp lại vòng xoáy của những tình huống hỗn loạn. Điều này khác với người đã từng bị tổn thương, nhưng đã dũng cảm đối diện và vượt qua nó.

Ít nhất, một người từng có những mối quan hệ quá kịch tính trong quá khứ chắc chắn sẽ mang theo ít nhiều vết sẹo cảm xúc — thậm chí là những vết thương vẫn chưa lành.

Những mối quan hệ ổn định có thể giúp ai đó hàn gắn từ quá khứ đầy sóng gió, nhưng đồng hành với một người như vậy cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần. Tùy vào hoàn cảnh hiện tại của bạn và mức độ ổn định về mặt cảm xúc của chính mình, bạn có thể cân nhắc xem liệu mình có sẵn sàng bước vào hành trình đó không.

10. Người ấy không duy trì việc điều trị các vấn đề sức khỏe một cách ổn định

Nếu ai đó cần uống thuốc hàng ngày để kiểm soát một căn bệnh mãn tính mà lại không tuân thủ đều đặn, đó là dấu hiệu cho thấy hành vi và thói quen sống của họ có thể thiếu sự ổn định.

Tương tự, nếu người đó cần thực hiện một số điều chỉnh hành vi để kiểm soát bệnh (chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên hoặc giảm muối trong khẩu phần ăn) nhưng lại không làm được, điều đó cho thấy họ gặp khó khăn trong việc duy trì kỷ luật cá nhân và cam kết lâu dài.

Ngược lại, nếu bạn gặp một người luôn chăm sóc sức khỏe của mình một cách đều đặn, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ có khả năng tự kiểm soát và điều hành bản thân—dù có thể trong quá khứ họ từng trải qua vài biến cố kịch tính.

11. Người ấy không biết đặt mình vào vị trí của người khác

Khả năng thấu hiểu góc nhìn của người khác giúp ta giữ được sự bình tĩnh và công bằng trong cảm xúc. Ví dụ, nếu bạn hiểu rằng điều gì đó là quan trọng đối với người khác (dù không quan trọng với bạn), bạn sẽ dễ phản ứng bằng sự cảm thông hơn là bực bội hay giận dữ.

Những người không thể nhìn nhận góc nhìn của người khác thường dễ bùng nổ cảm xúc, và không hiểu được tại sao ai cũng cần được có lúc là “nhân vật chính” trong câu chuyện của mình.

12. Người ấy có vẻ quá mãnh liệt, quá vồ vập

Sự mãnh liệt có thể biểu hiện theo nhiều cách. Ví dụ, một người chia sẻ quá nhiều về bản thân ngay từ lần đầu gặp mặt, hoặc vội vàng lao vào một điều gì đó mà họ quá hào hứng. Những người có xu hướng lý tưởng hóa người khác rất dễ quay ngoắt thái độ khi hình tượng trong đầu họ vỡ tan vì một điều nhỏ nhặt.

Tổng kết

Như đã nói từ đầu, bạn không nên nhìn nhận bất kỳ dấu hiệu nào trong số này một cách đơn lẻ. Mỗi biểu hiện có thể có một lý do khác, chẳng hạn một người hay quên hẹn có thể đang sống chung với chứng ADHD ở người trưởng thành, khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, nếu trong lòng bạn đang có linh cảm không yên về một người nào đó, hãy thử xem lại danh sách những dấu hiệu này — biết đâu, chúng sẽ giúp bạn lý giải rõ hơn vì sao bạn lại có cảm giác như thế.

Nguồn: 13 Signs of an Emotionally Unstable Partner | Psychology Today

menu
menu