Vai trò đáng trân trọng của những chú gấu bông

Đôi khi, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt lại ẩn chứa những sự thật sâu xa về bản chất con người.
Ai cũng biết rằng trong khoảng từ một đến mười hai tuổi, nhiều đứa trẻ có một mối gắn bó mãnh liệt với một món đồ chơi nhồi bông — thường là một chú gấu, một chú thỏ, hoặc đôi khi là một chú chim cánh cụt. Mối quan hệ này có thể sâu sắc đến mức đáng kinh ngạc. Đứa trẻ ôm nó khi ngủ, trò chuyện với nó, khóc trước mặt nó và thổ lộ những điều mà chúng chẳng bao giờ nói với ai khác. Điều kỳ diệu hơn cả là dường như con thú bông ấy thực sự quan tâm đến chủ nhân của mình, luôn dịu dàng vỗ về và an ủi. Trong những khoảnh khắc khó khăn, nó có thể thì thầm khuyên đứa trẻ đừng lo lắng, rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Nhưng tất nhiên, bản thân con thú không hề có tính cách hay suy nghĩ riêng. Tất cả đều do đứa trẻ tưởng tượng ra, như thể một phần tâm hồn bé bỏng đang cố gắng nâng đỡ và vỗ về phần còn lại.
Nhà phân tâm học người Anh Donald Winnicott là người đầu tiên viết về những chú gấu bông một cách nghiêm túc và đầy thấu cảm. Trong một nghiên cứu từ đầu những năm 1960, ông kể về một cậu bé sáu tuổi—người đã phải chịu đựng sự ngược đãi khắc nghiệt từ cha mẹ — đã gắn bó sâu sắc với một chú thỏ bông mà bà cậu tặng. Mỗi đêm, cậu trò chuyện với nó, ôm chặt nó vào lòng và để những giọt nước mắt thấm ướt bộ lông mềm mại, đã bạc màu theo năm tháng. Đó là báu vật quý giá nhất của cậu, đến mức cậu có thể từ bỏ mọi thứ khác để giữ nó bên mình. Khi Winnicott hỏi, cậu bé chỉ trả lời đơn giản: "Không ai có thể hiểu cháu như bạn thỏ này."
Điều khiến Winnicott say mê chính là sự thật rằng, rốt cuộc, chính cậu bé đã tạo nên "bạn thỏ" ấy—đặt cho nó một danh tính, một giọng nói, một cách quan tâm ân cần mà cậu hằng mong mỏi. Thực chất, cậu bé đang nói chuyện với chính mình, nhưng qua hình hài của một chú thỏ, cậu lần đầu tiên tìm được một giọng nói dịu dàng, bao dung và đầy thấu hiểu—một giọng nói mà bình thường cậu rất hiếm khi nghe thấy trong cuộc đời mình.
Sự thật là, suốt cuộc đời, con người luôn tự trò chuyện với chính mình. Nhưng tiếc thay, giọng nói ấy thường quá đỗi nghiêm khắc và cay nghiệt. Ta trách bản thân vì thất bại, vì lãng phí thời gian, vì không đủ giỏi giang. Nhưng như Winnicott đã nhận ra, sức khỏe tinh thần không chỉ đến từ những thành tựu hay những khoảnh khắc vui vẻ, mà còn từ khả năng tự vỗ về chính mình. Sẽ có những lúc ta cần một phần trong tâm hồn lên tiếng để nhắc nhở phần còn lại rằng: "Thế là đủ rồi. Mình hiểu mà. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đâu ai có thể biết trước được..." Và chính giọng nói ấm áp ấy — giọng nói mà đứa trẻ từng tập luyện với thú bông — sẽ giúp ta tiếp tục bước đi giữa những sóng gió của cuộc đời.
Khi lớn lên, những con thú bông thường bị cất vào một góc tủ. Chúng trở thành điều gì đó đáng xấu hổ, gợi nhắc về một sự mong manh mà ta muốn quên đi. Nhưng theo Winnicott, nếu một người trưởng thành đúng nghĩa, họ sẽ không đánh mất bài học thuở bé. Bởi vì, dù ta có mạnh mẽ đến đâu, cuộc đời vẫn sẽ có lúc khiến ta thất vọng, vẫn sẽ có những nỗi buồn chẳng ai thấu hiểu, những tổn thương chẳng ai đủ kiên nhẫn xoa dịu. Mỗi người trưởng thành cần nuôi dưỡng một khả năng tự vỗ về chính mình—tức là biết tìm đến một góc bình yên trong tâm hồn, biết nói với bản thân những lời dịu dàng, khích lệ và bao dung vô hạn. Dù giờ đây ta không còn gọi giọng nói ấy là "chú thỏ trắng" hay "chú gấu vàng", nhưng ta vẫn mang trong mình món quà mà những người bạn bông mềm thuở nhỏ đã trao.
Một cuộc đời trưởng thành thực sự đòi hỏi ta phải nhận ra mối liên kết giữa sức mạnh và sự mong manh của chính mình. Sự chín chắn không nằm ở chỗ gạt bỏ những điều ta từng yêu thương thuở bé, mà ở khả năng dung hòa và trân trọng chúng. Bởi vậy, ta nên dành cho những chú thú bông một sự tri ân xứng đáng — bởi chúng chính là người thầy đầu tiên, giúp ta học cách chăm sóc và yêu thương bản thân trên hành trình dài của cuộc đời.
Nguồn: ON THE SERIOUS ROLE OF STUFFED ANIMALS | The School Of Life