Vấn đề của chủ nghĩa hoài nghi
Sự hoài nghi đôi khi khoác lên mình một lớp áo đầy kiêu hãnh.
Sự hoài nghi đôi khi khoác lên mình một lớp áo đầy kiêu hãnh. Nó mang dáng vẻ cứng rắn khi ta tuyên bố mình chẳng còn chút hy vọng nào – và tự hào rằng mình đủ sáng suốt để nhìn thấu giấc mơ của kẻ khác.
Người hoài nghi sẽ nói với bạn rằng con người ai cũng ích kỷ và yếu đuối, rằng “hệ thống” này đầy rẫy sự tham lam và gian dối, rằng bạn sẽ chẳng bao giờ thành công nên mọi nỗ lực chỉ là vô nghĩa và đáng khinh, rằng mọi lý tưởng đều ngớ ngẩn, và những “kẻ làm điều tốt” chẳng qua chỉ muốn khoe mẽ sự cao quý (giả tạo) của mình.
Không có cách nào chứng minh sự hoài nghi là sai, bởi luôn có vô vàn ví dụ sống động để củng cố một góc nhìn bi quan về nhân loại. Nhưng điều thực sự định nghĩa một người hoài nghi không nằm ở những gì họ nói ra – mà là lý do khiến họ tin như vậy. Phán xét bi quan của họ không dựa trên một phân tích lạnh lùng và khách quan, mà xuất phát từ một nỗi ám ảnh cảm xúc bên trong. Triết lý sống của họ, trên hết, là một hàng rào phòng thủ chống lại nỗi đau.
Dưới vẻ ngoài cứng cỏi của mình, người hoài nghi mang trong lòng một nỗi sợ hãi mong manh đến tột cùng: nỗi sợ rằng kỳ vọng nào rồi cũng sẽ kết thúc trong thất vọng. Và để bảo vệ bản thân, họ bẻ cong tâm trí để tránh mọi khả năng phải đối diện với sự hụt hẫng. Họ tự khiến mình thất vọng trước khi thế giới kịp làm điều đó, ở một thời điểm và theo cách của chính nó.
Người hoài nghi trông có vẻ như đang nỗ lực để nhìn nhận sự thật đúng như bản chất của nó; nhưng thực ra, họ còn đang cố gắng hơn thế để bảo vệ mình khỏi tổn thương. Cội rễ của sự hoài nghi không phải là những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời, mà, đáng buồn thay, là vết thương tâm lý. Đâu đó trong quá khứ, đã từng có một niềm hy vọng bị dập tắt quá tàn nhẫn, đến mức họ không thể chịu đựng nổi.
Thật đáng tiếc, người hoài nghi sẽ không bao giờ để lộ chút dấu vết nào về câu chuyện đằng sau sự tổn thương ấy. Họ sẽ hùng hồn nói về tham nhũng và dối trá, sẽ đưa ra hàng loạt ví dụ về lòng tham, kèm theo những lý thuyết kinh tế nghe có vẻ phức tạp. Nhưng điều họ không bao giờ kể – hoặc không dễ dàng thừa nhận – là nỗi tủi nhục khi cha họ mắng nhiếc trong cơn say, hay cảm giác chơi vơi khi mẹ họ bỏ đi tới một thành phố xa xôi lúc họ mới lên năm. Người hoài nghi chưa bao giờ thực sự và hoàn toàn hoài nghi. Họ vẫn đang vật lộn để chữa lành những hy vọng từng cháy bỏng nhưng giờ quá đau đớn để dám thừa nhận.
Phản ứng tự nhiên khi gặp một người hoài nghi là cố gắng tranh luận, thuyết phục họ bằng những ví dụ ngược lại. Nhưng đó lại là một hành động vô tình tàn nhẫn, vì nó không hiểu đúng bản chất của sự hoài nghi. Đó không phải một góc nhìn triết lý, mà là một cơ chế phòng vệ – một cách để tồn tại trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Điều người hoài nghi thực sự cần, nhưng lại quá sợ sẽ không bao giờ có được (nên chẳng dám mở lời), chính là lòng tử tế – một lòng tử tế có thể dần dần thắp sáng trở lại những khát khao hy vọng và niềm tin đã bị chôn vùi quá lâu trong họ.
Nguồn: THE PROBLEM WITH CYNICISM - The School Of Life