Vâng, có thể họ đang ghen tị...

Có một điểm yếu đặc trưng mà những người khiêm tốn, tốt bụng và hay tự trách bản thân thường mắc phải: họ khó mà tin rằng người khác có thể ghen tị với mình.
Có một điểm yếu đặc trưng mà những người khiêm tốn, tốt bụng và hay tự trách bản thân thường mắc phải: họ khó mà tin rằng người khác có thể ghen tị với mình. Điều này dẫn đến việc họ không thể hiểu nổi một số kiểu hành vi của người khác, chứ đừng nói đến chuyện biết cách phản ứng sao cho phù hợp.
Với một số người, ý nghĩ rằng ai đó có thể đố kỵ với mình nghe thật hoang đường. Họ nhìn nhận bản thân qua lăng kính đầy khuyết điểm, có thể lớn lên trong những lời chê bai từ gia đình, hoặc đã quen với việc tự dằn vặt chính mình. Họ chẳng hề cố tỏ ra khiêm nhường hay giấu đi sự kiêu hãnh đằng sau vẻ ngoài giản dị. Đơn giản là họ thật sự không thể tin rằng, với tất cả những gì họ có – hay đúng hơn là những gì họ nghĩ rằng mình còn thiếu – lại có người xem họ là đối tượng để ganh đua. Họ hiểu rất rõ cảm giác muốn trở thành một ai đó khác. Nhưng họ lại ít khi nghĩ rằng người khác cũng có thể thầm ao ước được như họ.
Edvard Munch, Jealousy, 1933-1935, Wikimedia Commons
Vấn đề là, nếu không nhận ra sự hiện diện phổ biến của lòng đố kỵ trong đời sống, ta sẽ mãi lúng túng trước những hành vi khó hiểu của người khác. Tại sao người bạn thân từ thuở nhỏ bỗng nhiên trở nên xa cách, lạnh nhạt? Có phải ta đã làm gì sai? Có phải ta từng lỡ lời điều gì đó? Ta cố gắng mổ xẻ, tìm kiếm một nguyên nhân phức tạp, mà không nhận ra một điều rất đơn giản – điều mà một người ngoài cuộc, không quá tự vấn bản thân, có thể dễ dàng nhận thấy: sự thay đổi ấy diễn ra ngay sau đám cưới của ta, sau khi ta được thăng chức, hay vào thời điểm ta học được cách sống hạnh phúc hơn. Người bạn cũ không “bỗng dưng kỳ lạ”, cũng chẳng có lỗi lầm nào to tát ở đây. Mọi chuyện đơn giản và hợp lý hơn nhiều: đó là một động lực muôn thuở của con người – lòng đố kỵ.
Đã đến lúc ta không còn là đứa trẻ nhút nhát ngày xưa nữa. Giờ đây, ta có những thứ mà người khác có thể thèm muốn: có thể là sức khỏe, gu thẩm mỹ, một mái ấm dễ chịu hay đơn giản chỉ là một tâm hồn bình thản. Dù ta vẫn nhận thức rõ mình còn thiếu nhiều thứ, điều đó không có nghĩa là xung quanh không có những người âm thầm đau đáu về những gì họ không có được.
Sự ngây thơ vô tình có thể khiến ta hiểu sai mối quan hệ của mình với mọi người. Có lẽ, ta nên ngừng xin lỗi. Có lẽ, ta không cần phải quá soi xét bản thân để tìm ra lỗi lầm trong từng hành động. Và có lẽ, điều đúng đắn nhất để làm khi đối mặt với lòng ghen tị không phải là cố dập tắt nó – mà là tạo một khoảng cách đủ lớn giữa ta và người đang chịu đựng nó.
Những đứa trẻ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất về bản năng ghen tị. Chúng không ảo tưởng về sự “tử tế” của mình, nên ngay lập tức, bằng sự thẳng thắn đến đáng yêu, chúng sẽ giành giật món đồ chơi đẹp hơn, chiếc bánh quy thừa hay thậm chí là sự chú ý của mẹ.
Chúng ta nên học cách chấp nhận rằng bản thân mình cũng không khác biệt. Hãy cho phép bản thân tin vào một điều mà trước nay ta vẫn tránh nghĩ đến – rằng có thể, chỉ đơn giản là họ thật sự rất ghen tị. Ý nghĩ này có thể không mấy dễ chịu, nhưng nếu ta đủ vững vàng để nhìn thẳng vào nó, ta sẽ giải mã được những bí ẩn lặp đi lặp lại trong cuộc đời mình – những điều mà nếu không, mãi mãi ta chẳng thể nào hiểu nổi.
Nguồn: YES, MAYBE THEY ARE JUST ENVIOUS… | The School Of Life