Vì Sao Bị Từ Chối Lại Đau Như Vậy

vi-sao-bi-tu-choi-lai-dau-nhu-vay

Nhà tâm lý học Guy Winch chia sẻ vài mẹo để làm dịu đi cơn đau khi bị từ chối.

Bị từ chối là một trong những vết thương cảm xúc mà chúng ta phải chịu trong cuộc sống thường ngày. Khả năng chúng ta bị từ chối trước đây chỉ gói gọn trong kích thước của những nhóm xã hội thân cận hoặc những người chúng ta hẹn hò. Ngày nay, thông qua việc giao tiếp điện tử, những trang mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò, mỗi chúng ta kết nối với hàng ngàn người, và bất kỳ ai trong số đó cũng có thể ngó lơ các bài viết, các đoạn thoại, tin nhắn, hay trang chủ của chúng ta, làm chúng ta cảm thấy như đã bị từ chối vậy.

Ngoài những loại từ chối nho nhỏ đó, chúng ta vẫn bị tổn thương bởi những sự từ chối nghiêm trọng và có sức tàn phá hơn. Khi vợ hoặc chồng rời bỏ bạn, khi bạn bị thôi việc, bị bạn bè hắt hủi, bị gia đình hoặc xã hội quay lưng vì lối sống của bạn, nỗi đau mà chúng ta phải chịu có thể làm ta tê liệt.

Việc bị từ chối dù lớn hay nhỏ, đều có một điểm chung – nó luôn đau đớn, và đôi khi còn đau hơn là chúng ta tưởng nữa.

Câu hỏi ở đây là, vì sao? Vì sao chúng ta lại thấy phiền lòng khi một người bạn tốt không “thích” tấm ảnh gia đình mà chúng ta đăng lên Facebook? Tại sao điều đó làm hỏng tâm trạng của chúng ta? Tại sao một chuyện có vẻ vặt vãnh như vật lại làm chúng ta giận dỗi với bạn mình và khó chịu với cả bản thân chúng ta nữa?

Câu trả lời là – não bộ của chúng ta được lập trình để hành động như vậy đó. Khi các nhà khoa học đưa người được thí nghiệm vào máy chụp cộng hưởng từ chức năng và yêu cầu họ nghĩ lại về lần bị từ chối gần nhất, họ đã tìm thấy một điều thật đáng kinh ngạc. Khi chúng ta trải qua cảm giác bị từ chối, vùng trên não bộ được “bật lên” trùng với khi chúng ta phải chịu đau đớn về mặt vật lý. Đó là lý do chỉ một sự từ chối nhỏ cũng khiến ta đau hơn là chúng ta tưởng, bởi vì chúng khêu ra nỗi đau thực tế (về mặt tinh thần).

Nhưng vì sao não chúng ta lại lập trình như vậy?

Những nhà tâm lý tiến hóa học tin rằng việc này có nguồn gốc từ khi chúng ta còn là những kẻ săn bắt hái lượm sống theo bầy đàn. Vì chúng ta không thể sống một mình, việc bị tẩy chay chẳng khác nào là bản án tử hình cả. Kết quả là, chúng ta phát triển một cơ chế báo nguy từ sớm để báo động với chúng ta khi gặp nguy hiểm “bị đá khỏi đảo” bởi những người trong bộ tộc – và đó chính là sự từ chối. Những người cảm thấy đau đớn vì bị từ chối thường sẽ thay đổi hành vi của họ, được cho phép ở lại trong bộ tộc, và được truyền lại cho đời sau.

Tuy vậy, nỗi đau về cảm xúc chỉ là một trong những điều mà sự từ chối gây ảnh hưởng lên cuộc sống của chúng ta. Sự từ chối còn tổn hại đến tâm trạng lẫn lòng tự tôn của chúng ra nữa, chúng gây ra những cơn giận và sự hung hăng, chúng làm mất ổn định cảm giác muốn “thuộc về” của chúng ta.

Tiếc thay, những tổn thương lớn nhất vì bị từ chối thường là do chúng ta tự gây nên. Bởi lẽ, phản ứng tự nhiên của chúng ta khi bị người yêu bỏ hay bị chọn cuối cùng trong đội không chỉ là tự liếm vết thương mà còn trở nên cực kì nghiêm khắc với bản thân. Chúng ta tự gán cho mình những cái tên, than vãn về những thiếu sót của mình và cảm thấy chán ghét bản thân. Nói một cách khác, khi lòng tự tôn của chúng ta bị thương tổn, chúng ta còn chà đạp thêm lên nó nữa. Làm như thế chỉ có hại cho cảm xúc lẫn tâm lý, thế mà mỗi chúng ta ai cũng từng làm thế, không khi này thì khi khác.

By Leszek Bujnowski

Tin tốt là, có những cách tốt hơn và lành mạnh hơn để phản ứng lại với sự từ chối, những điều chúng ta có thể làm để tránh những phản ứng có hại, an ủi nỗi đau tâm hồn, và gầy dựng lại lòng tự tôn. Dưới đây là một số cách:

Không chấp nhận việc tự chỉ trích bản thân

Cho dù việc lên một danh sách về những lỗi lầm của chúng ta sau khi bị từ chối khá là cám dỗ, nghe có vẻ hoàn toàn tự nhiên khi tự trừng phạt bản thân vì những điều ta đã làm “sai” – đừng! Bạn có thể xem xét lại chuyện đã xảy ra và tìm hướng đi khác trong tương lai, nhưng việc trừng phạt hay phê bình bản thân trong quá trình đó chẳng giúp ích được gì cả. Cách nghĩ, “Mình không nên đề cập đến người yêu cũ trong buổi hẹn đầu tiên,” thì được; còn, “Mình chỉ là một đứa kém cỏi!” thì không nên.

Một lỗi hay gặp đó là việc cho rằng bị từ chối là vì cá nhân dù thật ra không phải vậy. Đa phần những sự từ chối, dù là về tình cảm, công việc, hay xã hội, đều dựa vào “phù hợp” và hoàn cảnh. Nếu chỉ chú tâm vào những điểm yếu của bản thân để tìm hiểu vì sao sự việc không xảy ra theo ý muốn của bạn, thì đó vừa không cần thiết mà lại hướng bạn vào ngõ cụt.

Làm sống lại giá trị của bản thân

Khi lòng tự tôn của bạn bị ảnh hưởng, điều quan trọng ở đây là hãy nhắc nhở bản thân về những thứ mà bạn có thể làm được (thay vì chỉ nhìn vào những sai sót của mình). Một cách rất hay để nâng cao giá trị bản thân sau khi bị từ chối đó là sự tự khẳng định về những giá trị tốt mà bạn biết bạn có. Hãy lập một danh sách về 5 điểm tốt có ý nghĩa hoặc quan trọng đối với bạn – những điều khiến bạn là một đối tượng tốt cho các mối quan hệ (ví như, bạn luôn biết ủng hộ hoặc luôn biết san sẻ về mặt tinh thần), một người bạn tốt (ví như, bạn trung thành và biết lắng nghe), một nhân viên tốt (ví như, bạn có trách nhiệm và đạo đức làm việc cao). Sau đó hãy chọn lấy một điều trong số đó và viết 1, 2 đoạn văn ngắn (viết ra, đừng chỉ nghĩ trong đầu) vì sao điểm đó có giá trị với người khác, và bạn cần làm gì để thể hiện nó trong trường hợp nào đó. Việt thực hiện sơ cứu tinh thần như thế nào sẽ giúp nâng cao lòng tự tôn, giảm nỗi đau về mặt tinh thần và giúp xây dựng sự tự tin trong tương lai.

Nâng cảm xúc về kết nối xã hội

Chúng ta là loại động vật xã hội, vì thế chúng ta muốn được cần đến và có giá trị đối với các nhóm xã hội mà chúng ta tham gia. Sự từ chối làm lung lay nhu cầu được thuộc về, khiến chúng ra cảm thấy bất an và lạc lõng. Vì vậy, chúng ta cần được nhắc nhở rằng chúng ta được trân trọng và yêu thương để có thể cảm thấy kết nối và chắc chắn. Nếu đồng nghiệp không rủ bạn đi ăn trưa, hãy làm vài ly với nhóm bạn chơi thể thao của bạn. Nếu con của bạn bị bạn bè nó từ chối, hãy lên kế hoạch cho chúng được gặp gỡ bạn bè khác. Và khi người bạn hẹn hò lần đầu không trả lời tin nhắn, hãy gọi điện cho ông bà của bạn và nhắc chính mình rằng chỉ bằng giọng nói của bạn cũng đã có thể đem lại niềm vui cho người khác.

Bị từ chối chẳng bao giờ là điều dễ chịu cả, nhưng biết cách để giảm thiểu những tổn thất về mặt tâm lý do nó gây nên, và cách để gầy dựng lòng tự tôn khi nó xảy đến, sẽ làm bạn bình phục sớm hơn và bước tiếp bằng sự tự tin đến một cuộc hẹn mới hoặc một buổi tụ họp xã hội nào tiếp theo.

 

Tác giả: Guy Winch

Dịch: Amy

Nguồn: https://ideas.ted.com/why-rejection-hurts-so-much-and-what-to-do-about-it/

Theo https://beautifulmindvn.com/2018/03/07/vi-sao-bi-tu-choi-lai-dau-nhu-vay/

menu
menu