Vì sao có người không thể ngừng tưởng tượng ra viễn cảnh tồi tệ nhất

Chút bi quan có thể là một lá chắn bảo vệ. Nhưng việc phóng đại thảm họa thì hiếm khi như thế.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Cái nhìn lạc quan có thể giúp xoa dịu nỗi sợ, nhưng đôi khi, con người lại chọn đối mặt với nó trong suy nghĩ.
- Tin vào kịch bản tồi tệ nhất, tức là phóng đại thảm họa, thường khiến lo âu trầm trọng hơn.
- Phóng đại thảm họa là cách con người cố gắng lý giải nỗi sợ bên trong mình.
Khi đứng trước điều chưa biết, thật lạ lùng, dù là tập trung vào viễn cảnh tốt nhất hay tệ nhất thì cả hai cách đều có thể mang lại chút bình an về mặt tinh thần. Đôi lúc, ta tự an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi, kết quả xét nghiệm ung thư sẽ âm tính, hồ sơ xin việc sẽ được chấp thuận, v.v... Nếu ta đủ sức tập trung vào cái kết đẹp đẽ đó, tâm trí ta có thể tạm thời nhẹ nhõm, bởi điều tồi tệ kia sẽ ít có khả năng làm ta hoảng loạn hơn khi ta không nghĩ tới nó.
Nhưng vẫn có một điểm cần lưu ý: nếu khả năng kết cục xấu xảy ra là tương đối cao, ví dụ như có 50% nguy cơ là ác tính, thì rất khó để xua đuổi ý nghĩ ấy khỏi tâm trí. Nó sẽ cứ quay trở lại, và nếu ta cứ cố gạt nó đi, ta có thể sẽ khiến mình lo âu nhiều hơn. Thêm nữa, nếu có ai đó ép buộc ta chỉ được nghĩ đến cái kết tốt đẹp, thì điều đó có thể trở thành một dạng “tích cực độc hại”. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, thái độ lạc quan vẫn là liều thuốc xoa dịu nỗi sợ, đặc biệt khi rủi ro thực sự là nhỏ.
Cũng có khi, ta chọn con đường ngược lại: thay vì gạt bỏ hình ảnh tiêu cực ra khỏi tâm trí, ta chủ động nhìn thẳng vào nó và tưởng tượng ra nó một cách đầy đủ, như một dạng “liệu pháp tiếp xúc” trong tưởng tượng. Cách này có thể hiệu quả, vì sự quen thuộc dù chỉ trong suy nghĩ, cũng giúp giảm bớt nỗi sợ. Hơn nữa, nếu ta đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất, thì ít nhất sẽ không có gì tồi tệ hơn thế xảy ra, và nếu mọi chuyện không tệ đến vậy, ta thậm chí còn thấy nhẹ nhõm.
Tâm trí ta có thể ảnh hưởng đến tương lai?
Có những người tin rằng việc giữ một niềm tin dù lạc quan hay bi quan, có thể phần nào tác động đến kết cục thực tế. Một số người chỉ tập trung vào kịch bản tươi sáng nhất, bởi họ hy vọng rằng điều đó sẽ góp phần khiến nó trở thành hiện thực. Họ tránh không nghĩ đến những điều xấu, như thể nếu ta không nghĩ tới thì điều đó sẽ không xảy ra. (Tôi cho rằng đây là lý do vì sao nhiều người không chịu mua bảo hiểm nhân thọ, hay những ai du lịch đến nơi nguy hiểm cũng hiếm khi mua bảo hiểm bắt cóc, họ sợ rằng việc đề phòng sẽ khiến điều xấu trở nên “có thật hơn.”)
Ngược lại, cũng có người lại chăm chăm vào điều tệ hại nhất như một cách để phòng tránh nó. Nhà văn George Eliot từng nhận xét rằng nhiều người có niềm tin mê tín rằng, nếu họ cứ nghĩ điều tồi tệ sẽ xảy ra, thì điều đó sẽ ít có khả năng thành sự thật. Đây là mặt đối lập của niềm tin rằng “chuyện xấu sẽ không xảy đến với mình vì mình đặc biệt.” Không ít người âm thầm tin rằng những điều như bị cướp có vũ trang hay mắc ung thư trước tuổi 50 chỉ xảy đến với “người khác.” Và chính vì thế, khi tai họa thực sự ập đến, họ lại sốc và không thể tin nổi.
Ngược lại, có người lại cho rằng việc mong đợi điều tệ nhất là một hành động khiêm nhường, là lời thừa nhận rằng mình không có thần hộ mệnh, không có ưu tiên nào từ vũ trụ cả. Họ chấp nhận tin vào điều tệ nhất, hy vọng rằng sự thành thật và khiêm nhường ấy sẽ được “trả công” bằng một kết cục nhẹ nhàng hơn.
Source: Andrea Piacquadio/Pexels
Khi niềm tin vào điều tồi tệ chỉ làm mọi thứ tồi tệ thêm
Tuy vậy, không phải lúc nào việc tin vào điều tồi tệ nhất cũng có tác dụng bảo vệ. Trong nhiều trường hợp, nó chẳng những không giúp giảm lo âu, mà còn khiến ta rơi sâu hơn vào vòng xoáy sợ hãi.
Hãy thử tưởng tượng một tình huống: bạn của bạn, Lena, nhắn tin cho bạn khi đang ở ga tàu điện vào một buổi sáng: “Mình trễ 5 phút rồi. Mình sợ sẽ bị đuổi việc mất.” Bạn nhắn lại hỏi xem có ai từng bị đuổi chỉ vì trễ 5 phút chưa. Cô ấy nói không nhớ có ai như thế, nhưng lại sợ rằng mình sẽ là người đầu tiên. Bạn trấn an rằng khả năng ấy là rất thấp, nhưng Lena vẫn hoảng loạn. Bạn hỏi tiếp: “Nếu bị mất việc thì sao?” Cô ấy đáp: “Mình sẽ không thể tìm được việc khác, rồi sẽ không có tiền trả hóa đơn, bị đuổi khỏi nhà, rồi sẽ thành người vô gia cư...”
Hành vi của Lena có một cái tên: phóng đại thảm họa. Nhưng vì sao Lena lại như vậy? Kiểu bi quan vô căn cứ này không hề mang tính bảo vệ. Nó không giúp cô ấy bình tĩnh lại bằng cách đối diện và chấp nhận khả năng xấu nhất. Thực ra, cô ấy chẳng hề chấp nhận gì cả. Chính cô ấy đã tưởng tượng ra viễn cảnh ấy, rồi lại run sợ trước nó. Vì sao?
Tôi cho rằng, phóng đại thảm họa là một cách để con người lý giải nỗi sợ bên trong mình. Khi ta thấy vô cùng bất an mà không rõ nguyên do, có thể từ tâm lý, cũng có thể từ sinh lý, thì nỗi sợ ấy trở nên vô nghĩa. Và thay vì chấp nhận rằng nỗi sợ ấy là “vô cớ,” ta lại tự tạo ra một “cái cớ”: một thảm họa có thể xảy ra. Như thế, nỗi sợ của ta trở nên “có lý.” Trường hợp này cũng giống như người đứng trên cầu kính, họ biết là an toàn, nhưng vẫn sợ, và rồi chính nỗi sợ ấy lại khiến họ tin rằng mình có thể rơi xuống.
Tôi đã nói rằng khi sự bi quan mang tính bảo vệ, ta không nên ép người đó phải nghĩ tích cực. Nhưng còn khi họ đang phóng đại thảm họa thì sao?
Không có gì là “tích cực độc hại” khi ta tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi như thế. Và có lẽ, liều thuốc hữu hiệu nhất chính là lý lẽ, là sự kiên nhẫn trò chuyện để người kia thấm dần những bằng chứng thực tế.
Tuy nhiên, ta cũng cần cẩn trọng. Bởi nếu như bạn cố gắng thuyết phục Lena rằng cô ấy sẽ không bị sa thải, mà cô ấy vẫn nhất quyết không tin, thì đôi khi cách tốt hơn là đồng hành một đoạn với nỗi lo ấy. Bạn có thể nói với cô ấy rằng: “Nếu lỡ thật sự bị mất việc, không xoay xở nổi tiền thuê nhà, thì cậu cứ đến nhà tớ ở tạm. Cứ yên tâm nằm dài trên ghế sofa, đợi đến khi tìm được công việc khác.” Nếu lời nói đó khiến Lena dịu lại, thì chính sự bình tĩnh ấy sẽ dập tắt ngọn lửa nuôi dưỡng thói quen phóng đại thảm họa, đó là nỗi lo và sợ hãi. Khi không còn sợ, niềm tin kia rồi sẽ tự tan đi.
Cũng cần nhớ rằng, đôi khi – dù hiếm – vẫn có những lý do chính đáng để lo ngại về một thảm họa. Nếu như những người trên tàu Titanic không quá xem nhẹ khả năng con tàu bị đắm, có lẽ bi kịch ấy đã không xảy ra. Tương tự, khi ai đó bày tỏ sự bất an về trạng thái tinh thần hay cảm xúc của mình, ta nên lắng nghe một cách nghiêm túc.
Chẳng hạn, trong cuốn Guilty by Reason of Insanity (Vô tội vì điên loạn), bác sĩ tâm thần Dorothy Lewis kể lại câu chuyện về một cô bé còn rất nhỏ. Vào một buổi chiều nọ, cô bé ấy đã van xin nhà trường cho về sớm, vì em sợ mình có thể làm điều gì đó khủng khiếp. Không ai tin em cả. Kết cục, em đã dùng dao đâm chính người bạn của mình. Trước đó em từng có tiền sử tâm thần, nhưng đôi khi, ngay cả khi không có quá khứ bất ổn, một cảm giác bất an vẫn có thể là dấu hiệu cảnh báo rất đáng để lưu tâm.
Liên quan đến điều này, trong tiểu thuyết The Green Knight của Iris Murdoch, có một đoạn đối thoại gợi nhiều suy ngẫm:
“Tớ cảm thấy như mình đang chạm đến tận cùng của điều gì đó, mọi thứ rồi sẽ thay đổi và nó sẽ kinh khủng.”
“Cậu chưa từng nói thế bao giờ. Cậu luôn vững vàng, luôn vượt qua mọi đợt sóng.”
“Có một cơn sóng… sẽ nhấn chìm tớ.”
Người thốt lên những lời ấy có thể là đang lo lắng quá mức. Nhưng cũng có thể, họ đang đúng, họ đang có một cảm nhận rất trực giác, rất mơ hồ mà chính xác, rằng một điều gì đó sắp xảy ra sẽ làm lung lay sự vững vàng mà họ từng có.
Vậy nên, điều ta cho là “phóng đại thảm họa” đôi khi lại chính là một linh cảm về thảm họa thật sự.
Và sau cùng, tôi muốn nói một điều nữa:
Phóng đại thảm họa có thể là người anh em song sinh, nhưng trái tính, của sự sáng tạo. Trí tưởng tượng, bản chất của nó, là một thanh gươm hai lưỡi. Chính nhờ nó mà con người dám bắt đầu những điều khó khăn, đầy bất trắc, gần như không thể thành công. Nếu chẳng ai từng hình dung rằng con người có thể chế tạo máy bay, một ý tưởng từng bị cho là điên rồ, thì làm sao chúng ta có thể bay qua đại dương ngày hôm nay?
Thế nhưng, mặt tối của trí tưởng tượng là nó có thể dẫn ta đến những nỗi sợ kinh hoàng, và từ đó, gieo rắc những niềm tin ám ảnh. Họa sĩ Francisco Goya từng khắc dòng chữ này bên dưới bức tranh Capricho số 43, nơi ông vẽ hình một người đàn ông (có lẽ là chính ông), đang ngủ gục trên bàn, quanh mình là những con chim đêm và sinh vật kỳ quái:
“Trí tưởng tượng không được lý trí soi sáng sẽ sinh ra những con quái vật không tưởng. Nhưng khi đồng hành cùng lý trí, tưởng tượng sẽ là mẹ của nghệ thuật và khởi nguồn của những điều kỳ diệu.”
Tác giả: Iskra Fileva Ph.D.
Nguồn: Why Some People Can't Stop Imagining the Worst | Psychology Today