Vì sao gia đình không thay đổi, dù biết mình nên làm thế

vi-sao-gia-dinh-khong-thay-doi-du-biet-minh-nen-lam-the

Đây là cách mà cơ chế "cân bằng nội tại" (homeostasis) âm thầm dẫn dắt cuộc chơi trong các gia đình thiếu sự tỉnh thức.

Có một hiện tượng thường thấy trong liệu pháp gia đình, đó là khi một gia đình vẫn tiếp tục duy trì những thói quen rõ ràng là rối loạn và gây ra xung đột, tổn thương, và bất hạnh. Thậm chí ngay cả khi được chỉ ra điều đó, họ vẫn kiên quyết níu giữ những thói quen ấy. Nguyên nhân nằm ở một cơ chế có tên là “cân bằng nội tại” (homeostasis).

Cân bằng nội tại là một tiến trình mà trong đó, mỗi gia đình sẽ hình thành và sử dụng những thói quen, vai trò nhất định để giữ cho căng thẳng, xung đột và lo âu không vượt quá “ngưỡng chịu đựng” của họ (Messer, 1971). Mỗi gia đình có một ngưỡng riêng, và họ sẽ nỗ lực duy trì nguồn năng lượng cảm xúc trong giới hạn đó. Nói cách khác, các thành viên trong gia đình sẽ vô thức “đẩy” nhau quay lại cách ứng xử quen thuộc, nhằm tạo nên một môi trường có thể đoán trước được — một trạng thái gọi là “quân bình”.

Image: Tima Miroshnichenko / Pexels

Một số vai trò quen thuộc mà các thành viên trong gia đình thường bị “đóng khung” và buộc phải giữ lấy, bao gồm:

  1. Vật tế thần, kẻ nổi loạn: Khi gia đình rơi vào căng thẳng, những gia đình rối loạn có xu hướng đổ lỗi cho một người — kẻ bị xem là nguyên nhân của mọi bất ổn. Cả gia đình sẽ "liên kết" lại với nhau chống lại người đó như một “kẻ thù nội bộ”. Nhờ thế, họ né tránh việc phải nhìn nhận trách nhiệm chung hay giải quyết gốc rễ của vấn đề.
  2. Người hòa giải: Cùng lúc đó, thường sẽ có một người đóng vai trò hòa giải. Họ luôn cố gắng giúp mọi người “yên ổn” bằng cách lắng nghe mọi phía, truyền đạt lại quan điểm cho nhau và kêu gọi “đồng ý là không đồng ý”. Tuy nhiên, khi một người luôn phải làm điều này, họ sẽ bị đặt vào một vị trí vô cùng căng thẳng, chỉ để đưa gia đình trở lại trạng thái quân bình.
  3. Người con ngoan: Cũng giống như việc tìm ra vật tế thần, gia đình có thể sẽ chỉ vào một người “tốt” để làm đối trọng. Người này sẽ trở thành tấm gương mà vật tế thần bị đem ra so sánh — như một cách mặc nhiên khẳng định ai đúng ai sai.

Những thói quen trong gia đình thường xoay quanh các biểu hiện sau:

  1. Phản ứng phòng thủ: Để duy trì trạng thái cân bằng quen thuộc, các thành viên thường tỏ ra phòng thủ. Điều này khiến họ khó nhìn ra vai trò của chính mình trong sự việc, và cản trở quá trình thay đổi.
  2. Rút lui: Để tránh xung đột hoặc nhằm giành phần thắng trong tranh luận, một số người sẽ chọn cách rút lui khỏi cuộc trò chuyện. Khi căng thẳng tăng cao, những người còn lại thường chọn cách “chịu thua” để mọi thứ quay về như cũ.
  3. Tam giác hóa: Để giữ lại trạng thái cân bằng, một số thành viên sẽ liên minh với nhau, tạo thành những “phe cánh” nhằm chống lại người đang đe dọa hiện trạng.
  4. Dối trá: Có khi các thành viên sẽ nói dối hoặc vin vào những “huyền thoại gia đình” để mọi người tiếp tục cư xử trong khuôn khổ "chấp nhận được".
  5. Buông xuôi: Việc nỗ lực thay đổi thường mang đến quá nhiều căng thẳng, khiến một số người chọn cách chấp nhận thực tại, dù không hề hài lòng.
  6. Tranh cãi không hồi kết: Những cuộc cãi vã liên miên không đem lại kết quả thường làm thui chột ý chí thay đổi, và cuối cùng lại đẩy gia đình quay về mô hình quen thuộc.

Gia đình hoàn toàn có thể thay đổi cách vận hành của mình nếu một hoặc vài thành viên chủ động phá vỡ vai trò hoặc thói quen cố hữu nêu trên. Tuy nhiên, người đầu tiên dám làm điều đó thường sẽ trở thành… vật tế thần mới — bởi họ bị xem là người “gây rối”, dù thực chất đó là sự xáo trộn cần thiết để mọi thứ tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy, việc tham gia trị liệu gia đình có thể rất hữu ích. Một nhà trị liệu sẽ giúp từng người cảm thấy an toàn hơn, để họ có thể từ bỏ lớp vỏ phòng thủ và dần xây dựng khả năng chấp nhận sự thay đổi.

Trong trường hợp liệu pháp gia đình không khả thi, việc tham gia trị liệu cá nhân cũng là một lựa chọn tốt. Nhờ đó, người trong cuộc có thể hiểu rõ hơn ảnh hưởng của những rối loạn trong gia đình lên bản thân mình, và học cách bảo vệ chính mình khỏi những tổn thương kéo dài.

Nguồn: Why Families Don't Change, Even When They Should | Psychology Today

menu
menu