Tại sao sống ở thành phố càng đông dân bạn càng cô đơn và cô lập?

tai-sao-song-o-thanh-pho-cang-dong-dan-ban-cang-co-don-va-co-lap

Nhìn sâu hơn vào dữ liệu có được về việc giúp đỡ mọi người ở các thành phố của Mĩ, nhà tâm lý Levine và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng mật độ dân số là một trong nhưng yếu tố dự đoán tốt nhất về sự giúp đỡ.

Nhìn sâu hơn vào dữ liệu có được về việc giúp đỡ mọi người ở các thành phố của Mĩ, nhà tâm lý Levine và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng mật độ dân số là một trong nhưng yếu tố dự đoán tốt nhất về sự giúp đỡ. Tại sao mật độ dân số cao hơn lại dẫn đến ít sự giúp đỡ hơn? Theo một giả thuyết được phát triển bởi Milgram, người dân ở các thành phố đông dân có vẻ phải trải nghiệm quá nhiều “cảm giác quá tải“. Họ liên tục bị “dội bom” thông tin từ những người khác, từ thiết bị di động, phương tiện giao thông và quảng cáo. Kết quả là họ hành động cũng giống như điều mà tất cả các hệ thống máy móc cũ thực hiện khi nhận được quá nhiều thông tin – họ lựa chọn ưu tiên và dành ít thời gian xử lý các nguồn cố gắng thu hút được sự chú ý của họ. Milgram tin rằng điều này khiến mọi người đi qua những người cần sự giúp đỡ, và chuyển trách nhiệm giúp đỡ những cá nhân này lên những người khác. Điều này tạo ra một nghịch lý, càng nhiều người ở trong một khoảng không gian, thì họ lại càng có cảm giác cô đơn và cô lập.

Nhưng Levine không chỉ tò mò về mối quan hệ giữa quy mô của một thành phố và sự giúp đỡ của người dân. Ông tự hỏi việc giúp đỡ hay không giúp đỡ liệu có được xác định bởi nhịp độ cuộc sống trong thành phố không.

ĐO NHỊP ĐỘ CUỘC SỐNG

Mong muốn đặt các con số vào những yếu tố dường như khó nắm bắt này, Lavine và các đồng nghiệp đã đến thăm 31 quốc gia trên thế giới, đo ba chỉ số tốc độ của cuộc sống.

Ông đo tốc độ đi bộ trung bình của người đi bộ được lựa chọn ngẫu nhiên trên một đoạn vỉa hè dài khoảng 18m, ghé thăm các bưu điện và bí mật tính xem họ mất bao lâu để phục vụ một khách hàng mua một con tem duy nhất, và ghi lại tính chính xác của đồng hồ trong 15 ngân hàng ở trung tâm thành phố được lựa chọn ngẫu nhiên.

Công trình nghiên cứu này được tiến hành rất cẩn thận. Khi đo tốc độ đi bộ, các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng tất cả các địa điểm đều bằng phẳng, không có vật cản, và đặc biệt là không đông đúc. Trẻ em, những người khuyết tật, những người đi xem hàng chứ không mua được loại khỏi các phân tích. Khi tính thời gian tốc độ của dịch vụ tại các bưu điện, những người tiến hành thí nghiệm đã trao cho các thư kí một tờ giấy viết bằng ngôn gữ bản địa, để giúp giảm thiểu bất kì sự nhầm lẫn văn hoá nào. Các phân tích cho thấy rằng ba phương pháp đo đều liên quan đến nhau, và chúng đã thực sự cung cấp chỉ số về tốc độ cuộc sống của một thành phố.

Levine đã kết hợp các chỉ số khác nhau vào một thước đo tốc độ duy nhất. Kết quả cho thấy, Thuỵ Sĩ có tốc độ cuộc sống nhanh nhất trên thế giới (đồng hồ ngân hàng của họ chênh lệch mười chín giây), Ireland đứng thứ hai và thúw ba là Đức. Điều thú vị là, tám trong số chín nước có nhịp độ nhanh nhất là các quốc gia ở Tây Âu. Nhật Bản xếp thứ tư…Ba nước có tốc độ chậm nhất là Brazil, Indonesia và Mexico. Tám vị trí dưới cũng thuộc về các nước ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Levine tìm được một số bằng chứng cho thấy các thành phố có nhịp độ cuộc sống chậm hơn sẽ hay giúp đỡ mọi người hơn. Cũng như dự đoán về thuyết “cảm giác quá tải” của Milgram, mọi người càng vội vàng, thời gian họ dành cho những nhân tố không quan trọng càng ít.

Đây không phải là nhược điểm duy nhất của việc sống trong một xã hội với nhịp độ cuộc sống nhanh. Vào cuối những năm 1980, Levine và nhóm của ông đã đến thăm 36 thành phố trên khắp nước Mĩ, và so sánh nhịp độ cuộc sống với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch vành ở thành phố này. Giả thuyết này rất đơn giản. Người dân sống ở các thành phố có nhịp độ nhanh nhiều khả năng có sự tương đồng trong cái gọi là tính cách nhóm A. Những đặc trưng của nhóm tính cách này nhấn mạnh nhiều về tính cấp thiết, khả năng cạnh tranh, và nói chung là vội vàng để đạt được một thoả thuận rất lớn trong thời gian rất ngắn. Những người nhóm A có xu hướng nói nhanh và ngắt lời người khác. Họ thường là những người ăn xong đầu tiên, và thường xuyên nhìn đồng hồ hơn so với hầu hết những người khác. Một số nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng này gây ra rất nhiều căng thẳng và áp lực lên cơ thể. Công trình cuat Levine đã cho thấy cuộc sống ở các thành phố có nhịp độ nhanh có số người hút thuốc cao hơn, và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành. Phân tích sâu hơn cho thấy rằng tốc độ đi bộ và tỷ lệ những người đeo đồng hồ ở mỗi thành phố là yếu tố dự báo tốt đối với vấn đề này. Tại sao lại có một mối quan hệ không lành mạnh như vậy giữa các yếu tố này? Có lẽ nhóm A bị thu hút đến những thành phố có nhịp độ sống nhanh. Có lẽ việc sống ở những nơi nhịp độ nhanh chóng như vậy khiến người ta trở thành Nhóm A. Hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố. Dù lời giải thích là gì, thì thông điệp cũng rõ ràng. Ngoài việc khiến mọi người ít giúp đỡ người khác hơn, nhịp độ nhanh còn giết chết họ.

 

Trích từ cuốn “Tâm lý học hài hước” của tác giả Richard Wiseman – Thái Hà Books.

menu
menu