5 lầm tưởng về sức khỏe tinh thần có thể khiến bạn bất ngờ
Sự thật về những giả định chung và cách thực sự giúp ích cho bản thân bạn.
Những Điểm Chính
- Tin rằng sức mạnh ý chí là đủ và đổ lỗi cho nạn nhân bị trầm cảm - lo âu về tình trạng của chính họ.
- Nghiên cứu cho thấy chúng ta kiên cường hơn nhiều so với phần lớn mọi người nghĩ.
- Những căng thẳng hàng ngày không gây ra vô sinh nhưng vô sinh chắc chắn có thể gây ra những căng thẳng hàng ngày.
Một số lầm tưởng về sức khỏe tinh thần đã tồn tại từ rất lâu, đến nỗi nhiều người cho rằng những điều đấy là đúng mà không cần đi kiểm tra. Thật không may, việc tin vào những điều hoang đường đó có thể đồng nghĩa với việc hiểu lầm bản thân và người khác, đồng thời bỏ lỡ những cơ hội nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ.
Lầm Tưởng Số 1: Nghĩ Đến Những Suy Nghĩ Vui Vẻ Sẽ Thoát Được Khỏi Trầm cảm Hoặc Buồn Bã.
Mặc dù nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng ta thực sự có thể thay đổi một số cảm xúc tiêu cực bằng cách điều chỉnh lại suy nghĩ và nhận thức, nhưng việc học cách thực hiện điều đó cần có sự luyện tập, hỗ trợ và cần có thời gian. Trầm cảm thường liên quan đến sự điều hòa bất thường của chu kỳ ngủ/thức, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, chất dẫn truyền thần kinh và các chức năng nội tiết khác nhau. Chỉ sức mạnh ý chí thôi thì không đủ để "sửa chữa" tất cả những điều đó, niềm tin rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào sức mạnh ý chí là đủ sẽ khiến cho người đang bị lo âu hoặc trầm cảm bị đổ lỗi về tình trạng của chính họ.
Hơn nữa, nếu bản thân chúng ta đang bị tr*m c*m hoặc buồn bã và tin vào sự lầm tưởng này, chúng ta có nhiều khả năng tự đổ lỗi cho bản thân vì đã không "mạnh mẽ" giải quyết các vấn đề của mình và ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ hơn. Các nhóm hỗ trợ, trị liệu và liệu pháp tâm lý đều sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Image: Source: Viorel Kurnosov/Shutterstock
Lầm Tưởng Số 2: Những Biến Cố Đau Thương Luôn Để Lại Những Vết Sẹo Tinh Thần
Mặc dù những biến cố như sự kiện 11/9, COVID-19 hoặc sảy thai ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nhìn chung chúng ta kiên cường hơn chúng ta nghĩ. Trên thực tế, những người có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) hoặc trầm cảm hậu chấn thương là những người có thể có khuynh hướng di truyền, sống chung với căng thẳng mãn tính hoặc có hoàn cảnh sống khác nhau.
Những phản hồi đầu tiên từ những người tham gia cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng khả năng phục hồi là khả năng sinh tồn bẩm sinh có thể xuất hiện một cách tự nhiên sau chấn thương, giúp chúng ta tập trung vào cuộc sống hàng ngày và lòng biết ơn. Trên thực tế, hầu hết chúng ta rồi cũng sẽ hồi phục lại sau một trải nghiệm đau thương; chỉ từ 2% đến 10% trong số những người gặp biến cố phát triển các triệu chứng của PTSD.
Vì vậy, nếu bạn hoặc ai đó bạn biết không thể hồi phục về mặt tinh thần sau chấn thương hoặc sau sự mất mát, đừng coi các triệu chứng kéo dài hoặc dai dẳng là "bình thường". Mặc dù có thể như vậy nhưng một chuyên gia hoặc nhóm hỗ trợ phục hồi chấn thương vẫn có thể giúp thúc đẩy khả năng đối phó và khả năng phục hồi cảm xúc.
Lầm Tưởng Số 3: Phần Lớn Những Người Có Vấn Đề Về Cảm Xúc Đều Chỉ Muốn Tìm Kiếm Sự Chú Ý
Các vấn đề về cảm xúc là có thật: Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup cho thấy mức độ trầm cảm tồn tại kéo dài hiện nay ở người Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023. Và nếu tỏ ra lo âu hoặc trầm cảm là cách duy nhất để ai đó thu hút sự chú ý, thì chính điều đó cho thấy đó là một vấn đề cảm xúc “thực sự”.
Thật không may, sự lầm tưởng này đã khiến nhiều người cho rằng nếu ai đó đang nói về việc “44” hoặc tự làm h.ạ.i bản thân thì họ sẽ không thực sự làm vậy. Điều này không đúng về mặt thống kê. Hãy coi hành vi lo âu hoặc trầm cảm như một lời kêu cứu chứ không phải là một mưu đồ để nhận được chú ý.
Lầm Tưởng Số 4: Căng Thẳng Có Thể Gây Vô Sinh
Tôi đã viết về sự lầm tưởng không may này trước đây. Sau đây là sự thật: Mặc dù căng thẳng hàng ngày không gây ra vô sinh nhưng vô sinh chắc chắn có thể gây ra căng thẳng hàng ngày. Theo lan Copperman, giám đốc Hiệp hội Y học Sinh sản tại New York, trên thực tế ngay cả khi căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần đều ảnh hưởng đến chu kỳ nội tiết tố của bạn, sự gián đoạn này có giới hạn về thời gian, chu kỳ của bạn thường sẽ tự động điều chỉnh trừ khi có sự tồn tại của một tình trạng bệnh lý trước đó. Nếu hệ thống sinh sản của chúng ta dễ bị tổn thương trước căng thẳng như nhiều người vẫn nghĩ thì loài người đã biến mất từ lâu rồi.
Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về căng thẳng trong sinh sản:
- Đừng tin bất cứ ai nói với bạn rằng việc nhận con nuôi sẽ giúp bạn “thoải mái” trong việc nuôi dạy con cái và sau đó bạn sẽ thụ thai một cách tự nhiên. Ý tưởng liên quan đến căng thẳng này cũng không được chứng minh bởi bằng chứng thực nghiệm.
- Đừng để bất cứ ai nói với bạn rằng bạn phải chịu trách nhiệm về vấn đề sinh nở của mình. Đừng cảm thấy xấu hổ hay đổ lỗi cho bản thân. Tiến về phía trước với mục tiêu xây dựng gia đình theo bất kỳ cách nào chính là cách hiệu quả nhất để ngừng sống trong quá khứ.
Lầm Tưởng Số 5: Sự Kỳ Thị Liên Quan Đến Liệu Pháp Tâm Lý Là Lý Do Chính Khiến Nhiều Người Tránh Né Nó
Mặc dù một số người còn tồn tại sự kỳ thị, nhưng vẫn có nhiều yếu tố khác khiến một số người không thể tìm đến sự giúp đỡ.
- Đối với nhiều người, việc trị liệu có vẻ quá tốn kém - hoặc họ cho rằng như vậy. Nếu bạn lo lắng về chi phí, hãy kiểm tra với nhà cung cấp bảo hiểm tại nơi làm việc hoặc cơ quan dịch vụ xã hội về sức khỏe tâm thần tại địa phương bạn để được trợ cấp hoặc trị liệu miễn phí.
- Đối với những người khác, việc nói về cảm xúc và nỗi sợ hãi có vẻ xa lạ và họ lo rằng điều đó sẽ gây ra sự không thoải mái. Điều này ban đầu có thể là như vậy, nhưng nhìn chung bệnh nhân trở nên thoải mái hơn nhiều khi bày tỏ mối quan tâm và nỗi sợ hãi với nhà trị liệu thay vì tiếp tục suy nghĩ về chúng khi họ ở một mình và thao thức lúc nửa đêm.
- Các vấn đề về niềm tin có thể là rào cản đối với việc trị liệu, đặc biệt là do nhà trị liệu thường là người lạ và thông tin mà khách hàng được yêu cầu chia sẻ là thông tin cá nhân và riêng tư. Nếu đây là vấn đề của bạn, hãy nhớ rằng đây sẽ là liệu pháp và hành trình của bạn, bạn có thể "phỏng vấn" các nhà trị liệu cho đến khi tìm được người mà bạn cảm thấy thoải mái. Đặt câu hỏi về quá trình đào tạo, định hướng và xác thực thông tin từ nhà trị liệu cũng như cách cả hai bạn sẽ đánh giá sự tiến bộ của mình. Chỉ có bạn mới có thể biết liệu một nhà trị liệu có phù hợp với bạn hay không.
- Một số người nói với tôi rằng việc đăng ký trị liệu giống như thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, họ biết rằng trị liệu thành công sẽ giúp họ cảm thấy được trao quyền và có được sự dũng cảm.
- Đối với những người cảm thấy mình đã quá tải, ý nghĩ rằng có thêm các phiên trị liệu vào một ngày bận rộn có vẻ rất bất tiện và tệ nhất là không khả thi. Tuy nhiên, kể từ đại dịch COVID-19, liệu pháp trị liệu từ xa đã phát triển và giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian đi lại cũng như thời gian chờ đợi. Một cuộc khảo sát cho thấy 60% trong số chúng ta nói rằng họ thích nói chuyện qua điện thoại hơn là gặp mặt trực tiếp vì họ không cần phải nghỉ làm hoặc di chuyển đi xa.
- Điều cuối cùng, nhiều người do dự vì họ bối rối về loại liệu pháp họ nên tìm kiếm và loại hình đào tạo hoặc định hướng nào mà nhà trị liệu nên có. Bạn có thể gặp bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhân viên xã hội, cố vấn mục vụ (tư vấn bởi các mục sư) hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác vì nghiên cứu cho thấy rằng tất cả họ đều có thể hoạt động tốt miễn là bạn và chuyên gia phối hợp tốt với nhau. Tuy nhiên, vì công ty bảo hiểm y tế của bạn có thể chỉ chi trả cho một số loại nhà cung cấp nhất định, hãy đảm bảo bạn xem xét một cách kỹ lưỡng cách thức hoạt động của kế hoạch mà mình đề ra.
Tác giả: Tiến sĩ Georgia Witkin
------------------
Dịch giả: Ngọc My – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Biên tập: Tú Linh
Link bài gốc: 5 Mental Health Myths That May Surprise You