Vì sao họ rời bỏ ta?

Họ đã ra đi – và điều chúng ta khắc khoải muốn hiểu nhất, chính là: Tại sao?
Điều đáng nói là, mặc cho bạn bè hay những người xung quanh có an ủi ta thế nào đi nữa, trong thâm tâm, ta vẫn tin rằng mình đã biết câu trả lời rồi. Và câu trả lời ấy chính là: chúng ta.
Ta tin chắc, một cách rất tự nhiên, rằng lý do chính khiến họ rời bỏ ta nằm ở chính bản thân ta – ở những thiếu sót, ở sự không đủ tốt, không đủ đáng yêu, không đủ hoàn hảo. Họ đã từng nhìn thấu ta rõ hơn bất kỳ ai – và rồi, không thể tránh khỏi, họ phát hoảng trước những gì họ nhìn thấy. Không phải mối quan hệ thất bại. Chúng ta mới là kẻ thất bại.
Thế nhưng – ngược lại với cảm nhận sâu trong tim ta – điều tưởng chừng hiển nhiên ấy chưa chắc đã là sự thật. Trong lịch sử ngành tâm lý học, có một thí nghiệm nổi tiếng nói rõ xu hướng này của con người: xu hướng “phóng chiếu” – tức là ta gán ghép những lời giải thích rõ ràng, rành mạch từ bên trong tâm trí mình lên những tình huống ngoài đời vốn còn mơ hồ, chưa rõ ràng.
Thí nghiệm ấy – tên chính thức là Thử nghiệm Nhận thức Chủ đề (Thematic Apperception Test) – được nhà tâm lý học người Mỹ Henry Murray phát triển từ những năm 1930. Người tham gia được cho xem những hình ảnh mô tả con người trong các tình huống không rõ ràng, và được yêu cầu kể lại xem điều gì đang xảy ra.
Kết quả thật đáng chú ý:
“Cô ấy chán anh ta rồi; anh ta quá yếu đuối và tẻ nhạt. Cô vừa bảo với anh rằng mối quan hệ này không còn cứu vãn được nữa và cô sẽ rời đi.”
“Anh ta vừa nói lời chia tay, có vẻ lý do liên quan đến chuyện chăn gối. Anh cảm thấy không được thỏa mãn.”
“Chuyện này có vẻ liên quan đến cha mẹ anh ấy. Cô ấy muốn anh bớt lệ thuộc vào họ. Nếu không, cô ấy không thể ở lại mãi được…”
Sức mạnh của thí nghiệm này nằm ở chỗ: các bức ảnh thực ra chẳng mang ý nghĩa cụ thể nào cả – chỉ là những diễn viên được yêu cầu tạo dáng. Tất cả câu chuyện, mọi cảm xúc, đều đến từ chính người quan sát.
Và đó cũng chính là điều thường xảy ra với trái tim tan vỡ của chúng ta. Rất có thể, ta sẽ không bao giờ biết được một cách chính xác vì sao người ấy rời bỏ ta. Mà cũng không có gì lạ – dù có thân quen đến đâu, thì con người ta vẫn không bao giờ thật sự hoàn toàn trong suốt với nhau. Những gì họ nói chỉ là một phần nhỏ của những gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí họ. Những động cơ sâu xa hơn có khi còn mù mờ ngay cả với chính họ.
Ta được đặt trước một sự thật: họ đã rời đi – và ta liền phóng chiếu lên đó một ý nghĩa. Nhưng cái “ý nghĩa” ấy phần lớn lại xuất phát từ nội tâm của chính ta.
Biết chấp nhận rằng mình chưa biết rõ mọi chuyện thực ra là một kỹ năng mạnh mẽ – nhưng lại ít ai sử dụng. Vào một trong những thời khắc khai sinh của triết học, tại thành Athens cổ đại, Socrates từng nói rằng: “Người khôn ngoan là người biết rằng mình không biết.”
Sự thừa nhận ấy – rằng có những điều ta không thể biết chắc – và việc tự nhắc mình về xu hướng “tự suy diễn”, có thể là chiếc phao cứu sinh giúp ta thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của những kết luận đầy trách móc và đau đớn đổ dồn về phía bản thân.
Người yêu cũ từng hét lên giận dữ rằng “tôi không muốn gặp anh/chị nữa” – biết đâu, sâu thẳm trong tâm hồn họ lại là một tiếng thở dài buồn bã: “Tôi tiếc lắm, ước gì mọi chuyện có thể khác đi. Bạn thật tuyệt vời, nhưng có điều gì đó bất ổn trong tôi khiến tôi phải quay lưng với tình cảm này.”
Người nhắn tin lạnh lùng rằng: “Hết rồi, tôi đi đây” – biết đâu đang âm thầm khóc vì cảm giác mất mát và thất bại, chứ không hề sung sướng như ta tưởng.
Người nói: “Tôi ước gì chúng ta có thể tiếp tục, nhưng giờ tôi cần tập trung cho sự nghiệp” – có thể thật sự đang nói đúng lòng mình, chứ không phải chỉ đang viện cớ lịch sự để rút lui khỏi một mối quan hệ họ thầm khinh thường.
Chấp nhận sự mơ hồ là một điều giải thoát: ta sẽ nhận ra rằng việc chia tay này không nhất thiết là do ta tồi tệ đến mức không thể yêu nổi. Có thể còn có những yếu tố khác nữa – ngoài những thiếu sót của bản thân – góp phần vào kết cục hôm nay.
Chúng ta vẫn buồn, nhưng nỗi buồn ấy trở nên nhẹ nhàng hơn một chút. Ta có thể thôi dằn vặt chính mình, và chuyển sang đau cho một điều gì đó lớn hơn – cái cảm giác vừa thiêng liêng, vừa kỳ lạ và buốt giá: tình yêu, và sự mất mát.
Nguồn: WHY DID THEY LEAVE US? | The School Of Life