Vì sao ký ức tồi tệ cứ mãi đeo bám ta

vi-sao-ky-uc-toi-te-cu-mai-deo-bam-ta

Cấu trúc não bộ và thiên kiến tiêu cực

Ý chính

  • Ký ức tiêu cực thường mạnh mẽ hơn vì ưu tiên sinh tồn trong quá trình tiến hóa.
  • Những ký ức đầy cảm xúc sẽ kích hoạt một mạng lưới đặc biệt trong não để ghi nhớ lâu hơn.
  • Ký ức tích cực giúp gắn kết xã hội nhưng không mang tính sống còn như ký ức tiêu cực.

Tại sao những ký ức đau buồn lại ám ảnh ta dai dẳng hơn cả những niềm vui?

Từ cảm giác bị người khác chối bỏ cho đến chấn thương suýt mất mạng, những ký ức đau đớn có thể hằn sâu trong tâm trí ta một cách rõ nét và lâu dài. Tâm lý học tiến hóa và khoa học thần kinh cùng đồng thuận ở một điểm cốt lõi: việc ghi nhớ những điều đã từng làm ta tổn thương chính là một khả năng thích nghi quan trọng.

Bộ não con người, được mài giũa qua bao thử thách sinh tồn, đã phát triển những cơ chế ưu tiên mã hóa và ghi nhớ các trải nghiệm tiêu cực – như một cách để sống sót giữa hiểm nguy sinh tử.

Source: Egor Kamelev /Pexels 

Não bộ ghi nhớ điều tiêu cực như thế nào?

Nghiên cứu thần kinh học cho thấy những ký ức mang tính cảm xúc, đặc biệt là ký ức tiêu cực, sẽ kích hoạt một số vùng não mạnh mẽ hơn hẳn so với những ký ức trung tính hay tích cực.

Hạch hạnh nhân (amygdala) – vùng não chuyên xử lý nỗi sợ và cảm giác bị đe dọa, đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường khả năng ghi nhớ. Nó phối hợp cùng hồi hải mã (hippocampus), nơi tổ chức và lưu trữ ký ức, và vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nơi diễn giải và đặt cảm xúc vào ngữ cảnh. Khi ta rơi vào một tình huống căng thẳng hoặc sang chấn, bộ ba này sẽ hoạt động mạnh mẽ, bảo đảm ký ức ấy được khắc sâu và dễ dàng được truy xuất khi cần (Wilker, Elbert & Kolassa, 2014).

Thêm vào đó, các nghiên cứu về gen cũng chỉ ra rằng khả năng ghi nhớ ký ức đau thương có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào hoạt động của các gen liên quan đến trí nhớ – những gen có thể góp phần vào các tình trạng như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) (Wilker et al., 2014).

Những phát hiện này cho thấy: trong não không hề có một "góc tối chuyên chứa ký ức xấu", mà là cả một mạng lưới tinh vi, được thiết kế để xử lý và lưu giữ những gì mang tính cảm xúc mãnh liệt.

Tiến hóa – một cán cân nghiêng về phía tiêu cực

Về mặt tiến hóa, việc ưu tiên ghi nhớ những điều tiêu cực là hoàn toàn hợp lý. Nhớ rằng loại quả nào từng khiến mình đau bụng hay con thú dữ nào hay rình rập bên suối là điều sống còn.

Ký ức tích cực tuy mang lại lợi ích cho việc gắn kết xã hội và hạnh phúc lâu dài, nhưng lại không cấp thiết như việc tránh hiểm họa tức thì. Vì vậy, chọn lọc tự nhiên đã ưu ái những cơ chế nhận thức mang "thiên kiến tiêu cực" tức là con người dễ bị thu hút và ảnh hưởng bởi các kích thích tiêu cực hơn (Mineka, 1992).

Nghiên cứu về trí nhớ thích nghi càng củng cố điều này: trong các thử nghiệm, khi người tham gia được yêu cầu ghi nhớ thông tin trong bối cảnh giả định liên quan đến sinh tồn, họ nhớ tốt hơn hẳn, đặc biệt là các chi tiết về nguy hiểm hay hậu quả bất lợi (Nairne & Pandeirada, 2016). Thiên kiến này không phải là khuyết điểm, mà là một phần cấu trúc trí tuệ đã tiến hóa, giúp ta không phạm lại những sai lầm có thể đánh đổi bằng mạng sống.

Cái ác và cái đẹp – mỗi bên một vai trò

Những ký ức tiêu cực giúp ta né tránh hiểm họa trước mắt. Còn ký ức tích cực – dù không dữ dội như chấn thương, lại đóng vai trò nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài. Những khoảnh khắc hân hoan giúp củng cố hành vi mang lại kết nối và thành công sinh sản về sau.

Chẳng hạn, nhớ về một buổi tiệc vui hay một lần rung động có thể thôi thúc ta tìm đến những trải nghiệm tương tự trong tương lai, từ đó tăng cường gắn kết cộng đồng và nâng cao chất lượng sống.

Tuy nhiên, cảm xúc trong những ký ức đẹp thường nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì ta trải qua trong nỗi đau. McGaugh (2003) cho rằng hệ thống ghi nhớ của não vốn nhạy với "cường độ cảm xúc", một đặc tính dễ bị kích hoạt bởi sợ hãi hay mất mát hơn là sự mãn nguyện.

Ta có thể rung động trước hoàng hôn tuyệt đẹp hay một cái ôm trìu mến, nhưng những khoảnh khắc ấy hiếm khi để lại dấu ấn mạnh mẽ như một vết thương lòng.

Khi ký ức trở thành gánh nặng

Tuy mang lại lợi ích sinh tồn, cơ chế ghi nhớ tiêu cực cũng có thể phản tác dụng trong thế giới hiện đại, nơi hiểm nguy thường mang tính tinh thần hơn là thể xác.

Chẳng hạn, PTSD là minh chứng cho việc những ký ức đau thương bị lưu giữ quá mức, đến mức ám ảnh. Silove (1998) cho rằng đây có thể là tàn dư của một phản xạ sinh tồn cổ xưa, vốn từng hữu ích nhưng không còn phù hợp với xã hội hòa bình ngày nay.

Trong PTSD, các kích thích liên quan đến sang chấn vẫn tiếp tục kích hoạt hệ thống báo động trong não, dù mối đe dọa đã qua. Kết quả là người bệnh như sống lại nỗi đau cũ một cách dai dẳng, khiến cuộc sống thường nhật bị ảnh hưởng nặng nề. Đó chính là mặt trái của một cơ chế từng được tiến hóa để cứu sống ta.

Tuổi thơ và dấu ấn của nỗi sợ

Thật bất ngờ, ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể hình thành những ký ức mạnh mẽ về trải nghiệm tiêu cực.

Ví dụ, Sullivan và cộng sự (2000) phát hiện rằng chuột sơ sinh vẫn có thể ghi nhớ lâu dài những kích thích khó chịu gắn liền với mùi hương cụ thể, dù hệ thống ghi nhớ của chúng còn chưa hoàn thiện. Điều này cho thấy ngay từ lúc mới chào đời, não bộ đã được "lập trình" để ưu tiên lưu giữ những trải nghiệm gây hại, như một sự chuẩn bị cho việc sống sót.

Kết luận

Vậy có tồn tại một khu vực riêng trong não dành cho ký ức tiêu cực hay không? Câu trả lời là: vừa có, vừa không. Không có "trung tâm bóng tối" cố định nào cả, nhưng có một mạng lưới phức tạp, gồm hạch hạnh nhân, hồi hải mã và vỏ não trước trán, được huy động để giúp những ký ức đau thương bám rễ sâu hơn và được nhớ lâu hơn. Mạng lưới ấy là công cụ để ta tránh lặp lại sai lầm từng suýt khiến mình trả giá bằng tính mạng. Nhưng khi nó bị kích hoạt quá mức, lại có thể dẫn đến rối loạn chức năng. Trong cuộc giằng co giữa khổ đau và hạnh phúc, ký ức có xu hướng nghiêng về phía hiểm họa, không phải vì ta coi thường niềm vui, mà bởi não bộ hiểu rõ: để sống sót, cần phải nhớ kỹ những điều đã từng khiến mình đau.

Tuy không thể xóa bỏ thiên kiến tiêu cực, ta vẫn có thể làm dịu ảnh hưởng của nó bằng những thực hành có chủ đích. Chẳng hạn như viết lại cách nhìn nhận (cognitive reframing), thiền chánh niệm, hay viết nhật ký trải lòng đều đã được chứng minh là giúp giảm cảm xúc tiêu cực và tăng khả năng lưu giữ những kỷ niệm đẹp.

Ghi chép biết ơn mỗi ngày, hay đơn giản là tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc an vui cũng có thể giúp ta dần lấy lại sự cân bằng trong ký ức.

Và quan trọng nhất, khi những ký ức đau buồn bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn. Đó không chỉ là một hành động đúng đắn, mà còn là minh chứng cho khả năng thích nghi và vươn lên không ngừng của con người, thông qua tình thương và sự kết nối.

Tài liệu tham khảo

LaBar, K. S. (2007). Beyond fear: Emotional memory mechanisms in the human brain. Current Directions in Psychological Science, 16(3), 173–177.

McGaugh, J. L. (2003). Memory and emotion: The making of lasting memories. Columbia University Press.

Mineka, S. (1992). Evolutionary memories, emotional processing, and emotional disorders. Advances in the Study of Behavior, 21, 161–206.

Nairne, J. S., & Pandeirada, J. N. S. (2016). Adaptive memory: The evolutionary significance of survival processing. Perspectives on Psychological Science, 11(4), 496–511.

Silove, D. (1998). Is posttraumatic stress disorder an overlearned survival response? An evolutionary-learning hypothesis. Psychiatry: Interpersonal and Biological Processes, 61(2), 181–191.

Wilker, S., Elbert, T., & Kolassa, I. T. (2014). The downside of strong emotional memories: How human memory-related genes influence the risk for posttraumatic stress disorder – A selective review. Neuroscience & Biobehavioral Reviews, 42, 267–276.

Sullivan, R. M., Landers, M., Yeaman, B., & Wilson, D. A. (2000). Good memories of bad events in infancy. Nature, 407(6800), 38–39.

Nguồn: Why Our Worst Memories Stick With Us So Long | Psychology Today

Tác giả: Sam Goldstein Ph.D.

menu
menu