Vì sao mùa hè khiến ta âu sầu?

vi-sao-mua-he-khien-ta-au-sau

Nhiều người bị trầm cảm do mùa đông lạnh lẽo, xám xịt, nhưng có một số lại âu sầu vào mùa hè.

Ánh sáng tràn ngập và cái nóng mùa hè có thể là nguyên nhân khiến ta thấy sầu.

Nhiều người bị trầm cảm do mùa đông lạnh lẽo, xám xịt, nhưng có một số lại âu sầu vào mùa hè. Triệu chứng này xảy ra mỗi năm đến hè như trong bài Nỗi buồn hoa phượng, nhưng không man mác buồn mà là buồn tới trầm cảm, không phải là do ngày mai xa cách hai đứa hai nơi mà vì nhiều nguyên nhân khác.

Cách đây hơn 30 năm, khi chuyển từ Nam Phi đến Mỹ, bác sĩ Norman Rosenthal thấy não nề trong những ngày đông ngắn và lạnh giá ở New York hơn so với lúc ở quê nhà. Người ta nói đó là điều bình thường trong mùa đông, nhưng Rosenthal không đồng ý. 

Ông nghiên cứu và năm 1984 xuất bản một bài báo khoa học, gọi đó là rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder), một chứng chữa được chứ không phải để tự nó hết như người ta vẫn nghĩ.

Không có từ "mùa đông" trong chứng rối loạn này, nhưng người ta vẫn gắn nó với những tháng ngày lạnh giá. Sự thật là cái nóng nực và ngày dài của mùa hè cũng làm rối loạn cảm xúc. 

Với Kristen Ashly, một nhà báo Mỹ, mùa hè là lúc trầm cảm ập đến với cô như một bức màn nặng nề. Cô không tham gia các buổi dã ngoại, đi chơi ngắn hay dài ngày. Những ngày hè khiến cô lờ đờ nhưng cũng dễ bị kích động, cáu kỉnh và không thể ngủ được. Đến chiều, cô cảm thấy "mình giống như một thây ma", cô nói với The New York Times.

Tất nhiên, trầm cảm mùa đông và mùa hè sẽ khác nhau về bản chất. Rối loạn cảm xúc mùa đông thường là kiểu trạng thái gần như ngủ đông, suy nghĩ, hành động chậm chạp, ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, trong khi trầm cảm mùa hè thường liên quan đến chứng chán ăn và mất ngủ. Người bị trầm cảm mùa hè cũng có nguy cơ tự tử cao hơn.

Rối loạn cảm xúc theo mùa rất hiếm xảy ra ở trẻ em. Hầu hết những người trải qua các triệu chứng của nó bắt đầu ở tuổi mới trưởng thành. Nó cũng thay đổi theo giới tính. Số phụ nữ bị rối loạn cảm xúc theo mùa nhiều gấp ba lần so với nam giới vì những lý do mà chúng ta chưa hiểu được, bác sĩ Paul Desan, giám đốc phòng khám về trầm cảm mùa đông ở Đại học Yale, nói với tạp chí National Geographic.

Có một vài tác nhân tiềm ẩn gây ra trầm cảm mùa hè. Bác sĩ Rosenthal cho rằng nhiệt độ và ánh sáng có thể là hai yếu tố chính dẫn đến chứng trầm cảm mùa hè. Cơ thể của một số người phản ứng kém với nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh - là yếu tố gây mất cân bằng sinh lý có hại cho sức khỏe tinh thần của họ.

Một nghiên cứu năm 2018 về tâm trạng thể hiện trên mạng xã hội cho thấy lượng từ ngữ tiêu cực tăng khi trời nóng. Với một số người, mùa hè, mùa bà con ùn ùn đi du lịch, mùa những bộ cánh mát mẻ, tôn vinh đường cong và cơ bắp lên ngôi. Lúc này, có thể những ám ảnh tiêu cực về hình dáng, cân nặng của cơ thể hay khó khăn tài chính khiến một số người suy nghĩ nhiều hơn và rơi vào tâm trạng xấu.

Có những người lại cảm thấy an tâm, ổn định khi được đến trường học hoặc công sở mỗi ngày. Mùa hè và việc không được duy trì thói quen hằng ngày có thể khiến họ cảm thấy lạc lõng, cô đơn, theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa Michigan.

Hơn nữa, người bị trầm cảm mùa hè có thể bị cô lập và khó chia sẻ hơn. Trầm cảm mùa đông phổ biến hơn nhiều, trong khi ít người bị trầm cảm mùa hè. Vì vậy trầm cảm mùa hè giống như một trải nghiệm cô đơn, khó chia sẻ. Chính Ashly thừa nhận cô gần như không thể giải thích tình trạng của mình với những người xung quanh khi đa số đều yêu mùa hè nồng nhiệt.

Một trong những cách có thể giúp người bị trầm cảm trong mùa hè là các liệu pháp dễ thực hiện về nhận thức hành vi. Ý nghĩ tiêu cực sẽ bắt nguồn cho những cảm xúc tiêu cực. 

Vì vậy, các chuyên gia khuyên hãy tìm cách diễn đạt những cảm xúc của mình theo cách trung tính hoặc ít tiêu cực hơn. Chẳng hạn, thay vì nói: "Tôi ghét mùa hè", hãy nói: "Mùa hè không phải mùa yêu thích của tôi nhưng tôi vẫn tìm ra được những thứ hay ho mình thích".

Bạn có thể có nhật ký theo dõi cảm xúc để biết mình cảm thấy thế nào mỗi ngày hoặc nói chuyện với bạn bè, người bạn tin tưởng về những khó khăn gặp phải. Tìm những thú vui theo mùa như nhảy, chạy, bơi lội… cũng có thể hữu ích và nó khiến bạn cảm thấy cái mùa mình không thích cũng có những nét đáng yêu.

Với những người nhạy cảm với nắng nóng và ánh sáng, một số bệnh nhân của bác sĩ Rosenthal chọn tắm nước lạnh, bơi trong hồ hoặc ở biển để hạ hỏa. Họ cũng chọn ở nhà nhiều, bật điều hòa hoặc đeo kính râm. 

Ashly cũng làm tương tự: cô lắp quạt phun sương ở bàn làm việc, tắm nước lạnh và ngâm cổ tay vào đá. Với người bị nỗi buồn mùa đông, các nhà nghiên cứu đã có thể điều trị họa bằng liệu pháp trò chuyện. Rohan đang xem xét phát triển liệu pháp tương tự cho người u uất khi hè về.

 

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu