Vì sao chúng ta phải mất rất lâu mới nhận ra mình đang tổn thương

vi-sao-chung-ta-phai-mat-rat-lau-moi-nhan-ra-minh-dang-ton-thuong

Rất nhiều hành vi của con người tưởng như vô lý sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi ta chấp nhận một sự thật nền tảng về bản chất của giống loài mình

Rất nhiều hành vi của con người tưởng như vô lý sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi ta chấp nhận một sự thật nền tảng về bản chất của giống loài mình: sinh học của chúng ta ưu tiên sự sống còn hơn là sự tự nhận thức. Nói cách khác, ưu tiên lớn nhất của con người không phải là dừng lại, suy ngẫm và thấu hiểu, mà là tiếp tục sống, bằng mọi giá.

Hãy đặt một đứa trẻ vào hoàn cảnh bi đát — chẳng hạn sống trong một gia đình có cha mẹ bạo lực, nghiện ngập, lạm dụng hay trầm cảm — ta sẽ không thấy nó phản ứng như ta mong đợi: phân tích rõ ràng điều gì đã sai, hay than khóc cho số phận của mình. Không. Đứa trẻ ấy chỉ đơn giản — như nó buộc phải thế — tiếp tục tồn tại.

Henri Matisse, The Invalid, 1899

Để làm được điều đó, nó sẽ kích hoạt nhiều cơ chế sinh tồn bẩm sinh. Có thể, nó sẽ bắt đầu nghĩ tốt một cách kỳ lạ về cha mẹ mình, tự thuyết phục rằng những trận đòn roi, sự ích kỷ hay sỉ nhục kia là có lý. Nó sẽ dồn mọi lỗi lầm về phía bản thân, thay vì cho phép mình cảm thấy thương xót chính mình. Hãy nhớ rằng, lòng tự thương lấy mình là một điều cực kỳ nguy hiểm khi ta mới lên năm tuổi và không một ai sẵn sàng lắng nghe, ngay cả khi ta có gào thét. Hoặc, đứa trẻ ấy sẽ xua đuổi nỗi tuyệt vọng bằng hành động: nó sẽ học thật giỏi. Hoặc đập vỡ cửa kính. Hoặc lao vào ma túy, thể thao, chính trị — bất cứ thứ gì khiến nó không phải nghe tiếng vo ve hỗn loạn trong lòng. Đứa trẻ bất hạnh ấy không thể ngoái đầu nhìn lại, không thể cúi xuống nhìn nỗi đau của mình. Nó chỉ có thể hướng mắt về phía trước, nơi mục tiêu duy nhất hiện lên: sống sót.

Sự ưu tiên ấy có thể kéo dài suốt nhiều năm trời. Bởi vì cảm giác an toàn từ thế giới bên ngoài, với đa số chúng ta, chỉ thực sự xuất hiện khi ta đã có công việc ổn định, tích lũy được một chút tài sản, mua được căn nhà, tìm được bạn đời, có lẽ là vài đứa con. Khi đó, ta cũng đã bước vào tuổi bốn mươi, thậm chí năm mươi.

Thế nhưng, tài năng sinh tồn siêu việt ấy không thể che mờ một sự thật cơ bản: ta được sinh ra trong hỗn loạn. Bên trong ta có đủ nguyên liệu để tạo nên cơn điên. Ta bị bạo tàn làm cho lạc lối. Ta — một cách lặng lẽ, nơi những ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn — đã từng ở rất gần bờ vực của sự điên loạn, hệ quả không tránh khỏi của những tổn thương đến quá sớm, quá nhiều.

Và rồi, khi thế giới bên ngoài dần trở nên an toàn, thế giới bên trong ta mới bắt đầu xao động theo đúng những gì nó vốn có. Có khi, ta thấy mình lạ lẫm, bất ổn ở tuổi bốn mươi hơn cả khi hai mươi — dù rằng những vết thương lòng kia lại nằm gần với thời điểm đầu đời hơn rất nhiều.

Cuối cùng, nỗi sợ hãi và buồn thương bị dồn nén lâu ngày cũng sẽ tìm được đường thoát. Ta bắt đầu làm những điều kỳ lạ: viết những lá thư dài cho người lạ, gây tai nạn xe, bật khóc nơi công cộng. Hoặc ta tin chắc rằng chính phủ đang theo dõi mình. Di sản của những năm tháng bị đối xử tệ bạc bắt đầu hiện hình.

Với một chút may mắn, ta sẽ tìm đến được một phòng khám—hoặc căn phòng tư vấn của một nhà trị liệu dày dạn kinh nghiệm. Và ở đó, ta có cơ hội chạm vào nỗi buồn và mất mát đã ở cùng ta từ thuở đầu đời.

Có thể, lần đầu tiên trong đời, ta thấy mình đủ an toàn để gào lên một tiếng thật dài—và được đáp lại bằng tình yêu, sự thấu hiểu, thứ lẽ ra ta đã xứng đáng có được ngay từ ngày đầu tiên.

Nguồn: WHY IT CAN TAKE US SO LONG TO UNDERSTAND HOW UNWELL WE ARE | The School Of Life

menu
menu