Vì sao những niềm tin tiêu cực trong trầm cảm lại bám chặt đến vậy?

Hiểu được lý do những suy nghĩ tiêu cực cứ mãi dai dẳng, ngay cả khi có bằng chứng trái ngược, có thể mở ra hướng đi mới trong điều trị trầm cảm.
Từ lâu, khoa học đã khẳng định rằng trầm cảm gắn liền với những niềm tin tiêu cực về bản thân, con người xung quanh và thế giới. Một người mắc trầm cảm có thể tin rằng: Tôi là kẻ thất bại, hoặc Không ai đáng tin cả, hay Thế giới này thật bất công. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy bức tranh này phức tạp hơn nhiều – không chỉ nằm ở nội dung tiêu cực của niềm tin, mà còn ở việc người mắc trầm cảm gần như không thể từ bỏ những niềm tin đó.
Thông thường, ai cũng có lúc tự ti hoặc nghĩ tiêu cực về bản thân (Tôi thật kém cỏi), nhưng khi nhận được phản hồi tích cực – chẳng hạn như được khen vì đã làm tốt một việc khó – họ sẽ dần điều chỉnh suy nghĩ của mình. Thế nhưng, với những người trầm cảm, dù có trải nghiệm tích cực đến đâu, họ vẫn kiên trì giữ nguyên niềm tin tiêu cực.
Tôi từng gặp một bệnh nhân nam ngoài 30 tuổi vào những ngày đầu làm trợ lý nghiên cứu lâm sàng. Anh tin chắc rằng mình không được ai yêu quý. Để thử thách niềm tin này, bác sĩ trị liệu đã đề nghị anh trò chuyện với một người lạ – chính là tôi. Tôi không biết gì về tình trạng của anh hay mục tiêu của buổi trị liệu, nhưng thực lòng tôi đã rất thích cuộc trò chuyện ấy. Anh thân thiện, biết lắng nghe và đặt những câu hỏi rất thú vị.
Sau đó, tôi nói với anh rằng tôi thật sự đã có khoảng thời gian dễ chịu và muốn trò chuyện với anh nhiều hơn. Nhưng anh không tin. Anh nghĩ rằng tôi chỉ đang làm theo chỉ đạo của bác sĩ trị liệu để tỏ ra thân thiện. Theo anh, nếu ai đó tỏ ra quan tâm đến mình, chắc hẳn họ đang có động cơ ẩn giấu. Bằng cách đó, anh phủ nhận những phản hồi tích cực và tiếp tục tin rằng không ai thích mình cả.
Chính thất bại trong buổi trị liệu đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu liệu sự khước từ thông tin tích cực có phải là một đặc điểm chung của người mắc trầm cảm không. Tôi và các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp nghiên cứu về “cập nhật niềm tin” – tức là quan sát cách con người điều chỉnh suy nghĩ của mình khi có thông tin mới. Kết quả cho thấy những người mắc trầm cảm gặp khó khăn hơn trong việc thay đổi kỳ vọng tiêu cực về bản thân, ngay cả khi họ nhận được phản hồi tích cực từ bên ngoài.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, khi đối mặt với một tình huống mơ hồ (chẳng hạn như bị sếp gọi vào phòng làm việc), những người có triệu chứng trầm cảm thường nhanh chóng đưa ra kết luận tiêu cực (Chắc mình sắp bị sa thải rồi) và rất khó điều chỉnh suy nghĩ đó – ngay cả khi sau cùng, một cách lý giải tích cực hơn mới là đúng.
Photo by Ferdinando Scianna/Magnum
Không chỉ vậy, những người trầm cảm còn có xu hướng chủ động tìm kiếm những thông tin củng cố niềm tin tiêu cực của mình. Theo mô hình “não bộ Bayes” – một lý thuyết về cách não bộ xử lý thông tin – con người có xu hướng thu thập dữ kiện để xác nhận dự đoán của mình và tránh những sai lệch không mong muốn. Dựa trên mô hình này, chúng tôi đề xuất rằng người mắc trầm cảm thường tập trung vào những thông tin củng cố cái nhìn tiêu cực về bản thân, trong khi né tránh những tình huống có thể mang lại bất ngờ tích cực. Chẳng hạn, họ có thể từ chối lời mời đến một bữa tiệc, nơi họ có cơ hội gặp những người thân thiện hơn họ nghĩ. Và ngay cả khi tình cờ chạm mặt một trải nghiệm tích cực, họ cũng không mấy để tâm mà vẫn bám vào những niềm tin cũ.
Có nhiều cơ chế khác nhau giúp giải thích vì sao những niềm tin tiêu cực lại bám chặt trong trầm cảm. Một trong số đó là xu hướng diễn giải tiêu cực những thông tin tích cực nhận được. Người mắc trầm cảm có thể nghi ngờ độ tin cậy của lời khen (Chắc họ chỉ lịch sự thôi), hoặc coi những điều tốt đẹp là ngoại lệ hiếm hoi (Mình chỉ may mắn thoát khỏi thất bại lần này thôi).
Chúng tôi gọi xu hướng này là “miễn nhiễm nhận thức” – một cơ chế khiến con người gần như không thể thay đổi niềm tin của mình, bất kể có bao nhiêu trải nghiệm tích cực đi chăng nữa. Và chính điều đó khiến trầm cảm trở thành một vòng luẩn quẩn khó thoát.
Người mắc trầm cảm thường xuyên bị bao trùm bởi những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản – và có bằng chứng cho thấy những cảm xúc này khiến họ khó thay đổi niềm tin của mình. Khi tâm trạng rơi xuống đáy, họ ít có xu hướng tiếp nhận những thông tin tích cực để điều chỉnh lại những suy nghĩ bi quan. Và khi những niềm tin tiêu cực cứ bám chặt không buông, trạng thái cảm xúc cũng khó lòng cải thiện. Họ dễ dàng mắc kẹt trong một vòng lặp tự củng cố: niềm tin tiêu cực kéo theo cảm xúc tiêu cực, và chính những cảm xúc đó lại khiến niềm tin càng trở nên cứng nhắc, không thể lung lay.
Điều quan trọng là, những niềm tin ấy thường không phản ánh đúng thực tế. Nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có xu hướng đánh giá thấp năng lực tư duy của bản thân, trong khi những người khỏe mạnh về tâm lý lại thường tự đánh giá cao hơn thực tế. Tương tự, dù có thể họ trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực hơn người bình thường, nhưng khi được yêu cầu ghi lại trạng thái cảm xúc hằng ngày, họ nhận ra mình có nhiều khoảnh khắc vui vẻ hơn và ít buồn bã hơn so với những gì họ đã tiên đoán.
Như vậy, những niềm tin tiêu cực trong trầm cảm không những không phản ánh chính xác thực tế, mà còn chẳng mang lại lợi ích nào về mặt tinh thần. Trái lại, chúng chỉ khiến con người thêm đau khổ. Vậy tại sao nhiều người lại khó buông bỏ chúng đến vậy?
Dựa trên kinh nghiệm điều trị trầm cảm, tôi nhận thấy rằng nhiều người mắc bệnh này đang vô thức tìm cách bảo vệ bản thân khỏi những thất vọng trong tương lai. Họ đã từng có những trải nghiệm đau buồn – có thể là một lần thất bại nào đó – và cảm thấy rằng những suy nghĩ tiêu cực của mình đã được chứng minh là đúng. Những trải nghiệm hiếm hoi nhưng đầy tổn thương này có sức nặng rất lớn với họ, đến mức họ sợ rằng nếu để điều tương tự xảy ra lần nữa, họ sẽ không chịu đựng nổi.
Chính vì vậy, họ lựa chọn cách sống "cẩn tắc vô ưu" – giữ nguyên những niềm tin tiêu cực, bởi thay đổi chúng đồng nghĩa với việc mở lòng đón nhận hy vọng. Và nếu hy vọng ấy một lần nữa bị dập tắt, họ sẽ lại rơi vào hố sâu của thất vọng. Để tránh rủi ro đó, họ thà giữ vững một niềm tin tiêu cực còn hơn đối diện với sự bất định của những niềm tin mới.
Từ góc độ điều trị, nghiên cứu về sự thay đổi niềm tin cho thấy một mục tiêu quan trọng trong trị liệu là giúp người trầm cảm tiếp nhận và tích hợp những thông tin tích cực vào hệ thống niềm tin của mình. Để làm được điều này, cần đảm bảo rằng họ không đang ở trong trạng thái quá buồn bã hay kích động khi tiếp nhận những phản hồi tích cực, vì khi đó, khả năng cao họ sẽ bỏ qua hoặc bác bỏ những thông tin này.
Có nhiều cách để giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực ngay tức thì, chẳng hạn như xem một đoạn phim hài, nghe một bản nhạc yêu thích, hay hồi tưởng về một ký ức hạnh phúc. Nếu quay lại với câu chuyện của người bệnh tôi từng gặp, có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu người trị liệu tìm cách giúp anh ấy cảm thấy thoải mái trước khi đề nghị anh ấy trò chuyện với tôi – hoặc trước khi thực hiện các bài tập giúp thay đổi niềm tin tiêu cực.
Ngoài ra, các nhà trị liệu cũng nên nhấn mạnh giá trị của những phản hồi tích cực, giúp bệnh nhân hiểu rằng những phản hồi này là chân thật và đáng tin cậy. Ví dụ, trong câu chuyện trên, người trị liệu có thể giải thích với bệnh nhân rằng tôi không hề được dặn dò phải tỏ ra thân thiện, vì mục tiêu của trị liệu là mang đến những trải nghiệm chân thực, giống với những gì họ sẽ gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Quan trọng hơn cả, người trầm cảm cần nhận thức được rằng họ thường vô thức đánh giá quá cao giá trị của những niềm tin tiêu cực – và chính điều này khiến họ khó lòng thay đổi chúng. Việc giữ lấy những suy nghĩ tiêu cực có thể mang lại cảm giác an toàn tạm thời, nhưng về lâu dài, nó chỉ kéo dài sự đau khổ. Cũng cần nhớ rằng, nghiên cứu đã chỉ ra rằng người trầm cảm có xu hướng đánh giá thấp khả năng thực sự của bản thân, điều đó có nghĩa là, rủi ro thất vọng mà họ lo sợ có thể không lớn như họ nghĩ.
Chính những niềm tin tiêu cực này cũng góp phần đẩy người trầm cảm xa rời xã hội. Họ dần thu mình, tránh né các hoạt động từng mang lại niềm vui, và điều đó khiến họ mất đi cơ hội để có những trải nghiệm có thể giúp họ thay đổi góc nhìn. Vì thế, điều quan trọng là phải khuyến khích họ chủ động tham gia vào các hoạt động tích cực, ngay cả khi họ không mong đợi sẽ cảm thấy vui vẻ ngay lập tức.
Một phát hiện quan trọng từ nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm thường phóng đại mức độ khó khăn của một hoạt động vui vẻ (chẳng hạn như đi dạo) và đánh giá thấp mức độ hưởng thụ mà họ có thể nhận được từ hoạt động đó. Vì thế, một bài học quan trọng dành cho họ là: tâm trạng hiện tại không phải lúc nào cũng là một cố vấn đáng tin cậy. Thay vì nghe theo cảm giác chán nản để rồi tiếp tục tránh né, họ nên thử tham gia những hoạt động có tiềm năng mang lại niềm vui – ngay cả khi ban đầu họ không cảm thấy hứng thú.
Ở người trầm cảm, những niềm tin về bản thân, về người khác và về thế giới thường tách rời khỏi thực tế theo một cách có hại – và vấn đề này càng trở nên trầm trọng bởi cảm xúc tiêu cực, sự cô lập xã hội và lối sống thụ động. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta dành nhiều sự quan tâm hơn đến những khó khăn ít được nhắc tới trong việc cập nhật niềm tin tích cực, đồng thời tìm ra những phương pháp hữu hiệu để thúc đẩy quá trình này, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra, giúp họ thoát khỏi vòng xoáy của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Nguồn: What’s going on in depression to make negative beliefs so sticky? | Psyche.co