Vì sao ta cần học cách giãi bày mong muốn của chính mình

vi-sao-ta-can-hoc-cach-giai-bay-mong-muon-cua-chinh-minh

Một trong những điều tuyệt vời nhất khi ta còn là một đứa trẻ sơ sinh, đó là: người khác có thể thấu hiểu ta mà ta chẳng cần nói lấy một lời.

Một trong những điều tuyệt vời nhất khi ta còn là một đứa trẻ sơ sinh, đó là: người khác có thể thấu hiểu ta mà ta chẳng cần nói lấy một lời. Không cần diễn đạt, không cần giải thích, những người xung quanh vẫn đoán được ta đang cần gì — và thường thì họ đoán đúng. Họ biết ta đang đói sữa, biết ánh nắng đang chói vào mắt ta, biết rằng ta sắp ngủ gật đến nơi, hay đơn giản là muốn được lắc bộ chìa khóa thêm một lần nữa.

Trải nghiệm ấy, tuy hết sức quan trọng và dễ chịu trong những năm tháng đầu đời, lại có thể gieo vào lòng ta một kỳ vọng sai lầm và nguy hiểm cho phần đời còn lại. Nó nuôi dưỡng trong ta một niềm tin rằng — đặc biệt là với những ai nói yêu thương ta — thì hẳn nhiên họ phải biết những điều sâu kín nhất trong lòng ta, mà ta chẳng cần nói ra. Ta có thể giữ im lặng, vì họ sẽ tự đọc được tâm trí ta.

Chính vì vậy, ta rất dễ rơi vào cái bẫy phổ biến: cho rằng người khác phải biết ta muốn gì, cần gì, nghĩ gì, dù ta chưa từng nói rõ ràng lấy một lần. Ta cho rằng người yêu phải biết ta đang buồn vì điều gì, bạn bè phải hiểu điều gì khiến ta tổn thương, đồng nghiệp phải tự cảm nhận được ta muốn bài thuyết trình được chuẩn bị theo cách nào.

Photo by Charles Deluvio on Unsplash

Và khi họ không hiểu, ta thường vội vàng kết luận rằng họ đang cố tình lờ đi, đang vô tâm, hoặc đơn giản là ngốc nghếch — để rồi, ta tự cho mình cái quyền giận dỗi. Giận dỗi, với tất cả sự lạ lùng của nó, chính là cách ta trừng phạt người khác vì những lỗi lầm… mà ta không hề chịu nói rõ với họ.

Nhưng tất cả những điều ấy bắt nguồn từ một điều quan trọng mà, ở đâu đó trên hành trình trưởng thành, ta đã lãng quên: vai trò của việc dạy. Dạy — không chỉ là một nghề dành cho những người truyền đạt kiến thức về toán lý hóa cho lứa tuổi dưới mười tám. Dạy, còn là một kỹ năng sống thiết yếu mà mỗi người cần thực hành mỗi ngày. Môn học quan trọng nhất mà ta cần kiên nhẫn và tỉ mỉ “giảng dạy” cho người khác — chính là bản thân ta: ta thích gì, sợ gì, hy vọng điều gì, mong chờ điều gì từ thế giới này, và ta muốn mọi việc diễn ra theo cách như thế nào…

Trẻ con, dù có thông minh hay dễ thương đến đâu, cũng chỉ quan tâm đến vài điều căn bản. Còn người lớn, thì có đến hàng ngàn ý kiến rõ ràng về mọi thứ — từ cách điều hành một quốc gia cho đến cách… đóng cửa tủ lạnh sao cho đúng. Vì thế, thay vì giận hờn và trách móc, lẽ ra ta nên dành thời gian để “thuyết trình” đôi điều về thế giới nội tâm của mình.

Và nếu ta đã từng thất bại trong việc ấy, cũng chẳng phải vì ta lười biếng hay không quan tâm. Đơn giản là, thật khó tin khi ta phải đi giải thích từng chút một với những người vốn được xem là thân thiết. Có thể, tận sâu trong lòng, ta vẫn mang theo một nỗi hoài niệm lặng thầm với thời thơ bé — khi không cần nói, vẫn được thấu hiểu. Và vì thế, ta đã không kịp nhận ra: người lớn không còn đọc được ý nghĩ của nhau như ngày ta nằm trong nôi. Nếu muốn được hiểu, giờ đây ta phải học cách cất lời.

Nguồn: WHY WE MUST EXPLAIN OUR OWN NEEDS | The School Of Life

menu
menu