Xây dựng thói quen và mục tiêu có ý nghĩa quan trọng hơn động lực
Động lực không phải là tất cả
Động lực không phải là tất cả
Chúng ta đều nghĩ rằng động lực là thứ thúc đẩy hành động. Nhưng trong nhiều trường hợp thì chính hành động mới tạo ra động lực. Bạn đã bao giờ cảm thấy không muốn đến phòng tập gym, nhưng sau khi mang giày vào và bước ra khỏi cửa thì lại hừng hực động lực chưa? Đó là một ví dụ về động lực đến sau hành động.
Động lực không nên là thứ duy nhất thúc đẩy hành động của bạn vì nó chỉ là cảm xúc nhất thời. Cũng giống như việc không thể buồn hoặc tức giận mọi lúc, bạn không thể luôn cảm thấy có động lực.
Động lực sẽ không giúp bạn thoát khỏi sự trì hoãn. Đôi khi, bạn biết chính xác những gì mình cần làm nhưng lại không biết làm thế nào hoặc tại sao mình muốn thực hiện điều đó. Bạn cần liên kết với ý định hoặc lý do đằng sau các mục tiêu của mình trước khi tìm cách thực hiện. Không phải làm cái gì mà lý do làm mới đưa ta đến thành công.
Chúng ta cũng cần một thứ yêu cầu rất ít ý chí hoặc động lực: thói quen.
Sức mạnh của thói quen và mục đích
Thói quen là trung tâm của mọi thứ chúng ta làm. Chúng ta dành hầu hết thời gian thực hiện các thói quen, ngay cả khi không để ý. Bạn làm gì khi thức dậy? Có phải là rời khỏi giường, làm vệ sinh, ăn sáng, lái xe đi làm? Vì chúng đã được khắc sâu trong não nên bạn không suy nghĩ hoặc phản kháng khi thực hiện các công việc hằng ngày này.
Trước khi tạo ra một thói quen lâu dài, bạn phải kết nối với mục tiêu đằng sau nó. Thói quen gắn liền với một mục tiêu rõ ràng và cao cả sẽ trao cho bạn sức mạnh để thực hiện điều mình muốn.
Mục tiêu có thể là con dao hai lưỡi
Việc đặt ra mục tiêu là rất cần thiết nhưng một mục tiêu không hợp lý có thể làm giảm năng lượng của bạn. Ví dụ, khi có ý định giảm cân, mục tiêu sau cùng của bạn là không muốn nhìn thấy một người nặng nề trong gương. Mục tiêu này thực tế rất tệ vì nó có 2 vấn đề không ổn.
- Vấn đề đầu tiên là nó không được kết nối với một mục đích cao hơn. Nó chỉ xoay quanh vấn đề ngoại hình mà không phải là sức khỏe hoặc truyền động lực cho người khác giảm cân lành mạnh.
- Thứ hai, nó được đóng khung theo cách tiêu cực để củng cố niềm tin bạn đang sở hữu vẻ ngoài không thon gọn, bắt mắt.
Một mục đích tiêu cực như vậy làm mất đi sự tự tin và ý chí của bạn. Đồng thời, bạn nhiều khả năng không thực hiện được vì nghĩ rằng đằng nào mình cũng có thể tăng cân lại trong tương lai.
Làm thế nào để thiết lập một mục tiêu mạnh mẽ?
Hãy thử đặt mục tiêu như sau: tôi muốn lấy lại vóc dáng để có một cuộc sống khỏe mạnh và truyền cảm hứng cho những người khác. Mục tiêu này được kết nối với một ý định cao cả hơn là truyền cảm hứng cho người khác, không chỉ xoay quanh mỗi bạn.
Với mục tiêu mới như vậy, rõ ràng việc nằm dài trên sofa ăn pizza khiến không chỉ bạn mà cả những người xung quanh đều bị ảnh hưởng. Nó mang lại cho bạn nguồn năng lượng cần thiết để theo đuổi mục tiêu và xây dựng những thói quen phù hợp trong cuộc sống, ngay cả khi không có sự xuất hiện của động lực.
Nếu muốn tạo ra một mục tiêu mạnh mẽ, hãy thử kết nối nó với điều gì đó lớn hơn bản thân bạn. Điều này có thể là đủ sức để chăm sóc gia đình, giúp đỡ cộng đồng, cứu Trái Đất hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn. Có thể có nhiều mục tiêu đằng sau một thói quen. Hãy cố gắng tìm ra mục tiêu mà bạn thấy có liên kết mạnh nhất và tập trung vào đó.
Làm thế nào để xây dựng một thói quen?
Trước tiên, bạn cần phải hiểu thói quen là gì. Mỗi thói quen bao gồm ba phần: tín hiệu, quy trình và phần thưởng.
Những tín hiệu là yếu tố kích thích các thói quen bắt đầu. Ví dụ, tiếng chuông báo thức là dấu hiệu kích hoạt các thói quen buổi sáng. Bạn không cần động lực để duy trì thói quen hay đưa ra bất kỳ quyết định nào. Khi đó, bạn không còn lãng phí năng lượng để đấu tranh nội tâm liệu mình có nên làm gì đó hay không. Thay vì đưa ra quyết định, bạn chỉ làm theo quy trình.
Ở giai đoạn đầu để hình thành thói quen, bạn sẽ gặp nhiều sự cản trở. Bạn có nhớ định luật 1 của Newton, hay còn gọi là định luật quán tính không? “Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng bởi một tổng hợp lực bằng không thì một vật đang đứng yên sẽ mãi đứng yên”. Luật này cũng áp dụng cho thói quen. Nếu bạn không tạo ra tác động đủ mạnh thì không hình thành được thói quen.
- Khởi đầu nhỏ
Bí quyết để tạo nên thói quen mới là bắt đầu từ những việc nhỏ. Ví dụ, nếu muốn bắt đầu tập luyện, hãy đặt ra mục tiêu đến phòng gym và chỉ tập trong 5 phút, sau đó rời đi. Bạn không lên kế hoạch tập luyện mà chỉ cần xuất hiện là được. Đừng lo lắng về lợi ích của việc tập luyện mà hãy tập trung xây dựng thói quen. Khi thói quen đã hình thành thì những thứ còn lại sẽ tự động diễn ra như ý muốn.
- Tầm quan trọng của quy trình
Giai đoạn thứ hai của việc xây dựng thói quen là quy trình. Lấy ví dụ việc tập gym thì đây là lúc bạn đi đến phòng tập và chạy bộ hoặc nâng tạ. Một khi những tín hiệu và thói quen được củng cố, bạn sẽ bất ngờ khi nhận thấy mình đã chạy bộ nhiều thế nào.
- Phần thưởng củng cố thói quen
Giai đoạn cuối cùng là khen thưởng. Trong trường hợp tập thể dục, phần thưởng của bạn là cảm thấy tràn đầy sinh lực và gia tăng khả năng tập trung. Hoạt động của não tăng đột biến trong giai đoạn khen thưởng, đồng thời mối liên hệ giữa tín hiệu và phần thưởng được củng cố. Đây là điều làm cho các thói quen rất khó bị phá vỡ. Mỗi khi chúng ta hoàn thành một thói quen, phần thưởng sẽ được củng cố trong não bộ.
Nguồn tham khảo: tinybuddha
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.