Ý đồ ẩn giấu

y-do-an-giau

Tại sao một lý do ẩn giấu không hẳn là lý do thật sự để hành động

Chúng ta thường có xu hướng quy giản động cơ của người khác về những gì ta cho là “ý đồ ẩn giấu”: hễ nghi ngờ ai đó có một mục đích không mấy tốt đẹp, ta liền cho rằng họ chẳng có động cơ nào trong sáng cả; và rằng mọi lý do chính đáng họ đưa ra chỉ là cái cớ che đậy. Quan điểm ấy từng được diễn đạt dí dỏm bởi bà Walter B. Helm tại một buổi tiệc tối năm 1905: “Có người từng nói: ‘Mỗi việc người ta làm đều có hai lý do, một lý do nghe thì hay, và một lý do thật sự.’”

Tất nhiên, sẽ là ngây thơ nếu ta tin rằng con người chẳng bao giờ có những toan tính ngầm. Nhưng việc vội vàng gạt bỏ mọi động cơ tốt đẹp chỉ vì phát hiện ra có một ý đồ khác đi kèm lại là một sai lầm, và đó là điều tôi muốn bàn tới ở đây.

Hãy lấy Fanny làm ví dụ, cô đang chăm sóc người chú giàu có của mình. Nếu ta nghi ngờ cô ấy đang nhắm tới khoản thừa kế, ta có xu hướng tin luôn rằng đó là tất cả những gì cô ấy quan tâm. Có thể ta sai, biết đâu Fanny thật sự là một người nhân hậu, chẳng màng gì đến tài sản của ông chú, nhưng giả sử rằng cô ấy muốn phần thừa kế, thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc đó là điều duy nhất cô ấy mong cầu.

Source: Deden Dicky Ram/Pexels

Những trường hợp kiểu này không hiếm. Nếu ta nghĩ Gerda khen ngợi Tom chỉ vì muốn lên giường với anh ta, ta dễ cho rằng ham muốn ấy là động cơ duy nhất cô ấy có. Hay khi Jack tặng thiệp sinh nhật cho sếp, và ta tin rằng anh ấy đang nhắm đến một suất thăng chức, ta cũng sẽ dễ mặc định rằng đó là lý do duy nhất thúc đẩy hành động ấy.

Nhưng con người phần lớn không đơn giản như những nhân vật phản diện rẻ tiền trong tiểu thuyết. Chúng ta thường có nhiều hơn một lý do để làm một việc gì đó. Fanny có thể vừa thật lòng quan tâm đến chú mình, vừa thấy khoản thừa kế là một phần thưởng đáng mơ ước. Có thể cô ấy vẫn sẽ chăm lo cho ông dù không có đồng nào, nhưng việc được thừa kế là một điều may mắn thêm vào.

Tương tự với Jack. Anh ấy có thể ý thức rằng đối xử tốt với sếp sẽ cải thiện cơ hội được đề bạt, và ý thức đó phần nào có ảnh hưởng đến hành động của anh. Nhưng tại sao ta phải nghĩ đó là tất cả lý do? Biết đâu Jack còn đồng cảm với những khó khăn mà sếp anh phải đối mặt, ví dụ như việc làm người hòa giải trong những cuộc xung đột giữa nhân viên, có khi chính Jack cũng từng là một phần trong đó, và anh muốn làm điều gì đó để thể hiện sự ghi nhận của mình.

Cũng cần nói thêm: ta rất dễ chấp nhận việc một người có nhiều lý do khác nhau nếu tất cả đều là những lý do chính đáng. Khi ai đó có vẻ mang trong mình nhiều động cơ tích cực, ta không cảm thấy cần phải xác định đâu là “lý do thật sự”.

Chẳng hạn, nếu Peter nhặt được ví rơi trên đường và đem trả lại, và ta biết rằng anh vừa là người sống có trách nhiệm, vừa giàu lòng trắc ẩn, anh trả lại ví vừa vì thấy đó là điều đúng đắn, vừa vì cảm thông với người đánh rơi.

Ta chẳng có gì phải nghi ngờ cả hai động cơ ấy cùng tồn tại. Mỗi cái đều có thể là đủ để hành động: Peter có thể đủ nhân ái để trả lại ví dù không hề cảm thấy đó là nghĩa vụ, hoặc có thể có tinh thần trách nhiệm đến mức vẫn trả lại dù chẳng cảm thấy xót xa cho chủ nhân của chiếc ví. Nếu Peter vừa sống có trách nhiệm, vừa có lòng trắc ẩn, ta không thấy cần phải chọn ra một cái duy nhất để gọi là lý do “thật”.

Câu chuyện cũng tương tự khi nói về hai động cơ xấu. Trong trường hợp ấy, ta cũng chẳng loại bỏ động cơ nào chỉ vì có cái kia hiện diện.

Giả sử Fred ăn cắp chiếc laptop của Jack. Anh ta có hai lý do: muốn có chiếc laptop đó cho riêng mình, và muốn gây rối cho Jack (ví dụ Jack là kiến trúc sư, và toàn bộ bản vẽ công trình hiện chỉ lưu trong máy tính đó). Trong tình huống này, ta hoàn toàn chấp nhận rằng Fred có hai động cơ, một là ích kỷ, một là hiểm độc, và không cần phải phân định xem đâu là “lý do thật sự”. Fred vừa muốn có laptop, vừa muốn Jack gặp rắc rối.

Nhưng khi một người vừa có lý do chính đáng, vừa mang theo một ý đồ ngầm, thì mọi chuyện dường như lại khác, ít nhất là theo suy nghĩ thông thường của chúng ta. Ta có xu hướng loại bỏ hoàn toàn lý do tốt đẹp kia, như thể trong ta tồn tại một dạng “bài kiểm tra thanh khiết” cho mọi động cơ, và chỉ cần có sự hiện diện của một lý do ẩn giấu, tất cả điều tốt liền bị coi là ô uế, không còn đáng giá gì nữa.

Có lẽ đằng sau đó là một kiểu tư duy về “thực tại ẩn giấu”, giống như trong bộ phim The Matrix, một khi ta phát hiện có một lớp thực tại nằm bên dưới bề mặt, ta mặc nhiên xem đó mới là sự thật. Những gì không bị che giấu thì lại bị coi là giả dối. Và vì động cơ thầm kín thường không được tiết lộ công khai, hoặc ít nhất cũng không được nói ra, nên nó dễ được nhìn nhận như là động cơ “thật sự”.

Nhưng chúng ta lẽ ra phải hiểu điều này từ chính bản thân mình: động cơ vị tha và động cơ ích kỷ thường song hành trong cùng một hành động. Bạn có thể gửi tiền từ thiện vì bạn quan tâm đến những đứa trẻ đang đói, nhưng cũng có thể vì bạn muốn làm vơi bớt cảm giác tội lỗi khi mình sinh ra ở một đất nước giàu có thay vì ở nơi nghèo khổ. Bạn có thể nhảy xuống cứu một đứa trẻ đang đuối nước vì bạn thật sự lo cho nó, nhưng đồng thời cũng vì bạn muốn trở thành người hùng. (Bạn có thể muốn chính mình là người cứu thay vì để người khác làm điều đó, dù đứa bé được cứu trong cả hai trường hợp, chỉ khi bạn là người cứu thì bạn mới là anh hùng.)

Có lẽ, sâu thẳm trong ta, ta cũng đã công nhận rằng động cơ có thể là sự pha trộn. Không ai ngạc nhiên nếu biết một nhà nghiên cứu ung thư làm việc cật lực không chỉ vì lo cho bệnh nhân mà còn vì khao khát danh tiếng. Tương tự, một nhà báo điều tra có thể hết lòng đưa một vụ tham nhũng ra ánh sáng, nhưng đồng thời cũng hy vọng bài viết sắc bén của mình sẽ giúp gây chú ý và... có thể là kiếm được một buổi hẹn hò. Trong những trường hợp như vậy, ta không cho rằng một động cơ ích kỷ sẽ làm hoen ố tất cả. Có thể là bởi trong những tình huống này, ta không quá bận tâm đến động cơ. Ta cần một phương thuốc chữa ung thư, bất kể lý do gì khiến nhà khoa học nghiên cứu. Ta muốn tham nhũng bị vạch trần, bất kể nhà báo kia có vì đời sống tình cảm mà hăng hái hay không.

Nhưng có thể, những hành động tử tế và rộng lượng lại khác. Với chúng, ta không chỉ quan tâm đến việc làm, mà còn quan tâm đến động cơ: ta muốn hành động xuất phát từ lòng tốt thuần túy, từ một trái tim không vướng bụi trần.

Vấn đề là: nếu trái tim ấy không hoàn toàn tinh khiết thì sao? Liệu ta có nên cho rằng, như vậy, hành động đó chỉ là vì ích kỷ?

Tôi muốn nói rằng: không nên. Việc nhà báo hay nhà nghiên cứu có những động cơ pha trộn, một phần ích kỷ, một phần vì lợi ích cộng đồng, cho thấy rằng động cơ thầm kín và động cơ tốt đẹp hoàn toàn có thể cùng tồn tại. Đúng là con người thường có đến hai lý do cho cùng một hành động, một là lý do chính đáng, một là lý do riêng tư, ẩn giấu. Nhưng điều không đúng là: chỉ cần có ý đồ ngầm, thì mọi điều tốt sẽ tan biến, và hành động kia chẳng còn chút giá trị đạo đức nào nữa.

Lý do ẩn giấu không nhất thiết là lý do thật sự. 

Nguồn: Ulterior Motives | Psychology Today

menu
menu