Yêu vội sau chia tay – Khi tình yêu trở thành cứu cánh

Bao lâu là đủ để bắt đầu một mối quan hệ mới sau chia tay?
Bao lâu là đủ để bắt đầu một mối quan hệ mới sau chia tay? Có rất nhiều quy tắc "bất thành văn" về khoảng thời gian nên chờ đợi. Một số người tin rằng bạn cần dành ra ít nhất một nửa thời gian của mối quan hệ trước đó để hồi phục. Số khác lại cho rằng cứ mỗi năm yêu nhau thì nên chờ một tháng trước khi hẹn hò trở lại. Nhưng nếu bỏ qua những con số khô khan ấy, có lẽ mức độ sâu đậm của mối quan hệ cũ mới là yếu tố quyết định. Càng gắn bó, càng cần nhiều thời gian để nguôi ngoai. Hoặc cũng có thể, bạn chỉ nên bắt đầu khi thực sự “cảm thấy” sẵn sàng.
Nhưng nếu ai đó nói rằng họ sẵn sàng chỉ sau một tuần chia tay thì sao? Liệu đó có phải là sự thật hay họ chỉ đang tự lừa dối chính mình? Hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng một tuần là quá ngắn để quay lại hẹn hò. Bởi khi bước vào một mối quan hệ mới quá nhanh, điều đó bị xem như một cuộc tình “hồi phục” – một kiểu yêu vội để lấp đầy khoảng trống.
Photo by Tim Mossholder/Unsplash
Trong mắt nhiều người, việc yêu ngay sau chia tay thường gắn với sự bồng bột, thiếu chín chắn. Quan điểm phổ biến là ai cũng cần thời gian để chữa lành vết thương lòng, để hiểu rõ bản thân khi không còn là “một nửa” của ai đó, trước khi bắt đầu một hành trình tình cảm mới. Nếu không, họ có nguy cơ rơi vào một mối quan hệ phức tạp, thậm chí độc hại.
Nhiều người còn cho rằng yêu vội xuất phát từ những động cơ không lành mạnh: một số muốn tìm cách quên đi nỗi đau chia tay, một số khác lại đơn giản chỉ muốn chọc tức người yêu cũ. Trong một nghiên cứu (sắp được công bố), tôi đã hỏi mọi người về suy nghĩ của họ đối với những cuộc tình hồi phục. Không ngoài dự đoán, phần lớn đều có cái nhìn tiêu cực. Họ cho rằng những mối quan hệ này chỉ là cách để lấp đầy khoảng trống hoặc là phương tiện trả đũa. Chúng thường nông cạn, ngắn ngủi (chỉ kéo dài khoảng bốn tháng), và những người bước vào đó bị xem là cô đơn, thiếu tự tin và tuyệt vọng.
Tuy nhiên, những đánh giá ấy có phần phiến diện – ngoại trừ việc nhiều người thực sự tìm đến yêu vội vì nhu cầu thể xác hoặc vì muốn trả thù.
Dù bị mang tiếng xấu, những cuộc tình hồi phục lại diễn ra khá thường xuyên. Theo nghiên cứu của tôi, khoảng thời gian độc thân giữa các mối quan hệ thường khá ngắn – thường chưa đầy một năm. Khi được hỏi trực tiếp, có tới 30% số người thừa nhận mình từng có một cuộc tình hồi phục.
Điều thú vị là con người có xu hướng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề này. Khi nói về chính mình, họ tin rằng việc yêu lại sau khoảng nửa năm là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi đánh giá người khác, họ lại nghiêm khắc hơn, cho rằng bất kỳ ai hẹn hò trở lại sau chưa đầy ba tháng đều chỉ đang “yêu vội.”
Để hiểu đúng về những mối quan hệ này, cần đặt chúng vào bối cảnh: chúng diễn ra sau một cuộc chia tay. Mà ai cũng biết, chia tay là một trải nghiệm đau đớn, đặc biệt nếu mối quan hệ trước đó kéo dài. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn có thể gây ra những hệ lụy về tài chính, pháp lý, thậm chí làm thay đổi cả mạng lưới bạn bè, gia đình của một người. Khi một mối quan hệ kết thúc, người ta dễ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, và khao khát có ai đó bên cạnh là điều dễ hiểu.
Và nếu đó là một mối quan hệ lành mạnh, thì yêu vội thực ra không hẳn là xấu. Một tình yêu mới có thể mang đến sự đồng hành, sẻ chia, những cảm xúc mãnh liệt và háo hức của một khởi đầu mới.
So với người độc thân, những người đang trong một mối quan hệ có xu hướng ít bị trầm cảm và lo âu hơn. Thậm chí, sức khỏe thể chất của họ cũng tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy người đã kết hôn có nguy cơ béo phì và mắc bệnh mãn tính thấp hơn so với người độc thân, và họ cũng có tuổi thọ cao hơn. Điều này cũng đúng ngay cả với sinh viên đại học: những ai đang yêu thường có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Nói cách khác, dù bị gán mác “không nghiêm túc” hay “chỉ là giải pháp tạm thời,” yêu vội đôi khi lại là một cách giúp ta vượt qua nỗi buồn, tìm lại niềm vui và tiếp tục bước về phía trước. Và nếu một mối quan hệ mới có thể mang đến hạnh phúc, thì tại sao không?
Nếu một mối quan hệ tình cảm nói chung có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất, thì cũng có lý do để tin rằng những cuộc tình "yêu vội" không hẳn là điều tệ hại. Và liệu có gì đáng trách khi ai đó muốn vượt qua một mối quan hệ đã kết thúc?
Khi tôi phân loại “yêu vội” chỉ dựa trên khoảng thời gian từ lúc chia tay đến khi bắt đầu một mối quan hệ mới, tôi nhận thấy rằng những người nhanh chóng bước tiếp thường có chỉ số hạnh phúc cao hơn, sự tự tin tăng lên, và cảm thấy bản thân hấp dẫn hơn. Những lợi ích này có vẻ mang tính cá nhân, nhưng nếu một người cảm thấy vui vẻ, thì chính mối quan hệ mới của họ cũng có cơ hội phát triển tốt đẹp. Thực tế, những người yêu vội có xu hướng gắn kết hơn với người mới, cho thấy rằng mối quan hệ này thực sự đang vận hành ổn thỏa. Họ cũng ít vương vấn người cũ hơn – nhưng trớ trêu thay, lại có xu hướng chạm mặt người cũ nhiều hơn. Có vẻ như họ đang tận dụng khoảng thời gian giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, vừa khám phá một tình yêu mới, vừa đối mặt với bóng hình cũ. Hoặc cũng có thể, họ đơn giản chỉ muốn cho người cũ thấy rằng mình đã bước tiếp – bởi những người yêu vội cũng thể hiện nhu cầu “trả đũa” cao hơn.
Những lợi ích này chủ yếu là ngắn hạn. Tôi vẫn đang tìm hiểu xem về lâu dài, những mối quan hệ này sẽ đi đến đâu, nhưng tôi tin rằng xu hướng sẽ không quá khác biệt. Cách một người yêu vội có thể phụ thuộc vào cá tính và trải nghiệm của họ. Những người trẻ tuổi và hướng ngoại thường dễ tìm được tình yêu mới sau chia tay. Đàn ông có xu hướng yêu nhanh hơn phụ nữ. Những ai thường xuyên lo lắng về chuyện tình cảm cũng dễ rung động và không ở trạng thái độc thân quá lâu. Người chủ động chia tay cũng có một vị trí đặc biệt trong câu chuyện này – những ai bị bỏ rơi thường tổn thương hơn và có xu hướng tìm đến yêu vội để nguôi ngoai. Ngoài ra, mức độ gắn bó trong mối quan hệ cũ cũng đóng vai trò quan trọng: những ai từng yêu sâu đậm thường mất nhiều thời gian hơn để bước tiếp.
Sau cùng, hiệu ứng "yêu vội" có thể chỉ là một định kiến tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta. Những người bước vào một mối quan hệ mới ngay sau chia tay không nhất thiết là nông nổi hay bất ổn về mặt cảm xúc, như cách nhiều người vẫn nghĩ. Có thể, đối với họ, lợi ích của việc yêu trở lại – cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn – đều đáng giá hơn những tổn thương mà họ phải gánh chịu.
Nguồn: Dating on the rebound – when looking for love can be a lifesaver | Aeon.co