Không, bạn không thể làm một người thay đổi

khong-ban-khong-the-lam-mot-nguoi-thay-doi

Yêu họ khiến ta tổn thương. Nhưng mất họ cũng làm ta đau không kém. Vì thế, chúng ta quyết định rằng cách duy nhất để cứu vãn đống cảm xúc chết tiệt này là thay đổi họ.

Chúng ta đều biết một người như vậy —một người trong cuộc sống của ta mà ta thấy bản thân lúc nào cũng nói, “Ước gì họ…” tháng này qua tháng khác, năm nọ qua năm kia—chúng ta yêu họ, ta quan tâm đến họ, chúng ta lo lắng cho họ, nhưng khi ta tắt đèn hoặc cúp điện thoại, ta lại cho rằng, “Ước chi họ…”

Có thể họ là một thành viên trong gia đình. Cơ chừng họ đang bị trầm cảm. Trái tim tan nát vì thất tình. Thoái chí. Có lẽ họ không tin tưởng nơi bản thân. Và cứ mỗi lần bạn gặp họ, bạn cố gắng lấp đầy họ bằng tình yêu và sự tự tin, bạn khen cái áo hình Người nhện mà họ mới mua và khen kiểu tóc mới của họ ngầu lòi làm sao. Bạn ngẫu hứng động viên họ và cho một vài lời khuyên mà họ không yêu cầu, giới thiệu một, hai cuốn sách và tự nhủ thầm:

“Giá mà họ tin vào bản thân …”

Hay có thể họ là một người bạn. Có thể bạn thấy họ quá quẫn bách. Nốc rượu quá nhiều. Lừa dối người yêu. Nướng sạch số tiền của họ cho cái sở thích xe đua quái đản nhưng đầy ám ảnh của họ. Bạn kéo họ ra một bên và có mấy lời động viên họ mà bạn bè nên làm. Có thể bạn đề nghị xem xét bảng sao kê ngân hàng của họ và thậm chí có thể cho họ vay tiền một hay hai lần. Trong khi đó, bạn cứ nghĩ mãi trong đầu:

“Giá mà họ biết nghĩ…”

Hoặc có lẽ trường hợp xấu nhất. Biết đâu đó lại là chồng/vợ/bạn trai/bạn gái của bạn. Hay tệ hơn, đấy là chồng cũ/vợ cũ/bạn trai/gái cũ của bạn. Biết đâu mọi chuyện đã qua lâu rồi nhưng bạn vẫn cứ ôm hy vọng rằng họ sẽ thay đổi. Rằng có một vài thông tin đặc biệt mà họ chưa đọc sẽ làm mọi chuyện thay đổi. Có lẽ bạn vẫn tiếp tục mua cho họ những cuốn sách mà họ chả bao giờ động đến. Có lẽ bạn lôi họ đi gặp một nhà trị liệu tâm lý mà họ không muốn đi. Có lẽ bạn cố gắng để lại những thư thoại đẫm nước mắt vào lúc hai giờ sáng, gào thét rằng “TẠI SAO EM VẪN LÀ CHƯA ĐỦ VỚI ANH?!!?”

Vâng, cứ như thể điều đó từng có tác dụng…

Mọi người đều vướng phải kiểu người đó trong cuộc đời. Yêu họ khiến ta tổn thương. Nhưng mất họ cũng làm ta đau không kém. Vì thế, chúng ta quyết định rằng cách duy nhất để cứu vãn đống cảm xúc chết tiệt này là thay đổi họ.

“Ước chi họ…”

Trong tour diễn thuyết của tôi vào mùa xuân này, tôi đã tổ chức các buổi hỏi đáp ngắn vào cuối mỗi buổi nói chuyện. Lúc nào cũng thế, ở mỗi thành phố, ít nhất sẽ có một người sẽ đứng lên, giải thích dông dài về tình trạng rối rắm của họ và kết thúc bằng câu hỏi, “Làm sao tôi có thể thay đổi được anh/cô ấy? Ước gì họ chịu làm X thì tình hình sẽ tốt lên.”

Và câu trả lời của tôi, trong mọi trường hợp, đều giống nhau: bạn không thể thay đổi họ.

Bạn không thể làm một ai đó thay đổi. Bạn có thể truyền cảm hứng để họ thay đổi. Bạn có thể giáo dục họ theo hướng thay đổi. Bạn có thể hỗ trợ họ trong quá trình họ thay đổi.

Nhưng bạn chẳng thể làm họ thay đổi. 

Đấy là bởi muốn khiến một ai đó làm việc gì đó, ngay cả khi muốn tốt cho chính họ, đòi hỏi phải ép buộc hoặc thao túng. Nó đòi hỏi bạn phải can thiệp vào cuộc đời họ theo cách xâm phạm ranh giới, và bởi thế sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ — trong một số trường hợp, cái hại nhiều hơn mặt lợi.

Đây là những vi phạm ranh giới thường không được người ta chú ý bởi họ làm vậy nhân danh những ý định tốt lành. Timmy mất việc. Timmy đang nằm dài trên đi-văng của mẹ anh ấy, trong tình cảnh túng quẫn và thương thân trách phận mỗi ngày. Vì vậy mẹ anh ta bắt đầu điền đơn xin việc giúp Timmy. Bà Mẹ bắt đầu hò hét Timmy, xúc phạm anh và khiến anh có cảm giác tội lỗi vì anh là thằng ăn hại. Cơ chừng bà ấy còn quẳng cái máy Playstation của anh ra ngoài cửa sổ như một biện pháp hữu hiệu để giúp anh ta có thêm động lực.

Dù ý định của Mẹ là tốt, và một số người thậm chí còn xem đây là một dạng tình yêu “kỷ luật thép” cao quý, kiểu hành vi này rốt cuộc lại phản tác dụng. Nó là một sự xâm phạm ranh giới. Đây là gánh vác trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của người khác, và ngay cả khi được thực hiện với những ý định tốt nhất thì việc vi phạm ranh giới sẽ làm hỏng các mối quan hệ. 

Hãy nghĩ về vấn đề theo cách này. Timmy đang thương thân. Timmy đang chật vật để hiểu được tầm quan trọng và lý do để sống trong thế giới tàn nhẫn và vô tình này. Rồi đột nhiên bà mẹ bước vào và ném máy Playstation của anh ấy trong khi ra ngoài và tìm một công việc khác cho anh theo nghĩa đen. Điều này chẳng những không giải quyết được vấn đề về niềm tin của Timmy rằng thế giới thật tàn nhẫn và vô tình, còn anh thì không có chỗ đứng trong thế giới này, nó thực sự cho Timmy thêm bằng chứng rằng cơ bản là con người anh ta thật sự có vấn đề.

Rốt cuộc, nếu Timmy không phải là một thằng điên rồ, thì anh ta sẽ đếch cần bà mẹ ra ngoài tìm việc giùm mình, phải không?

Timmy thay vì học được rằng, “Ờ, thế giới vẫn ổn và tôi có thể xử lý được chuyện này,” bài học là, “Phải rồi, tôi là thằng đàn ông trưởng thành vẫn cần đến mẹ làm mọi thứ cho mình —tôi biết thứ gì đó sai sai với tôi mà.”

Đó là cách mà những nỗ lực tốt nhất để giúp đỡ người khác thường phản tác dụng. Bạn không thể khiến ai đó tự tin hoặc tôn trọng bản thân họ hoặc nhận lãnh trách nhiệm—vì phương tiện bạn dùng để làm việc này đã phá hủy sự tự tin, sự tôn trọng và trách nhiệm.

Để một người thực sự thay đổi, họ phải cảm thấy rằng việc thay đổi là chuyện của họ, rằng chính họ chọn nó, họ kiểm soát được nó. Bằng không sẽ mất hết tác dụng.

Một lời chỉ trích phổ biến về công việc của tôi đó là, không giống như phần lớn các tác giả viết sách self-help khác, tôi không hề khuyên nhủ người ta làm điều này điều kia. Tôi không vạch ra các kế hoạch hành động với các bước từ A đến F hoặc tạo ra hàng tá bài tập ở cuối mỗi chương chết tiệt.

Tôi không làm điều đó bởi một nguyên do rất dễ hiểu: Tôi không có quyền quyết định điều gì là đúng cho bạn. Tôi không có quyền quyết định điều gì làm bạn trở thành một người tốt hơn. Và thậm chí nếu tôi có quyền quyết định, sự thực là tôi đang bảo bạn làm điều đó, thay vì bạn làm điều đó cho chính mình, tức là tôi đã cướp đi của bạn phần lớn các lợi ích về mặt cảm xúc.

Những người có xu hướng sống trong thế giới self-help cư ngụ ở đó bởi vì họ không có khả năng chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của họ. Thế giới này có đầy những người trôi nổi trong cuộc đời đang đi tìm một ai đó —một số nhân vật hoặc tổ chức có thẩm quyền hoặc một bộ nguyên tắc- để nói cho họ biết chính xác những gì họ cần suy nghĩ, cần làm và những gì cần quan tâm.

Nhưng vấn đề là, mọi hệ thống giá trị cuối cùng sẽ tàn lụi. Mọi định nghĩa về thành công rốt cuộc sẽ hóa thành c*t. Và nếu bạn đang phụ thuộc vào những giá trị của người khác thì sau đó bạn sẽ cảm thấy lạc lõng và mất đi bản sắc ngay từ đầu.

Bởi vậy nếu có thằng cha nào đó giống tôi đang đứng trên sân khấu và bảo với bạn vì một nửa khoản tiền dành dụm cả đời của bạn, rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn và nói cho bạn biết chính xác những gì cần làm và nên coi trọng thứ gì thì tôi không chỉ đang tiếp tục duy trì vấn đề ban đầu của bạn, mà tôi còn đang giết bạn khi làm thế.

Những người sống sót sau sang chấn tâm lý, những người từng bị bỏ rơi hay xấu hổ hay cảm thấy lạc lõng, họ đã sống sót qua nỗi đau đó bằng cách bám víu vào những thế giới quan hứa hẹn mang lại hy vọng cho họ. Nhưng chỉ đến khi nào họ học được cách tự mình tạo ra hy vọng cho bản thân, lựa chọn các giá trị của riêng họ, chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm của mình, thì vẫn chưa có gì thực sự chữa lành. Và với một ai đó xen vào và nói, “Đây này, tôi đã dọn sẵn cho bạn hệ giá trị của tôi. Bạn có muốn ăn kèm với khoai tây chiên không?” chỉ kéo dài thêm vấn đề, ngay cả nếu nó được làm với ý định tốt đẹp nhất.1

(Hãy cẩn thận: Chủ động can thiệp vào cuộc sống của một người nào đó có thể là cần thiết nếu họ đang trở thành một hiểm họa cho bản thân hoặc người khác. Và khi tôi nói “hiểm họa”, ý tôi là nguy hiểm thực sự- họ đang chơi ma túy quá liều hoặc có biểu hiện bất thường, trở nên bạo lực và có ảo giác rằng họ đang sống với Charlie trong nhà máy socola của Willy Wonka.)

LÀM THẾ NÀO BẠN CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC 

Vậy nếu bạn không thể ép buộc người khác thay đổi, nếu can thiệp vào cuộc sống của họ theo cách đó sẽ loại bỏ trách nhiệm cho những lựa chọn của họ rốt cuộc lại thành phản tác dụng, bạn có thể làm gì? Làm sao để bạn giúp họ?

1. LÀM GƯƠNG

Bất cứ ai từng thực hiện được một thay đổi to lớn trong đời đều nhận thấy nó để lại hiệu ứng lan tỏa (ripple effect) đối với các mối quan hệ của họ. Bạn dừng uống rượu và tiệc tùng, rồi đột nhiên đám chiến hữu của bạn có cảm giác như bạn đang bỏ mặc họ hoặc bạn “quá tốt” để chơi với họ.

Nhưng đôi khi, chỉ thỉnh thoảng thôi nhé, biết đâu một người trong số mấy cậu bạn khoái tiệc tùng kia tự ý thức “Chết tiệt, phải, mình có lẽ cũng nên bớt bớt chuyện rượu chè lại” và họ sẽ rời khỏi hội ăn chơi cùng bạn. Họ có sự thay đổi giống như bạn. Và chẳng phải do bạn đã can thiệp vào và bảo “này anh bạn, đừng có say xỉn vào Thứ ba nghe chưa,” đơn giản chỉ vì bạn đã ngưng uống rượu, và điều đó truyền cảm hứng cho người khác.2

2. THAY VÌ CHO NGƯỜI KHÁC CÂU TRẢ LỜI, HÃY HỎI HỌ NHỮNG CÂU HỎI HAY HƠN

Một khi bạn hiểu ra việc áp đặt những câu trả lời của bạn lên người khác sẽ phá hoại những lợi ích của những câu trả lời đó, lựa chọn duy nhất còn lại là giúp người đó đặt ra những câu hỏi tốt hơn. 

Thay vì nói, “cậu nên đấu tranh với sếp để được tăng lương,” bạn có thể nói, “Cậu có nghĩ mình đang được trả lương xứng đáng không?”

Thay vì nói, “Cậu cần chấm dứt ngay việc chịu đựng mấy trò nhảm nhí của em gái cậu,” bạn có thể nói, “Có phải cậu đang cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho mấy trò nhảm nhí của em gái cậu?”

Thay vì nói, “Con đừng có bĩnh ra quần nữa, gớm quá,” bạn có thể nói, “Đã bao giờ con nghĩ tới nhà vệ sinh chưa? Lại đây, mẹ sẽ chỉ cho con cách đi vệ sinh?”

Đặt câu hỏi cho người khác rất khó. Bạn cần sự kiên nhẫn. Và biết tư duy. Rồi còn phải quan tâm đến họ. Nhưng có lẽ đấy là lý do tại sao nó rất hữu ích. Khi bạn trả tiền cho một nhà trị liệu tâm lý thì về cơ bản là bạn đang trả tiền cho những câu hỏi hay của họ. Và đây là lý do mà một số người thấy trị liệu tâm lý thật “vô bổ” vì họ nghĩ họ đang tham gia trị liệu để nhận được câu trả lời cho các vấn đề của bản thân, nhưng những gì họ nhận được lại là nhiều câu hỏi hơn.

3. GIÚP ĐỠ VÔ ĐIỀU KIỆN  

Tôi không nói rằng bạn đừng bao giờ cho người khác câu trả lời. Nhưng các câu trả lời phải được bản thân người đó tự tìm ra.

Có sự khác biệt một trời một vực giữa việc tôi nói “Này, tôi biết điều gì là tốt nhất cho cậu,” và bạn đến bên tôi và nói, “Cậu nghĩ điều gì là tốt nhất cho tôi?”

Một người tôn trọng quyền tự chủ và quyền tự quyết của bạn. Người kia thì không.

Bởi vậy, thường thì điều tốt nhất bạn có thể làm chỉ đơn giản là để người đó biết rằng bạn luôn sẵn sàng nếu họ cần tới bạn. Một câu nói cổ điển “này, tớ biết bây giờ cậu đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Nếu cậu muốn tâm sự thì bảo cho tớ biết nhé.”

Nhưng nó cũng có thể cụ thể hơn. Vài năm trước, một người bạn của tôi đã trải qua mấy chuyện chết tiệt với bố mẹ của cậu. Thay vì khuyên nhủ cậu ta hay bảo cậu ta nên làm gì, tôi chỉ đơn giản kể lại cho cậu ấy nghe một số vấn đề tôi từng gặp với bố mẹ tôi trước đây mà tôi tin là có điểm giống nhau. Mục tiêu không phải để buộc cậu bạn nghe theo lời khuyên của tôi hoặc làm giống như tôi hoặc thậm chí hãy quan tâm đến những chuyện đã xảy ra với tôi. Tất cả tùy thuộc vào cậu ta. Tôi chỉ đơn giản là đưa ra một đề nghị. Và nếu nó hữu ích với cậu ấy về bất cứ phương diện nào thì cậu ấy có thể sử dụng nó. Còn không thì cũng chả sao cả.

Bởi vì khi thực hiện theo cách đó, câu chuyện của chúng ta mang theo các giá trị bên ngoài bản thân ta. Không phải tôi đang cho cậu ấy lời khuyên. Chính trải nghiệm của tôi đã cho cậu ấy góc nhìn khác về trải nghiệm của cậu ta. Và quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm cho trải nghiệm của cậu ấy không hề bị cản trở, không bao giờ bị xâm phạm, và luôn được tôn trọng.

Vì sau cùng, mỗi người chúng ta chỉ có khả năng thay đổi chính mình. Chắc chắn là Timmy có thể có một công việc tuyệt vời và mấy cái máy Playstation, nhưng chỉ khi nào định nghĩa về bản thân của anh ấy thay đổi, những cảm xúc của anh về bản thân và cuộc đời anh thay đổi, bằng không anh ấy vẫn là anh chàng Timmy y như cũ. Ngoại trừ lúc này là một bà mẹ còn thất vọng nhiều hơn.

Chú thích

  1. I should mention, for the record, that I think 99% of the self-help industry does have good intentions. Even if the business practices don’t always appear that way. The issue is, again, one of boundaries. And boundary issues are fundamentally issues of respect.
  2. We set the bar pretty damn low in this example. But, fuck it.

 

Dịch: Rubi

Nguồnhttps://markmanson.net/no-you-cant-make-a-person-change

menu
menu