Luật hấp dẫn và những trò nhảm nhí
Luật hấp dẫn thực chất chỉ là phiên bản kết tinh của một khái niệm tâm lý cũ được gọi là “thiên kiến xác nhận“.
Tôi ghét Bí mật Luật hấp dẫn. Vâng, bạn không nghe lầm đâu. Tôi biết mình là một blogger về phát triển bản thân và lúc nào tôi cũng phải giữ cho mọi thứ thật tốt đẹp, sáng sủa và hài hước. Nhưng chết tiệt, tôi ghét nó. Đó là một cuốn sách vớ vẩn. Và cần có ai đó nói ra điều ấy.
Trong quá khứ, mỗi thời đều có những cuốn sách phát triển bản thân bán được hàng tỷ bản và moi tiền được hàng triệu người. Đầu tiên là “Nghĩ giàu làm giàu” của Napoleon Hill năm 1936. Hai mươi năm sau là “Sức mạnh của suy nghĩ tích cực” của Norman Vincent Peale. Rồi đến “Đánh thức con người phi thường trong bạn” của Tony Robbin vào những năm 80. Tiếp tục series này là “Bí mật Luật hấp dẫn” của Rhonda Byrne, một cuốn sách mô tả ngắn gọn và súc tích về cái gọi là “Luật hấp dẫn”.(1)
Điều hài hước về mấy cuốn sách này là chúng nói đi nói lại những thứ giống nhau: làm chủ suy nghĩ, luôn tích cực và tập trung vào mục tiêu, lờ đi sự nghi ngờ bản thân và những lời chỉ trích, hình dung và chú tâm vào những gì bạn muốn rồi đến cuối cùng bạn sẽ có nó.
Mỗi cuốn sách đều mang đến những ý tưởng về cơ bản là giống nhau ở thế hệ của nó. Sách của Hill xuất bản ngay sau thời kì Đại Khủng Hoảng, tập trung chủ yếu vào việc kiếm tiền và trở nên giàu có. Sách của Peale ra mắt sau Thế chiến thứ II, tập trung vào việc xây dựng cuộc sống gia đình êm đềm, hạnh phúc và những mối quan hệ tốt đẹp. Sách của Tony Robbin, kinh thánh của thế hệ baby boomer xuất hiện trong cuộc khủng hoảng giữa những năm 80, tập trung vào việc tự hiện thực hóa và tiềm năng trong cuộc sống của mỗi cá nhân.
Chẳng ngạc nhiên khi sách của Bryne, ra mắt trong bối cảnh thời đại của truyền thông và smartphone, lan truyền từ sự tự kiêu bừa bãi và suy nghĩ “Tao là cái rốn vũ trụ” tới những ý tưởng cũ rích y chang trước đây. Chưa hết, trong khi những cuốn sách trước thường cung cấp những lời khuyên tử tế và thậm chí khá tốt cho giai đoạn đó, thì Bí mật luật hấp dẫn lại toàn những lời sáo rỗng, trích dẫn vớ vẩn và mê tín dị đoan. Đó là một cuốn sách giả dối về quyền lợi và sự tự phụ mà tôi nghĩ, bất cứ ai đọc và làm theo những lời khuyên của nó một cách nghiêm túc sẽ có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn.
Tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn những ý chính của Bí mật Luật hấp dẫn và giải thích tại sao nhiều người ban đầu sẽ thấy những lời khuyên trong đó có hiệu quả. Tôi sẽ giải thích cách những lời khuyên này có thể làm một người cảm thấy khá hơn trong ngắn hạn, nhưng cuối cùng lại khiến mọi thứ tệ đi trong dài hạn. Tôi sẽ kết thúc bằng những suy tưởng của bản thân về niềm tin vào suy nghĩ tích cực ở cuối bài. Đấy là giả sử tôi viết được dài đến thế mà không phải cho đầu vào lò nướng.
“BÍ MẬT LUẬT HẤP DẪN” LÀ GÌ?
“Bí mật Luật hấp dẫn” đơn giản là “luật hấp dẫn”. Về cơ bản, luật hấp dẫn nói rằng bất cứ điều gì bạn nghĩ đến sẽ là những thứ bạn đạt được trong đời. Vậy nên, nếu bạn nghĩ đến tất cả những thứ mình không muốn thì bạn cũng chỉ có được những thứ đó mà thôi. Ngược lại, nếu bạn chỉ hình dung về những điều mình muốn thì bạn sẽ nhận được tất cả những điều ấy.
Trong khi các tác giả trước thậm chí còn cố giải thích vì sao luật hấp dẫn có hiệu quả, thì Byrne lại không hề nao núng lao vào những thứ vũ trụ học vô nghĩa. Bà ta lập luận rằng lý do luật hấp dẫn hoạt động vì Vũ trụ được tạo nên bởi năng lượng (và như Einstein đã nói, vật chất có thể chuyển hóa thành năng lượng và ngược lại) và tất cả năng lượng đều có tần số. Suy nghĩ của bạn cũng phát ra một tần số và những gì giống nhau sẽ thu hút lẫn nhau. Vì thế, tần số suy nghĩ của bạn, tốt hay xấu, sẽ cộng hưởng với các tần số của năng lượng tốt hoặc xấu trong vũ trụ. (2)
Nếu bạn chỉ suốt ngày lo lắng về các khoản nợ, chuyện thiếu tiền và lúc nào cũng tự nói đi nói lại “Mình chết chắc rồi”, thì Vũ trụ sẽ đáp lại bằng đúng những thứ đó và bạn sẽ nghèo muôn kiếp. Nếu bạn tin rằng mình giàu có và thành công, Vũ trụ cũng sẽ đáp lại bằng những rung động đó và sớm muộn bạn cũng sẽ giàu có và thành công như bạn mơ ước. Nếu bạn nghĩ mình béo và ốm yếu thì đừng mơ đến chuyện dáng chuẩn và khỏe mạnh được, vì Vũ trụ sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm để bạn cứ béo mãi. Nếu bạn tin rằng mình mảnh khảnh và xinh đẹp, thì Vũ trụ bằng cách diệu kỳ sẽ gửi sức khỏe và sự mảnh khảnh đến ngay trước cửa cho bạn mỗi sáng.
Hoặc thứ gì đó khác.
CÁCH “LUẬT HẤP DẪN” HOẠT ĐỘNG (HAY ĐẠI LOẠI THẾ)
Luật hấp dẫn thực chất chỉ là phiên bản kết tinh của một khái niệm tâm lý cũ được gọi là “thiên kiến xác nhận“. Thiên kiến xác nhận khá nổi tiếng, được các nhà nghiên cứu biết đến hàng thập kỷ. (3) Nó cũng có lý hơn học thuyết “Suy tưởng rung động” (Thought as Vibrations) rất nhiều.
Con người chúng ta giới hạn sự chú ý của mình với những thứ xung quanh mình. Bởi vậy, cho dù bạn có nhận ra hay không (mà hầu như là không) thì chúng ta luôn luôn lựa chọn thứ để tập trung vào. Thiên kiến xác nhận là xu hướng con người chú ý và dành nhiều sự quan tâm hơn đến các đối tượng và trải nghiệm phù hợp với suy nghĩ và niềm tin sẵn có. Điều này đơn giản là có ích và hiệu quả về mặt sinh học. (4)
Tất cả chúng ta đều trải nghiệm thiên kiến xác nhận hàng triệu lần, chỉ là bạn chưa nhận ra mà thôi. Ví dụ, cả năm trời bạn chẳng thèm nhìn các loại xe chạy trên đường. Nhưng một ngày nào đó, bạn bắt đầu nghĩ về việc mua một chiếc xe, và bỗng nhiên bạn để ý kiểu dáng và mẫu mã của các loại xe ở khắp mọi nơi. Bạn bắt đầu suy nghĩ để quyết định về kiểu dáng ưa thích và các đặc tính bạn quan tâm. Bạn bắt đầu để ý những chi tiết ấy vì đây là lần đầu tiên chúng vọt ra và choán hết tâm trí bạn, dù trước đây chúng chưa hề xuất hiện.
Hoặc là nói về một người bạn thân đã phản bội niềm tin của bạn và hai người có một trận cãi vã lớn. Bỗng nhiên bạn nghĩ lại và để ý tất cả những hành vi đầy mờ ám và đáng ngờ của người bạn mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đây. Những điều bạn không thể tin rằng bạn đã không nhìn thấy hoặc bỏ qua. Giờ thì khi không còn tin tưởng họ nữa, bạn mới bắt đầu chú ý tới những điều đó.
Về bản chất, Bí mật Luật hấp dẫn đang cố lợi dụng thiên kiến xác nhận của một người. Ý tưởng về việc nếu bạn liên tục suy nghĩ tích cực về bản thân, bạn sẽ bắt đầu chú ý những điều nhỏ bé trong trải nghiệm của mình để xác nhận cho niềm tin đó, nhờ đó chúng sẽ trở thành sự thực. Mặt khác, nếu bạn thường xuyên suy nghĩ tiêu cực thì những phản hồi tiệu cực trong môi trường sẽ chống lại bạn, khiến bạn cảm thấy tệ hơn.
Những người ủng hộ Luật hấp dẫn giả định kiểu người mà họ mong ước trở thành – thực sự tin rằng họ giàu có, mảnh khảnh, khỏe mạnh và đang ở trong một mối quan hệ tuyệt vời. Về cơ bản, Luật hấp dẫn đang nói với bạn hãy trở nên ảo tưởng một cách tích cực về bản thân đủ lâu để thiên kiến xác nhận tự nhiên của bạn hoạt động, và lúc đó bạn chỉ tập trung vào những điều phù hợp với những niềm tin mới ấy trong cuộc sống
Điều này có thể thực sự có ích – ít ra là lúc ban đầu – cho những ai đang cảm thấy mình vô dụng và tràn ngập niềm tin tiêu cực về bản thân. Đơn giản là thay đổi cách bạn nhìn mọi thứ, từ “một đống cứt” cho đến “một thỏi vàng” có thể tạo ra ảnh hướng khá lớn về nhiều mặt đối với nhiều người.
Nhưng đến một thời điểm, bạn biết đấy, bạn phải thực sự làm gì đó…
LUẬT HẤP DẪN CÓ THỂ PHÁ HOẠI BẠN NHƯ THẾ NÀO
Luật hấp dẫn yêu cầu bạn không bao giờ được nghi ngờ bản thân, không bao giờ xem xét những hậu quả tiêu cực, và không bao giờ được giữ suy nghĩ tiêu cực. (5) Đó là một dạng phóng đại thiên kiến xác nhận và nó có thể rất nguy hiểm: tham gia vào dự án kinh doanh hay đầu tư mạo hiểm, lờ đi những hành vi đáng cảnh báo từ người yêu, phủ nhận các vấn đề về cá nhân hay sức khỏe, tránh những cuộc đối chất cần thiết, không để tâm đến khả năng thất bại của các quyết định, vân vân. Dù kiểu ảo tưởng suy nghĩ tích cực này có thể khiến người ta cảm thấy yên tâm trong một vài (hay rất nhiều) trường hợp, song về lâu dài, nó thực sự là một thảm họa.
Dưới đây là một ví dụ về thiên kiến xác nhận với ý định tốt có thể là một sai lầm khủng khiếp: Giả sử bạn đang làm việc để tìm ra thuốc chữa ung thư, và bạn nghĩ thuốc X có khả năng đó. Thuốc X có thể chữa cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người, và bạn trở nên giàu có, nổi tiếng và được tất cả mọi người yêu mến. Bạn làm bốn thí nghiệm với thuốc này: hai trong số đó xác nhận thuốc có hiệu quả, số còn lại thì không. Những bạn đọc Bí mật luật hấp dẫn và bạn nói với Vũ trụ rằng bạn sẽ tìm ra thuốc chữa ung thư. Vì vậy bạn tiếp tục với thuốc X, đổ thêm tiền, thời gian, chất xám và nguồn lực quý giá vào nó. Bạn hợp lý hóa các kết quả tiêu cực về thuốc bởi nghi ngờ về bản thân đồng nghĩa với nghi ngờ Vũ trụ, và không ai được phép nghi ngờ Vũ trụ. Tuy vậy, sự thật là, bạn không chỉ không tiến đến gần hơn mục tiêu tìm ra thuốc chữa ung thư, mà bạn còn dẫn các nhà nghiên cứu và bác sĩ sa vào vũng lầy. Để làm gì? Cảm thấy tự hào hơn về bản thân ư?
Một ví dụ khác về chuyện tình cảm. Bạn có thể gửi các “tần số suy nghĩ” lên Vũ trụ rằng bạn muốn một người tốt bụng, hào phóng và chu đáo. Chẳng bao lâu sau, bạn tìm được một người y chang như vậy. Bạn cảm thấy như đang bay trên mây, vui sướng đến nỗi như muốn bĩnh ra quần vì người yêu mới. Nhưng thực tế, tuy người ấy của bạn tốt bụng, hào phóng và tuyệt vời thật, nhưng họ cũng có cả mặt xấu xa và vô dụng nữa. Và trong cái suy nghĩ ảo tưởng tích cực của bạn, bạn chọn không để ý đến những dấu hiệu cảnh báo và khả năng tiềm tàng của các hành vi tệ hại, bạn chỉ để bản thân đắm chìm trong một mối quan hệ tốt cho sự ổn định về cảm xúc của bạn, như cơn bão Katrina quét qua bờ đê New Orleans. Và George Bush vẫn đếch quan tâm đến người da đen đâu. (6)
Nhưng đơn thuốc ảo tưởng tích cực này cũng có thể gây nên hậu quả tiêu cực. Nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng việc cố ngăn chặn suy nghĩ về một việc nào đó chỉ càng làm cho suy nghĩ đó tái hiện trở lại. (7) Trên thực tế, sự nghiền ngẫm và ám ảnh xuất hiện để hoạt động theo phương thức này, đặc biệt là ở những người bị rối loạn tâm thần mãn tính như OCD, trầm cảm và lo âu: càng cố thoát ra khỏi những suy nghĩ không mong muốn thì những suy nghĩ đó càng thống trị tinh thần bạn. Giống như lúc tôi bảo bạn “Đừng nghĩ đến con voi màu hồng”, thì điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn là một con voi màu hồng. Nghĩ về những gì bạn không muốn có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực hơn và đặt bạn vào vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực.
Nghiên cứu cũng cho rằng chủ động nghĩ về những điều tích cực như việc bạn tưởng tượng mình có việc làm, hoàn thành tốt bài kiểm tra, hay thậm chí phục hồi nhanh chóng sau ca phẫu thuật, có thể thực sự mang đến kết quả tồi tệ. (8) Các nhà tâm lý học nghĩ rằng kiểu ảo tưởng tích cực đó có thể khiến bạn tự mãn và lười biếng, tạo cho chúng ta cảm giác đã đạt được điều gì đó trong khi mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, khiến ta đặt ít nỗ lực và cảm thấy bớt động lực hơn. (9)
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những ai tham gia vào việc “tự khẳng định” và sau đó được nghe một thông tin đe dọa đến sự khẳng định của họ (thậm chí là những góp ý hay phản hồi mang tính xây dựng), thì lại càng cố bám lấy các lý do sai lầm hơn những người không dùng “tự khẳng định”. (10) Thực tế, những người đắm chìm trong suy nghĩ ảo tưởng tích cực trớ trêu thay lại trở nên giận dữ khi ai đó có suy nghĩ trái ngược với kiểu suy nghĩ cổ tích của họ. Sự thật về tình cảnh của bản thân chỉ khiến họ đau đớn hơn.
Suy nghĩ ảo tưởng tích cực mỉa mai thay lại khiến cho tâm trí đóng kín hơn. Những người có suy nghĩ này phải luôn luôn cảnh giác và ngăn chặn các phản hồi hay chỉ trích tiêu cực tiềm tàng lên niềm tin của họ, ngay cả khi những phản hồi đó có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe và hạnh phúc của họ.
Trên tất cả, như tôi đã nói khá dài trước đây trên blog, chúng ta đều là những kẻ dự đoán rất tệ những thứ khiến ta hạnh phúc/hay khổ đau trong tương lai. Do đó, cùng việc sử dụng luật hấp dẫn, chúng ta phải tiêu tốn thời gian và năng lượng xây dựng một tương lai không hề do ta muốn. Có lẽ ta hình dung những bữa tiệc sex say xưa cuồng loạn mỗi đêm và rồi ta tìm kiếm những nhóm sex quái đản trên Craigslist, hóa ra, nó không tuyệt vời đến thế và lại khiến ta thất vọng…Nhưng làm sao đây, Vũ trụ mang chúng đến cho ta vì chính ta đã đòi hỏi mà! Tôi nghĩ tự mình đánh giá những gì mình thích hay không thích dựa trên kinh nghiệm cá nhân sẽ lành mạnh (và thực tế) hơn là làm bừa rồi hi vọng nó sẽ tốt đẹp.
Cuối cùng Luật hấp dẫn nói rằng nếu bạn nghĩ về những gì mình muốn, nó sẽ đến với bạn – với lý lẽ cực kỳ hợp lý này, nó khuyến khích bạn luôn mong muốn thứ gì đó, không bao giờ cảm thấy hài lòng, và điều này có thể khiến ta kém hạnh phúc trong thời gian dài. Đôi khi chúng ta phải đối diện với những cuộc chiến và thất bại trong đời, vì tất cả chúng ta đều có nó. Điều này, trớ trêu thay lại là một con đường hợp lý hơn để dẫn tới thành công thay vì đơn giản không ngừng cầu nguyện những ước mơ của ta sẽ trở thành hiện thực. Đừng mong cầu phần thưởng, hãy cầu mong những rắc rối ta đủ sức giải quyết.
MÔ HÌNH THÁP SUY NGHĨ TÍCH CỰC
Có một sự mỉa mai cho đống lộn xộn này, dĩ nhiên. Nếu bạn đủ tuyệt vọng để cảm thấy hài lòng hơn về bản thân bằng cách áp dụng một triết lý về ảo tưởng tích cực, thì triết lý này sẽ xuất hiện với những người cũng đang tuyệt vọng về bản thân xung quanh bạn. Theo cách đó, bằng việc áp dụng ảo tưởng tích cực, bạn thu hút và bao bọc bản thân quanh những người ảo tưởng tích cực khác.
Đây là lời giải đáp của tôi về lý do những suy nghĩ căng thẳng đã tồn tại qua hàng thế hệ; đó là một dạng tháp tâm lý. Giả sử có một người quyết định lờ đi thực tế và lúc nào cũng cảm thấy tích cực. Kiểu tự phụ này sẽ loại trừ những người thỏa mãn và hợp lý, thay vào đó là thu hút những người tuyệt vọng và cả tin. Người này, tràn ngập ảo tưởng tích cực, trớ trêu thay sẽ thu hút và ở cùng nhóm những người ảo tưởng tích cực khác. Nhiều năm sau, một trong số những người này quyết định “công khai” ước mơ của họ bằng cách lan truyền luật hấp dẫn xa hơn tới những kẻ cầu nguyện tuyệt vọng khác. Chuỗi ảo tưởng tích cực này tiếp tục qua nhiều thế hệ, nơi mà mỗi tác giả, blogger hay diễn giả diễn thuyết một cách nhiệt tình về mục đích cuộc đời, hoặc tin tưởng bản thân sẽ hạnh phúc, hoặc lắng nghe Vũ trụ, tạo ra một số lượng mới những kẻ chạy theo ảo tưởng tích cực, và mọi thứ cứ thế tiếp diễn ngày này qua ngày khác.
Và như vậy, qua nhiều năm và nhiều thế hệ, Byrne chỉ là sự biểu hiện rõ ràng nhất,và sẽ còn những người khác nữa.
Chuỗi ảo tưởng tích cực này lây nhiễm lên toàn bộ ngành công nghiệp đào tạo phát triển bản thân. Thậm chí các tác giả và nhà khoa học, những người không tham gia trực tiếp vào việc đòi hỏi Vũ trụ một cách ngốc nghếch những rung động hay bất cứ thứ gì, vẫn dựa vào các giáo điều về niềm tin vào sự tích cực, ức chế hoặc lờ đi sự tiêu cực và tìm kiếm hạnh phúc trên tất thảy.
Theo quan điểm của tôi, toàn bộ giả thuyết này đều sai lầm. Đó chỉ là chất gây mê để giảm đau cho một người, không phải biện pháp chữa trị. Những cuốn sách như Bí mật Luật hấp dẫn giống như đồ ăn McDonald cho tâm trí. Chúng dễ ăn và khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhưng chúng cũng khiến bạn béo ú và lười biếng về tinh thần và cảm xúc. Bạn sẽ chết một cái chết đau đớn hơn nhiều.
Cứ gọi tôi là tên khùng đi, nhưng tôi tin rằng việc thay đổi và cải thiện cuộc sống của bạn đòi hỏi phải phá hủy một phần cũ của bản thân bạn và thay thế bằng những phần mới, những phần tốt hơn. Do đó, nó sẽ là một quá trình đầy đau đớn và tuyệt vọng. Bạn không thể có cơ bắp mà không thách thức bản thân với những trọng lượng cao hơn. Bạn không thể xây dựng khả năng hồi phục cảm xúc mà không thử thách niềm tin và giả định của riêng bạn.
Vậy thì tại sao chúng ta lại mong chờ mình trở thành một con người tốt đẹp hơn bằng cách dễ dàng, thoải mái và…tích cực?
Tất cả những điều ấy đều là những công việc khó khăn và mệt mỏi.Và tôi chưa từng thấy ai có thể làm những điều đó trong khi dựa vào một cái nạng niềm tin ảo tưởng tích cực. Chắc chắn những cuốn sách như Bí mật Luật hấp dẫn có ích cho những ai đang ở thời kì đen tối và khốn khổ của cuộc đời, lúc họ cảm thấy như sắp chìm nghỉm giữa đại dương. Nhưng quan trọng là vũ trụ nào đó ở ngoài kia chỉ giúp bạn nổi lên mà thôi. Đến cuối cùng, bạn vẫn phải tự bơi vào bờ bằng chính sức mình.
NOTE:
- Byrne không hề khám phá ra “Luật hấp dẫn” mà là Earl Nightingale, một tác giả về phát triển bản thân phát hiện ra từ năm 1950.
- Tôi sẽ không đi sâu vào sự phi lý hay điên rồ một cách khoa học của những tuyên bố này. Có khi phải mất thêm một bài 3000 từ nữa chỉ vì chủ đề này.
- Nickerson, R. S. (1998). Confirmation bias: A ubiquitous phenomenon in many guises. Review of General Psychology, 2(2), 175.
- Lý giải về mặt tiến hóa ở đây là từ hàng ngàn năm trước trên thảo nguyên, những ngọn cỏ, rặng liễu hay câu hỏi làm thế nào để tay phải mọc lông nhiều hơn tay trái không đủ khả năng khiến bạn phân tâm. Bạn chỉ nghĩ về thức ăn và gia đình, do vậy bạn cần được chuẩn bị để chú ý đến thức ăn và gia đình mình. Thiên kiến xác nhận giống như một cơ chế tinh thần giúp chúng ta sống sót trong điều kiện nguyên thủy cực kỳ khắc nghiệt.
- Như Byrne đã viết: “Khi bạn cho phép một sự hoài nghi nào xâm nhập vào tâm trí, luật hấp dẫn sẽ sớm bồi thêm một sự hoài nghi nữa. Thời điểm một ý nghĩ hoài nghi xuất hiện, hãy giải phóng nó ngay lập tức.” (trang 89 – bản tiếng Anh)
- Hiểu theo nhiều cách thì Kanye West là một hình ảnh thu nhỏ của dạng ảo tưởng tích cực: tự mãn, tự phụ, khiến người khác khó chịu, tuy vậy lại thành công một cách kỳ lạ dù bản thân anh ta là một kẻ khó ưa.
- Wenzlaff, R. M., & Wegner, D. M. (2000). Thought suppression. Annual Review of Psychology, 51(1), 59–91.
- Kappes, H. B., & Oettingen, G. (2011). Positive fantasies about idealized futures sap energy. Journal of Experimental Social Psychology, 47(4), 719–729.
- Một điều luôn bị bỏ quên là những tác động có lợi của những cảm xúc tiêu cực. Lo âu có thể là khởi nguồn của một động lực vươn lên mạnh mẽ.
- Munro, G. D., & Stansbury, J. A. (2009). The dark side of self-affirmation: confirmation bias and illusory correlation in response to threatening information. Personality & Social Psychology Bulletin, 35(9), 1143–1153.
Dịch: Hoàng Dung
Nguồn: https://markmanson.net/the-secret