11 Bài học về Tự do và Nghệ thuật sống từ một Triết gia Khắc kỷ từng là nô lệ
Những tín đồ của chủ nghĩa khắc kỷ biết rằng mọi chuyện xảy đến với chúng ta, dù tốt hay xấu, đều là một cơ hội. Một cơ hội để thực hành lòng tốt, một cơ hội để luyện tập tính kiên nhẫn, một cơ hội để rèn luyện sự kiên cường.
Sinh ra với thân phận nô lệ vào thế kỷ I Sau Công Nguyên, ngay từ khi còn trẻ Epictetus đã biết rằng con đường đi đến tự do đích thực không phải bằng cách giải phóng xiềng xích gông cùm, mà là sử dụng những nguồn lực trong tầm kiểm soát của bản thân bằng khả năng tốt nhất của mình. Nhờ sự cho phép của ông chủ, Epictetus được tiếp nhận tri thức triết học và khi được trả tự do ông đã cống hiến cuộc đời mình để giảng dạy cho người khác những gì ông học được. Trong số những lời dạy của ông có quan niệm rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát và thiết lập tiêu chuẩn cho người khác thông qua hành vi của bản thân. Hai nghìn năm sau những lời giáo huấn này vẫn tồn tại và chỉ dẫn cho loài người trong mọi thời khắc dù vinh quang hay suy tàn. Dưới đây là 11 bài học mà nếu áp dụng, sẽ khiến bạn trở thành một phiên bản tuyệt vời hơn, kiên cường hơn và tự do hơn. Chúc đọc vui!
-
Tận dụng mọi điều xảy đến
“Khó khăn phơi bày cá tính một người. Vì vậy khi một thách thức xuất hiện, hãy nhớ rằng Chúa trời đang ghép cặp anh với một đối thủ đấu vật trẻ tuổi. Tại sao? Vì muốn trở thành một Olympian phải đổ mồ hôi. Tôi nghĩ không ai có được một thách thức tốt hơn của anh, nếu anh tận dụng chúng như vận động viên đứng trước một đô vật trẻ tuổi.”
–Epictetus, Discourses 1.24.1-2
Những tín đồ của chủ nghĩa khắc kỷ biết rằng mọi chuyện xảy đến với chúng ta, dù tốt hay xấu, đều là một cơ hội. Một cơ hội để thực hành lòng tốt, một cơ hội để luyện tập tính kiên nhẫn, một cơ hội để rèn luyện sự kiên cường. Mọi trở ngại và chông gai có thể giúp ta cải thiện bản thân nếu chúng ta tập trung vào việc tận dụng nó thay vì để nó hạ gục mình. Các cơ hội để cải thiện là vô kể vì số lượng tình huống mà chúng ta gặp phải mỗi ngày là bất tận; song nếu ta tận dụng được lợi thế của nó thì cũng cho ra kết quả tương tự. Ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, thông thái hơn và kiên nhẫn hơn.
-
Chăm sóc tâm trí giống như chăm sóc cơ thể
“Nếu ai đó trao thân xác của anh cho một người qua đường, anh sẽ rất tức giận. Tuy vậy, anh lại dễ dàng trao trao đi tâm trí mình cho bất cứ ai bên cạnh, để họ có thể lạm dụng anh, khiến tâm trí anh xáo trộn và rối rắm. Và anh không hề xấu hổ vì điều đó.”- Epictetus, Enchiridon 28
Những người khác không sử dụng thân thể của bạn hộ bạn, vậy tại sao bạn lại để họ suy nghĩ hộ mình? Thông thường chúng ta cho phép bản thân cảm thấy thất vọng và u sầu vì những suy nghĩ mà ta thậm chí không hề nghĩ cho chính mình. Dừng lại đi. Một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ là người giữ cho tâm trí tập trung vào những điều tốt đẹp và đúng đắn. Họ tạo ra một bộ quy tắc đạo đức của riêng mình và tuân theo nó. Bằng cách này, họ sẽ không dễ gì bị lung lay bởi lời nói của bất cứ ai, mà chỉ nhất mực nghe theo lý trí của bản thân.
-
Lựa chọn cái mà bạn muốn biểu lộ hoặc người khác sẽ chọn thay bạn
“Nếu bản thân anh không lựa chọn đâu là suy nghĩ và hình ảnh mà anh muốn biểu lộ, thì người khác sẽ làm thay cho anh.”
- Epictetus, The Art of Living
Lời dạy của Epictetus càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết trong thời đại ngày nay. Trong kỷ nguyên của mạng xã hội và chu kỳ tin tức 24/7 được thiết kế nhằm khiến chúng ta tiêu thụ không ngừng nghỉ, dường như ta đang liên tục nhồi nhét vào đầu những suy nghĩ không phải của mình. Càng dành nhiều thời gian để oán hận một câu chuyện không liên quan đến mình, chìm đắm trong cơn thịnh nộ truyền thông, thì bạn càng có ít thời gian theo đuổi những gì thực sự quan trọng. Nếu chúng ta không lựa chọn đặt điện thoại xuống và dành thời gian cho vợ/chồng mình, để giải quyết những vấn đề thực sự đang quấy rầy cuộc sống của ta, thì chiếc điện thoại đó sẽ thay ta lựa chọn bất cứ thứ gì thế giới này muốn ta cảm nhận và suy nghĩ, và không phải lúc nào điều đó cũng có lợi cho ta.
-
Tìm kiếm hình mẫu để học tập
“Tất cả chúng ta đều mang theo những hạt mầm của sự vĩ đại trong mình, song ta cũng cần một hình mẫu đóng vai trò như một trọng điểm để tập trung vào, từ đó chúng mới có thể nảy mầm."
- Epictetus, The Art of Living
Tất cả chúng ta đều muốn phát triển nhưng đôi khi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu bạn muốn biết làm thể nào để cải thiện bản thân hãy nhìn vào những người mà bạn ngưỡng mộ, những người có phẩm chất mà bạn muốn sở hữu. Đọc tiểu sử của những con người vĩ đại và lấy cảm hứng từ họ. Nếu muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang, hãy nghiên cứu cuộc đời của Coco Chanel. Nếu muốn trở thành một chính trị gia, hãy đọc Gương Can đảm. Điều cốt yếu là việc bắt chước những con người vĩ đại nhất có tác dụng đem sự vĩ đại bên trong bạn ra thế giới bên ngoài.
-
Trung thực với bản thân
“Sự tự chủ phụ thuộc vào sự trung thực với bản thân.”
–Epictetus, The Art of Living
Cựu đặc nhiệm Hải quân SEAL và vận động viên siêu sức bền David Goggins từng phải giảm 100 pound trong vòng 3 tháng để đủ điều kiện tham gia huấn luyện SEAL. Thay vì tự phỉnh nịnh bản thân để xoa dịu cái tôi về tình huống này, ông đã quyết định thành thật và phũ phàng với chính mình. Ông không hề chỉ hơi thừa cân một chút, ông quá béo. Nghe thì đau đấy nhưng nỗi đau này cuối cùng đã thúc đẩy ông tạo ra những thay đổi cần thiết để trở thành một người khiến bản thân tự hào. Không phải ai trong chúng ta cũng phải giảm 100 pound trong ba tháng, song chúng ta đều có những lĩnh vực mà ở đó ta sẽ thu được lợi ích từ việc thành thật với bản thân hơn. Bát đĩa cần được rửa nhưng ta lại nói rằng mình đã quá mệt mỏi sau một ngày làm việc dài. Nhưng có lẽ chúng ta không hề mệt, có thể chỉ là ta lười biếng mà thôi. Sự thật mất lòng, nhưng đó là thứ mà ta cần nghe.
-
Bắt đầu sống như bản thể lý tưởng mà bạn mong muốn
“Trước tiên hãy tự nhủ với mình kiểu người mà anh muốn trở thành, sau đó hãy làm những gì phải làm. Vì gần như trong mọi sự theo đuổi mà ta quan sát được, điều này luôn chính xác. Những người theo đuổi sự nghiệp thể thao trước hết lựa chọn môn thể thao họ muốn chơi rồi sau đó luyện tập.”- Epictetus, Discourses, 3.23.1-2a
Hãy ngừng việc mơ tưởng về con người mà bạn có thể trở thành. Thay vào đó, hãy thận trọng xác định kiểu người bạn muốn trở thành và bắt đầu sống đúng như vậy. Điều ngăn cản ta hành động để thay đổi cuộc sống của mình thường không phải do thiếu khao khát thay đổi mà là sự thất bại trong việc xác định loại thay đổi ta muốn thực hiện. Bạn muốn trở thành người kiên nhẫn hơn ư? Hãy cứ kiên nhẫn hơn. Đừng nổi cáu khi mọi chuyện không theo ý mình, lắng nghe khi người khác đang nói, ngay cả khi bạn chẳng hề quan tâm đến điều họ nói. Hãy quyết định kiểu người mà bạn muốn trở thành và bắt đầu sống đúng như vậy, NGAY BÂY GIỜ.
-
Nếu muốn phát triển, hãy sẵn sàng để bị coi như một tên ngốc
“Để thực hiện tốt bất cứ điều gì, anh phải sẵn lòng khiêm tốn mắc lỗi một chút, tin tưởng bản thân, lạc lối và trở nên ngu ngốc. Đủ can đảm để thử sức một nhiệm vụ và có khả năng thể hiện kém cỏi. Những cuộc đời tầm thường biểu lộ bằng nỗi sợ không làm được khi thử sức với điều mới mẻ.”
--Epictetus, The Art of Living
Thực tế là trong bất cứ nỗ lực thử sức nào, khi mới bắt đầu không phải lúc nào ta cũng biết mình cần phải làm gì. Ta sẽ vấp ngã, bỏ lỡ thời cơ và thất bại. Rất nhiều lần. Nếu người khác đang theo dõi, có thể ta sẽ bị chế giễu và trêu chọc. Tất cả các khán giả đều im lặng trong suốt màn biểu diễn của Kevin Hart, người được cho là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng nhất hiện nay trong buổi mở mic đầu tiên. Bạn và bất cứ ai mà bạn biết đều vấp ngã khi bước những bước đầu tiên giống như một đứa trẻ. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng ta, giống như Hart, tiếp tục đứng lên, phủi bụi trên áo và cải thiện chính mình.
-
Khởi động thường là phần khó nhất
“Những bước đi đầu tiên hướng đến sự thông thái thường khó khăn nhất, vì tâm hồn yếu đuối và bướng bỉnh của chúng ta khiếp sợ những nỗ lực (mà không có sự bảo đảm chắc chắn phần thưởng) và sự mới lạ.”
-- Epictetus, The Art of Living
Trong bất cứ chương trình tự phát triển nào, phần khởi đầu luôn là phần khó nhất. Nếu bạn chưa từng tập luyện hàng năm trời thì ý tưởng bắt đầu một chương trình chạy bộ nghe thật đáng sợ. Nhưng nếu, mặc cho nỗi sợ hãi, bạn xỏ giày vào chân và lên đường chạy, thì một điều lạ lùng sẽ xảy ra. Vào cuối đường chạy, bạn sẽ cảm thấy như mình vừa có được một thành tựu. Một cảm giác rằng dù cho cảm xúc của bạn có nói gì chăng nữa, thì bạn cũng đã làm điều tốt nhất cho bản thân. Và một điều tuyệt vời hơn nữa xuất hiện; càng làm nhiều thì việc đó sẽ ngày càng dễ dàng và đến cuối cùng, nó sẽ trở thành thói quen thường ngày đối với bạn.
-
Giữ kín kế hoạch của mình
“Ở những nơi công cộng, tránh nói quá nhiều về những thành tựu và nguy cơ của bản thân, vì có thể đối với anh việc kể lể những nguy cơ của mình là chuyện thú vị, nhưng với người khác thì không.”
-- Epictetus, Enchiridon 33.14
Con người là động vật xã hội. Tất cả chúng ta đều nhạy cảm trong việc mong muốn sự công nhận của người khác và vì thế, ta thường cảm thấy cần phải chia sẻ từng chi tiết cụ thể về cuộc sống của mình mà phần lớn chẳng ai thực sự quan tâm. Tệ hơn nữa, nếu bạn cảm thấy cần làm điều này thì rất có khả năng bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Những người khác không phải lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho bạn và sẽ phóng chiếu những trải nghiệm của riêng họ, những thứ không thật sự khớp với cuộc sống của bạn, vào các vấn đề của bạn. Nếu bạn đang đạt được những tiến bộ trong quá trình thực hiện ước mơ của mình, đừng tiêu tốn năng lượng đi khoe với mọi người. Thay vào đó hãy tập trung tạo ra nhiều tiến bộ hơn.
-
Thấu hiểu hạn chế của bản thân
“Tự do không phải là quyền hay khả năng làm bất cứ việc gì anh thấy vui. Tự do đến từ việc thấu hiểu những giới hạn sức mạnh trong anh và giới hạn tự nhiên do Đấng bề trên sắp đặt. Bằng cách chấp nhận những giới hạn cuộc đời và những điều không thể tránh khỏi, rồi chung sống hòa thuận thay vì đấu tranh với nó, chúng ta sẽ được tự do. Mặt khác, nếu chúng ta khuất phục trước những ham muốn thoáng qua với những gì không nằm trong tầm kiểm soát, thì sẽ không còn tự do nữa.”
-- Epictetus
Thứ có thể hỗ trợ Epictetus trong thời điểm ông là nô lệ chính là việc học cách chấp nhận những giới hạn mà tự nhiên đặt ra cho mình. Ông sinh ra với thân phận nô lệ và vì thế, theo luật La Mã, ông là tài sản của một người khác. Cũng có tin đồn rằng chính người chủ này đã làm gãy chân và khiến ông trở thành người tàn tật trong suốt quãng đời còn lại. Ông trải qua tất cả những thăng trầm ấy mà không một lời oán than. Thay vào đó, ông nỗ lực làm việc của mình tốt nhất có thể trong giới hạn của bản thân và sống một cuộc đời vượt trội theo cách riêng của mình. Bằng việc hiểu rõ giới hạn của bản thân (và thúc đẩy chúng!), bạn sẽ không còn là nô lệ cho những lời nói rằng bạn có thể hay không thể làm gì của người khác, và cũng không còn so sánh mình với bất cứ ai nữa. Đây không có ý khuyến khích bạn dùng giới hạn của mình để bào chữa mà hãy dùng chúng để biết được đâu là thứ chẳng đáng để bận tâm. Những hạn chế không còn kiểm soát bạn, chúng dạy bạn đâu là những thứ nằm trong tầm kiểm soát, và đâu là những thứ không.
-
Giữ vững niềm tin
“Lòng trung thành là liều thuốc giải độc cho những cay đắng và bối rối. Nó khẳng định một niềm tin rằng chúng ta sẵn sàng cho bất cứ điều gì thiêng liêng đến với mình.”
– Epictetus, The Art of Living
Định nghĩa Khắc kỷ về niềm tin vừa giống và cũng vừa khác với định nghĩa của tôn giáo truyền thống. Họ không tin vào một thế lực thần thánh đến giải cứu khi họ cần nhất. Mà niềm tin này xuất phát từ việc bạn biết rằng mình đang làm những điều tốt nhất có thể, từ việc chấp nhận những sự việc ngoài tầm kiểm soát và ngừng phán xét chúng. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng càng thực hành công lý và lòng tốt thì chúng sẽ càng tự bộc lộ trong những gì ta làm. Vì vậy hãy giữ vững niềm tin. Tin rằng nếu chúng ta hài lòng với việc đúng đắn mà ta đã làm, thì vũ trụ sẽ lo liệu phần còn lại.
Dịch: TLHTP
Link đặt sách:
https://s.shopee.vn/607cbemS50