Yêu lâu dài có gì vui?

yeu-lau-dai-co-gi-vui

Yêu lâu đâu còn nồng nàn như thuở mới yêu, nhưng bù lại, bạn nhận được nhiều điều quý giá hơn.

Cú va đầu tiên của tình yêu – y như liều thuốc phiện. Não bạn ngập tràn norepinephrine, dopamine, oxytocin. Bạn quắn quéo. Mất ngủ. Bạn nghĩ: "Chính là người ấy!" Cả ngày nhắn tin không ngớt. Gặp nhau là quấn lấy nhau như sam.

Nhưng rồi cái giai đoạn đó cũng qua. Và nó phải qua. Nếu không, bạn sẽ kiệt sức mà nhập viện, hoặc mất việc vì không thể tập trung. Thứ thay thế nó – nếu bạn chịu ở lại – thì không còn phấn khích như phim nữa, nhưng lại chân thật hơn nhiều.

Văn hoá của ta chẳng mấy quan tâm đến điều này. Người ta chỉ kể về lúc mới yêu – mọi thứ lung linh, dễ dàng. Nhưng rồi câu chuyện kết thúc ở nụ hôn đầu, màn đuổi theo nhau ở sân bay, hoặc lúc bạn nghĩ người kia là mảnh ghép hoàn hảo còn thiếu của mình.

Nói thật đi, tình yêu là gì?

Chặng đường dài mấy khi được nhắc tới. Nếu có, thì cũng bị rút gọn thành công thức: "Liệu họ có đến với nhau không?" Ngay cả những phim cố kể tiếp – như When Harry Met Sally, Ross và Rachel, Normal People – cũng chỉ xoay quanh giai đoạn trước khi yêu, những rào cản khiến họ không đến được với nhau. Còn chuyện gì xảy ra sau đó, thì... thôi khỏi.

Nhạc tình còn tệ hơn: toàn là mê đắm, nghiện ngập, "phát điên vì yêu", yêu đến tận cùng, không chút rắc rối. Chúng ta có cả playlist về chuyện bắt đầu yêu, nhưng gần như chẳng có bài nào nói về chuyện giữ tình yêu.

Thế nhưng, giữ được tình yêu mới là phần khó – và cũng là phần hay ho nhất. Đó là lúc cảm xúc mù quáng dần chuyển thành sự gắn bó thật sự. Là lúc niềm vui không còn kiểu "bùng nổ", mà trở nên sâu sắc, ấm áp hơn nhiều.

Yêu lâu chẳng cho bạn cú dopamine mỗi lần gặp mặt người ấy. Điều đó không phải là thất bại – mà là sinh học. Thay vào đó, bạn có lịch sử chung. Có sự kết nối. Có ngôn ngữ riêng không cần nói thành lời. Có một người nhìn thấy bạn rõ mồn một – và vẫn chọn yêu bạn như thế.

Tình yêu giống như rượu vang đỏ...

Rượu trẻ thường đậm đà, nồng nàn, ngọt ngào. Nhưng theo thời gian, rượu ngon trở nên mượt mà, sâu lắng. Tình yêu cũng vậy. Hương vị ban đầu nhạt dần, để lại những tầng cảm xúc phức tạp hơn, tinh tế hơn. Yêu lâu đòi hỏi bạn phải bỏ công nhiều hơn – nhưng nó trả lại nhiều hơn thế.

Ai cũng mê giai đoạn khởi nghiệp: ý tưởng lớn, tự do tung hoành, thức trắng đêm không biết mệt. Rồi đến lúc thực tế ập đến: giấy tờ, đối thủ, lương bổng. Nhưng nếu bạn kiên trì, thì chính lúc ấy bạn mới tạo ra giá trị thật.

Mọi điều có ý nghĩa đều nằm phía bên kia của nỗ lực – từ việc xây dựng sự nghiệp, giữ dáng, nuôi con nên người. Muốn trái ngọt? Phải ở lại. Tình yêu dài hạn giống như lãi kép, không phải trúng số.

Ta đâu có yêu đội bóng vì họ thắng mãi. Ta yêu vì hành trình cùng họ. Và khi chiến thắng đến, nó ngọt hơn bao giờ hết.

Yêu dài lâu là làm vườn quanh năm. Xới đất, gieo hạt, tưới nước, cắt tỉa, nhổ cỏ, rồi chờ. Có những giai đoạn chẳng thấy gì cả. Nhưng rồi xuân sang, hạ tới – và khu vườn bung nở.

Hay tình yêu cũng giống như học chơi nhạc cụ. Niềm vui chỉ tới khi bạn đã luyện ngón, biết rằng sẽ chẳng dễ dàng. Hoặc như học ngoại ngữ: ban đầu học vài câu thấy "ngon", tưởng mình siêu rồi. Nhưng rồi chững lại. Chỉ khi kiên trì, bạn mới chạm được đến chỗ có thể diễn tả đúng điều mình muốn nói.

Yêu lâu dài cũng thế – không phải chuyện phấn khích, mà là chuyện thấu hiểu. Kiểu tình yêu ấy không ban thưởng liền tay. Nhưng phần thưởng lại đáng giá hơn. Bạn bớt tìm kiếm kịch tính, và bắt đầu tận hưởng chiều sâu.

Image: Lordn/Shutterstock

Chuyện hôn nhân ít khi được kể.

Văn hóa đại chúng chỉ cho ta hai lựa chọn: hoặc là tình yêu lý tưởng, hoặc là chán như cơm nguội. Những mối quan hệ lâu dài hay bị mô tả như nhà tù chung thân, như kiểu Don và Betty Draper trong Mad Men, hay Tony Soprano với vợ, hoặc Rose sau khi Jack chìm xuống đại dương.

Gần như không có câu chuyện nào kể về việc ở lại. Xã hội ngày nay tôn thờ cái mới, cái lựa chọn. Cái gì cũng có thể thay – từ điện thoại đến người yêu. "Biết đâu ngoài kia còn cái gì tốt hơn?" Hôn nhân nhìn vào là thấy tù túng. Phải thỏa hiệp. Đôi khi là thất vọng. Nhưng chúng ta cứ tin rằng phải đi theo "niềm đam mê", "tiếng gọi vũ trụ", đúng không?

Sự thật là: ta đang bị bán cho một giấc mơ sai – rằng yêu đích thực thì phải dễ dàng, rằng người đúng thì không bao giờ khiến ta khó chịu, rằng mâu thuẫn là dấu hiệu của "không hợp". Nhưng nghịch lý là: cam kết không phải cái bẫy – mà là động cơ. Người đi được đường dài – trong công việc, trong cuộc sống, trong tình yêu – là những người chọn ở lại và dấn thân. Tình yêu được tạo nên từ chính công sức bạn bỏ ra. Thành quả nằm bên kia nỗ lực. Giống như tập gym. Tình yêu không phải hoá học, mà là vật lý.

Phần thưởng của tình yêu lâu dài

Tình yêu dài lâu vất vả thật – nhưng không phải kiểu mệt mỏi đuối sức. Nếu một mối quan hệ độc hại – hãy rời đi. Nhưng đừng nhầm nỗ lực với thất bại. Trong mọi mối quan hệ tốt, sẽ có lúc bạn phải làm nhiều hơn, nhịn bớt đi, hoặc chở con đi học bơi thay vì đi uống bia với bạn.

Yêu lâu không "vui" như kiểu tình đầu cháy bừng dopamine. Nó đòi hỏi bạn nhiều hơn. Nhưng cũng cho bạn nhiều hơn. Bạn cãi nhau giỏi hơn và làm lành nhanh hơn. Biết khi nào nên lùi, khi nào nên tiến. Hai đứa bắt đầu cười vì những chuyện ngớ ngẩn giống nhau. Tình yêu giờ đây không còn pháo hoa – mà giống như cái máy sưởi mùa đông: không chói lóa, nhưng ấm suốt cả ngày.

Bạn giúp nhau trưởng thành, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình – cùng nhau, qua mọi mùa cuộc sống.

Nhưng không có gắn kết nếu không có va chạm. Không có chiều sâu nếu không có thời gian. Không thể nói hết lòng mình nếu chưa từng hiểu lầm. Đây không phải chuyện chấp nhận, mà là tiến hoá. Là đầu tư: bạn bỏ vào càng nhiều, lãi về càng lớn. Và nếu bạn kiên trì, sẵn sàng luyện tập, bạn không chỉ có một tình yêu "vui" – mà có một tình yêu vững.

Dữ liệu ủng hộ điều này: người có gia đình, trung bình sống lâu hơn, khá giả hơn, và hạnh phúc hơn về lâu dài. Nếu bạn thật sự may mắn, sẽ có một ngày bạn nhìn lại mọi thăng trầm, và nhận ra: "Mình vẫn sẽ chọn người ấy – một lần nữa." Đó không phải là "vui". Đó là phép màu.

Nguồn: Long-Term Relationships Are No Fun | Psychology Today

menu
menu