Những điều đàn ông phàn nàn về phụ nữ cách đây 50 và 100 năm

nhung-dieu-dan-ong-phan-nan-ve-phu-nu-cach-day-50-va-100-nam

Dường như chưa bao giờ trong lịch sử, đàn ông và phụ nữ lại có cái nhìn u ám về nhau đến vậy.

Dường như chưa bao giờ trong lịch sử, đàn ông và phụ nữ lại có cái nhìn u ám về nhau đến vậy. Phụ nữ than rằng thế giới giờ chẳng còn người đàn ông đúng nghĩa, rằng đàn ông thời nay chẳng khác gì một bầy con trai thô lỗ, lạc lối và thiếu trưởng thành, chỉ biết sống buông thả và không muốn cam kết điều gì. Ngược lại, đàn ông thì buồn bã cho rằng phụ nữ hiện đại là thế hệ tệ hại nhất mà nhân loại từng chứng kiến – nông nổi, thô kệch và đỏng đảnh, mà điển hình là hai kiểu chẳng ai ưa nổi: những chiến binh công lý giận dữ và những nàng công chúa đòi hỏi vô độ.

Vậy có phải con người chúng ta thật sự đã thoái hóa từ một thời vàng son trong quá khứ, nơi mà phụ nữ đúng chất là phụ nữ, còn đàn ông thì là những quý ông đích thực?

Tuy trang The Art of Manliness luôn mang đậm nét hoài cổ, cả trong thẩm mỹ lẫn trong cách khai thác bài học từ lịch sử, nhưng chính vì dành nhiều thời gian nghiên cứu quá khứ mà chúng tôi hiểu rõ điều gì là thật, điều gì chỉ là ảo tưởng về “ngày xưa tươi đẹp”. Với tư cách là một người sưu tầm sách cổ, tài liệu cũ và các tạp chí đàn ông xưa, tôi có cơ hội hiếm hoi để nhìn thấu cách mà đàn ông ngày trước từng cảm nhận và phàn nàn về phụ nữ. Và sự thật là: chưa bao giờ trong lịch sử mà đàn ông không than phiền về phụ nữ (và ngược lại, phụ nữ cũng chẳng ngừng phàn nàn về đàn ông).

Một số lời phàn nàn trong quá khứ là đặc trưng của thời đại đó, nhưng phần lớn trong số chúng lại lặp đi lặp lại một cách đáng ngạc nhiên theo năm tháng. Thật ra, những điều được bàn tán trên các diễn đàn “red pill” hiện nay, cả về nội dung lẫn giọng điệu, đều đã từng xuất hiện trong các tạp chí dành cho nam giới vào những năm 40, 50, 60.

Không tin ư? Vậy hãy cùng điểm qua vài trích đoạn tiêu biểu (đã rút gọn độ dài) từ sách báo và tạp chí, không chỉ trong thời kỳ "vàng son" giữa thế kỷ trước, mà còn từ tận thế kỷ 19, để xem đàn ông xưa kia từng phàn nàn gì về phụ nữ.

Những điều đàn ông phàn nàn về phụ nữ từ hơn 50 năm trước

Trong số tháng 9 năm 1946 của tạp chí PIC, tạp chí dành cho nam sinh đại học, các nữ sinh đã chia sẻ những điều khiến họ không hài lòng về phong cách và hành xử của các bạn nam cùng trường. Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ vừa kết thúc năm trước, và phần lớn nam sinh trong trường là cựu binh. Vì vậy, lời phàn nàn chủ yếu xoay quanh việc các chàng trai không ăn mặc chỉn chu, nhiều người vẫn mặc quần áo quân đội khi đến lớp. Họ thường xuyên xuất hiện với chiếc áo thun phát từ thời chiến, mà theo các cô gái thì trông chẳng khác gì đồ lót. Quần jean cũng là một mốt mà các nàng không mấy ưa thích. Ngoài ra, họ còn than phiền rằng các chàng trai uống quá nhiều rượu, hẹn hò không báo trước, và lúc nào cũng thích tụ tập với đám bạn trai hơn là giao lưu cùng các cô gái.

Trong số tiếp theo của PIC, cánh đàn ông đã có dịp lên tiếng. Họ chủ yếu phàn nàn về những cô nàng quá chăm chút ngoại hình, đánh phấn tô son kỹ lưỡng đến mức “tốn công tốn của”. Bên cạnh đó, họ cũng tỏ ra không hài lòng với những cô gái vẫn còn giữ phong cách “đậm chất đàn ông” thời chiến, kiểu thời trang của những nàng “Rosie the Riveter” mạnh mẽ, cá tính, nhưng cũng khiến nhiều chàng cảm thấy lạc lõng trong vai trò của mình.

“Những Lời Than Trên Giảng Đường”
Từ tạp chí PIC, năm 1946

Khi chúng tôi bật đèn xanh để các nữ sinh thoải mái bày tỏ suy nghĩ về cách ăn mặc và cư xử của cánh nam sinh trong số tháng Chín của PIC, chúng tôi tưởng rằng những lời bình phẩm cay nghiệt ấy sẽ khiến các chàng trai im bặt không dám ho he. Nhưng chúng tôi đã lầm. Đám con trai chẳng những không im lặng, mà còn xắn tay áo lên và đáp trả mạnh mẽ. Tóm gọn trong hai chữ: “Ờ hén!” Thôi được, các chàng trai, chúng tôi xin rút lui, giương cờ trắng, nhường lại sân khấu cho các anh. Mời lên tiếng.

Một sinh viên từ Đại học Rutgers, cơ sở Newark, phản pháo:
“Họ thích đàn ông cạo râu sạch sẽ! Nhưng ngay cả khi để râu ba ngày, tụi tôi cũng chưa chắc đã tệ như họ khi tô trét lớp son phấn trên mặt. Hồi học tiểu học, tôi được dạy rằng với bất kỳ món đồ gỗ nào, hai lớp sơn là đủ!”

Một anh chàng khác lên tiếng: “Chẳng chàng nào còn cơ hội với mấy cô hội chị em nữa, vì sau buổi hẹn hò là họ ngồi tụm lại để ‘so sánh ghi chú’ với nhau.”

Lại có người bày tỏ: “Hẹn hò trong phòng khách giờ tuyệt chủng rồi, bây giờ nếu đi chơi với một cô gái, thì xác định ‘viêm màng túi’ hai tuần là ít.”

Một nhóm khác thì rên rỉ vì vấn đề son môi: “Ước gì các cô chịu mang theo khăn giấy để lau son trước khi hôn, thật chẳng vui gì khi phải loay hoay cạo đống phấn kem khỏi cổ áo tụi tôi.”

Một sinh viên năm ba ở Đại học New York mô tả đầy hình ảnh: “Cái kiểu mặc quần jean và áo sơ mi nam giới của mấy cô gái làm tôi phát ngán. Trông cứ như một nhóm tị nạn vừa bị đánh bom, đang lang thang đổi chác lấy một hộp thịt hộp Spam vậy.”

Trường Bergen cũng nhập cuộc: “Tôi ước các cô hiểu rằng phần lớn chúng tôi thuộc Câu lạc bộ 65-12, mỗi tháng chỉ có 65 đô trong 12 tháng, trợ cấp từ Luật G.I. Nhưng nhìn cách họ gợi ý hẹn hò ở mấy chỗ như Stork Club thì chắc họ không biết điều đó đâu.”

Một anh chàng khác thì bức xúc vì mấy cô “chiếm chỗ trong lớp học mà đáng lẽ nên dành cho các cựu binh”: “Nếu mục đích đến trường chỉ để kiếm chồng thì tốt nhất là ở nhà. Tụi tôi sẽ tìm được họ thôi.”

Cả một danh sách dài những điều khiến cánh đàn ông nhức mắt, đau lòng:

“Đường ranh rõ mồn một giữa lớp trang điểm và làn da thật, quần tây làm lộ hết khuyết điểm, lớp phấn dày cộm phải đào bới mới hôn được, lông mày nhổ đến chỉ còn vệt mảnh như sợi chỉ, lắc chân leng keng như chuông bò, móng tay sơn loang loáng chói lòa, tóc bết và chưa gội, tóc nhuộm chưa đều màu, quần jean, đặc biệt là kiểu gấp một ống, và son môi dính đầy trên răng.”

Một sinh viên năm cuối thì đưa ra lời khuyên đắt giá cho ai đang thất tình: “Một cô gái cứ khăng khăng kéo mui xe lên chỉ vì sợ gió làm rối tóc tôi thì khỏi mơ đến buổi hẹn thứ hai.”

Một anh chàng khác thì liệt kê những điều khiến mình muốn ngủ gục: “Gái nào cứ nói về ‘người kia’, đọc truyện tình thay vì đọc báo, kiểu phụ nữ ‘nắm quyền mẫu hệ’, hoặc kiểu xem mình như anh trai ngay từ buổi hẹn đầu tiên, nghe là chán ngán đến tận cổ.”

Tại Stanford, danh sách những điều không ưa bao gồm: Giày không mang tất hay vớ, dép gỗ kiểu Hà Lan, áo sơ mi trắng nam giới mua từ đâu đó và mặc rộng thùng thình với quần jean bó sát, tóc tết hai bên, thắt lưng bản to đính đinh tán, mũ trùm đầu phối với mũ dạ đi mưa, các cô gái mà lúc đi dự tiệc thì rạng rỡ lung linh đến mức nhìn ngoài sân trường chẳng nhận ra nổi, và mấy đôi giày saddle-shoes trông như thể vừa mới lội đêm qua dưới lòng suối Rossetti.

Và đây, một chút dịu dàng giữa những lời than phiền.“Dù có nhiều tật xấu, thì tụi tôi vẫn chọn con gái Mỹ hơn là phụ nữ nước ngoài”- đó là lời khẳng định không chút ngập ngừng từ các nam sinh đại học Mỹ, kèm theo một câu chắc nịch: “Và tôi nói điều này là có cơ sở đấy.” Trải nghiệm ở các bến cảng ngoại quốc đã khiến họ tin rằng những cô Susie College, cô gái học đường Mỹ, chính là “người đẹp nhất, ngọt ngào nhất, trong sáng và thông minh nhất trên đời, dù cô ấy chẳng phải là người hợp tác nhất.” Hầu hết bọn họ sẽ sẵn sàng quỳ dưới chân nàng, chỉ cần nàng tránh xa... quần dài. “Xin đừng mặc quần!”

Bài viết dưới đây thực ra cũng xuất hiện trong chính số PIC năm 1946, nhưng lại là một tiếng nói phản biện với quan điểm rằng phụ nữ Mỹ là nhất. Tác giả tiếc nuối vì sau chiến tranh, sự độc lập mà phụ nữ đã giành được vẫn chưa hề được buông bỏ hoàn toàn.

“Tôi phát ngán với mấy cô gái sự nghiệp”
Từ tạp chí PIC, năm 1946

Xin đừng vội coi đây là bản cáo trạng dành cho toàn bộ phụ nữ Mỹ. Bởi lẽ, hẳn vẫn còn đâu đó trên đất nước tươi đẹp này những người phụ nữ còn giữ nguyên nét duyên dáng của bà ngoại ta thuở xưa, thuở của những ngày thơm hương oải hương và viền ren mỏng manh. Thế nhưng, ngày càng có một bộ phận phụ nữ đang hăng hái chứng minh rằng thế giới này là của họ và mặc kệ những người lính từng dãi dầu lửa đạn, giờ chỉ mong tìm lại bản ngã ở một nơi nào đó không dán biển “Nhà vệ sinh nam”.

Tôi đang nói đến những cô gái Mỹ thông minh, sắc sảo, những “quý cô sự nghiệp”, nếu được phép dùng lại một cụm từ đã sáo mòn. Chính sự độc lập về tài chính đã cho họ cơ hội gạt bỏ khỏi từ điển của mình hai chữ “nữ tính”. Mà nói đến sự nữ tính thì, ôi thôi, thế hệ phụ nữ hiện nay quả thật khiến người ta tiếc nuối. Được đào tạo bài bản để làm việc từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều như những nhân viên mẫn cán, họ đã trở thành một đội ngũ những người mẫu chỉn chu, sắc sảo mà lạnh lùng, mỗi người như một bộ phận máy móc, thiếu hẳn sự ấm áp và nét duyên riêng. Còn về phép tắc xã giao ư? Xin lỗi, nghe cứ như chuyện hài.

Ngày trước, các cô gái Mỹ từng tức điên khi nghe lính Mỹ ca ngợi những người phụ nữ họ gặp ở Úc, Pháp hay Ý. “Họ có gì mà tụi mình không có?”, các cô phẫn nộ hỏi. Và câu đáp thường là: “Không có gì cả, nhưng mấy cô bên đó lại có cái đó ở ngay đây.” Đáng tiếc thay, câu nói ấy là một sự nhầm lẫn lớn. Bởi như một phóng viên chiến trường từng nhận xét, phụ nữ châu Âu vượt trội hơn phụ nữ Mỹ ở chính những điều nhỏ nhặt, tinh tế, những phép tắc thường thấy mà phụ nữ nên thể hiện nơi công cộng.

Vài ngày trước, tôi gặp lại một người bạn cũ, anh ấy chia sẻ với vẻ hoài nghi về cuộc hôn nhân được gắn kết giữa thời chiến của mình. Anh từng phục vụ ở nước ngoài suốt ba năm ròng rã, và giờ đây, anh mới nhận ra rằng chuyện “tái hòa nhập” chẳng dễ dàng gì. Vợ anh, người trước đây chưa từng đi làm, hiện đang có một công việc rất tốt ở một công ty quảng cáo danh tiếng. Trong thời gian anh ở châu Âu, cô ấy đã chủ động thuê một căn hộ, được cho là một cử chỉ chu đáo để chuẩn bị tổ ấm chờ chồng trở về. Nhưng dù anh đã giải ngũ được nửa năm, cuộc sống gia đình lại chẳng hề ấm êm như anh từng mơ tưởng. “Nghe có vẻ nhỏ nhặt thật,” anh nói, “nhưng mỗi lần vợ tôi nhắc đến căn hộ ấy, cô ấy lại gọi đó là ‘căn hộ của tôi’, ‘bộ bàn ghế của tôi’, ‘kệ sách của tôi’. Nghe mãi mà phát bực. Chưa bao giờ tôi nghe thấy từ ‘tổ ấm của chúng ta’.”

Dẫu là chuyện tưởng nhỏ, nhưng cách dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít ấy lại cho thấy một điều lớn hơn: phụ nữ Mỹ đang ngày càng coi mình là một cá thể hoàn toàn độc lập, tự do khỏi cái gánh nặng phiền toái mang tên “người đàn ông trong quần dài”.

Thế kỷ giữa 1900 là thời mà đàn ông phàn nàn rất nhiều về việc phụ nữ trở nên độc lập hơn, nhưng ngược lại, những người vợ yếu đuối, dựa dẫm hoàn toàn vào chồng cũng chẳng phải kiểu phụ nữ lý tưởng. Điều đó được nói rõ trong bài viết “Nỗi Sợ Nữ Giới Trói Buộc Đàn Ông” đăng trên tạp chí True: The Man’s Magazine vào năm 1965.

“Nỗi sợ nữ giới trói buộc đàn ông”
Từ tạp chí True: A Man’s Magazine, năm 1965

Tôi từng quen một người làm việc ở ngân hàng vùng Trung Tây. Gọi anh ấy là Pete. Pete không hề hạnh phúc với công việc đó. Yêu hay ghét công việc mình làm, phần lớn tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Nhiều người đàn ông khác có thể thấy thích thú với công việc mà Pete đang làm. Nhưng Pete là một kiểu đàn ông khác — một tâm hồn khát khao điều gì đó mãnh liệt hơn. Với anh, công việc ấy quá an toàn, quá yên ổn, quá thiếu thử thách. “Tôi cảm thấy mình không còn sống nữa ở cái chỗ này,” Pete thường buồn bã nói với tôi như thế.

Pete luôn khao khát một cuộc sống sống động hơn, một điều gì đó buộc cả cơ thể lẫn tinh thần phải chuyển động, một hành trình có chút hiểm nguy, dù chỉ là cái nguy cơ… cháy túi. “Chỉ cần thấy mình có thể phá sản cũng đủ khiến tim đập mạnh rồi,” anh từng đùa như vậy. Nhưng năm này qua năm khác, Pete vẫn bám trụ ở ngân hàng bởi anh còn có vợ con phải lo.

Rồi một ngày nọ, có một ông cụ tóc bạc, khỏe khoắn bước vào ngân hàng mang theo một tia hy vọng. Ông muốn nghỉ hưu và tìm người mua lại cửa hàng nhỏ chuyên sửa thuyền và cho thuê bến đậu bên hồ Great Lakes.

Pete vồ lấy cơ hội ấy như người khát vớ được gáo nước mát. Một trong những lãnh đạo ngân hàng, có lẽ cũng từng nuôi một giấc mộng tương tự, đã nói với Pete rằng ngân hàng hoàn toàn thông cảm nếu anh muốn nghỉ việc, thậm chí sẵn sàng sắp xếp khoản vay để anh có thể mua lại cửa hàng đó. Trong vài tuần sau đó, khi đang chuẩn bị cho bước ngoặt lớn của đời mình, Pete như hồi sinh. Đôi mắt anh ánh lên một tia sáng khác lạ, một sự sống.

Rồi giấc mơ vỡ tan.

Vợ Pete tuyên bố thẳng thừng rằng cô sẽ không dính dáng gì đến cái “ý tưởng điên rồ” ấy. Cô yêu sự an toàn mà công việc ngân hàng mang lại. Thật lòng, cô thà sống cả đời trong một lối mòn êm ái còn hơn là nhô đầu ra khỏi vùng an toàn để bước vào một thế giới rộng lớn mà bấp bênh.

Pete hiểu đủ rõ về luật ly hôn và chia tài sản để biết rằng vợ anh nắm toàn quyền quyết định. Nếu anh bỏ đi, tự mình điều hành cửa hàng thuyền, thì tiền trợ cấp sau ly hôn sẽ khiến mọi dự định tài chính của anh trở nên phức tạp đến nghẹt thở. Cuối cùng, anh đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ. Ngày nay, Pete vẫn làm công việc cũ, tất cả chỉ vì vợ anh sợ… mất sự an toàn.

Phụ nữ sợ rất nhiều thứ. Nỗi lo tài chính chỉ là một phần nhỏ. Họ sợ vất vả thể xác, sợ nguy hiểm, sợ bệnh tật, sợ bóng tối, sợ thằn lằn, chuột, côn trùng, kể ra thì không ít. Điều này cũng có thể hiểu được, bởi bản tính phụ nữ vốn được “lập trình” để cảm nhận nỗi sợ sâu sắc hơn nhiều so với lý trí. Và đàn ông, thực ra, cũng chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó.

Nhưng khi những nỗi sợ ấy bắt đầu ngăn cản đàn ông sống đúng với khát vọng của mình, thì đã đến lúc phải bấm còi, đến lúc đàn ông cần tuyên bố quyền độc lập trước những nỗi lo nữ giới!

Đây không còn đơn thuần là câu chuyện về niềm vui hay giấc mơ cá nhân của đàn ông nữa, mà là câu chuyện về bản sắc của cả một dân tộc. Vợ Pete không chỉ tước đi cơ hội sống trọn vẹn của Pete, mà còn góp phần làm xói mòn một phần khí chất từng khiến nước Mỹ trở nên mạnh mẽ. Nhân lên những người như vợ Pete thành hàng triệu, ta sẽ có một thế hệ tư duy "an toàn là trên hết", một thứ triết lý khiến tinh thần dám nghĩ, dám làm của quốc gia này dần rệu rã.

Phụ nữ ngày càng để nỗi sợ của mình lan tỏa vào đời sống chung của cả đất nước. Chúng ta đang dần trở thành một quốc gia của những nhân viên công sở trong các tập đoàn lớn, những người đàn ông như Pete, sống trong công việc an toàn nhưng hoàn toàn xa lạ với vinh quang hay phiêu lưu. Phụ nữ không đáng phải chịu mọi trách nhiệm cho điều đó, nhưng họ chắc chắn không thể vô can.

Phụ nữ vốn là người giữ lửa cho tổ ấm, người giữ mái nhà luôn yên bình. Nhưng khi nỗi ám ảnh về sự an toàn trở thành một tấm chăn êm phủ lên tất cả, thì chính tấm chăn ấy cũng đang dập tắt không ít điều quan trọng khác, mà một dân tộc cần để sống… chứ không chỉ để tồn tại.

Những điều đàn ông phàn nàn về phụ nữ cách đây hơn 100 năm

Nếu giữa thế kỷ 20 không hẳn là thời kỳ vàng son trong mối quan hệ giữa nam và nữ, thì có lẽ ta cần quay ngược xa hơn nữa, về tận thế kỷ 19. Biết đâu phụ nữ thời ấy thực sự dịu dàng, đoan trang như những ngày của hương oải hương và váy ren bay lượn? Nhưng tiếc thay, sự thật là ngay cả khi ấy, đàn ông vẫn có những lời than phiền về phái đẹp.

Trong cuốn sách "Girls: Faults and Ideals" xuất bản năm 1892, tác giả James Russell Miller đã đặt một câu hỏi cho “một nhóm các chàng trai trẻ theo đạo Cơ Đốc”:
“Theo các anh, những khuyết điểm thường gặp nhất ở các cô gái trẻ là gì?”
Ông sau đó đã gom góp câu trả lời và chắp bút thành một cuốn sách mỏng.

“Những thiếu sót và lý tưởng của cô gái trẻ”, 1892
Tác giả: James Russell Miller

Nhiều người viết đã nhắc đến chuyện ăn mặc. Một người cho rằng: “Có quá nhiều cô gái trẻ dành gần như toàn bộ thời gian chỉ để chăm chút ngoại hình. Họ chẳng màng đến điều gì khác.” Người khác lại nói: “Tình yêu quá đà dành cho quần áo, khao khát vượt trội bạn bè về mặt thời trang” là một trong những lỗi thường thấy nhất, và rằng nó đã đẩy không ít cô vào con đường hủy hoại. Một người nữa nhận xét: các cô thường chọn những màu sắc quá chói lọi để thu hút ánh nhìn, và nếu họ biết dành ít thời gian hơn cho mua sắm, thay vào đó là làm điều gì có ý nghĩa, chẳng hạn như khiến mái nhà trở nên ấm áp hơn cho cha mẹ và anh em, thì hẳn sẽ tốt đẹp biết bao.

Một lỗi khác được nhiều người nhấn mạnh là sự thiếu nghiêm túc trong đạo đức. Một chàng trai viết: “Tính phù phiếm xuất phát từ việc không có mục đích sống rõ ràng. Ngay cả những bổn phận thiêng liêng cũng bị làm lu mờ bởi sự hời hợt ấy. Những năm tháng đẹp nhất của đời người bị phung phí vào chuyện tán gẫu nhạt nhẽo, đọc những tiểu thuyết lãng mạn vô bổ, rơi nước mắt vì những nhân vật hư cấu trong khi những con người ngoài đời thực lại chết đi chỉ vì thiếu một lời cảm thông.” Người khác cũng đồng tình: “Sự nông cạn trong suy nghĩ, thiếu định hướng rõ ràng.”

Một người viết thẳng: “Dành quá ít thời gian để suy ngẫm, chuẩn bị cho những trách nhiệm lớn lao của cuộc đời. Nói cách khác: cách hành xử hời hợt, suy nghĩ nông cạn và lời nói thiếu chiều sâu là ba lỗi đáng chú ý ở nhiều cô gái trẻ.” Anh tha thiết kêu gọi các cô hãy sống nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn: “Chỉ khi biết rèn luyện bản thân và tự trau dồi nhân cách, người phụ nữ trẻ mới có thể đạt được vẻ đẹp đích thực trong tâm hồn.”

Một người khác thì gọi tên lỗi ấy là “thiếu bản lĩnh và sự quyết đoán”, và than rằng trong những lúc “đáng lẽ phải đứng vững như đá”, các cô lại mềm yếu và buông xuôi. Anh nói thêm: “Những cô gái của đất nước này có trong tay quyền lực rất lớn, quyền định hình cuộc đời của những người đàn ông trẻ, hoặc theo hướng thiện lành, hoặc đầy lầm lạc.”

Một số lá thư khác phàn nàn rằng những cuộc trò chuyện của các cô gái thường chỉ toàn là chuyện tào lao, ngồi lê đôi mách; hay phê phán người vắng mặt, rồi lại hồ hởi tay bắt mặt mừng, ôm hôn người ấy khi họ vừa bước vào sau đó một phút.

Một chàng trai buồn rầu nhắc đến sự “thiếu tôn kính với những điều thiêng liêng” mà anh thấy ở một số cô gái trẻ. Anh kể mình đã từng chứng kiến họ thì thầm trong nhà thờ và lớp học Kinh Thánh, cả khi đang giảng đạo, thậm chí lúc đang cầu nguyện, và không ít lần thấy những hành động thiếu thành kính khác.

Nhiều người khác chỉ ra lỗi “thiếu kính trọng người lớn tuổi, nhất là với cha mẹ.” Một chàng trai viết: “Biết bao lần lời khuyên chân thành của cha mẹ bị gạt đi, chỉ vì nó trái với sở thích hay ý thích thoáng qua của các cô! Một cô gái cứ muốn sống đúng mốt, lúc nào cũng phải ăn mặc chỉn chu và sẵn sàng tiếp khách, thì chính người mẹ hiền của cô phải gánh biết bao vất vả và hy sinh cho sự phù hoa ấy!”

Một người viết khác thì chỉ ra sự bất cẩn trong việc giữ gìn danh dự: “Nhiều cô gái không mấy để tâm đến danh tiếng của mình. Họ kết giao với những thanh niên có đạo đức đáng ngờ. Trên phố, họ nói chuyện quá lớn tiếng khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Họ cư xử một cách khiến cho những gã trai thiếu đứng đắn phải chú ý, thậm chí dám bắt chuyện, ve vãn.” Theo anh, chính vì những điều đó, một số cô gái đã tự làm tổn hại danh dự của mình và có thể, cả linh hồn mình nữa.

Một lá thư khác, đến từ một chàng trai sâu sắc, chỉ ra một lỗi ít ai nghĩ tới: “thiếu quan tâm đến sức khỏe bản thân” ở nhiều cô gái. Một người khác chỉ ra một lỗi duy nhất: “thiếu nhiệt huyết sống, vui tươi nhưng chân thành.” Người khác lại viết: “nông nổi, bất cẩn, và thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác.” Một người than thở rằng nhiều cô gái “quá yếu đuối, quá lệ thuộc, đến mức có nguy cơ trở thành hiện thân sống động cho câu ngạn ngữ chua cay: ‘Tốt đến mức... chẳng làm được việc gì nên thân.’”

Thế nhưng, một người khác lại tỏ ra lo lắng về điều ngược lại: anh ngại về xu hướng nhiều cô gái trẻ ngày càng trở nên độc lập, mạnh mẽ, tự tin đến mức… chẳng cần ai che chở nữa.

____

Sau khi xuất bản Girls: Faults and Ideals, Miller tiếp tục cho ra đời cuốn sách nối tiếp mang tên Young Men: Faults and Ideals — trong đó, ông đặt câu hỏi ngược lại cho các cô gái trẻ: “Theo bạn, những khuyết điểm thường thấy nhất ở các chàng trai là gì?” Và câu trả lời từ phái nữ thật không nhẹ nhàng chút nào.

Những lời phàn nàn hàng đầu bao gồm:

— Tự phụ, với kiểu tự mãn lạnh lùng, tự cho mình đáng được ngưỡng mộ mà chẳng cần nỗ lực gì để xứng đáng với điều đó.
— Hay cáu kỉnh, gắt gỏng, ích kỷ, và thiếu tôn trọng phụ nữ: “Thời nay, sự lịch thiệp và phong thái quý ông xưa kia ở các chàng trai dường như đã phai nhạt.”
— Xem phụ nữ như công cụ giải trí, hoặc ngược lại, đặt phụ nữ lên bệ thờ, lý tưởng hóa đến mức không thực tế.
— Chìm đắm trong thói hư tật xấu, thiếu tinh tế và phép tắc, và đặc biệt là: thiếu can đảm và khát vọng.

Một cô gái than thở: “Dù có cơ hội và năng lực, họ lại uổng phí cuộc đời chỉ vì không hiểu được mục đích và ý nghĩa thật sự của sống.”

Người khác viết: “Quá nhiều người trong số họ chẳng có hoài bão lớn lao nào cả. Mục tiêu cao nhất chỉ là ăn mặc bảnh bao và trở thành tâm điểm ở những buổi tiệc. Họ chẳng có chút năng lượng nào để tự xây dựng giá trị bản thân.”

Một cô khác gọi tên lỗi thường thấy ở nam giới là sự mê đắm tiện nghi: “Chỉ cần bề ngoài có vẻ ổn, họ liền cảm thấy hài lòng mà không cố vươn xa hơn.” Một người bày tỏ tiếc nuối: “Họ dành thời gian cho đủ trò vui chơi giải trí, nhưng lại chẳng mảy may quan tâm đến việc học hành hay đọc sách có ích. Nhiều người không hề có mong muốn tự hoàn thiện mình.”

Nhiều người cho rằng thanh niên ngày nay không còn là mẫu đàn ông cứng cỏi như trước, mà đang dần trở nên yếu đuối, uể oải, thiếu ý chí để dũng cảm chiến đấu giữa dòng đời.

“Đó chính là hiểm họa của những thời kỳ yên ổn, khi mọi thứ diễn ra quá êm đềm…”

Lời kết

Nếu ta muốn, có thể lần theo dòng lịch sử xa hơn nữa, tìm thấy những lời phàn nàn của đàn ông về phụ nữ từ tận thời cổ đại.

Nhưng tất cả những điều này không hẳn chứng minh rằng phụ nữ (hay đàn ông) đã tệ đi theo thời gian. Việc những lời than phiền lặp đi lặp lại không có nghĩa là mức độ của các vấn đề đó không hề thay đổi. Chẳng hạn, vào những năm 1920, người ta từng kêu ca rằng các điệu nhảy như Lindy Hop hay Charleston quá khiêu gợi và thô tục. Ngày nay, người ta cũng phàn nàn tương tự về bumping-n-grinding. Dù nội dung lời phê bình có vẻ giống nhau, nhưng rõ ràng mức độ của sự phô diễn đã vượt xa.

Dù phụ nữ có thực sự “tệ hơn” theo thời gian hay không, thì có một điều không đổi: đàn ông chưa bao giờ thật sự hài lòng với phụ nữ, so với bối cảnh thời đại mà họ đang sống. Họ luôn thấy điều gì đó ở phụ nữ là chưa đủ — hoặc quá lệ thuộc, nông cạn; hoặc quá độc lập, lấn át.

Sự thật này có thể dẫn đến hai hướng suy nghĩ: Một là cảm thấy chán nản, và cho rằng nam nữ vốn dĩ không thể hòa hợp, rằng đàn ông nên tránh dính líu đến phụ nữ càng ít càng tốt...

Mặt khác, nhận ra rằng ta không phải đang sống trong một thời kỳ đặc biệt tệ hại, không phải gánh chịu những nỗi khổ chưa từng có của các thế hệ đàn ông trước, lại là một điều gì đó vừa nhẹ nhõm, vừa an ủi. Khi hiểu rằng những va chạm giữa đàn ông và phụ nữ xưa nay vẫn thế, ta sẽ không còn xem chúng là vấn đề nan giải của riêng thời hiện đại, mà thấy đó đơn giản chỉ là một phần của kiếp người, điều mà con người hoàn toàn có thể thấu hiểu và cùng nhau vượt qua.

Bởi suy cho cùng, dẫu có những khiếm khuyết, thì ở bất kỳ thời đại nào, vẫn có biết bao cặp đôi đã xây đắp được một mối quan hệ hạnh phúc, viên mãn. Và dĩ nhiên, cũng có không ít mối tình đã tan vỡ qua bao thế kỷ.

Vậy nên, có lẽ những thành công hay thất bại trong tình cảm thời nay không hẳn đến từ chuyện "đàn ông thời nay" hay "phụ nữ thời nay", mà đến từ những phẩm chất vượt thời gian của mỗi cá nhân. Từ xưa đến nay, đàn ông luôn thấy hạnh phúc khi chọn được người phụ nữ biết nuôi lớn cái đẹp trong mình và học cách làm dịu đi những điều chưa trọn vẹn, và luôn thấy bất hạnh khi gắn bó với người làm điều ngược lại. Phụ nữ cũng vậy, hạnh phúc hay khổ đau vẫn luôn gắn liền với việc họ chọn ai làm bạn đồng hành.

Thật ra, những điều ta thường khen ngợi hay phê phán ở người khác giới, nếu nhìn kỹ, lại là những phẩm chất, tốt và xấu, thuộc về con người nói chung, chứ không hẳn là riêng của nam hay nữ. Nam giới và nữ giới cùng nỗ lực để trở nên tốt hơn, và cùng có nguy cơ sa vào những yếu đuối giống nhau, chỉ là cách thể hiện có thể khác đi.

Khi nhận ra điều đó, ta sẽ tự hỏi: Làm sao để tôi có thể giúp anh chị em của mình trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính họ?

Bởi tuy đàn ông và phụ nữ đã phàn nàn về nhau từ thuở xa xưa, nhưng dường như vẫn có một điểm khác biệt giữa thời nay và ngày trước: người xưa thường nhìn mọi chuyện bằng ánh mắt sáng, họ vẫn thấy điều đáng quý giữa những điều chưa trọn, và khi phê bình, họ làm thế với thiện ý, với lòng mong muốn xây dựng.

Miller từng ghi lại rằng: “Những chàng trai trả lời tôi về những khuyết điểm ở các cô gái trẻ đều làm điều đó trong tinh thần tử tế nhất. Bởi với những tâm hồn cao đẹp, việc chỉ ra lỗi lầm của người khác luôn là một điều không dễ chịu, dễ hơn nhiều là kể ra những điều tốt đẹp ở người ta yêu quý.” Ông cũng nói rằng các cô gái, khi viết về lỗi lầm của con trai, cũng thể hiện tinh thần tương tự, “không ai vui vẻ hay hả hê khi được dịp nói ra những điều mình không hài lòng.”

Miller cẩn thận nhấn mạnh rằng: những lời phê bình của các cô gái không có nghĩa là họ không thấy nơi các chàng trai rất nhiều phẩm chất tốt đẹp và đáng ngưỡng mộ: “Trái lại, có hàng ngàn chàng trai trẻ đang sống một cuộc đời giàu đức hạnh, nhân cách rạng ngời những điều cao cả, và đang từng bước khắc họa nên một hành trình xứng đáng với mọi lời tán dương. Đây là thời đại vàng son của những người trẻ. Những lỗi lầm được nêu ra ở đây chỉ là những vết gợn, lớn hay nhỏ, trên một cuộc đời đáng quý, được chỉ ra bằng tình bạn chân thành, với hy vọng rằng khi vượt qua được chúng, cuộc đời ấy sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, và càng mạnh mẽ, kiên cường hơn nữa.”

Người hoài nghi sẽ nói rằng: có thể đúng thật, cuối thế kỷ 19 chính là thời kỳ vàng son của mối quan hệ giữa nam và nữ, và vì thế, sự tử tế và tôn trọng lẫn nhau là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu vậy, lại nảy sinh một câu hỏi khác sâu xa hơn: liệu có phải nam giới và nữ giới thời ấy tốt đẹp, cao quý hơn nên họ mới trân trọng nhau hơn? Hay chính bởi vì họ trân trọng nhau hơn nên họ trở nên tốt đẹp và cao quý hơn?

Nói cách khác, liệu có phải chính việc chúng ta chỉ chăm chăm soi mói lỗi lầm, yếu kém của nhau đã khiến cả hai giới ngày càng tụt xuống dưới mức kỳ vọng thấp tệ ấy? Và nếu thay vào đó, ta biết góp ý bằng tấm lòng bạn bè, cùng nhau hướng đến những mục tiêu chung, cùng xây đắp phẩm chất cao đẹp và sự tử tế thì phải chăng tất cả chúng ta đều có thể vươn lên, trở nên đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn?

Bởi như Miller từng khuyên dạy: “Dù ta không được phép nhắm mắt làm ngơ trước những thiếu sót và khuyết điểm của mình, nhưng cách tốt nhất để đối diện với chúng thường không phải là cố gắng sửa từng lỗi một, mà là mở rộng đời sống nội tâm, để những tình cảm mới mẻ và tích cực dần dần xóa nhòa những điều chưa hoàn thiện… Không nghi ngờ gì, con đường đúng đắn nhất để vun bồi nhân cách không nằm ở việc quá chú tâm vào những khuyết điểm của bản thân, mà là biết nuôi dưỡng trái tim mình sao cho trong sáng, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống, để chính nội tâm ấy tự gột bỏ những vết gợn, tự lấp đầy những phần còn thiếu trong cuộc sống bên ngoài.”

Nguồn: https://www.artofmanliness.com/people/relationships/what-men-complained-about-women-50-and-100-years-ago/

menu
menu