11 dấu hiệu cho thấy bạn đang trải qua rối loạn tâm lý hậu tổn thương tình cảm
Khi một mối quan hệ tình cảm kết thúc, người ta thường sẽ cảm thấy thất vọng, buồn bã; tuy nhiên, việc dành thời gian để tĩnh lặng và suy ngẫm, thậm chí có thể mất vài ngày để khóc,
Khi một mối quan hệ tình cảm kết thúc, người ta thường sẽ cảm thấy thất vọng, buồn bã; tuy nhiên, việc dành thời gian để tĩnh lặng và suy ngẫm, thậm chí có thể mất vài ngày để khóc, và việc mắc phải rối loạn tâm lý hậu tổn thương tình cảm có sự khác biệt khá lớn. Nếu những gì bạn mang theo sau khi chấm dứt một mối quan hệ tình cảm là sự nặng nề, ám ảnh hoặc các triệu chứng tương tự chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rất có thể bạn đã ở trong một mối quan hệ không lành mạnh, hoặc bạn đã yêu phải một kẻ lạm dụng tình cảm, thân thể và kết quả là bạn đang phải chịu đựng đau khổ.
Khi trường hợp đó xảy ra, các chuyên gia gọi cảm giác bị tổn thương đó là “hội chứng tổn thương tinh thần sau một mối quan hệ tình cảm” (tạm dịch), hay còn gọi là PTRS (post-traumatic relationship syndrome). Đây là một “hội chứng liên quan đến sức khỏe tinh thần mới được khám phá, xảy ra khi một người trải qua tổn thương sau một mối quan hệ tình cảm”, chuyên gia tình cảm, bác sĩ Tarra Bates-Duford (PhD, MFT, CRS, CMFSW) chia sẻ với Bustle. “Hội chứng này bao gồm các triệu chứng xâm nhập và kích thích tương tự như hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tuy nhiên lại thiếu đi các triệu chứng né tránh cần cho việc chẩn đoán PTSD do nó mang một cơ chế đối phó với tổn thương rất khác so với các bệnh nhân mắc PTSD."
Dù bạn đang mắc phải các triệu chứng của PTRS, hay chỉ đơn giản là đang trong khoảng thời gian khó khăn để vượt qua sự tan vỡ, những xúc cảm này vẫn có thật và chúng có thể ngăn cản bạn tìm kiếm một mối quan hệ khác lành mạnh hơn trong tương lai. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu bạn sớm tìm ra cách chữa trị. Theo bác sĩ Bates-Duford, “Các phương pháp tiếp cận trị liệu có thể bao gồm cả tham vấn cá nhân và tham vấn nhóm. Trong mỗi phương pháp nên có sự nhấn mạnh rằng, các mối quan hệ đầy thương tổn có thể không chỉ tiếp tục tồn tại trong tương lai, mà những vết thương trong trường hợp chấm dứt mối quan hệ đó còn có thể ngày một lớn dần nếu thân chủ không điều trị kịp thời.”
Dưới đây là những điều mà các chuyên gia cho rằng người ta có thể gặp phải sau khi trải qua một mối quan hệ không lành mạnh, bị lạm dụng thân thể và tình cảm cũng như những điều cần làm để có thể giải quyết vấn đề, những điều giúp người ta cảm thấy tốt hơn để bước tiếp.
Cảnh báo: Bài viết chứa đựng thông tin về các mối quan hệ ngược đãi, có thể gây khó chịu cho một số độc giả.
1. E dè trong việc bắt đầu một mối quan hệ mới
Sẽ thật tốt nếu sau mỗi cuộc tan vỡ, người ta dành thời gian để chữa lành vết thương lòng trước khi nhảy vào những cuộc tình mới. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng nếu bạn muốn hẹn hò nhưng bản thân lại không thể làm được điều đó thì rất có thể, đó là một dấu hiệu cho thấy mối tình gần nhất đã để lại cho bạn vô vàn những tổn thương.
Cảm giác e ngại khi xem xét chuyện bước vào một mối quan hệ mới có thể xuất phát từ việc bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân mình. “Những người đã từng bị bỏ rơi hay từng rút khỏi mối quan hệ độc hại một cách khôn ngoan thường cho rằng ‘Khoảng thời gian ấy qua đi, tôi không thể tin tưởng bản thân trong việc đặt lòng tin vào một người nào đó nữa. Sao tôi có thể ngu ngốc đến vậy? Tôi chẳng giỏi đọc vị người khác sao?’ Những người này thường tự chuốc lấy những thất bại, dần dần lòng tự tôn của họ ngày càng bị hạ thấp”, nhà huấn luyện cuộc đời Poppu và Geoff Spencer chia sẻ với Bustle.
Khi trường hợp này xảy ra, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, và đôi khi là từ các chuyên gia trị liệu, là vô cùng cần thiết nhằm tìm ra cách vượt qua những chấn thương tâm lý mà bạn đã trải qua trong quá khứ, đồng thời giúp bạn học cách lấy lại niềm tin, từ đó có thể mở lòng đón nhận tình yêu thêm lần nữa.
2. Cảm thấy vô dụng hoặc thiếu tự tin về bản thân
Nếu bạn cảm thấy bị đè nén và bản thân thật vô dụng sau mỗi lần chia tay, đó có thể là một dấu hiệu khác của chấn thương tâm lý. “Việc phải trải qua một mối quan hệ độc hại hay bị ngược đãi có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến lòng tự tôn”, nhà huấn luyện cuộc đời Jonathan Bennett chia sẻ với Bustle, “Nhiều người bước ra khỏi mối quan hệ không lành mạnh với cảm giác họ như những món đồ đã bị hư hỏng và cảm thấy rằng bản thân không xứng đáng có thêm cơ hội với bất kỳ một người nào khác tốt hơn.”
Những suy nghĩ ấy thường xuất phát từ những lời cay nghiệt mà người cũ đã “tiêm” vào trí óc bạn, họ dường như sẽ làm mọi thứ để có thể hạ gục và làm hoen rỉ lòng tự trọng của bạn. Những suy nghĩ này, một khi đã ăn sâu vào tâm trí thì rất khó để có thể lay chuyển được nó. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể vượt qua, đặc biệt là khi có sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý trị liệu.
3. Cảm thấy nhẹ nhõm nhưng sau đó lại mang cảm giác tội lỗi dữ dội
Thông thường, khi một mối quan hệ độc hại kết thúc, “bạn sẽ có cảm giác như thể cuối cùng mình cũng được ‘giải thoát’, hoặc cuối cùng mình cũng thoát ra được” - bác sĩ Josh Klapow, nhà tâm lý học lâm sàng đồng thời cũng là người dẫn chương trình The Web Radio Show, chia sẻ với Bustle. Đó là cảm giác nhẹ nhõm phổ biến ở nhiều người khi quyết định rời khỏi những mối quan hệ độc hại.
Tuy nhiên, sẽ không có gì lạ khi những cảm giác mới mẻ ban đầu ấy dần tan biến, nhường chỗ cho cảm giác tội lỗi và nghi ngờ bản thân bủa vây lấy bạn. Bác sĩ Klapow cho biết, “Đây là một sự phụ thuộc, được tạo ra trong lúc bạn ở trong mối quan hệ không lành mạnh. Điều này dẫn đến việc, khi đã thoát được mối quan hệ ấy, bạn thường sẽ tự hỏi ‘Liệu điều mình có đang làm đúng không?’ hoặc ‘Có thực sự đó là lỗi của mình không?’” Trong trường hợp này, nhiều người sẽ lựa chọn quay lại với tình cũ chỉ để cảm giác khó chịu ấy tan biến đi.
Trong một số trường hợp, việc quay lại với tình cũ là một điều tốt. Tuy nhiên, nếu là tái hợp với một người chẳng hề tốt đẹp, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian để xem xét, nghiền ngẫm về những gì bạn đã trải qua và nghĩ xem liệu đó có thực sự là điều bạn muốn hay không. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của mọi người xung quanh, bạn có thể dễ dàng tìm được câu trả lời rằng tốt hơn hết là nên bỏ lại đằng sau những chuyện đã gây tổn thương cho bạn và bước tiếp về phía trước.
4. Cảm giác cô lập và cô đơn cùng cực
Một mối quan hệ độc hại mang tính lạm dụng thường kết thúc cùng sự xâm chiếm dữ dội của cảm giác cô đơn. “Khi cảm giác nhẹ nhõm đi qua, thường người ta sẽ cảm thấy bị cô lập và cô đơn đến cùng cực, kèm theo đó là nỗi sợ hãi về khả năng bắt đầu một mối tình mới”, bác sĩ Klapow cho biết, “Đa số mọi người sẽ có cảm giác chung chung về sự lãng phí thời gian, bỏ quên những ngày tháng của cuộc sống, đồng thời mang một khao khát chung là được hòa hợp với nỗi cô đơn đó. Tất cả những điều này sẽ đẩy người ta vào tình trạng rất dễ bị tổn thương.”
Một lần nữa, điều này có thể khiến bạn quay lại với mối quan hệ cũ bởi bạn đang làm mọi cách để những cảm xúc tiêu cực tan biến. “Chúng tôi nhìn thấy một tỷ lệ khá cao các mối quan hệ có khả năng tái hợp - những mối quan hệ mà ở đó người ta tìm thấy cách làm dịu đi vết sẹo tình cảm cũng như xua tan đi cảm giác cô đơn của bản thân”, bác sĩ Klapow chia sẻ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy những mối quan hệ này không còn thỏa mãn được nhu cầu cảm xúc của bản thân, việc tâm sự với những người thân yêu hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia có thể sẽ giúp bạn chữa lành vết thương cũ.
5. Rơi vào mối quan hệ không lành mạnh khác
Bạn có thể sẽ lại kết thúc một mối quan hệ khác cũng độc hại không kém nếu bạn không tự cho bản thân thời gian để hồi phục, chữa lành tổn thương hay tìm hiểu thêm để có nhận thức rõ ràng hơn về một mối quan hệ lành mạnh, từ đó, rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
“Thông thường, người ta dễ dàng sa chân trở lại vào một mối quan hệ chẳng hề tốt đẹp”, bác sĩ Klapow chia sẻ, “Nếu đã thoát được một mối quan hệ độc hại mang tính lạm dụng và có được những điều kiện (cũng như nhiều phương tiện chăm sóc miễn phí), việc kiểm tra xem bạn đã bước vào vào mối quan hệ độc hại như thế nào, điều gì đã giữ chân bạn ở đó và làm thế nào để bạn có thể đánh giá được các mối quan hệ hiện tại là những việc vô cùng quan trọng. Nếu không xem xét các vấn đề này, bạn khó có thể giải quyết triệt để các tổn thương, điều đó sẽ khiến bạn rơi vào những điều tồi tệ ấy thêm lần nữa.”
6. Phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn để có thể vượt qua nỗi đau
Cảm giác suy sụp sau chia tay là điều thường thấy ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, khi nói đến những mối quan hệ độc hại, dù là do bất kỳ nguyên nhân nào, việc bước tiếp lại càng khó khăn hơn nhiều lần.
‘’Sau khi chia tay, bạn có lẽ sẽ có xu hướng để tâm đến những lời mà người yêu cũ đã từng nói và cố lặp đi lặp lại viễn tưởng rằng mọi thứ đã có thể khác đi” - Rori Sassoon, chuyên gia về các mối quan hệ tại NYC, đông thời là CEO của dịch vụ mai mối ưu tú Platinum Poire - chia sẻ với Bustle, ‘'Có lẽ bạn đang suy nghĩ và tự hỏi rằng liệu người yêu cũ của bạn đang hẹn hò với ai’’, hoặc những điều khác tương tự. Những suy nghĩ ấy có thể trở thành rào cản ngăn bạn khỏi những cảm xúc tự tin, khiến bạn không đủ tự tin để vượt qua.
Thế nhưng, não bộ của bạn hoàn toàn có thể được lấp đầy bởi những suy nghĩ tích cực hơn. “Chúng ta hướng đến mục đích là tập trung hơn vào chính bản thân bạn và thiết lập lại hệ thống chú ý của bạn’’, Sassoon nói. Điều này có thể được thực hiện nhờ sự trợ giúp của bạn bè hay của một nhà tâm lý trị liệu được đào tạo chuyên môn, đó là những người có thể giúp bạn giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà bạn gặp phải.
7. Có suy nghĩ xâm chiếm
Việc nghĩ về tình cũ hay những chuyện sai lầm trong quá khứ là hoàn toàn bình thường; tuy nhiên, hãy chú ý đến các dấu hiệu nếu bạn cảm thấy mình đang bị ám ảnh bởi những suy nghĩ ấy. “Những người mắc rối loạn sau sang chấn xuất phát từ tổn thương trong một mối quan hệ (tạm dịch) có xu hướng đấu tranh với các suy nghĩ ám ảnh về mối quan hệ sau này” - nhà tâm lý trị liệu Naphtali Roberts, LMFT chia sẻ với Bustle, “Họ thường nghi ngờ về sự lựa chọn hay những mục tiêu của bản thân trong các mối quan hệ, vì thế họ có thể cảm thấy khó khăn trong việc tin tưởng vào quá trình xây dựng một mối quan hệ mới và sự can đảm của chính mình khi bước vào mối quan hệ ấy. Điều này có thể khiến họ dễ mất tập trung, hành động một cách bốc đồng, hấp tấp, khó ngủ, khóc lóc triền miên hay thường xuyên cáu kỉnh bởi việc nhớ lại những lựa chọn trong quá khứ, bị choáng ngợp bởi sự tương tác của mối quan hệ hiện tại hoặc những nỗi sợ có liên quan”. Như đã nói ở trên, lúc này, trị liệu tâm lý vẫn là một lựa chọn đúng đắn, tuyệt vời cho bạn để có thể vượt qua.
8. Cảm giác nghi ngờ những mối quan hệ mới
Nếu không dành thời gian để chữa lành vết thương do mối quan hệ trong quá khứ gây ra, bạn sẽ lại tiếp tục mối quan hệ mới với nỗi lo ngại rằng những điều tồi tệ sẽ lại xảy ra lần nữa.
“Sau khi thoát khỏi một cuộc tình độc hại, người ta thường có xu hướng phản ứng lại với gia đình, bạn bè hay các mối quan hệ khác một cách khuôn khổ hoặc đầy nghi ngờ; thậm chí, họ còn có thể quy chụp những lỗi sai nhỏ hay những sai sót trong các mối quan hệ như một sự công kích hoặc vượt quá giới hạn”, Roberts nói.
Đôi khi, việc nhận thức được xu hướng này có thể là bước đầu của quá trình phục hồi. “Là người đã từng trải qua mối quan hệ độc hại trong quá khứ, việc ý thức được rằng bản thân bạn có đang cảm nhận được điều gì đó tiêu cực hay không là vô cùng quan trọng; tuy nhiên, đôi lúc, bạn có thể sẽ phóng đại quá mức những lỗi lầm nhỏ nhặt, trong khi thực sự đó chỉ là những hiểu lầm đơn giản trong quá trình phát triển mối quan hệ kế tiếp mà thôi”, Roberts chia sẻ. Mặc dù có thể khá gian nan, nhưng việc trò chuyện với nhà trị liệu hoặc với người thân yêu có thể giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến lòng tin mà bạn đang gặp phải, đồng thời xoa dịu đi những vết thương còn ẩn chứa sâu trong lòng mình.
9. Cảm giác bất an dẫn đến việc luôn nhận lỗi về bản thân mình
Nhiều người cảm thấy bất an nhưng lại không thể chỉ ra một tổn thương nào trong quá khứ đã trở thành nguyên nhân dẫn đến điều đó. Tuy nhiên, đối với một số người khác, cảm giác bất an có thể thực sự bắt nguồn từ những thương tổn trong quá khứ. Vì thế, hãy lưu ý khi bạn luôn cảm thấy mình lúc nào cũng cần phải xin lỗi người yêu mới, hoặc cảm thấy như thể bạn đang không ngừng chống chọi với sự nghi ngờ và cảm giác bất an của bản thân.
Roberts cho rằng, “Khi ở trong một mối quan độc hại, bạn thường cố tạo ra các kiểu đối phó nhằm giảm thiểu, hạn chế những mâu thuẫn giữa bạn và đối phương. Một trong các kiểu đối phó mà bạn thường dùng có thể là nói lời xin lỗi vì tất cả những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân. Thông thường, những người từng trải qua mối quan hệ không hề tốt đẹp thường “dạy” bộ não của họ một điều rằng, việc xin lỗi có thể giúp họ kiểm soát được phản ứng của đối phương. Thậm chí, khi đã rời khỏi mối quan hệ không lành mạnh ấy, họ vẫn nhận lỗi một cách vô thức nhằm bảo vệ mình khỏi những nỗi đau và sự phán xét mà họ phải chịu đựng trước đây.”
10. Cảm thấy lo âu
Nếu bạn nghĩ rằng bản thân đang mắc phải hội chứng tổn thương tinh thần sau một mối quan hệ tình cảm (PTRS) hoặc những điều tương tự thì hãy chú ý đến những dấu hiệu bồn chồn lo âu, đặc biệt là cách chúng liên quan đến mối quan hệ của bạn.
“Về cơ bản, PTRS bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và hoài nghi về các mối quan hệ”, Bác sĩ Bates-Duford cho biết, “PTRS có thể được định nghĩa như một chứng rối loạn lo âu xảy ra sau khi ai đó trải qua việc bị lạm dụng thân thể, tình cảm hoặc tâm lý trong một mối quan hệ thân mật.”
Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn lo âu, vì thế đừng vội kết luận và cho rằng bạn đang trải qua một mối tình độc hại hoặc bạn đang bị tổn thương chỉ đơn giản bởi bản thân cảm thấy lo lắng. Trong trường hợp những mối lo âu này liên quan đến những gì bạn đã trải qua trong quá khứ, bạn cần xem mối quan hệ độc hại như một nguyên nhân và tìm cách chữa trị.
11. Hồi tưởng và những cơn ác mộng
Mặc dù điều này phổ biến hơn ở những người mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD); tuy nhiên, sau khi kết thúc một mối tình chẳng mấy tốt đẹp, người ta có thể hồi tưởng một cách mãnh liệt về những khoảnh khắc của cuộc tình đó hoặc sẽ thức giấc với cơ thể lạnh toát mồ hôi sau những cơn ác mộng. “Những người chịu tổn thương thường hồi tưởng về những nỗi đau và sự buồn khổ do cuộc tình đó gây ra, hoặc đôi khi họ có thể gặp phải những cơn ác mộng có liên quan”, nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ Paul DePompo chia sẻ với Bustle, “Bạn sẽ trở nên cảnh giác cao độ với những thứ bạn đã phải chịu đựng trong suốt mối quan hệ độc hại ấy và luôn có cảm giác chúng có thể xảy ra lần nữa bất cứ lúc nào, những cơn nóng giận và buồn bã dữ dội, sự ngờ vực bản thân cùng những trách nhiệm mà bạn mang trên vai trước đây, tất cả sẽ như những làn sóng lớn cuộn trào trong lòng bạn.”
Tất cả những điều được liệt kê trên đây đều không hề tốt cho cuộc sống của bạn. Bởi thế, việc tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Nếu cảm thấy mình đang ở trong tình huống nguy hiểm, có rất nhiều nơi mà bạn có thể tìm đến và yêu cầu sự giúp đỡ. Một khi đã thoát khỏi mối quan hệ đó, có vô vàn cách mà bạn có thể áp dụng để bỏ lại phía sau những điều tồi tệ trong quá khứ, những chấn thương về mặt cảm xúc và thậm chí là PTSD hay PTRS, từ đó tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn trong tương lai.
Dịch: Châm
Nguồn: https://www.bustle.com/p/11-signs-you-are-experiencing-trauma-after-a-toxic-relationship-8759486
Nguồn: A Crazy Mind