12 dấu hiệu cho thấy bạn đã trưởng thành dưới góc nhìn của trị liệu tâm lý
Chúng ta đều biết rằng trưởng thành không chỉ là việc chạm mốc tuổi 18 hay 22, biết lái xe hay được quyền uống rượu, mua nhà hay sinh con.
Chúng ta đều biết rằng trưởng thành không chỉ là việc chạm mốc tuổi 18 hay 22, biết lái xe hay được quyền uống rượu, mua nhà hay sinh con. Trưởng thành thật sự là một hành trình bên trong, đôi khi mãi sau mới đến, thậm chí rất lâu sau khi ta đã có được một danh tính người lớn chính thức. Có khi ta đến 92 tuổi vẫn còn đang chập chững rời xa tuổi trẻ. Nếu sống đến 450 tuổi, hẳn nhiều người vẫn đang loay hoay xây dựng những nền tảng cơ bản của một tâm hồn chín chắn.
Có một định nghĩa về trưởng thành đáng để chúng ta ngẫm nghĩ, đó là cách nhìn của tâm lý học, nơi dành trọn tâm huyết để tìm đường dẫn từ thời thơ ấu đến sự trưởng thành trong tâm hồn.
Henri Matisse, Dishes and Fruit, 1901
Dưới đây là 12 biểu hiện của một tâm hồn trưởng thành khi nhìn qua lăng kính của trị liệu tâm lý:
1. Chúng ta hiểu được phần nào những tác động của tuổi thơ lên con người hiện tại. Không còn ngỡ ngàng khi nghe những câu hỏi kiểu như: “Mối quan hệ với mẹ bạn đã ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận về phụ nữ thế nào?” Hoặc: “Bố bạn đã hình thành nên hình mẫu đàn ông lý tưởng trong bạn ra sao?”
2. Ta từ bỏ niềm tin vào sự giản đơn của chính mình. Ta không còn nghĩ rằng quá khứ chẳng có ý nghĩa gì, hay rằng mình có thể thay đổi bất cứ điều gì chỉ cần quyết tâm là đủ. Thay vào đó, ta chấp nhận rằng có lẽ mình cần phải dũng cảm tìm hiểu sâu xa hơn về bản thân để thực sự thay đổi điều mình mong muốn – dù điều đó có thể không hề dễ dàng chút nào.
3. Ta nhận ra cái “tài” tự lừa dối bản thân dễ đến mức nào. Ta bắt đầu thấu hiểu sức mạnh của sự phủ nhận, của những thứ mà ta tự che giấu trong mối liên hệ giữa mình và thực tại. Khi buồn, đôi khi đó chỉ là nỗi giận chưa bộc lộ; khi lo lắng, đó là do một điều gì đó rõ ràng đang khiến ta bận tâm; khi tỏ ra cứng cỏi hay kiêu hãnh, có thể ta chỉ đang cố che đi sự tổn thương. Ta bắt đầu đo được mức độ “khéo né tránh” của chính mình.
4. Ta học cách nói với người khác những gì thật sự đang diễn ra trong lòng. Ta không còn mong người khác tự nhiên hiểu mình mà không cần nói ra. Ta bắt đầu biết chuyển hóa những suy nghĩ rối bời, những bực tức thành những lời mà người khác có thể nghe và hiểu. Ta dỗi hờn ít lại, biết rõ ràng hơn mình muốn gì.
5. Ta hiểu – khi không quá mệt mỏi – rằng có một sự khác biệt giữa ý định của ai đó và cách ta cảm nhận về họ. Ta nhận ra rằng không phải mọi tổn thương mà ta trải qua đều là do người khác cố ý gây ra. Đôi khi, tổn thương là vô tình, và ta không phải lúc nào cũng là trung tâm của những tổn thương đó.
6. Ta tha thứ cho chính mình vì sự kỳ quặc của tâm trí. Ta học cách yêu thích và thậm chí vui vẻ với sự “lạ lùng” của chính mình: những ý nghĩ kỳ cục bất chợt, những giấc mơ và tưởng tượng chẳng ai ngờ. Ta chấp nhận sự trồi sụt không ngừng của tâm trí và thấy nhẹ lòng khi biết rằng, có một khoảng cách lớn giữa ý nghĩ và hành động.
7. Ta cho phép mình tức giận về những điều đã từng xảy ra giữa những người thân yêu – nhưng không để bản thân chìm mãi trong cơn giận ấy. Ta giữ trong lòng một sự cân bằng tuy khó chịu nhưng chân thực: rằng người sinh thành ra ta không nhất thiết là “xấu”, dù có thể đã có những điều khó khăn mà họ đã vô tình gây ra.
8. Ta chấp nhận rằng đôi khi thực tại không đáng sợ như ta nghĩ – vì ta biết rằng những trải nghiệm khó khăn trong quá khứ có thể làm “mờ” lăng kính qua đó ta nhìn đời. Ta chấp nhận rằng, ngoài kia, “thảm họa” không xảy ra dồn dập như cách nó thường diễn ra trong trí tưởng tượng của chính mình.
9. Ta thấu hiểu sự thất thường của tâm trạng phần nào là do cơ thể. Ta học cách để ý đến giấc ngủ, trở nên say mê với những buổi tối ngủ sớm. Và tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ đến việc bàn chuyện gì quan trọng với ai sau 9 giờ tối!
10. Ta học cách không phải nói ra mọi điều vừa thoáng qua trong đầu ngay lập tức. Ta có thể chợt nghĩ đến việc kết thúc một mối quan hệ và bắt đầu lại với ai đó khác, nhưng chỉ cần giữ ý nghĩ đó lại một chút. Ta tạo ra khoảng cách nhỏ giữa cảm xúc và hành động, giữa điều ta nghĩ và điều ta nói. Ta bắt đầu học cách bước đi chậm rãi.
11. Ta trở nên kiên nhẫn và biết động viên những người chưa tiến xa như ta. Ta không trách họ vì chưa thấu tỏ mọi điều. Ta đoán rằng, có thể đằng sau sự bực bội hay cơn giận của họ là những điều đáng hy vọng và dịu dàng. Ta nhớ rằng đã bao lần có người nhẹ nhàng với mình – và ta cũng nhẹ nhàng với họ. Ta thấy nhàm chán với sự phán xét dễ dàng.
12. Ta luôn nhớ rằng mọi tiến bộ đạt được có thể chỉ là tạm thời. Ta giữ niềm vui trong nhẹ nhàng, biết ơn những ngày yên bình. Ta không còn ham mê sóng gió, cũng chẳng bận lòng nếu phần đời còn lại chỉ toàn những ngày yên ả đến lạ thường.
Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/12-signs-that-you-are-mature-in-the-eyes-of-psychotherapy/