13 bài học giúp bạn hưởng lợi từ việc bị xem thường

13-bai-hoc-giup-ban-huong-loi-tu-viec-bi-xem-thuong

Bạn cảm thấy mình bị xem thường, bị phớt lờ hoặc bị ai đó không tôn trọng đúng mức?

Bạn cảm thấy mình bị xem thường, bị phớt lờ hoặc bị ai đó không tôn trọng đúng mức? Sau đây là 13 bí quyết bạn có thể dùng để biến việc bị người khác xem thường thành một nấc thang giúp bạn trở nên vĩ đại hơn.

1. PHỚT LỜ HỌ LẠI

Khi người đời quay lưng lại với bạn, đừng tự ti. Hãy vươn lên từ điều đó. Phớt lờ người phớt lờ bạn không phải là xấu tính. Mà là bạn đang đưa ra một tuyên ngôn mạnh mẽ về giá trị bản thân mình.

Thử tưởng tượng: Một người nào đó cho rằng bạn không xứng đáng để họ dành thời gian cho bạn. Như vậy thì họ là người thiệt thòi, chứ không phải bạn. Bằng cách không chọn việc cam chịu nhận xét đó của họ, bạn cho họ thấy: “Tôi có giá trị cao hơn thế.” Việc này giống như bạn đang xoay chiếc gương về phía họ, im lặng phản chiếu lại hành vi của họ và cho họ thấy bạn chẳng hề hấn gì bởi thái độ của họ.

Làm sao làm được như vậy mà không “sa lầy” vào cảm xúc cay cú? Đơn giản: Tập trung vào cuộc sống của bạn, vào các mục tiêu và hạnh phúc của bạn. Hãy tham gia các hoạt động giúp tâm hồn bạn thêm phong phú – như đọc sách, chơi thể thao, học kỹ năng gì đó, hay đơn giản là dành thời gian cho những người quý trọng bạn. Mục đích ở đây không phải là để trả thù, mà là để giành lại năng lượng của bạn và đầu tư nó cho những điều quan trọng hơn.

Đôi khi chúng ta đau lòng vì bị người khác không tôn trọng, nhưng thay vì đau buồn, hãy dùng điều đó như một chất xúc tác để bạn phát triển.

Hãy dùng sự tôn trọng bản thân để xây một pháo đài vững chắc và để sự ghẻ lạnh của người khác dần rơi khỏi pháo đài đó. Hãy phát triển bất chấp sự lạnh nhạt của người đời. Họ sẽ thấy bạn không chỉ là người trưởng thành về mặt cảm xúc, mà còn là người có nội tâm mạnh mẽ.

Giá trị của bạn không hề suy giảm khi ai đó không thấy được giá trị của bạn. Hãy cứ sống đúng với chính mình. Để hành động của bạn lên tiếng to hơn sự im lặng của họ.

2. ĐỪNG HÀNH XỬ THEO CẢM XÚC

Khi đối mặt với sự chối bỏ của người khác, hãy tập cách phản ứng bình tĩnh. Việc này không có nghĩa là bạn đè nén những cảm xúc của bản thân, mà là bạn không để những cảm xúc đó kiểm soát bạn.

Khi bị người khác phớt lờ, thay vì buồn bực hoặc vội vã tìm kiếm sự công nhận của họ, bạn hãy dừng lại và tự hỏi: “Tại sao việc này khiến tôi bận tâm?” Thông thường thứ làm bạn phiền lòng không phải là sự khước từ của người khác, mà chính những bất an trong lòng bạn mới làm bạn đau khổ nhất. Đây là lúc cần có cái nhìn thực tế: Bạn bị ai đó phớt lờ. Hãy hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Suy ngẫm xem tại sao khoảnh khắc đó làm bạn phiền lòng. Nó chỉ có vậy. Một khoảnh khắc. Trường phái triết học khắc kỷ khuyên chúng ta nên tập trung vào các phản ứng và hành vi của bản thân, chứ không phải vào hành vi của người khác.

Do đó, hãy giữ thái độ lịch sự. Giữ thái độ tử tế. Nếu bạn muốn nói chuyện với đối phương và tìm hiểu vì sao đối phương đối xử với bạn như vậy, hãy làm điều đó dựa trên sự quan tâm chân thành dành cho họ, chứ không phải với kỳ vọng họ sẽ đối tốt với bạn. Cách tiếp cận này không có nghĩa là bạn ở thế bị động, mà có nghĩa là bạn làm chủ những cảm xúc của bản thân, bạn hiểu rằng giá trị bản thân bạn không liên quan gì đến sự công nhận của người khác.

Quyền lực của bạn nằm ở cách bạn phản ứng lại tình huống, chứ không nằm ở cách những người khác đối xử với bạn ra sao. Một khi bạn giữ được bình tĩnh khi bị ai đó phủ nhận, nghĩa là bạn đang không chỉ giải quyết một tình huống khó khăn, mà bạn còn đang phát triển, bạn đang học được rằng bình yên nội tại của bạn đến từ chính bạn, chứ không bị quyết định bởi sự tán dương từ bên ngoài.

3. LOẠI BỎ HỌ KHỎI TÂM TRÍ BẠN

Khi bạn bị người khác khước từ, thì việc xa lánh họ là một chiến thuật hiệu quả. Việc này không có nghĩa là bạn quên đi hoặc giả vờ rằng sự khước từ đó không khiến bạn bị tổn thương. Mà là biến trải nghiệm đó thành một thứ có ích cho bản thân.

Bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng bạn bị khước từ. Ý thức được những tác động của nó đối với bạn, nhưng đừng để nó neo giữ những suy nghĩ của bạn. Như một thủy thủ trên biển: anh ta dùng những cơn sóng để đưa thuyền tiến về trước, chứ không phải để sóng làm lật thuyền của anh ta.

Bạn hãy bắt chước thủy thủ đó bằng cách thay đổi cách nhìn. Đừng xem sự khước từ là vật cản đường, mà là một biển hiệu báo với bạn rằng bạn hãy quay đầu xe để hướng tới những con đường và những cơ hội mới.

Như thế nào? Hãy tham gia vào các hoạt động giúp làm giàu tinh thần và mở mang tầm nhìn của bạn: đọc sách, chơi thể thao, làm tình nguyện viên,... Các hoạt động đó không những giúp bạn bớt nhớ đến việc bị khước từ, mà còn giúp bạn khám phá bản thân, trở nên trưởng thành hơn, kiên cường hơn, và giỏi thích ứng hơn. Bạn cũng hãy xây dựng cho bản thân những mối quan hệ tích cực - bằng cách giao du với những người tốt với bạn và truyền cảm hứng cho bạn. Khi tiếp xúc với họ, hãy chia sẻ với họ những ước mơ của bạn và cũng hãy lắng nghe những ước mơ của họ. Các mối quan hệ như vậy sẽ giúp bạn và họ cùng phát triển.

4. THỂ HIỆN GIÁ TRỊ CỦA BẠN

Bị người khác chối bỏ cũng đau đấy, nhưng nó cũng là một phép thử dành cho sự kiên cường của bạn.

Lần tới, khi câu hỏi của bạn bị người khác làm ngơ trong một cuộc họp hoặc nguyện vọng thăng chức của bạn bị từ chối, cứ bình tĩnh. Thay vì đắm chìm trong việc tự thương hại hoặc cảm giác cay đắng, hãy dùng năng lượng của bạn là điều gì đó có ý nghĩa hơn, như:

- Đảm nhận một dự án mà dự án đó giúp bạn thể hiện được năng lực bản thân

- Xung phong lãnh đạo việc triển khai một sáng kiến

- ...

Đó có thể là cơ hội để bạn tỏa sáng bất chấp sự phớt lờ của người khác. Ai đó đã nói: “Khi một cánh cửa này đóng lại với bạn, sẽ có cánh cửa khác mở ra.” Việc bị phủ nhận không có nghĩa rằng câu chuyện của bạn đã kết thúc; mà nó đang hướng bạn đi đến nơi mà bạn sẽ được trọng dụng hơn. Nếu bạn bị từ chối một vai trò nào đó, rất có  thể là bởi vũ trụ muốn thúc đẩy bạn đến một vai trò khác phù hợp với tài năng và với đam mê của bạn hơn. Do đó, hãy xem việc bị từ chối là cơ hội để đánh giá lại bản thân: Các thế mạnh chính của bạn là gì? Làm sao để phát huy tối đa những thế mạnh đó?

Điều này không có nghĩa là bạn giả bộ cười khi trong lòng bạn thất vọng; mà là bạn hãy đón nhận đầy đủ những cung bậc cảm xúc của bạn rồi tiếp tục vươn lên. Các triết gia thuộc trường phái khắc kỷ khuyên chúng ta tập trung vào những điều mà chúng ta có thể kiểm soát: các hành động và các phản ứng của chúng ta. Khi đối diện với sự phủ nhận, hãy tập cảm thông - vừa cho bản thân, vừa cho người khác. Rất có thể người phủ nhận bạn cũng đang vật lộn với những vấn đề của họ. Đồng cảm với người khác không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, mà đó chính là sức mạnh. Giá trị của bạn không hề mất đi chỉ vì ai đó không nhìn nhận nó đúng mức.

5. NGỪNG LIÊN LẠC

Im lặng đôi khi là một trong những chiến thuật hiệu quả trong ứng xử, nhất là khi bạn đối diện với sự chối bỏ. Khi người khác chối bỏ bạn, có thể bản năng của bạn lúc đó là muốn sửa chữa tình hình, muốn nói chuyện với họ để xóa đi khoảng cách. Nhưng đây là lúc để bạn lật ngược thế cờ: hãy im lặng!

Việc đó không có nghĩa là bạn chơi trò lắt léo với họ. Mà là bạn tìm cách lấy lại quyền năng của bạn. Khi bạn không ra động thái gì phản ứng, không vồ vập gọi điện hay nhắn tin cho họ, thì sự im lặng đó không phải chỉ dành cho họ. Nó còn là dịp để bạn nhìn lại chính mình và nhắc nhở chính mình về giá trị bản thân.

Sự im lặng không có nghĩa là bạn ở thế bị động. Đó là sự im lặng cố tình và có ý nghĩa chiến lược; rằng bạn không chỉ đang chờ đợi mà còn đang suy xét và phát triển. Hãy tận dụng nó để tái tập trung vào các mục tiêu, các đam mê và vào cuộc đời bạn.

Quãng thời gian im hơi lặng tiếng này không có nghĩa là bạn lạnh lùng hoặc tàn nhẫn. Nó có ý nghĩa rằng bạn đang xây dựng giới hạn nhằm bảo vệ sự yên bình tinh thần của bạn. Nó truyền đi thông điệp: “Tôi tôn trọng chính mình nên tôi không cần chạy theo bạn hay van xin bạn.” Nó cho đối phương thấy bạn coi trọng bản thân và bạn tự tin. Nó cho đối phương thấy bạn không dễ dàng run sợ, rằng bạn có một cuộc đời nhiều thú vị và nhiều những ưu tiên khác, quan trọng hơn sự khước từ của họ.

Chiến thuật này không nhằm mục đích khiến họ hối hận hay khiến họ quay lại năn nỉ bạn. Nó chỉ nhằm cho người khác thấy bạn vững vàng, tự tin và không dễ lung lay bởi sự thừa nhận hay không thừa nhận đến từ bên ngoài. Chiến thuật này không bảo đảm rằng đối phương sẽ thay đổi hành vi của họ; nhưng về phần bạn, nó có thể giúp bạn mạnh mẽ hơn, kiên định hơn và sẵn sàng đối mặt một cách hiên ngang và tự tin với bất cứ gì xảy đến tiếp theo. 

6. CHỨNG MINH HỌ SAI

Thật ra, việc chứng minh cái nhìn của người khác dành cho bạn là sai không phải là điểm mấu chốt ở đây, mà cái chính ở đây là chứng tỏ với chính bạn rằng bạn có thể làm được những gì. Hãy biến sự phủ nhận của người khác thành động lực cho sự phát triển của bạn.

Ví dụ: Có ai đó nghi ngờ năng lực của bạn trong một công việc hay dự án nào đó. Rất có thể đây là cơ hội để bạn trau dồi thêm năng lực bản thân - không phải để được họ công nhận, mà là để bạn vượt qua những giới hạn của chính bạn. Bạn có thể học hỏi và rèn luyện nhiều hơn nữa. Rồi tái xuất với một phiên bản tiến bộ hơn, một sự tiến bộ mà trước đây có thể bạn nghĩ bạn sẽ không đạt được.

Trong lúc cố gắng chứng tỏ bản thân, bạn không cần la làng cho mọi người biết về kế hoạch trau dồi hay về tiến bộ của bạn. Hãy để các kết quả bạn gặt hái được lên tiếng thay cho bạn. Nếu bạn bị đánh giá là thiếu sáng tạo, hãy thử bắt đầu một dự án đòi hỏi bạn phải vận dụng óc sáng tạo của bạn. Nếu bạn bị đánh giá là không có thái độ gắn bó, hãy kiên trì chăm chỉ cống hiến.

Hành trình cải thiện bản thân trong thầm lặng này không phải là cuộc chiến để bạn chống lại nhận xét của người khác, mà là một cuộc thập tự chinh để bạn vươn tới phiên bản ưu tú hơn của bản thân. Và khi bạn thay đổi, cách thế giới nhìn nhận bạn cũng sẽ thay đổi theo. Bản chất thực sự của việc chứng minh họ sai không phải là làm thay đổi nhận xét của họ về bạn, mà nằm ở sự biến đổi hình ảnh cá nhân nơi bạn.

Hành trình cải thiện bản thân của bạn rất có thể không chỉ làm người khác ngạc nhiên, mà còn giúp bạn hiểu thêm về bản thân, biết cái gì là “đúng” với bản thân mình.

Và trong hành trình đó, chiến thắng lớn nhất là bạn nhận ra sự công nhận quan trọng nhất đối với bạn chính là sự công nhận bạn dành cho chính mình.

7. RA NGOÀI VÀ TÌM NIỀM VUI

Tìm trò tiêu khiển không chỉ đơn thuần là để vui; mà còn là một cách để bạn rèn luyện tính kiên cường.

Khi gặp phải sự chối bỏ, thay vì thu mình lại và gặm nhấm nỗi buồn tủi, bạn hãy tìm kiếm niềm vui cho bản thân. Việc này không có nghĩa là bạn phớt lờ những cảm xúc của bạn, mà là cho những cảm xúc đó một sân chơi mới. Dù là khám phá một sở thích mới hay tìm lại một sở thích cũ, thì việc đó cho thấy sự phản kháng của bạn đối với sức nặng của sự chối bỏ.

Trên con đường ứng phó với sự chối bỏ, đừng quên tầm quan trọng của những người sẵn lòng chia sẻ cùng bạn. Dù là rủ bạn bè đi dạo, hoặc tham gia vào một dự án cộng đồng, hay đơn giản là đi ăn cùng ai đó và trò chuyện với họ,... thì những khoảnh khắc kết nối ấy không chỉ có thể giúp bạn thấy vui hơn, mà còn giúp tái khẳng định vị trí của bạn trong mạng lưới con người.

Những tiếng cười, những câu chuyện mà các bạn chia sẻ với nhau cho thấy cuộc đời bạn không phải chỉ là vài bước lùi. Mà bạn là một phần của lịch sử, được hình thành dựa trên sự kết nối với sát cánh cùng nhau.

Có rất nhiều hoạt động vui cho bạn lựa chọn. Trải nghiệm một phong cách ẩm thực mà trước giờ bạn chưa từng thử, khám phá một khu gần nhà bạn mà bạn chưa từng đến bao giờ, hoặc dự một buổi nói chuyện về một đề tài mới mẻ đối với bạn,... - những hoạt động này không chỉ là những thứ khiến bạn xao lãng khỏi việc bị phủ nhận; đó còn là cơ hội cho bạn phát triển, giúp nhân cách bạn phong phú hơn, giúp bạn dễ thích nghi hơn, biết đồng cảm hơn và tự tin hơn.

Hãy nhớ: Mục đích của việc đi ra ngoài và tìm kiếm niềm vui không phải là để bạn quên lãng sự chối bỏ một cách cam chịu, mà là để bạn phát triển từ sự chối bỏ đó.

8. XÂY DỰNG VỊ THẾ XÃ GIAO CỦA BẠN

Thí dụ bạn ở trong một căn phòng nhiều người, và bạn bị người khác làm ngơ. Trong hoàn cảnh bạn gần như vô hình như vậy, đó là một cơ hội cho bạn. Thay vì tìm kiếm sự công nhận của họ, bạn hãy tập trung củng cố cho địa vị xã giao của bản thân và chủ động kết nối với người khác.

Việc đó không có nghĩa là bạn cần tìm cách leo cao hơn trong bậc thang xã hội. Mà là leo cao hơn trên thang đo của chính bạn đối với việc phát triển bản thân.

Các hoạt động như thể dục thể thao, theo đuổi các sở thích cá nhân hay phát triển trong sự nghiệp không chỉ là nhiệm vụ; chúng còn là các công cụ để bạn trui rèn bản thân cho mạnh mẽ và kiên cường hơn.

Hãy nghĩ đến việc chia sẻ hành trình bạn đã đi qua, không phải để tìm kiếm sự hoan hô, mà là để kết nối với người khác. Khi nói về những mối quan tâm và những gì bản thân đã đạt được, hãy để các thông tin đó làm cầu nối giữa bạn và những người đồng cảm với câu chuyện đời bạn - không phải là để bạn tìm kiếm người hâm mộ, mà là cố gắng một cách chân thành nhằm tìm thấy những tâm hồn đồng điệu với bạn. Bằng cách làm tình nguyện viên hoặc dự các sự kiện xã giao để mở rộng quan hệ, bạn không chỉ đang “làm đẹp” cho lý lịch của bạn, mà còn đang xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa cho cuộc đời bạn. 

Theo trường phái khắc kỷ, việc phát triển cá nhân và việc đóng góp cho một lý tưởng nào đó nên được hòa quyện vào nhau. Trong khi xây dựng vị thế xã giao của bạn, đừng bỏ quên ý nghĩa đích thực của việc đó. Đó không phải là truy cầu sự nổi tiếng, mà là một hành trình trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính bạn. Mỗi bước đi của bạn nên là một bước tiến gần hơn đến sự tiến bộ của bản thân, kèm theo mong muốn giúp ích cho cộng đồng. Đừng chú trọng đến việc làm cho người khác nhìn thấy bạn, mà hãy chú trọng đến việc nhìn thấy bản thân phát triển, và đổi lại, giúp đỡ những người khác phát triển.

9. XEM NHƯ HỌ KHÔNG TỒN TẠI

Thay vì tìm cách lấy lòng người ghẻ lạnh bạn, hãy tìm kiếm những người biết xem trọng bạn. Còn những lúc buộc phải tiếp xúc với người không ưa bạn, hãy giữ tác phong chuyên nghiệp! 

Hãy cố gắng để cho buổi nói chuyện diễn ra nhanh gọn và tránh tâm sự chuyện riêng với họ. Đây không có nghĩa là bạn tỏ thái độ với họ. Mà là bạn coi trọng chính mình. Bằng việc duy trì sự tương tác ở mức độ công việc thuần túy, bạn sẽ không cho những đấu đá không cần thiết có cơ hội xuất hiện. Việc này thay lời của bạn rằng: “Tôi ở đây vì những việc quan trọng, chứ không phải để diễn màn kịch này.” 

Nếu đến phút cuối, sự lạnh nhạt của họ vẫn tiếp diễn, hãy can đảm rời đi. Việc đó không có nghĩa là bạn bại trận, mà là một sự rút lui khôn ngoan. Nó cho thấy bạn hiểu rằng năng lượng của bạn nếu được đầu tư cho những thứ khác thì sẽ tốt hơn - như là vào các mối quan hệ hay những hoạt động giúp bạn có niềm vui và sự tiến bộ.

Bằng cách không tham gia vào màn đấu đá đến từ một phía như thế này, bạn không những đã thắng đối phương, mà bạn còn đang hướng bản thân đến những cơ hội tốt hơn, những cuộc tiếp xúc lành mạnh hơn, và một tinh thần yên bình hơn.

Cách phản ứng này của bạn đối với việc bị người khác ghẻ lạnh không phải có nghĩa rằng bạn bị đánh bại, mà là một minh chứng cho sức mạnh và lòng tự tôn của bạn.

10. IM LẶNG

Khi ai đó phủ nhận bạn, việc bạn đáp trả bằng sự im lặng không mang ý nghĩa rằng bạn “trên cơ” họ, mà là bạn đang giữ gìn nhân phẩm của chính bạn. Trường phái khắc kỷ dạy chúng ta sử dụng sự im lặng không phải để khiêu khích hay thao túng, mà để tự nhìn lại mình và làm chủ cảm xúc của bản thân.

Khi ai đó phớt lờ bạn và bạn chọn cách im lặng, hãy để sự im lặng là một quãng thời gian cho bạn nhìn lại chính mình - đó là dịp cho bạn tìm hiểu những cảm giác của bạn, xem xét những suy nghĩ của bạn, và tìm thấy sự sáng suốt. Đây không phải là để trừng phạt đối phương; mà là để giữ gìn sự bình yên nội tại của bạn. Trong sự im lặng này có một cơ hội lớn lao cho sự phát triển cá nhân của bạn. Sự im lặng ở đây không có nghĩa rằng bạn khép lòng lại; mà là bạn cởi mở với bản thân, xem xét lại những giá trị và chuẩn mực đạo đức của bạn, và cách bạn muốn dùng để ứng xử với thế giới. Đây là dịp để bạn tự vấn: “Tại sao điều này làm mình phiền lòng?”, “Mình có thể học được gì từ tình huống này?”, “Mình có thể phát triển như thế nào từ tình huống này?”,...

Hãy để sự im lặng của bạn là một sự đáp trả mang tính xây dựng, chứ không mang tính hủy diệt. Đây là cơ hội để bạn củng cố tính cách bản thân, và để các phản ứng của bạn phản ánh được các quy tắc đạo đức của bạn.

Do đó, nếu bạn chọn im lặng, hãy để sự im lặng đó là một sự lựa chọn có ý thức, bắt nguồn tự sự yêu thương bạn dành cho bản thân và từ sự khôn ngoan của bạn. Đó là từ chối có những hành vi thấp kém hơn nhân cách của bạn: nghĩa là không thao túng, trả thù, hay hờn giận. Sự im lặng của bạn cho thấy ở bạn có sự điềm tĩnh và tự chủ. 

11. ĐỪNG VAN XIN SỰ CHÚ Ý CỦA HỌ

Khi ai đó phớt lờ bạn, đó không phải là tín hiệu để bạn van xin họ chú ý đến bạn. Thay vào đó, đây là một cơ hội cho bạn nhìn lại chính mình và tái xác định giá trị của bản thân. Chủ nghĩa khắc kỷ dạy rằng niềm tin vào bản thân không nên bị lung lay bởi sự chú ý của người khác. Mà hãy giữ vững lập trường và biết rằng giá trị của bạn không phải là một món hàng cho người khác thương lượng giá cả.

Hãy theo đuổi những sở thích và đam mê của bạn với sự nồng nhiệt. Đây không phải là thể hiện cho người khác thấy họ mất gì khi không giao du với bạn. Mà là bạn biết bạn có thể cho thế giới những gì.

Hãy tích cực tham gia các hoạt động khiến bạn thấy vui và ý nghĩa. Qua lại với những người quý trọng bạn. Dựng xây một cuộc đời sao cho bạn cảm thấy tự hào. Hãy say sưa đầu tư cho sự tiến bộ và hạnh phúc của chính bạn đến mức việc tìm kiếm sự công nhận đến từ bên ngoài dần trở thành điều không cần thiết đối với bạn.

Cho nên, thay vì chạy theo sự chú ý ngắn ngủi của người đời, hãy đầu tư cho bản thân. Tạo dựng một cuộc sống mà bạn hài lòng, đừng bận tâm đến cách phán xét của người khác.

Hãy để sự tự tin và vững vàng của bạn là sản phẩm phụ từ sự phát triển cá nhân và từ những thành tựu bạn đạt được, chứ không phải là màn biểu diễn trưng ra chỉ để làm vừa lòng khán giả.

12. TỬ TẾ NHƯNG GIỮ KHOẢNG CÁCH VỀ MẶT CẢM XÚC

Kể cả khi bị người khác lạnh nhạt, bạn hãy chọn cách hành xử tử tế, nhưng hãy giữ an toàn cho thành trì cảm xúc của bạn. Việc này không có nghĩa rằng bạn lạnh lùng, mà là để bảo vệ sự yên bình nội tại của bạn.

Các triết gia khắc kỷ khuyên chúng ta đừng ứng phó với sự ghẻ lạnh bằng một tình trạng bấn loạn cảm xúc, mà với một trái tim điềm tĩnh. Hãy mỉm cười. Chào họ một cách lịch sự hoặc đơn giản là chúc họ một ngày tốt lành. Nhưng hãy làm những việc đó mà không mang gánh nặng của sự kỳ vọng rằng họ sẽ tốt với bạn. Sự tử tế của bạn là một món quà, không phải là một món hàng để đổi chác.

Duy trì một mức độ xa cách về mặt cảm xúc không có nghĩa là bạn xây một bức tường thành rồi trốn sau nó, mà là vạch ra những giới hạn, là hiểu rằng dù bạn kiểm soát được hành động của chính bạn, thì bạn vẫn không kiểm soát được cách người khác phản ứng. Việc bạn giữ khoảng cách về mặt cảm xúc với họ không phải là dấu hiệu rằng bạn yếu đuối, mà nó cho thấy bạn mạnh mẽ và tự tôn. Đó là một lựa chọn tỉnh táo: không để những hành động của người khác quyết định trạng thái cảm xúc của bạn.

Bằng cách giữ sự tử tế nhưng ở một khoảng cách an toàn về mặt cảm xúc, bạn đang nói rằng: “Tôi không cho sự ghẻ lạnh của bạn làm xáo trộn sự cân bằng của tôi.” Biện pháp này không chỉ bảo vệ bạn, mà còn khiến bạn mạnh hơn. Nó cho phép bạn tương tác một cách duyên dáng mà vẫn vững vàng về mặt phẩm chất đạo đức của bạn. Nó cho thấy bạn tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, và là bằng chứng cho thấy bạn trưởng thành và hiểu biết.

Bằng cách này, bạn sẽ đương đầu với những sự phủ nhận trong cuộc sống - không phải với tâm trạng cay đắng hoặc tổn thương, mà là với một sự điềm tĩnh và phẩm chất tốt đẹp.

13. ĐỪNG LỘ SỰ TRANH ĐẤU

Trường phái khắc kỷ khuyên chúng ta giữ sự điềm tĩnh khi bị người khác phủ nhận. Việc đó không có nghĩa rằng bạn giả vờ rằng mọi việc vẫn ổn. Mà nó có nghĩa rằng nội tâm bạn vững vàng, là sự phản chiếu một tinh thần thật sự ổn định. 

Hãy cứ tiếp tục sống bình thường như trước. Đó không phải là “diễn” cho người khác xem, mà đó là một bằng chứng cho thấy sự mạnh mẽ của bạn. Việc này không có nghĩa là bạn chối bỏ những cảm xúc của bản thân. Hãy ghi nhận những cảm xúc đó, nhưng đừng để chúng chỉ huy bạn. Mà hãy để sự bình tĩnh và tự tin là những người dẫn đường cho bạn. Hãy kiểm soát điều bạn có thể kiểm soát: các hành động của bạn, các phản ứng của bạn, những biểu hiện của bạn. 

Bằng cách tiếp tục sống một cách tự tin, bạn không những cho người khác thấy rằng bạn mạnh mẽ, mà bạn còn đang nhắc nhở chính mình về sự mạnh mẽ của bạn. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để khẳng định rằng bạn hiểu giá trị bản thân của bạn không phụ thuộc vào ý kiến hoặc hành động của người khác. 

Không cho người khác thấy vẻ tranh đấu của bạn không có nghĩa là bạn che giấu cảm xúc của bạn, mà là quản lý những cảm xúc đó theo cách bảo toàn được phẩm giá và lòng tự tôn của bạn. Đó không phải là “diễn” cho thế giới xem, mà là bằng chứng cho sự khôn ngoan, cương nghị, can đảm và vững vàng của bạn.

(Hết)

Ngô Triệu Khánh Ngọc sưu tầm và lược dịch từ YouTube

https://www.facebook.com/ngockhanhtrieu.ngo

menu
menu