16 dấu hiệu cho thấy bạn được nuôi dạy bởi một bậc cha mẹ hay chỉ trích

16-dau-hieu-cho-thay-ban-duoc-nuoi-day-boi-mot-bac-cha-me-hay-chi-trich

6. Bạn liên tục xin lỗi.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Thường xuyên bị chỉ trích từ lúc còn nhỏ có thể khiến bạn khó tin tưởng vào bản thân.
  • Cách đối xử của cha mẹ có thể ảnh hưởng không chỉ đến cách bạn cảm nhận về bản thân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng các mối quan hệ của bạn
  • Bằng cách thực hành thường xuyên, bạn có thể thoát khỏi những phản ứng tự động này và phát triển những thói quen mới.

Tôi có một người bạn thân thời đại học, người luôn tỏ ra tự ti. Anh ấy là một chàng trai tuyệt vời và đáng yêu, vì vậy tôi thấy việc tự chỉ trích bản thân của anh ấy thật là khó hiểu.

Nhưng khi tôi gặp bố anh ấy, mọi chuyện thật hợp lý. Ngay cả vài giờ tiếp xúc với cha anh ấy cũng khó mà chịu đựng nổi vì ông liên tục chê bai và có thái độ trịch thượng.

Lớn lên với một bậc cha mẹ hay chỉ trích này có thể để lại những tác động lâu dài. 16 dấu hiệu sau đây dựa trên các nghiên cứu cũng như quan sát của tôi với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý.

1. Bạn khó tin tưởng vào chính mình.

Liên tục bị chỉ trích trong giai đoạn đầu đời có thể để lại ấn tượng rằng những gì bạn nghĩ, cảm nhận hoặc làm là sai trái. Kết quả là, bạn thường khổ sở vì hoài nghi chính mình.

2. Bạn ngại đón nhận những thử thách mới.

Sự hoài nghi bản thân và lòng tự tin thấp khiến bạn khó mà tin tưởng vào khả năng của bản thân để vươn lên đáp ứng cơ hội mới. Bạn thường chọn cách an toàn và chọn không cố gắng thay vì mạo hiểm gánh chịu rủi ro (Madjar và cộng sự, 2015).

3. Rất khó để đứng dậy sau vấp ngã.

Mắc lỗi là điều bình thường của con người, nhưng khi lỗi lầm là của bạn thì nó giống như sự xác nhận cho những thiếu sót của bạn. Ngay cả một sai lầm đơn giản cũng có thể nhắc nhở bạn về tất cả những thất bại của bạn trong quá khứ khi ý thức về giá trị bản thân của bạn giảm mạnh.

4. Bạn có xu hướng là người cầu toàn.

Những nỗ lực để trở nên hoàn hảo của bạn không được thúc đẩy bởi niềm tự hào về công việc của bạn mà bởi nỗi sợ làm hỏng việc và bộc lộ sự kém cỏi của mình (Madjar và cộng sự, 2015).

5. Bạn mất nhiều thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ.

Soạn thảo email, chọn thiệp sinh nhật, viết bài luận hoặc bất kỳ việc gì khác có thể khiến bạn mất nhiều thời gian vì bạn cố gắng tránh mắc lỗi. Bạn thậm chí có thể trễ hạn vì nỗ lực “làm cho đúng” đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của bạn.

6. Bạn liên tục xin lỗi.

Bố hoặc mẹ của bạn đã nhanh chóng khiến bạn cảm thấy rằng mình đã sai, vì vậy thật dễ dàng để bạn nghĩ rằng những người khác cũng sẽ nhìn nhận bạn theo cách tương tự. Khi bạn bè nói với bạn rằng bạn không cần phải nói “xin lỗi” hoài như thế, bạn thậm chí có thể xin lỗi vì đã xin lỗi. 

7. Bạn thường phòng thủ.

Tất nhiên là bạn cảm thấy mình lúc nào cũng phải phòng thủ vì: Khi còn bé, bạn đã học cách thích nghi cao độ trước các cuộc tấn công có thể xảy ra để bạn có thể đề phòng chúng. Phản ứng phòng thủ của bạn có thể khiến bạn bè hoặc người bạn đời khó chịu với bạn vì bạn “luôn hiểu sai mọi việc”— điều này chẳng khiến bạn cảm thấy bớt phòng thủ đi chút nào.

8. Bạn khó mà tin rằng người khác yêu thích bạn.

Ngay cả khi bạn bè và gia đình bày tỏ tình cảm của họ dành cho bạn thì trong sâu thẳm bạn vẫn nghi ngờ rằng họ đã chán ngấy bạn (Pepping và cộng sự, 2015). Xu hướng này có thể đặc biệt mạnh mẽ nếu cha mẹ bạn gửi cho bạn những thông điệp lẫn lộn gây khó hiểu, đối xử tử tế với bạn lúc này và khiến bạn hoang mang bằng những lời lẽ cay nghiệt ngay sau đó.

9. Bạn hiếm khi ghi nhớ lời khen.

Khi ai đó nói điều gì tốt đẹp với bạn, bạn sẽ tìm cách đánh trống lảng, làm chệch hướng điều đó—thường là bằng cách (bất ngờ) tự phê bình bản thân. Ví dụ, nếu họ nói rằng họ thích chiếc áo sơ mi mới của bạn, bạn nói rằng đó không phải là màu phù hợp nhất với bạn. Bằng cách này hay cách khác, bạn vô hiệu hóa bất kỳ sự tích cực nào hướng đến bạn.

10. Bạn có rất nhiều lo lắng xã hội.   

Do không tin tưởng vào thái độ tích cực của người khác, bạn thường lo sợ sự phán xét hoặc chỉ trích của họ (Schimmenti & Bifulco, 2015). Bạn có thể lo lắng về việc tự làm xấu mặt mình tại nơi làm việc, làm điều gì đó đáng xấu hổ ở nơi công cộng hoặc tỏ ra vụng về trong các cuộc trò chuyện.

11. Bạn có một nhà phê bình nội tâm khắc nghiệt.

Tiếng nói hay phê bình của cha mẹ bạn được nội tâm hóa, và bây giờ những lời chỉ trích của họ đến từ bên trong. Nếu lắng nghe kỹ, bạn có thể nghe thấy dư âm của giọng nói của cha mẹ trong cuộc độc thoại nội tâm của chính bạn.

12. Bạn dễ bị trầm cảm.

Tất cả những lời độc thoại tiêu cực đó và cảm giác kém cỏi sẽ để lại ảnh hưởng xấu, và hậu quả là tâm trạng của bạn sẽ bị ảnh hưởng (McLeod và cộng sự, 2007). Đáng buồn thay, bạn có thể sẽ chỉ trích chính mình ngay cả khi bị trầm cảm, tạo ra một vòng xoáy đi xuống của tâm trạng chán nản và ghê tởm bản thân.

13. Bạn có xu hướng chỉ trích người khác.

Bạn không thích bị chỉ trích nhiều như vậy, nhưng cũng thật khó để không làm điều đó với người khác. Bạn thấy dễ dàng và tự động nhìn ra lỗi lầm của người khác, và sự tự phê bình của chính bạn được phản ánh trong thái độ của bạn đối với người khác—có lẽ như một sự phòng thủ chống lại giá trị bản thân thấp của bạn.

14. Mối quan hệ của bạn với anh chị em đang căng thẳng.

Thật không may là sự đối xử tệ bạc của cha mẹ thường dẫn đến mối quan hệ anh chị em khó khăn (Portner & Riggs, 2016). Mặc dù bạn có thể tận hưởng những khoảng thời gian gần gũi và kết nối, nhưng cảm giác tin tưởng cơ bản lại bị thiếu.

15. Bạn thường suy nghĩ quá nhiều.

Sự không tin tưởng và ngờ vực bản thân khiến bạn dành rất nhiều thời gian trong đầu: để phân tích, xem xét, dự đoán. Bạn có thể dành nhiều thời gian trong đầu đến mức bạn thậm chí cảm thấy bị cắt đứt khỏi cơ thể của mình.

16. Bạn cảm thấy cần phải chứng tỏ bản thân.

Ở mức độ cơ bản, bạn không cảm thấy mình “đủ”—không đủ thông minh, đủ đẹp trai, đủ thành công, đủ giàu có. Bạn cố gắng bù đắp cho những cảm giác này bằng cách làm việc thật chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn nữa.

Không phải ai lớn lên với nhiều lời phê bình cũng sẽ phát triển những khuôn mẫu này và có một vài khuôn mẫu trên không nhất thiết có nghĩa là bạn có cha mẹ hay chỉ trích. Nhưng nếu bạn nhận thấy mình xuất hiện trong nhiều mô tả trên, hãy dành một chút thời gian để thừa nhận quá khứ của bạn và cách mà nó góp phần vào những cuộc vật lộn đang diễn ra trong cuộc đời bạn.

Và hãy ghi nhớ: Những khuynh hướng này không phải bất di bất dịch. Mặc dù bạn không thể thay đổi được chúng hoàn toàn, nhưng với sự nhận thức và thực hành nhất quán, bạn có thể học được cách sống mới.

Bài tập đơn giản này đưa ra một cách để thực hành (phỏng theo Liệu pháp Nhận thức Hành vi Chánh niệmMindful Cognitive Behavioral Therapy):

Đầu tiên: Kết nối với cơ thể và hơi thở của bạn trong khoảnh khắc này. Hãy hít vào và thở ra với sự tỉnh thức nhẹ nhàng. Hãy cảm nhận sự tốt lành trong từng hơi thở và nhận ra tất cả những gì đang diễn ra ở đây và ngay bây giờ.

Tiếp theo: Xem xét khả năng bạn không kém cỏi theo cách bạn tưởng. Có thể quan điểm tiêu cực mà bạn có về bản thân chỉ là lời nói dối mà ai đó đã nói với bạn.

Cuối cùng: Hãy tự hỏi bản thân xem có một việc nhỏ nào bạn có thể làm hôm nay để cho bạn thấy sự tử tế, thể hiện lòng tốt của mình không, như thể bạn là người xứng đáng được quan tâm chứ không phải chỉ trích. Ví dụ, dành thời gian với một người bạn biết khích lệ bạn hoặc xử lý một mục trong danh sách những việc cần làm của bạn.

Hãy phát nguyện không phó mặc bản thân trước những điều kiện hoá tự động của bạn, thay vào đó hãy bảo vệ tâm trí và trái tim của bạn. Ở đủ gần với trải nghiệm của bạn để bạn biết mình là ai và không có suy nghĩ tự phán xét bản thân nào có thể phá vỡ sự hiểu biết vững vàng đó.

Ảnh: Global Moments/Adobe Stock

Tác giả: Seth J. Gillihan

Seth J. Gillihan là tác giả cuốn sách Kiểm soát trầm cảm trong 7 tuần bằng liệu pháp nhận thức hành vi

Mời bạn đặt sách tại: https://shope.ee/8A2fdpzpVe

[Cuốn sách được viết rất dễ hiểu dễ đọc dưới dạng workbook, dành cho những ai quan tâm đến liệu pháp CBT.]

menu
menu