6 dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc (và 7 cách giúp bạn tự mình đạt được điều đó)

6-dau-hieu-cua-su-truong-thanh-ve-mat-cam-xuc-va-7-cach-giup-ban-tu-minh-dat-duoc-dieu-do

Xã hội thường mắc sai lầm khi đánh giá sự trưởng thành của một người dựa trên độ tuổi.

Xã hội thường mắc sai lầm khi đánh giá sự trưởng thành của một người dựa trên độ tuổi.

Nếu bạn đã từng gặp một thiếu niên khôn ngoan trước tuổi, hoặc một người đàn ông trung niên ngốc nghếch, bạn sẽ biết rằng tuổi tác không liên quan gì đến cách một người nào đó thể hiện ra bên ngoài. 

Nói cách khác, tuổi tác không phải là tấm vé đảm bảo cho sự trưởng thành.  

Mặc dù những loại ví dụ này khi nào cũng xuất hiện quanh ta, ta vẫn tiếp tục tin rằng bản thân mọi người cần phải "hành động sao cho đúng với tuổi", và liên tục ngạc nhiên khi thấy rằng không ai làm như vậy cả.  

Những gì chúng ta thực sự nói đến, và những gì mà nhiều người đang tìm kiếm khi mưu cầu một mối quan hệ, là bằng chứng cho thấy "khẩu vị tình yêu" của một người đã bao gồm cả sự trưởng thành về mặt cảm xúc - con người ta sẽ liên tục băn khoăn rằng, liệu đối phương có thể thực hiện những cam kết mà một mối quan hệ đòi hỏi hay không? 

Dưới đây là cách để bạn có thể biết ai đó đã trưởng thành về mặt cảm xúc hay chưa:  

1) Họ nhận thức được vị trí của họ trên thế giới

Những người trưởng thành về mặt cảm xúc có thể đặt bản thân vào môi trường xung quanh, hiểu được những định kiến của bản thân họ đối với thế giới, và khả năng chịu trách nhiệm về cách họ thể hiện bản thân. 

Điều này có nghĩa là, nếu họ sống một cuộc sống có đầy đủ những đặc ân, họ thừa nhận điều đó và hiểu rõ quyền lợi của họ trong thế giới.  

Theo nhà trị liệu tâm lý Megan Bruneau, M.A. tại Mind Body Green, một dấu hiệu chính của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là “học cách trau dồi nhận thức tích cực về những thành kiến và định kiến, đồng thời, kiểm tra xem cách mà chúng có thể ảnh hưởng đến các quyết định và hành động của chúng ta ra sao”.  

Những người có mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc thấp, sẽ nghĩ rằng, thế giới này chỉ xoay quanh họ và họ không cần phải thay đổi gì cả. 

2) Họ đặt câu hỏi trước tiên rồi sau đó mới nói

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc đòi hỏi mọi người phải lắng nghe, và tiếp nhận thế giới xung quanh trước khi đáp lại và phản ứng. 

Tiến sĩ Rob Pascale và Lou Primavera cho biết trên tạp chí Psychology Today rằng, những người trưởng thành về mặt cảm xúc “có thể kiểm soát những cơn bốc đồng của mình, ít bị bùng nổ cảm xúc và không dễ nổi giận”.  

Nếu bạn đang tìm kiếm một đối tượng tiềm năng trong một mối quan hệ, và tự hỏi tại sao họ lại bốc đồng về những điều bạn nói và làm mà không có một lời giải thích nào, hoặc tại sao họ lại dễ dàng tức giận với hành động của người khác, thì đó không phải là vì họ là kẻ cộc cằn - mà là vì sự trưởng thành về mặt cảm xúc của họ chưa được phát triển tốt.

3) Họ có thể đặt mình vào vị trí của bạn

Nếu bạn đang tìm kiếm một ai đó để thiết lập mối quan hệ, hãy đặt sự đồng cảm thành tiêu chí tối quan trọng trong danh sách về những điều mà bạn khao khát có ở một người bạn đời.  

Khả năng đặt mình vào vị trí của người khác có nghĩa là, khả năng định vị mình trong các tình huống khác nhau, nắm bắt các thử thách và hòa hợp với mọi người trong những thời điểm khó khăn.  

Sự đồng cảm có liên quan rất nhiều đến trí tuệ cảm xúc. Theo Peg Streep trên tạp chí Psychology Today, “khả năng để biết bạn đang cảm thấy gì, xác định đúng và gọi tên các cảm xúc khác nhau một cách chính xác và sử dụng cảm xúc để biểu lộ những ý nghĩ của bạn - sẽ giúp bạn đồng cảm dễ dàng hơn hoặc mạnh mẽ hơn.”  

Đồng cảm không có nghĩa là sự yếu đuối, mà là khả năng bày tỏ và cởi mở với những người xung quanh, hoặc hỗ trợ ai đó một cách có ý nghĩa - đây chắc chắn là một đặc điểm bạn mong muốn có ở người bạn đời.  

4) Họ có thể thừa nhận khi họ sai

Băn khoăn rằng ai đó có sự trưởng thành mạnh mẽ về mặt cảm xúc hay không? Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi này: "họ có thể thừa nhận khi họ sai không?" 

Nếu họ tranh cãi gay gắt với bạn về việc họ có đúng hay không, thì họ không thể hiện sự trưởng thành trong tình cảm.  

Những người muốn mình luôn luôn đúng thường đặt nặng nhiều cảm xúc hơn, điều đó có thể kéo mối quan hệ đi xuống.  

Một điều mà chúng ta thường không nhận ra là, những người muốn mình luôn luôn đúng, không thực sự quan tâm xem họ có đúng hay không, họ chỉ muốn người khác tin vào quan điểm của họ. Đó là một thứ quyền lực. 

Nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu xem liệu người ấy có sẵn sàng bước vào một mối quan hệ, và có thể thể hiện sự trưởng thành về mặt tình cảm hay không, hãy tìm hiểu xem họ đứng ở vị thế như nào, khi thừa nhận mình sai.  

5) Họ yêu cầu được giúp đỡ khi cần

Sự trưởng thành về cảm xúc có nghĩa là, bạn có thể nhận ra khi nào bạn không thể tự mình làm được một việc nào đó, và bạn cần giúp đỡ.

Đối với những người chưa có sự trưởng thành về mặt cảm xúc, việc yêu cầu giúp đỡ có thể là một dấu hiệu của sự yếu đuối. 

Trên thực tế, đó là một dấu hiệu của sự thiếu chín chắn.

Có thể, họ muốn tỏ ra mạnh mẽ và độc lập, nhưng, những người không thể yêu cầu người khác giúp đỡ thực chất, lại không trưởng thành về mặt cảm xúc, và không thể tham gia vào mối quan hệ theo cách mang lại sự hợp tác và niềm tin tưởng.

Theo Elite Daily, thừa nhận lỗi sai của mình cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, và có bản lĩnh vững vàng.  

6) Họ có thể cho thế giới thấy họ dễ bị tổn thương ra sao

Tính dễ bị tổn thương là biên giới cuối cùng của con người. Tất cả chúng ta đều đang đấu tranh để cho thế giới thấy rằng ta không hoàn hảo, vào thời điểm mà ai cũng cho rằng mọi người khác đều hoàn hảo - dựa trên hồ sơ mạng xã hội và những bức hình tự sướng. 

Chúng ta sợ cho cả thế giới thấy mình thực sự là ai, vì vậy nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu xem ai đó đã trưởng thành về mặt cảm xúc hay chưa, hãy tìm hiểu kỹ khả năng dễ bị tổn thương của họ.

Tính dễ bị tổn thương là một dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc, cho bạn biết liệu ai đó có thể chấp nhận được hay không, khi ở trong một mối quan hệ cần có các yếu tố trung thực, cởi mở và sống chân thật.

Dễ bị tổn thương cho phép bạn giao tiếp chân thành hơn và bày tỏ rõ ràng hơn nhu cầu của bản thân, điều này rất quan trọng để xây dựng lòng tin với người khác, theo Pascale và Primavera trên tạp chí Psychology Today.

Làm thế nào để trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc?

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc không phải là thứ mà bạn sinh ra đã có; đó là thứ mà bạn cần phải trau dồi.  

Không phải ai cũng tận dụng các tình huống để tìm hiểu về sự trưởng thành trong cảm xúc của bản thân, nhưng đối với những người đã may mắn chú ý và tận dụng những tình huống đó, sự thay đổi có thể xảy ra.  

Quá trình thay đổi lâu dài ấy sẽ mang lại cho bạn một cuộc sống tốt hơn, có thể cải thiện cách suy nghĩ của bạn và thành quả bạn nhận được khi bạn trải nghiệm cuộc sống này.  

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc có nghĩa là, bạn suy nghĩ trước khi hành động, dành thời gian dừng lại và tự hỏi về thế giới rộng lớn - thay vì đi loanh quanh và nghĩ rằng bạn đã biết mọi thứ cần biết về bản thân, về những người khác và thế giới xung quanh.

Dưới đây là bảy cách giúp bạn có thể trưởng thành hơn về mặt cảm xúc.  

  1. Sống trong phút giây hiện tại

Một cách để rèn luyện sự trưởng thành về cảm xúc là thực hành chánh niệm. 

Những người sống bi kịch thường sống trong quá khứ hoặc tương lai, lo lắng về những gì có thể xảy ra nếu họ đi theo con đường A, B hoặc C.

Nhưng khi chúng ta tập trung vào phút giây hiện tại và quan sát những cảm giác và phản ứng của mình từ xa với thái độ không phán xét, chúng ta sẽ tạo ra không gian để kiểm soát tốt hơn phản ứng của mình.

Mindful.org cho rằng, chánh niệm là “thực hành nghệ thuật tạo không gian cho bản thân — không gian để suy nghĩ, không gian để thở, không gian giữa bản thân và phản ứng nơi ta. 

Megan Bruneau, Nhà trị liệu Tâm lý & Huấn luyện viên Điều hành, giải thích lý do tại sao chánh niệm lại có sức mạnh:

“Thông qua việc thực hành chánh niệm, chúng ta có thể tăng khoảng thời gian giữa việc cảm nhận một cảm xúc cụ thể và phản ứng với nó. Chúng ta có được cảm giác thoải mái đối với cách chúng ta quan sát cảm xúc của mình - thay vì bị cuốn trôi bởi mớ cảm xúc ấy ngay lập tức, và phản ứng theo bản năng, chúng ta học cách quan sát trước, sau đó phản ứng cẩn thận và hiệu quả hơn."

  1. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta đều được sinh ra với sự công bằng 

Bất chấp những khác biệt, quan điểm, niềm tin và thực hành của chúng ta, mỗi con người đều đáng được yêu thương, và đều được tạo cơ hội để làm chủ cuộc đời. 

Những gì bạn chọn làm với cuộc sống của mình, là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về cảm xúc của bạn: nếu bạn lãng phí nó vào những thứ phù phiếm, bạn sẽ mất cơ hội kết nối với cái tôi cao hơn của mình và thất bại trong việc có được nhiều thứ hơn trong cuộc sống.

Tiết sĩ Robert W Fireston đã giải thích cách các cá nhân trưởng thành, tương tác trong mối quan hệ thân thiết: 

"Những người trưởng thành thường kết nối với nhau như những cá thể độc lập, với sự cho đi và nhận lại đáng kể, bởi nhu cầu tương hỗ lẫn nhau." 

Nói cách khác, những người trưởng thành về mặt cảm xúc đã phát triển khả năng cho và nhận tình yêu.  

  1. Hãy tò mò

Những người trưởng thành mạnh mẽ về mặt cảm xúc tiếp cận cuộc sống với cảm giác tò mò, và không mặc định rằng, họ đã biết tất cả những gì cần biết.  

Hãy hồi tưởng lại khi bạn còn là một thiếu niên và cách bạn nghĩ rằng thế giới đang ở trước ngưỡng cửa nhà bạn: có thể mất nhiều năm để bạn nhận ra rằng cuộc sống còn nhiều điều cần khám phá hơn so với những gì bạn đã được trông thấy.

Nếu bạn là người có "độ chín" về mặt cảm xúc cao, thì bạn sẽ biết ngay rằng, ngoài kia còn rất nhiều điều đang chờ được khám phá. 

Tim Elmore nói trong Psychology Today rằng một người trưởng thành có thể dạy bảo được: 

“Một người trưởng thành có thể dạy bảo được. Họ không cho rằng họ đã có tất cả các câu trả lời. Càng khôn ngoan, họ càng nhận ra rằng họ cần nhiều trí tuệ hơn. Họ không xấu hổ khi tìm kiếm lời khuyên từ người lớn (giáo viên, cha mẹ, huấn luyện viên) hoặc từ các nguồn khác. Chỉ người khôn ngoan mới tìm kiếm sự khôn ngoan”.

Những người trưởng thành về mặt cảm xúc tiếp cận cuộc sống với sự tò mò, thắc mắc và một tâm hồn cởi mở.  

  1. Thực hành lòng biết ơn trong những thời gian khó khăn

Nếu bạn đang cố gắng để trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, một cách để làm điều này là thực hành lòng biết ơn khi bạn cảm thấy như cả bầu trời sụp đổ.

Khi mọi thứ có vẻ như đang vỡ vụn, thực hành lòng biết ơn sẽ giúp bạn nhận ra điều tốt đẹp trong hoàn cảnh và khiến bạn cảm thấy câu chuyện còn có nhiều điều hơn ngoài những gì mà bạn đang nói với chính mình.

Tất cả chúng ta đều có những thời điểm khó khăn, và nếu bạn có thể thực hành lòng biết ơn đối với những tình huống khó khăn mà bạn gặp phải, nếu bạn có thể biết ơn những thử thách trong cuộc sống, bạn sẽ tiến thêm một bước nữa để trưởng thành về mặt cảm xúc.

Tim Elmore trong Psychology Today nói rằng những người trưởng thành nhận ra rằng họ thấy nó thực sự tốt như thế nào:

“Những đứa trẻ chưa trưởng thành cho rằng, chúng xứng đáng với mọi điều tốt đẹp xảy đến với chúng. Những người trưởng thành nhìn ra một bức tranh tổng thể hơn, và nhận ra rằng họ thật may mắn khi có được những điều tốt đẹp ấy so với hầu hết dân số thế giới."

  1. Học hỏi những điều mới  

Những người trưởng thành về mặt cảm xúc không thức dậy theo cách đó: họ phải ra ngoài và học cách làm theo cách đó.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc là đặt bản thân mình trước thế giới và nói, "Tôi là học trò của bạn."  

Học cách tìm hiểu, học hỏi về bản thân và tìm hiểu về thế giới xung quanh là một cách tuyệt vời để sống một cuộc sống kết nối và đầy ý nghĩa, giàu trải nghiệm và những điều kỳ diệu.  

Ngay cả khi những điều bạn học được khiến bạn tổn thương, thì vẫn có ý nghĩa trong đó, và những người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ đi theo những con đường đó để học hỏi nhiều nhất có thể. 

  1. Đặt câu hỏi

Muốn trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc? Bắt đầu với các câu hỏi về bản thân, các mối quan hệ, những kết nối của bạn, những phản ứng, những mục tiêu, mong muốn, nhu cầu và thành tích của bạn.

Bạn đã hy vọng tìm thấy gì? Bạn muốn gì để thoát khỏi những tình huống đó? Cuộc sống của bạn bây giờ trông như thế nào? Bạn muốn trở nên giỏi hơn ở điểm nào? Bạn muốn phát triển ra sao?  

Câu hỏi giúp bạn tiến lên phía trước. Bất cứ khi nào bạn gặp phải trở ngại trong cuộc sống, những câu hỏi sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn.

Phó giáo sư HBS Alison Wood Brooks và phó giáo sư HBS Leslie John nói trên Tạp chí Kinh doanh Harvard rằng, đặt câu hỏi thường mang lại những lợi ích quan trọng.

"Nó thúc đẩy học tập và trao đổi ý tưởng, nó là nhiên liệu cho sự đổi mới và cải thiện hiệu suất, nó xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng."    

  1. Đừng phản ứng nhanh

Đặc điểm nền tảng của những người trưởng thành về mặt cảm xúc là họ luôn giữ vững lập trường của mình trong những tình huống khó khăn, và không vội phản ứng lại. 

Họ chủ động và có thể đoán trước phản ứng của mình trước một khoảng thời gian và đảm bảo rằng, họ không bị tức điên khi mọi thứ trở nên tồi tệ. 

Những người trưởng thành về mặt cảm xúc có thể tiếp thu sự thật, đánh giá kết quả có thể xảy ra và học hỏi từ những sai lầm của chính họ trong suốt chặng đường.  

Vì vậy, ngay cả khi bạn thỉnh thoảng bị mất tay lái, nếu sự trưởng thành về mặt cảm xúc của bạn đang phát triển, bạn sẽ nhận ra cách để cải thiện và không hành hạ bản thân vì đã đánh mất vị trí của mình.

Như Albert Ellis nói, 

“Những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời bạn là những năm tháng bạn quyết định vấn đề của bản thân, có nguyên nhân nằm ở chính bạn. Bạn không đổ lỗi cho mẹ bạn, hệ sinh thái, hay tổng thống… Bạn kiểm soát số phận của chính mình.” 

---------

Tác giả: Lachlan Brown

Link bài gốc: 6 signs of emotional maturity (and 7 ways to get there yourself) 

Dịch giả: Vương Thị Hoàng Ngọc - ToMo - Learn Something New  

-------------------------------------

Nếu Bạn đang cần sự hỗ trợ về tâm lý, hãy gọi cho Psychologist Vietnam - Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khỏe Tinh Thần cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và chủ doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về thể chất, tinh thần, với nhiều nhà tham vấn có trình độ chuyên môn cao và phương châm “chân thành, thấu cảm, trung thực và chuyên tâm”.

Liên hệ với chúng tôi để được tham vấn và đưa ra lộ trình trị liệu phù hợp:

Phone: 0812151220

Facebook: https://www.facebook.com/PsychologistVietnam

Email: [email protected]

Địa chỉ: 136 Nguyễn Phạm Tuân, Đà Nẵng

menu
menu