Trưởng thành sau tổn thương
Sau tổn thương, những niềm tin ngây thơ về thế giới sụp đổ.
Sau tổn thương, những niềm tin ngây thơ về thế giới sụp đổ. Nhưng, như một căn nhà không chắc chắn bị sập, gạch xây nhà vẫn còn, chúng ta có thể dùng những viên gạch này xây một căn nhà mới kiên cố hơn.
CÔNG CUỘC TÁI XÂY DỰNG ĐẦY GIAN KHÓ SAU TỔN THƯƠNG
Con người có khả năng thích nghi môi trường mới rất giỏi. Những năng lực quan trọng đều có được nhờ thích nghi với mất mát. Môi trường càng phức tạp, khó khăn càng ép bạn phát triển năng lực và trí tuệ đặc biệt để thích nghi. Bỗng một ngày bạn phát hiện có thể sử dụng những năng lực, trí tuệ này vào các phương diện khác, chúng biến thành tài sản của bạn.
Những trắc trở lâu dài không phải do chúng ta chủ động lựa chọn, nếu có thể, chúng ta không muốn gặp chúng, dù chúng ta từng khóc, từng mệt mỏi, từng chán nản, từng hụt hẫng vì chúng. Nhưng khi buộc phải thích nghi, chúng ta lại phát hiện phía sau những trắc trở này có một món quà quý giá. Món quà không xuất phát từ trắc trở, mà từ sự thích nghi của chúng ta. Nhưng trắc trở và món quà tới cùng nhau. Nếu không có trắc trở, chúng ta không thể phát triển được năng lực và trí tuệ thích nghi với trắc trở.
TỔN THƯƠNG ĐỒNG NGHĨA VỚI CƠ HỘI TRƯỞNG THÀNH
Rất nhiều thứ quan trọng trong đời người có được từ mất mát. Có những mất mát chúng ta chủ động lựa chọn, chẳng hạn chuyển biến công việc hoặc quan hệ; có những mất mát chúng ta không thể lựa chọn, ví dụ ốm nặng, mất đi người quan trọng với mình. Những mất mát này thường gây ra rất nhiều tổn thương. Có lúc, tổn thương không chỉ là tổn thương, mà còn đồng nghĩa với cơ hội trưởng thành.
Cách nhìn nhận trắc trở trong cuộc sống đôi khi còn quan trọng hơn chính trắc trở đó. Tổn thương sẽ thay đổi chúng ta, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy cái hại của tổn thương, cái hại sẽ trở nên nghiêm trọng vì chúng ta sợ hãi nó. Tổn thương gây ra ảnh hưởng tiêu cực, đó là sự thật. Nhưng còn một sự thật khác là rất nhiều người hồi phục sau tổn thương nghiêm trọng, thậm chí trưởng thành. Đây chính là trưởng thành sau tổn thương.
THÍCH NGHI VỚI TỔN THƯƠNG
Giống cái cây kinh qua mưa gió, con người cũng sẽ thích nghi với khó khăn. Sau khi niềm tin cơ bản sụp đổ, công cuộc tái kiến thiết gian nan liền bắt đầu. Chẳng hạn xúc giác của người mù trở nên nhạy bén hơn, người không có tay thì chân trở nên linh hoạt, kết cấu nhận thức trong đầu chúng ta cũng tiến hành tái tổ chức sau chấn thương. Chúng ta phải phát triển kết cấu nhận thức mới, nếu không, rất có thể chúng ta sẽ trở thành người suốt ngày chỉ biết than thân trách phận, oán hận thế giới không công bằng, hoặc trở nên nhạy cảm quá mức, co mình lại tránh né nguy hiểm. Trong quá trình thích nghi với tổn thương, có người phát hiện tiềm năng mình chưa từng nghĩ tới, phá vỡ giới hạn về bản thân; có người phát hiện chỉ người thân và bạn bè mới là người đáng trân trọng nhất; có người bắt đầu dốc sức giúp đỡ người khác, đồng thời tìm được giá trị và ý nghĩa mới trong sự cống hiến. Giống như cái cây bị thương trong giông bão, từ vết thương sẽ mọc ra chồi non.
(Theo “Tâm Lý Học Phát Triển Cái Tôi” - Trần Hải Hiền)