Yêu thật lòng, nhưng cũng có lúc ta không nên yêu quá nhiều

yeu-that-long-nhung-cung-co-luc-ta-khong-nen-yeu-qua-nhieu

Ở một khía cạnh nào đó, việc phải kiềm chế không bộc lộ trọn vẹn cường độ tình cảm dành cho người mình yêu nghe qua thật phi lý.

Ở một khía cạnh nào đó, việc phải kiềm chế không bộc lộ trọn vẹn cường độ tình cảm dành cho người mình yêu nghe qua thật phi lý. Chẳng phải tình yêu đích thực nên là nơi không có chỗ cho những điều ta gọi nhẹ nhàng là “trò chơi”? Nếu ta đang say đắm, lẽ ra ta phải có thể thổ lộ với người ấy tất cả sự si mê của mình, không chút ngại ngần hay e dè. Ta nên được phép nói rõ rằng ta luôn nghĩ đến họ, rằng ta mê mẩn diện mạo của họ, rằng một ngày nào đó ta có thể muốn cưới họ làm bạn đời. Ta cũng nên được thoải mái mong mỏi được gặp họ thường xuyên, ghen tuông khi họ đi chơi với bạn bè quá khuya, và cảm thấy hụt hẫng nếu họ bảo một ngày nào đó họ muốn một mình đặt chân đến Madagascar, Mông Cổ hay Peru.

Nghe thì có vẻ hợp lý, mang theo khát vọng gần gũi và chân thành – nhưng tất cả chỉ đúng nếu ta bỏ qua một điều: rằng không phải ai trong chúng ta cũng có thể tiếp nhận tình yêu ở dạng nguyên chất, không pha loãng. Có người đã lớn lên trong môi trường thiếu vắng hơi ấm, đến mức để tồn tại, họ buộc phải tự nhào nặn nên một bản thân dè dặt về mặt cảm xúc và luôn nghi ngờ chính mình. Khi xưa họ không nhận được lời động viên nào, khi mọi tình thương đều dành cho anh chị em, khi mặc cảm tự ti và cô lập phòng thủ trở thành thói quen – thì không thể kỳ vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ ngay khi một người tình tử tế – có thể có phần vụng về, nôn nóng – bất ngờ xuất hiện. Phản ứng đầu tiên khi bỗng nhiên trở thành đối tượng của sự sùng bái có thể không phải là biết ơn hay an tâm, mà là cảm giác bị đe dọa, tù túng, bức bối và ghê tởm. Để bảo vệ chính mình, họ có thể sẽ bắt đầu khước từ, thậm chí chối bỏ người đang dồn dập trao cho họ một thứ ân tình xa lạ – dù sâu thẳm bên trong, họ vẫn biết ơn tất cả những dịu dàng ấy. Nếu món ăn tinh thần mà họ từng thiếu thốn bỗng được dọn lên quá đầy đặn, đậm đà, họ sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phải nhổ ra.

Nếu thật lòng trân trọng một người, ta không chỉ nên nói với họ rằng họ đáng yêu biết bao, rằng ta muốn bên họ đến hết cuộc đời. Ta còn cần làm một điều đòi hỏi trí tưởng tượng và tấm lòng lớn hơn: hiểu họ tiếp nhận tình cảm như thế nào, và nhận ra rằng, để tình yêu của ta thực sự chạm đến trái tim họ, có khi nó phải được thể hiện một cách kín đáo, dịu nhẹ và khéo léo hơn nhiều.

Photo by Giacomo Folli on Unsplash

Bởi vì, sau cùng, thật chẳng tử tế gì khi ép ai đó nghẹt thở trong tình yêu, giữ họ quá chặt khiến họ phải vật lộn tìm lấy chút không gian cho riêng mình, rồi khiến họ ngập trong mặc cảm vì không thể yêu lại ta theo cách mà ta kỳ vọng. Để giữ một người mà ta thật sự quan tâm ở lại lâu dài, đôi khi ta cần tạm gác lại những đam mê bốc đồng của chính mình, và học cách lắng nghe – có thể là lần đầu tiên – cách riêng họ tiếp nhận yêu thương. Ta nên tự hỏi không chỉ “Mình muốn cho gì?” mà còn “Họ có thể đón nhận thế nào?”. Dù đó không phải là lựa chọn ta mong muốn nhất, có lẽ ta phải để họ có khoảng trống để nhớ đến ta; để họ được tự do gặp bạn bè thường xuyên, để họ có thể đi nghỉ xa mà không có ta bên cạnh; ta cần học cách không gọi điện liên tục, và không làm quá mọi chuyện khi họ chậm trả lời tin nhắn. Và ta sẽ làm tất cả những điều ấy – không phải vì ta không quan tâm – mà bởi vì ta quan tâm rất nhiều, và đã đủ thấu hiểu để nhận ra: cái giá của việc không làm vậy có thể là mất họ mãi mãi. Đó sẽ là một bi kịch sau cùng mà ta mang theo suốt đời. Ta phải để họ được là chính mình, với niềm tin rằng họ cần khoảng cách – không phải vì họ vô tâm, bạc bẽo hay đang chuẩn bị rời bỏ ta – mà bởi vì, do những tổn thương trong quá khứ, họ vừa khao khát yêu thương lại vừa vô cùng sợ hãi điều đó.

Khi yêu thật lòng một người, có thể điều dịu dàng nhất ta có thể làm chính là: đừng yêu họ quá nhiều, quá gấp gáp, hay quá mãnh liệt. Có khi ta phải rộng lòng đến mức dường như buông tay – để họ được tự do ở gần bên. Ta có thể phải giả vờ như không lo sợ việc mất họ – để đảm bảo rằng ta sẽ không bao giờ phải đánh mất họ.

Nguồn: WHY WE SHOULD – OUT OF LOVE – SOMETIMES NOT LOVE TOO MUCH | The School Of Life

menu
menu