Điều ta thật sự khao khát trong tình yêu

dieu-ta-that-su-khao-khat-trong-tinh-yeu

Rốt cuộc, ta thật sự mong đợi và khao khát điều gì trong tình yêu?

Rốt cuộc, ta thật sự mong đợi và khao khát điều gì trong tình yêu? Một câu trả lời – nghe thì đơn giản đến mức dễ đánh lừa, nhưng để hiểu thấu, cảm nhận và tìm thấy lại vô cùng gian nan – đó là: được nhìn thấy đúng đắn và được thấu hiểu trọn vẹn.

Điều ta mong mỏi không hẳn là được khen là "dễ thương", "thông minh" hay "xinh đẹp" (dù những lời ấy nghe cũng dễ chịu đấy). Cái ta thật sự cần là cảm giác rằng người đồng hành của ta có đủ kiên nhẫn, đủ sâu sắc, đủ bao dung và đủ rộng lòng để đón nhận những phần khó chấp nhận nhất trong con người ta – và rồi đối đãi với ta bằng sự dịu dàng, tò mò và đầy tưởng tượng. Là người có thể thấy được những điều ta giấu kín từ thuở nhỏ, những điều ta mang nỗi xấu hổ đến tận cùng và luôn nghĩ rằng không ai có thể chịu đựng nổi (và chính ta cũng chẳng dễ gì để người khác nhận ra). Ta không cần được sùng bái hay ngưỡng mộ; điều ta cần – phía sau nỗi sợ, những màn kịch, những trò chơi tâm lý và sự giấu giếm – là được chứng kiến và được giữ lại trong tình thương không đổi thay.

Photo by Yevgeniya Tyumina on Unsplash

Nếu nghĩ đến khoảnh khắc “lãng mạn” thật sự là gì, thì nó không nằm ở bữa tối sang trọng hay món quà xa hoa. Nó nằm ở lúc ta có thể cất lời, chia sẻ một điều rối ren và tưởng chừng không thể chấp nhận được – mà vẫn được lắng nghe. Ví dụ như: ta có những ham muốn tình dục mà người khác có thể xem là lệch lạc. Hay là ta vẫn còn vấn vương một người cũ. Hoặc ta đang cảm nắng một người không nên. Hay ta đang có nhiều lo lắng và bấp bênh trong công việc. Hoặc ta cảm thấy kỳ lạ về chính ngoại hình của mình. Hay ta đang ghét bỏ bản thân sâu sắc, đôi lúc rơi vào khủng hoảng tâm thần, đầy dằn vặt và tuyệt vọng.

Thật đáng sợ khi bộc lộ những rối rắm trong lòng với người khác. Và thường thì, tuổi thơ càng khắc nghiệt, ta càng sợ và càng khó khăn trong việc dám cởi mở như thế. Một tuổi thơ “tệ” là khi – vì nhiều lý do – con người thật của ta không hề được cha mẹ hay người chăm sóc chấp nhận. Một tuổi thơ để lại trong ta cảm giác xấu hổ về bản thân, cùng thói quen giấu kín bản thân đến mức chẳng ai có thể chạm tới. Trong một tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương, thực tại của ta không là điều ai thật sự quan tâm; không ai từng cúi xuống ngang tầm ta để cảm thông với những cảm xúc của ta (khi ta giận dữ, xấu hổ, buồn bã hay hoang mang). Thay vào đó, ta bị buộc phải thích nghi với nhu cầu của người lớn: một người cha dễ giận, thất thường; một người mẹ mong manh, khép kín. Ta buộc phải ngoan ngoãn, sạch sẽ, đạo đức, mạnh mẽ, nữ tính, nam tính… từ khi còn quá nhỏ để hiểu nổi những điều đó. Và dù sau này ta có thể trở thành người “thành công” (những đứa trẻ thiếu yêu thương thường rất giỏi làm vừa lòng người khác), thì niềm tin và lòng tự trọng trong ta cũng đã bị tổn hại nặng nề. Ta mang theo bài học đắng cay: "Nếu ai đó thấy được con người thật của mình, họ sẽ nổi giận và rời bỏ mình ngay. Không ai có thể thấy mình như mình vốn là – mà vẫn ở lại."

Một cách để hiểu những rắc rối trong chuyện tình cảm của người lớn là nhìn chúng như triệu chứng của nỗi lo sợ bị nhìn thấy và bị hiểu thấu – bắt nguồn từ tuổi thơ bị bỏ rơi. Khi bước vào thế giới hẹn hò với ký ức của một thập kỷ đầu đời tồi tệ, ta thường mang theo những nỗi sợ sâu sắc trong việc được người khác thực sự nhìn ra. Có thể ta sẽ trở nên vô cùng rụt rè, không dám chủ động. Ta sẽ rút lui ngay khi ai đó tỏ ra thích mình. Hoặc ta có thể cư xử rất "dễ thương", nhưng rồi chẳng bao lâu sau, không thể đóng vai nữa, ta ngoại tình, hoặc tự dưng thấy người kia không còn hấp dẫn – chỉ vì họ, hoàn toàn vô tình, đã khơi lên cảm giác mình đang sống trong một mối quan hệ giả tạo. Ta không bao giờ để cho mối quan hệ tiến sâu hơn; ngay khi có dấu hiệu thân mật thật sự, ta bỏ chạy – mà không hiểu vì sao. Ta đổ lỗi cho người kia là không hiểu mình, mà không nhận ra chính mình đã làm mọi cách để ngăn cản họ hiểu. Hoặc – như một cách khác để né tránh cùng nỗi sợ đó – ta chọn người mà rõ ràng sẽ không bao giờ thấy được con người thật của ta, người không thật lòng quan tâm – để khỏi phải đối mặt với nỗi giằng xé giữa mong được thấy và sợ không bao giờ được thấy.

Phần lớn những nỗi bất an ấy thường hiện rõ nhất trong chuyện chăn gối – thước đo đáng tin cậy của một mối quan hệ. Ở đó, nỗi giả tạo và áp lực “phải tốt” xuất hiện dữ dội, chỉ để tỏ ra bình thường. Ta chẳng thể tìm được khoái cảm trong tình dục – một khoảnh khắc lẽ ra nên là đỉnh cao của sự thành thật và tự do – vì sâu trong lòng, ta không tin ai có thể thấy rõ mình và vẫn ở lại. Sự ngại ngùng trong tình dục phản ánh sự giấu giếm trong cảm xúc. Cũng dễ hiểu thôi. Làm sao một người có thể lên đỉnh thật sự khi suốt đời chưa từng cảm thấy được người khác chấp nhận?

Có thể phải mất cả đời ta mới dần nhận ra nỗi sợ của mình, và bắt đầu học cách ứng xử khác:

— Từ chối những người mà, nếu ta thành thật với chính mình, ta biết họ không có đủ chiều sâu tâm lý để hiểu được ta.

— Tìm đến những người phù hợp hơn và học cách chịu đựng cảm giác buồn nôn, sợ hãi mà họ gợi lên – vì đó không phải lỗi của họ, mà là nỗi sợ bị hiểu của chính ta.

— Nhận ra rằng, chính khi ta lạc lối, vụng về hay "kỳ cục" trước mắt ai đó, thì mới thật sự có cơ hội để gắn bó sâu sắc với họ.

— Xác định những điều khiến ta xấu hổ nhất, rồi tìm cách diễn đạt chúng một cách thật lòng nhưng khéo léo – để người tốt bụng và biết lắng nghe có thể hiểu và đón nhận.

— Cho phép bản thân cảm nhận niềm hạnh phúc khi sự thật của ta được gặp gỡ bằng sự cảm thông và dịu dàng; nhận ra rằng, cuối cùng – đây mới thật sự là tình yêu; rằng đây, rốt cuộc, chính là điều mà tình yêu luôn phải có.

Nguồn:  WHAT WE TRULY LONG FOR IN LOVE | The School Of Life

menu
menu