Khi tình yêu hóa áp lực: những nỗi đau của sự gắn bó

Một trong những rủi ro đau lòng nhất của tình yêu là khi một mối quan hệ vốn dĩ có thể tiến xa lại tan vỡ chỉ vì hai người không hiểu đúng phong cách gắn bó của nhau.
Một trong những rủi ro đau lòng nhất của tình yêu là khi một mối quan hệ vốn dĩ có thể tiến xa lại tan vỡ chỉ vì hai người không hiểu đúng phong cách gắn bó của nhau. Hai con người tưởng chừng đã sẵn sàng cùng nhau xây đắp cả một thế giới riêng lại chia xa, mang theo trong lòng cảm giác bị tổn thương, mà không ai thật sự hiểu tại sao và bằng cách nào điều đó đã xảy ra. Đây là một tấm bản đồ, theo một nghĩa nào đó.
Mọi chuyện bắt đầu khi một người mang phong cách gắn bó lo âu gặp gỡ một người mang phong cách gắn bó né tránh – nhưng đồng thời lại đầy sợ hãi.
Tuổi thơ của người có phong cách gắn bó lo âu thường gắn liền với cảm giác rằng tình yêu luôn mong manh, chỉ có thể giữ được bằng sự cảnh giác thường trực và những phản ứng mạnh mẽ. Bất cứ lúc nào, người họ yêu thương cũng có thể rời đi – và điều đó chỉ có thể ngăn chặn bằng sự giận dữ, cằn nhằn hay luôn luôn dò xét. Với họ, khoảng cách là một cơn khủng hoảng. Sự im lặng luôn là điều kinh hoàng. Thế nên, họ tăng cường đòi hỏi, hỏi người kia đã ở đâu cả buổi chiều, trách móc vì tin nhắn đến trễ một chút, và không quên cho người yêu biết rằng họ không thích việc người kia có bạn bè riêng hay đi du lịch một mình.
Photo by Jari Hytönen on Unsplash
Tưởng rằng làm vậy là để giữ lấy tình yêu, nhưng trong một số trường hợp, đó lại là chiến lược hoàn toàn thất bại. Trớ trêu thay, người mang trái tim lo âu ấy – một tâm hồn không xấu xa mà chỉ quá tổn thương – lại vô tình tạo ra chính điều khiến người kia khiếp sợ nhất trong tình yêu: cảm giác bị nuốt chửng.
Trong khi đó, một tuổi thơ hoàn toàn khác – thường là điều cả hai không hề hay biết – đã hình thành trong người còn lại một vấn đề khác biệt: phong cách gắn bó né tránh và đầy sợ hãi. Với họ, những năm đầu đời đã dạy rằng con người thường là nguồn cơn của rắc rối. Họ xâm phạm không gian riêng tư, làm tổn thương bản thể cá nhân, đưa ra lời khuyên lệch lạc, dễ dàng chuyển tình cảm sang anh chị em khác, đòi hỏi những điều vô lý và thờ ơ với những nỗi đau chân thật. Từ đó, họ học được rằng cách duy nhất để sống an toàn là rút lui và dựng lên những rào chắn. Dù rất khao khát yêu thương, nhưng sâu trong lòng họ, cảm giác an toàn chỉ đến khi họ ở một mình. Những người này không giấu giếm vì muốn thế, mà bởi cuộc đời đã dạy họ rằng hiếm ai có thể thực sự chịu đựng được họ.
Người mang phong cách gắn bó né tránh cần thời gian và không gian để làm quen với một ý niệm hoàn toàn mới mẻ: rằng có thể ai đó thật lòng quan tâm đến họ. Khi tình cảm ngày càng sâu đậm, họ lại càng cần có những khoảnh khắc được buông lơi. Không phải họ không yêu – mà là họ cần được yêu theo cách riêng, với những khoảng lặng để thở. Họ sẽ bắt đầu tìm lại những người bạn cũ đúng lúc vai trò của người yêu ngày càng lớn hơn. Khi sự gắn bó tăng lên, nỗi lo bị mất bản thân, bị tổn thương, bị giam hãm cũng lớn dần. Họ có thể – mà không rõ vì sao – bắt đầu mơ mộng về những cuộc phiêu lưu tình ái xa lạ, hay không còn trả lời tin nhắn một cách chỉn chu như trước. Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là họ thật sự muốn ra đi – đó chỉ là phản ứng bản năng trước nỗi hoảng sợ đang dâng lên trong họ.
Vấn đề là cả hai đều không thể hiểu được nỗi sợ của chính mình – hay cách mình phản ứng với nó – chứ đừng nói gì đến việc giải thích cho người kia hiểu. Người lo âu không nhận ra rằng mình đang hoảng hốt quá mức, cũng không thấy được mình đang trở nên đáng sợ ra sao qua những lời trách mắng. Còn người né tránh cũng không hiểu được rằng sự rút lui của họ lại có thể khiến người kia cảm thấy bị đe dọa. Không ai trong hai người hiểu được chính mình, nên cũng không thể cất lời một cách dịu dàng và đúng lúc để nói rằng: “Mình xin lỗi, mình đã siết chặt quá.” Hay: “Tha lỗi cho mình, mình không cố tình lạnh nhạt – chỉ là mình cần được thở.”
Những lời lẽ có thể cứu vãn tất cả đã không được thốt ra, và một vòng xoáy bi kịch bắt đầu. Người gắn bó lo âu, cảm thấy người kia dần xa cách, càng lúc càng siết chặt hơn. Họ viết những email dài vào giữa đêm, trách móc đủ điều. Còn người né tránh thì ngày càng trở nên khó hiểu và lảng tránh. Họ viện lý do để về trễ, trì hoãn phản hồi, và bỗng dưng có hàng loạt tiệc sinh nhật mà họ phải đi một mình.
Cuối cùng, người mang gắn bó lo âu không chịu nổi nữa và tạo ra một cơn khủng hoảng. Dù trong lòng vẫn đầy yêu thương, họ tuyên bố sẽ rời đi – không phải vì muốn thế, mà vì nỗi lo đã vượt ngưỡng chịu đựng. Về phía người né tránh, dù vẫn còn chút tình cảm, họ có lẽ đã trở nên tê liệt trước áp lực và lặng lẽ nhìn mối quan hệ đổ vỡ – nhẹ nhõm vì mọi giông bão cuối cùng cũng kết thúc, để họ quay về với công việc và hy vọng vào một mối quan hệ “nhẹ nhàng hơn” trong tương lai.
Nếu còn một tia hy vọng nào đó, thì nó nằm ở chỗ: những khuôn mẫu này đều đã được đặt tên. Chúng xuất hiện khắp nơi – ở Cheshire hay New South Wales, ở Mallorca hay Oslo – và có thể được ngăn ngừa nhiều hơn nếu chúng ta hiểu rõ hơn (và có đủ can đảm để bước vào những tháng năm trị liệu đầy khó nhọc). Khi cả hai vẫn chưa quá mệt mỏi, khi những điều tốt đẹp vẫn còn nhiều hơn những điều tồi tệ, một người thực sự dũng cảm có thể một ngày nào đó dám gửi đoạn viết này cho người kia, nhẹ nhàng nói: “Mình thấy bài viết này có chút gì đó giống với tụi mình. Mình xin lỗi vì đã khiến chúng ta tổn thương lẫn nhau. Nếu cậu thấy có gì đồng cảm, hãy cho mình biết.”
Nguồn: WHEN LOVE FEELS LIKE PRESSURE: THE PAINS OF ATTACHMENT | The School Of Life