2 kiểu làm mẹ độc hại: Người mẹ Ái kỷ và Thích Kiểm soát

2-kieu-lam-me-doc-hai-nguoi-me-ai-ky-va-thich-kiem-soat

Những bà mẹ có tính ái kỷ cao và những bà mẹ có nhu cầu kiểm soát con gái thường xem con cái như sự mở rộng của bản thân họ, chứ không phải như một cá nhân độc lập.

"Mẹ tôi rất quan tâm đến thể diện bên ngoài. Thiên hạ nghĩ gì. Thiên hạ nói gì. Ai được bàn tán ở nhà thờ, trên báo địa phương, ai đoạt giải thưởng. Hồi bé, cả anh trai và tôi đều chấp nhận điều này như chuyện thường tình ở đời; bạn là ai không quan trọng, quan trọng là những gì bạn làm và có ai ngưỡng mộ bạn hay không. Tôi từng là một đứa trẻ xinh xắn, nhưng theo mẹ thì tôi đã biến thành đứa hậu đậu khi học tiểu học và sau này. Tôi quá béo, quá vụng về, và tôi chỉ có vậy thôi. Tôi lớn lên cùng nỗi xấu hổ về bản thân mình, chị biết đấy. Anh trai tôi chơi đá banh, nhưng học thì toàn bị điểm kém; ở thị trấn nhỏ của chúng tôi, điều đó đã biến anh thành một ngôi sao. Còn tôi đi học được điểm tốt, nhưng bà ấy thì dừng chụp ảnh tôi khi tôi lên 10. Mấy bức hình tôi có là do họ hàng và bạn bè chụp. Thật kinh khủng làm sao!"

Những đứa trẻ không được yêu thương chia sẻ một vài kinh nghiệm trong số đó. Đứa trẻ bị bỏ bê và ít được quan tâm thường sống trong bóng tối, nhưng không hiểu được nỗi khổ khi sống dưới vầng mặt trời chói lòa của một người mẹ có tính ái kỷ cao. Đứa con của một bà mẹ lạnh lùng luôn chịu áp lực phải thành công và thu hút sự chú ý, vì cô ấy cần cố gắng giành được tình yêu của mẹ, nhưng nó xuất phát từ bên trong, trái ngược với đứa con gái của một bà mẹ thích kiểm soát, liên tục thúc đẩy và uốn nắn con cái. Đứa con gái bị kiểm soát thiếu không gian để hành động, suy tư, cảm nhận, và được là chính mình. Người mẹ hiếu chiến dạy con mình tự vệ, tránh xung đột bằng mọi giá, và không trở thành trung tâm thu hút sự chú ý—chiến thuật ngược lại của những cô con gái có mẹ lạnh lùng.

Mặc dù tất cả những bà mẹ ấy đều không thương con, song con gái của họ lại xây dựng những chiến lược đối phó kém thích nghi khác nhau, có những phản ứng cảm xúc riêng biệt, và bị tổn thương theo những cách riêng.

Những điểm chung giữa hai bà mẹ

Những bà mẹ có tính ái kỷ cao và những bà mẹ có nhu cầu kiểm soát con gái thường xem con cái như sự mở rộng của bản thân họ, chứ không phải như một cá nhân độc lập. Mức độ mà đứa con nhận được sự hỗ trợ, quan tâm và chú ý—nói thẳng, tôi không dùng từ “yêu thương” ở đây—hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng thỏa mãn những kỳ vọng của mẹ tốt đến đâu.

Những bà mẹ này phóng chiếu nhu cầu của mình sang con gái, và không hiểu rằng con cái cũng có nhu cầu của chúng. Cả hai bà mẹ thích kiểm soát và ái kỷ đều tỏ ra, ít nhất là dưới con mắt của người ngoài, là rất tài năng và thậm chí hoàn hảo, dù cả hai kiểu này trong sâu thẳm có thể mang cảm giác bất an về bản thân, sợ bị lột mặt nạ hoặc bị chỉ ra điểm thiếu sót. Những cảm xúc thầm kín đó đơn giản là tăng lên khi bàn đến cuộc sống của họ trông ra sao, và cả hai có xu hướng là những người cầu toàn về mọi thứ, kể cả con gái của họ. Tham vọng của họ—được mọi người nể phục và săn lùng—được chuyển sang con cái của họ. Họ yêu cầu đứa con phải trông thật ngon lành trước mặt mọi người cũng như được người khác ngưỡng mộ. Vì những đứa con của bà ấy chỉ được xem như sự phản chiếu về bản thân bà, cho nên bất cứ thiếu sót nào ở đứa trẻ đều trở thành dự án ‘tự tay làm lấy’ của người mẹ, một thứ gì đó cần phải giải quyết hay khắc phục để phù hợp với khu vườn được chăm chút hoàn mỹ và thể diện được kiểm duyệt cẩn thận mà bà ấy phô bày trước thiên hạ.

"Ngày xưa mẹ tôi tuyên bố tôi không được thân thiện với tất cả mọi người. Có những người sẽ ảnh hưởng xấu đến tôi, làm xấu mặt gia đình chúng tôi, và đó là những đứa trẻ mà tôi không được mời tới nhà chơi. Những người bạn mà bà chọn cho tôi là những đứa trẻ mà tôi cảm thấy không thoải mái khi ở bên, vì vậy tôi dừng nỗ lực kết bạn. Nhưng điều đó vẫn chưa vừa lòng bà—có một đứa con gái mọt sách chỉ thích đọc sách mà không tham gia thể thao hay kịch nghệ ở trường quả là một điều đáng xấu hổ. Bà ấy dồn sức sang em gái tôi, vì nó ngoan, dễ bảo hơn tôi, và trút hết mọi tội lỗi lên đầu tôi (dê tế thần). Tôi hiện đã 39 tuổi, và điều đó vẫn là câu chuyện không hồi kết."

ÁI kỷ hay Kiểm soát: Đôi lúc đan xen với nhau, đôi lúc không 

Dù hai kiểu làm mẹ này dường như có quan hệ thân thuộc và thậm chí hoán đổi được cho nhau—người ái kỷ có thể thích kiểm soát, còn kẻ kiểm soát cũng có thể có tính ái kỷ—song họ lại có những động cơ khác nhau, cũng như những cách riêng để bao biện cho hành vi của mình.  

Cách đối xử với con cái của bà mẹ ái kỷ bị thúc đẩy bởi mong muốn liên tục trở thành trung tâm thu hút chú ý. Cách đối xử với con cái của bà ấy không thấu đáo về bất kỳ phương diện nào, và sự thật là bà ấy không ý thức được điều gì thúc đẩy hành vi của mình. Con cái của bà phải mang lại tiếng tốt cho mẹ, hoặc không; không có lựa chọn thứ ba. Chúng sẽ làm mẹ vui lòng hoặc không, và nếu là cái sau thì đứa trẻ sẽ là ‘dê tế thần’ (scapegoated) và trở thành đối tượng duy nhất hứng chịu chỉ trích. Người mẹ này tham gia vào rất nhiều trò chơi và thao túng tinh thần để mọi người luôn phải chú ý đến bà; đó là mục tiêu của bà ta.

Bà mẹ thích kiểm soát thì lại quan tâm đến một vấn đề quan trọng khác. Bà ta cũng quan tâm đến thể diện bên ngoài, giống như bà mẹ ái kỷ, nhưng lại bị thúc đẩy bởi nỗi sợ và sự bất an của mình, và không phó mặc cho may rủi. Bà ta cần được người khác cần đến mình, cần được khen ngợi và đề cao. Khi nói đến chuyện nuôi dạy con cái, bà ta không tin tưởng vào sự thất thường của số phận hay vận may. Trong khi bà mẹ ái kỷ hứng thú với việc có quyền lực lên những người khác, kể cả con cái của bà, bà mẹ hay kiểm soát thì lại tin rằng nếu không có sự can thiệp của bà thì đứa trẻ gần như sẽ đụng đâu hỏng đó. Bà ấy bị thúc đẩy bởi nỗi sợ, nhưng lại ngụy trang cho sự kiểm soát của mình như một dạng sức mạnh. Bà ấy là một người mẹ độc đoán—đó là thông điệp 24/7 “một là theo ý tao, hai là ra khỏi nhà”—nhưng thực sự tin rằng đó là một điều cần thiết. Phải nói là, những thông điệp mà bà ấy gửi đến con gái mình nhấn mạnh thực tế rằng, nếu không có sự giúp đỡ của bà thì đứa con gái sẽ thất bại.

Gắn bó không an toàn như một cơ chế đối phó    

Những đứa trẻ không được đáp ứng nhu cầu tình cảm thời thơ ấu—khi người mẹ không đủ hòa hợp, phớt lờ hoặc không trao cho cô sự hỗ trợ và không gian để khám phá—được cho là sẽ có kiểu gắn bó không an toàn. Có 3 kiểu gắn bó không an toàn: lo lắng/bận tâm, né tránh-xua đuổi, và né tránh-lo sợ. Những cô con gái thuộc kiểu gắn bó lo lắng /bận tâm thực lòng muốn có mối quan hệ thân mật, nhưng cô ấy luôn trong tâm trạng đề phòng bị người ta hắt hủi hoặc từ chối; cô cực kỳ nhạy cảm trước thái độ khinh thường và tình cảm thất thường. Người né tránh-xua đuổi thì không tìm kiếm mối quan hệ thân mật; cô ấy xem người khác là quá đeo bám/lệ thuộc và lấy làm tự hào về khả năng sống độc lập và kiên cường của bản thân. Người né tránh-lo sợ thì thực sự muốn gắn kết, nhưng tính dễ bị tổn thương về mặt tình cảm khiến cô luôn phải tự vệ; cô bị thúc đẩy bởi nỗi sợ.

Khi trưởng thành, những cô con gái của bà mẹ ái kỷ và hay kiểm soát có thể bộc lộ bất kỳ kiểu gắn bó nào trong số trên hoặc kết hợp của vài kiểu gắn bó.

Những cô con gái của bà mẹ ái kỷ và bà mẹ thích kiểm soát có điểm chung nào

  1. Khó kiểm soát cảm xúc.

Điều này, cùng với trí tuệ cảm xúc bị suy giảm, là điển hình của mọi đứa con gái không được đáp ứng nhu cầu tình cảm thời thơ ấu, bất kể kiểu làm mẹ nào. Đứa trẻ học cách kiểm soát cảm xúc buồn phiền và tổn thương thông qua tương tác với một người lớn hòa hợp, thường là mẹ, trong giai đoạn thơ ấu. Theo lý giải của thuyết gắn bó, khi quá trình này không diễn ra, đứa trẻ hoặc là sẽ xua đuổi cảm xúc của chúng để né tránh stress (kiểu gắn bó né tránh—avoidant attachment) hoặc ngập chìm và choáng ngợp bởi cảm xúc (kiểu gắn bó lo âu—anxious attachment).

  1. Thiếu khả năng nhìn nhận rõ ràng về bản thân.

Vì cả hai kiểu làm mẹ trên đều tập trung vào những thứ bên ngoài—đứa con gái được định nghĩa bởi những việc mà cô ấy làm, chứ không phải con người của cô ấy—nên đứa con gái dễ quên đi những suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu, khát khao và tham vọng của mình. Nhiều cô con gái khi bước vào tuổi trưởng thành nhưng lại mù tịt về bản ngã thật sự của mình, vốn đã bị chôn vùi rất sâu.

  1. Quan niệm méo mó về tình yêu

Những bà mẹ đó dạy con họ rằng tình yêu luôn đi cùng với một thứ gì đó có qua có lại hoặc những điều kiện ràng buộc, và quan niệm đó có thể khiến cô con gái gặp trắc trở suốt cuộc đời. Cô ấy có khả năng bị thu hút trước những người đối xử với cô y hệt như mẹ—chúng ta đều bị thu hút trước sự quen thuộc, ngay cả khi điều đó làm cho đời ta bất hạnh—và những người định nghĩa về tình yêu theo cách tương tự.

Ảnh hưởng của Bà mẹ Ái kỷ   

Vì bà mẹ này là một tay chơi và kẻ thao túng sành sỏi, luôn tìm cách trở thành trung tâm của sự chú ý, ảnh hưởng của bà lên con gái phần nào phụ thuộc vào sự phục tùng của đứa trẻ. Một đứa con cưng thuận theo kế hoạch của mẹ, quên mất chính mình; nếu cô ấy đủ tách biệt, bản thân cô ấy có thể bộc lộ những nét tính cách ái kỷ. Còn một đứa con gái bị chọn làm ‘dê tế thần’ thì nhận ra sự độc hại, nhưng cô ấy có thể trải qua khủng hoảng tinh thần nặng nề. Nên làm gì: Chú ý đến cảm xúc và nhận thức của chính cô, hay là ở lại cuộc chơi nhằm cố gắng giành được tình yêu của Mẹ?

Bất kể vị trí của cô ấy là gì—dù là con cưng hay đứa con bị ghẻ lạnh—con gái của bà mẹ ái kỷ sẽ bị ảnh hưởng theo một số cách đặc thù.

  1. Thói quen tự phán xét và chỉ trích bản thân.

Những thách thức đối với trí năng của đứa con gái, cho dù thông qua hành vi thao túng gaslighting hoặc liên tục nhắc đi nhắc lại về những thiếu sót của cô ấy, đều để lại dấu ấn. Dù bên ngoài cô ấy có thể là người thành đạt nhưng trong lòng thì đầy ắp sự hoài nghi về bản thân. Chí ít thì có một giai thoại cho rằng dường như không có sự trung lập khi xét về phương diện thành công: các cô con gái sẽ loạng choạng và không thể đề ra hoặc đạt được mục tiêu, hoặc họ đang làm rất tốt trong cuộc sống.

  1. Bình thường hóa hành vi ái kỷ 

Mọi đứa trẻ đều tin rằng thế giới bé nhỏ của gia đình mà chúng đang sống cũng giống như những gia đình khác; chúng tin rằng những chuyện đang diễn ra trong nhà chúng cũng đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Đứa con gái của một bà mẹ ái kỷ có thể tin rằng bị sỉ nhục hay gạt sang bên lề là chuyện thường tình trong cuộc sống, và bạn phải giành từng chút quan tâm chú ý hoặc nếu cô ấy là đứa con cưng hoặc đứa con được mẹ ưu ái, rằng tình yêu đòi hỏi bạn che giấu bản chất thật của mình và trở thành bất cứ điều gì mà mẹ bạn mong muốn. Khả năng cao là cô ấy sẽ bị thu hút trước những người bạn và người yêu có tính ái kỷ, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian thì cô mới nhận ra mình từng bị tổn thương nhiều như thế nào vì cách đối xử của mẹ, vì sự chấp nhận ngầm của bà ấy.

  1. Gặp nhiều khó khăn với sự thân mật và gắn kết  

Dù cô con gái này có thể mong muốn những mối quan hệ mật thiết, nhưng việc cô ấy thiếu khả năng kiểm soát nỗi sợ và sự bất an của mình đồng thời lại thu hút những kẻ đối xử với cô giống như mẹ cô đã (hoặc đang làm) sẽ ngáng đường cô.

Ảnh hưởng của Bà mẹ thích Kiểm soát  

Buồn thay thuật ngữ “cha mẹ trực thăng” lại lẻn được vào cuộc bàn luận này, vì nó nghe có vẻ nhân đức hơn rất nhiều so với từ “kiểm soát”—và kiểu làm mẹ này chẳng có gì nhân từ hay tốt đẹp cả.  Những cô con gái này có một chế độ ‘ăn’ 24/7 liên tục khiến cô cảm thấy mình kém cỏi, cùng một thông điệp nhất quán sau: “Mày chẳng làm nên cơm cháo gì nếu không có mẹ.”

Lớn lên theo cách này khiến họ gặp phải nhiều vấn đề và thiếu hụt cụ thể.  

  1. Nhầm lẫn sự kiểm soát với sức mạnh.

Cách cô con gái hợp lý hóa cho hành vi của mẹ mình—“Bà ấy hơi độc đoán, nhưng bà luôn quan tâm đến tôi,” “Bà ấy thực sự có ý tốt,” “Bà ấy không biết việc đó khiến tôi tổn thương thế nào”—thường khiến cô lẫn lộn không phân biệt được giữa mạnh mẽ và bị kiểm soát. Than ôi, cô ấy có thể cảm thấy thoải mái khi ở cạnh những người luôn chỉ đạo cô, ngay cả khi họ khiến cô bất hạnh và bỏ qua những nhu cầu và suy tư của cô, giống như mẹ cô ấy.

  1. Thiếu kiên cường.

Thói quen tự chỉ trích bản thân đã ăn sâu vào tâm khảm của nhiều cô con gái đến nỗi họ chủ yếu bị thúc đẩy bởi việc né tránh thất bại bằng mọi giá. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều phải chịu đựng nhiều thất bại và phạm sai lầm, nhưng con gái của một bà mẹ thích kiểm soát xem những lúc như vậy là biểu hiện cho lý do tại sao cô là người vô giá trị và rất khó vực dậy. Có kỳ vọng thấp, hoặc không có tham vọng thường là một khuôn mẫu kéo dài suốt đời cô ấy.

  1. Cuộc sống tù túng do sức ì

Một bà mẹ hay kiểm soát tước đi của đứa con gái không gian để đưa ra lựa chọn và tin tưởng vào tư duy và trực giác của cô ấy. Khi trưởng thành, những cô con gái đó hay sợ hãi và thường thiếu khả năng tự hành động, và kết cuộc là họ làm theo những điều người khác kỳ vọng. Thiếu sự dẫn dắt định hướng, họ có nhiều khả năng vẫn ở lại trong những tình cảnh—cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân của họ—khiến họ đau khổ.

 

Nội dung này được trích từ cuốn sách Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/tech-support/201709/is-your-mother-narcissistic-or-controlling

menu
menu