Mất địa vị dễ rơi vào trầm cảm hơn?
Ở cả người và động vật, địa vị xã hội có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nghiên cứu mới trên tạp chí Cell của nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã công bố những phát hiện mới từ mô hình trầm cảm trên chuột và những cơ chế thần kinh quan trọng đằng sau quá trình này.
Ở cả người và động vật, địa vị xã hội có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: health.harvard.edu
Alpha là “vua” trong một bầy chuột. Khi gặp những con chuột khác trong đường ống, Alpha có thể dễ dàng khiến chúng bỏ chạy chỉ với một cái liếc mắt. Tuy nhiên, một ngày, một con chuột bé nhỏ đã trực tiếp đẩy Alpha ra khỏi đường đi chỉ sau vài giây đụng đổ. Sau khi liên tiếp trải nghiệm thất bại, Alpha dần trở nên trầm cảm.
Sự đảo ngược này đã được “dàn dựng” bởi một nhóm các nhà khoa học não bộ – những người đã chứng kiến toàn bộ quá trình “đánh mất ngôi vua” của Alpha và ghi lại những hoạt động thần kinh trong não của con chuột này. Sau sáu năm làm thí nghiệm, nhóm nghiên cứu do giáo sư Hu Hailan dẫn đầu đã thiết lập một mô hình trầm cảm trên chuột để khám phá những cơ chế thần kinh quan trọng đằng sau đó.
Hệ thống phân cấp xã hội là điều rất phổ biến ở cả người và động vật. Để đo thứ bậc xã hội ở chuột, nhóm của Hu đã phát triển thử nghiệm trong các ống, theo đó thứ bậc xã hội của mỗi con chuột được xác định bằng số trận thắng khi thi đấu với những con chuột khác trong đường ống.
Ở cả người và động vật, địa vị xã hội có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Một nghiên cứu về những người nhập cư ở Hoa Kỳ cho thấy, những người nhập cư bị “suy giảm” địa vị xã hội dễ mắc trầm cảm hơn gấp gần ba lần so với những người khác.
Cơ chế thần kinh đằng sau những hiện tượng này đã truyền cảm hứng cho giáo sư Hu Hailan. “90% các trường hợp trầm cảm của con người là do các yếu tố xã hội kích hoạt”. Đối với các nhà khoa học, bước đầu tiên trong nghiên cứu là xây dựng các mô hình động vật có thể mô phỏng quá trình này trong phòng thí nghiệm. Do đó, Alpha trở thành con chuột “được chọn” vì nó là “vua” trong các thí nghiệm “đường ống”.
Theo đó, khi một con chuột nhỏ sắp phải đi qua đường ống, các nhà khoa học đã chặn lối đi đằng sau của nó để chừa lại lối thoát duy nhất ở phía trước. Do đó, con chuột nhỏ này đã gồng mình để đẩy mạnh Alpha và sau vài lần xô đẩy qua lại, Alpha bị đẩy ra khỏi đường.
Sau nhiều ngày liên tiếp bị “bắt buộc phải thất bại”, ngay cả khi không có sự can thiệp của con người, con chuột “vua” bắt đầu nhường nhịn con chuột nhỏ một cách tự nhiên. “Điều này cho thấy nó đã mất đi vị trí thống trị của mình”, Fan Zhengxiao – tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Các bài kiểm tra bơi hoặc các sở thích về đường sau đó cho thấy Alpha thể hiện các hành vi giống như trầm cảm. “Ở một mức độ nào đó, trải nghiệm của Alpha cũng giống như sự trầm cảm do bị suy giảm quyền thống trị trong thế giới loài người. Các nhà nghiên cứu có thể thực hiện các thí nghiệm trên mô hình động vật mới này để khám phá cơ chế thần kinh đằng sau nó”, Fan Zhengxiao nói.
Theo Fan Zhengxiao, những con chuột có địa vị thấp hơn sẽ không chán nản ngay cả khi chúng liên tục bị thua trước những con chuột có thứ bậc cao hơn. Các hành vi giống như trầm cảm chỉ được kích hoạt ở những con chuột có thứ hạng cao hơn – những con chuột mà địa vị xã hội của chúng bị suy giảm nhanh chóng. Điều này cho thấy trầm cảm có thể liên quan đến sự khác biệt giữa kỳ vọng chiến thắng và sự thua cuộc trong thực tế.
Trong nghiên cứu, nhóm của Hu liên tục “diễn lại” kịch bản “mất ngôi” và theo dõi hoạt động của canxi và tín hiệu hoạt động điện thần kinh ở các vùng não cụ thể thông qua phép đo quang sợi. Sau một loạt thí nghiệm, cơ chế thần kinh dần thể hiện rõ ràng. Nhóm của Hu đưa ra giả thuyết rằng lỗi “dự đoán phần thưởng” có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi thần kinh, làm trung gian cho các hành vi giống như trầm cảm do mất địa vị xã hội.□
Kim Dung lược dịch
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2023-03-people-high-social-status-prone.html
Theo tạp chí Tia sáng